Lựa chọn của chúa... - Chương 1
Nó, được sinh ra trong một khu hẻm nhỏ, là một thằng bé hiếu động và nghịch phá.
Khu hẻm của nó rất đông người qua lại, đa phần là thành phần lao động chân tay. Nghèo, không hẳn đúng với thiểu số.
Tuổi thơ nó trải qua trong căn nhà chật chội và cũ, nhưng so với xóm giềng lân cận, nhà nó coi cũng được. Nó sống với ông nội, bà nội, ba, mẹ nó cùng với cô và cậu của nó. Cả gia đình đông người vậy mà nhét vẫn lọt vào cái căn nhà nhỏ xíu đó.
Nhắc đến chuyện xưa, ba mẹ nó học trong ngành thể dục thể thao. Ra trường, ba nó khởi đầu bằng vận động viên chạy bộ nghiệp dư, mẹ nó là giáo viên thể dục trường tiểu học. Mới nghe đã thấy cái nghề cầm chắc kiếm được ít tiền. Quả thật vậy, lương kiếm được lo chẳng nổi cho gia đình 7 miệng ăn.
Cô nó đang là sinh viên năm 2 của một trường bán công. Ngoài đi học ra, tối còn phải đi làm thêm kiếm chút tiền phục gia đình. Cậu nó thì làm công cho một sạp báo nhỏ. Cái sạp báo vắng tanh như chùa bà đanh, tội nghiệp, cả ngày đi làm chỉ lo đập muỗi hoặc là dán mắt vào mấy quyển báo. Cầm chắc tiệm báo đóng cửa vào năm sau. Ông bà nội nó thì đã về hưu, cái lương hưu nghèo nàn, thôi đành chịu. Cái số nhà nó thế.
Nhà nó vậy nên nó khổ. Nó chỉ có đúng ba bộ đồ, một bộ đã là đồng phục tiểu học, vậy là còn lại hai bộ cho ngày thường. Suốt cả một tuần, nó chỉ mặc đúng 1 bộ, bộ còn lại nó để dành, để lỡ chạy chơi mà làm dơ quần áo, vẫn còn có bộ áo sơ cua. Nhà nó vốn chỉ tiêu tiết kiệm, thế là nó cũng đành 1 tuần tắm một lần. Nó ở dơ nhưng không sợ bạn bè trong xóm chê cười, tụi nó cũng giống nhau ấy mà. Bạn bè trong lớp cũng chẳng ai để tâm, trường tiểu học nho nhỏ trong xóm thì suy ra tụi học trò cũng đâu khác nhau mấy.
Vấn đề ăn uống thì khỏi nói. Nó thường thích ăn thịt kho cùng trứng, nó khoái nhất món đó. Vậy mà cả buổi nó chỉ được ăn nửa cục trứng và 2 cục thịt, chả bõ dính răng. Sau này, nó thèm ăn thịt bò. Tất cả quy tại cô nó, đi làm tốt cuối tháng được thưởng thêm chút tiền, vậy là đãi cả nhà món thịt bò. Bữa đó, nó ăn ngon lành. Ông bà nội nhìn cháu nó ăn mà ứa nước mắt. Bố mẹ nó không khóc, ô hay, khóc làm gì, cái phận nó đã vậy.
Nhà nó khổ sở, nhưng nó không kêu than nửa lời. Nó ngoan lắm, nó hiểu, nó biết, là nhà nó nghèo. So với những đứa bạn cùng trang lứa, nó là đứa hiểu chuyện nhất, và trưởng thành trong suy nghĩ nhất. Thôi cũng mừng.
Một năm sau, sạp báo của cậu đóng cửa, cậu không có tiền lương, gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn hơn. Chưa hết, bố nó trong một lần thi đấu, bất cẩn làm chân bị thương. Chẳng hiểu gì nhưng nghe bác sĩ bảo thương tích nặng lắm, không thể tiếp tục thi đấu. Bố nó đành từ bỏ ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Bữa đó cả nhà ai cũng buồn, buồn lắm, sau này biết phải làm sao đây. Bố nó chẳng nói với ai câu nào suốt cả 3 ngày, làm cả nhà lo lắng một phen. Sau cũng hết buồn, thì tại số nó thế.
Mẹ nó quyết định bỏ nghề giáo viên thể dục. Nhờ một người bạn giúp đỡ, bà được người ta nhận vào làm tiệm bán vàng. Bố nó thì xin vào làm cho một tiệm mướn phim. Cậu nó thì xin được việc làm công nhân khuân vác. Cả nhà nó tiếp tục cái số có lương nhưng vẫn nghèo.
Năm nó lên 8, nó hay đòi mẹ cho đi chung. Sạp vàng của mẹ nó đặt trong chợ, ở chợ có rất nhiều món ngon vật lạ, vậy là nó thích, nó xin đi. Mẹ nó cũng chiều nó. Mấy ngày đầu vui lắm cơ. Nó chạy quanh khắp chợ làm mẹ nó khổ sở đuổi theo. Mẹ nó dặn không được đi đâu xa, chỉ được quanh quẩn khu gần sạp mẹ nó. Mấy người bán hàng quanh đó quen mẹ nó nên cũng yên tâm hơn. Nó gật đầu đồng ý.
Nó nói và nó thực hiện những lời nó hứa. Nó chỉ đi quanh quẩn gần sạp mẹ nó. Nó chạy đến tiệm bán chè gần đó, có cô Tư tốt bụng, đãi nó ăn món chè thập cẩm khoái khẩu. Phía bên tay trái có chú Ba làm nghề hớt tóc, chú ấy hay gội đầu miễn phí cho nó, nhờ vậy mà đầu của nó thơm tho hẳn lên, không còn như trước kia, hôi như cú. Phía bên tay phải là gia đình nhà cô Năm bán giày, bữa nào ế ẩm, cô Năm “khuyến mãi” cho nó đôi giày mới. Vậy thì, cô Năm ơi, ế tiếp đi. Gần đó còn có tiệm phim của chú Bảy, hay chiếu phim siêu nhân thường xuyên. Power Ranger, phim siêu nhân nó thích nhất. Nhân vật chính cứ giơ cái mề đai nào đó ra là biến thành siêu nhân, thích lắm. Nó cũng từng làm thử, thế mà chả được.
Ngoài ra còn nhiều và nhiều nữa, như là tiệm bò bía, tiệm quần áo, tiệm bánh, v.v…
Chơi được chừng vài 1 tháng, nó ngán. Quanh quẩn chỉ có nhiêu đó, nó ngán. Nó đành ngồi lì trong tiệm bán vàng của mẹ. Mẹ nó trải chiếu cho nó nằm. Trong tiệm còn có cái quạt nhỏ, quạt thổi gió cho nó mát. Có mấy hôm trời nóng quá, chiếc quạt không tài nào xua đi bầu không khí nóng và ẩm đến điên người, mẹ nó lấy quạt tay ra quạt cho nó mát.
Tiệm bán hàng của mẹ nó sao mà ít khách ra vào quá, nó tự hỏi. Lâu lâu, có mấy cô gái trẻ tới tiệm của mẹ nó, họ đòi đeo thử gần như gần hết đồ của tiệm, vậy mà chả ưng ý cái nào, liền đi gian khác. Tội mẹ nó, tưởng đã bán được hàng, tội mẹ nó, lấy ra cất vô mấy chục lần. Nhìn mẹ nó bán cực mà nó thương mẹ quá. Mỗi khi có khách đi ngang qua, mẹ lại tươi cười mời chào khách vào. Khách vào chọn hàng, mẹ lại phải cất công chào hàng, giải thích, ra sức thuyết phục khách mua hàng. Khó lắm. Nhìn cửa tiệm vắng khách, nếu là người nào đó chắc đã nản. Mẹ nó thì không, bà vẫn cố gắng cầm cự tới cùng.
Hết rong ruổi cùng mẹ, nó lại bay sang chỗ ba. Tiệm của ba đỡ hơn, phim mà lị. Tiệm của ba nó nằm trong con hẻm nhỏ, đa số người dân ở đây đều làm ăn buôn bán nhỏ, và họ lấy nhà của mình mở tiệm buôn bán. Mỗi khi rảnh rỗi không có gì làm, ế khách ấy mà, họ lại tới tiệm của ba nó mướn phim về coi. Tiệm của ba nó cũng là loại hình buôn bán kiểu gia đình. Người đứng bán phụ với ba cũng là ông chủ tiệm. Ông ta rất tốt, ông ấy đã có vợ cùng 3 đứa con, 2 gái và 1 trai. Nhà ông ta rộng, mặt trước để buôn bán, nó hay đi vào mặt sau để chơi đùa cùng con ông chủ. Tụi nó chơi đùa đã rồi thì cùng nhau bật phim lên coi, đồ của tiệm nên free. Nó coi nào là phim kiếm hiệp, phim tình cảm, đủ cả, và nó mê phim Hồng Kông. Nó cùng bạn nó say mê coi phim Hồng Kông cả ngày. Nó còn thuộc tên diễn viên nữa, nào là Cổ Thiên Lạc, Văn Tụng Nhàn, Quan Vịnh Hà … Nó chỉ ngừng coi phim bộ Hồng Kông năm 16 tuổi mà thôi. Đến khi nó đã lớn, coi lại những bộ phim Hồng Kông gần đây mới sản xuất, nó tặc lưỡi chê, “Vậy mà lúc trước mình lại mê”. Suốt những năm tháng coi phim, nó thích nhất là series phim “Gia đình vui vẻ”. Chẳng biết đã coi đi coi lại bao nhiêu lần.
Thôi, quay trở lại năm nó 8 tuổi nào. Thấy ba mẹ cực khổ, nó thương lắm. Nó quyết định làm chút gì đó cho ba mẹ.
Buổi sáng khi vào lớp học, đứa bạn của nó ai nấy cũng đều tò mò vì có tờ giấy lạ để trong hộc bàn. Tờ giấy quảng cáo tiệm mướn phim. Hiển nhiên tác giả không ai khác là nó.
Nó còn lén đem mấy bộ trang sức mà bạn của mẹ nó, chủ cửa tiệm, tặng khuyến khích cho các nhân viên. Nó đem vào trong lớp giới thiệu với tụi con gái. Tụi nó rất thích những trang sức đeo tay nho nhỏ. Tụi con gái hỏi thì nó giới thiệu đến cửa hàng của mẹ nó. Có đứa bảo không đến được vì nhà xa, nó lại bảo vậy để nó mang vào lớp cho. Thế là xong. Được vài bữa, nó thu được của tụi con gái chừng 50 ngàn. Nó đem về khoe mẹ.
Mẹ nó không la nó vụ lén lấy đồ của mẹ. Bà ôm nó vào lòng mà khóc. Bà dặn nó từ nay không được làm thế nữa. Nó ngúng nguẩy không chịu. Nó bảo nó muốn giúp mẹ và ba. Mẹ nó bảo:
_ Mẹ tự lo được. Nếu con thương ba mẹ, thì con nên chăm chỉ học hành và giữ gìn sức khỏe.
Mẹ nó còn bắt nó hứa. Vậy là kể từ đó nó hết làm tiếp thị nữa.
Lên năm lớp 9, công việc bán hàng của mẹ nó phát đạt lên. Vàng được ưa chuộng, thế là bán rất chạy. Làm được một thời gian, tích lũy một số tiền, mẹ nó đánh liều cùng ba nó hùn vốn cùng bạn của mẹ nó mở một tiệm bán vàng. Liều quá.
Mẹ của nó bắt đầu bận rộn nhiều hơn. Có lần nó bắt gặp mẹ nó trở về nhà trong tư thế uể oải, mệt mỏi. Tội nghiệp, mẹ nó làm việc nhiều quá. Nó ôm mẹ vào lòng. Nó còn xin đấm lưng cho mẹ.
Còn ba nó lại phải tăng thêm giờ làm việc ở tiệm mướn phim. Ba nó cũng mệt. Nó cũng xin đấm lưng cho ba. Cậu nó khuân vác lâu ngày, lưng còng hẳn, nó xin xoa bóp cho lưng cậu. Dì nó đi làm thêm về nhức mỏi cả bắp chân, nó xin được đấm chân cho dì.
Dần dần, tiệm bán vàng của mẹ nó làm ăn càng ngày càng phát đạt. Thế là hết năm lớp 5, cả gia đình nó mua một căn nhà mới, rộng hơn căn nhà cũ, lại có lầu. Không còn cảnh chen chúc chật chội nữa. Nó bắt đầu có quần áo mới nhiều hơn, được tắm rửa nhiều hơn, 1 tuần được ăn món thịt bò nó yêu thích, và trên hết, nó đỡ phải lo lắng cho bố mẹ nó nữa.
Lên cấp II, mẹ nó bắt đầu bành trướng công việc kinh doanh, phải nói là mẹ nó rất giỏi. Những năm làm ăn buôn bán đầy gian khổ, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, mẹ nó đã tích lũy không ít kinh nghiệm. Có thể nói bà trải đời còn nhiều hơn ba nó, người chỉ chí thú với công việc cho thuê và bán phim. Ngoài tiệm vàng ra, bà còn mở tiệm cà phê, tiệm ăn nhỏ, tiệm quần áo nhỏ, tiệm hớt tóc nhỏ, cái gì cũng nhỏ mà lần nào thu vào cũng bộn tiền.
Ba nó một thời gian sau thôi làm ở tiệm mướn phim. Ông cùng vợ mình hùn vốn mở một sạp mướn phim nhỏ. Do luôn tìm được mối đưa phim tốt và nhanh, tiệm ông lúc nào cũng đông khách.
Cô nó thì đã ra trường. Cô nó làm nhân viên phòng kế toán, lương cũng đủ sống. Thật ra cũng chẳng phải lo lắng về vấn đề tiền ăn và ở, cô nó vẫn đang sống chung với gia đình nó. Cậu nó thì bây giờ phụ ba nó cái tiệm mướn phim. Nhà nó giờ đỡ rồi. Nó yên tâm mà học hành nhé. Yên tâm mà làm những chuyện khác.
—————————————————————————–
Nó ngày từ những năm cấp II đã bộc lộ năng khiếu thể thao. Đặc biệt là môn bóng rổ. Bố nó kỳ vọng vào nó lắm. Mẹ nó cũng vậy. Họ, những người đã từ bỏ ước mơ và niềm đam mê của mình vì miếng ăn của gia đình, đặt hết kỳ vọng vào nó. Nó, sẽ thực hiện tiếp ước mơ của bố nó, trở thành vận động viên thể thao chuyên nghiệp.
Năm nó học lớp 8, trường nó tổ chức lễ hội trung thu vào buổi tối. Buổi lễ mà học sinh nào cũng mong muốn, vì tụi nó được thoát khỏi bộ đồng phục mà vận lên người những bộ cánh ưa thích, được gặp gỡ bạn bè, được vui đùa trong sân trường, được tranh tài và được tham dự các trò chơi do các lớp tổ chức. Đứa nào đứa nấy cũng háo hức có mình nó thì không. Lễ hội trung thu có bao giờ nó tham dự đâu. Mà đâu phải có mỗi lễ trung thu đâu, lễ nào nó cũng không quan tâm. Đối với nó, chuyện nhà nó mới đáng để tâm. Lễ hội năm nay nó đành vác mặt tới dự chỉ vì mẹ và bố khuyên bảo:
_ Nhà ta đã cực khổ nhiều rồi. Bây giờ đã đến lúc con phải được hạnh phúc.
_ Sống trên đời phải có bạn bè, con ạ.
Chán phèo, cảm giác đầu tiên của nó đối với lễ hội. Có gì vui đâu mà tụi nó hí hửng đến vậy. Toàn trò con nít, nó không thích.
Nó đi dạo quanh sân trường. Sân trường đang rất náo nhiệt với các hoạt động rước đèn trung thu. Mọi người càng phấn khích hơn khi chị Hằng xuất hiện trên sân khấu hô:
_ Các bạn ơi.
Nhảm nhí thiệt, chị Hằng trông ngố quá đi. Thế mà mọi người lại đồng thanh:
_ Ơi ! Chị Hằng ơi !
Trời ạ, cái trò ngu ngốc gì đang diễn ra thế này ?
Được chừng 1 tiếng, mọi người tản ra mạnh ai nấy làm, có nhiều đứa thì tụ họp trong lớp sinh hoạt, mấy đứa khác lại tiếp tục hoạt động ngoài trời. Nó ngao ngán nhìn đồng hồ, 7 giờ tối.
Nó đi dạo quanh các khu lớp học xem như thú giải trí. Chợt, giọng hát trầm, ấm phát ra từ lớp đằng trước làm nó chú ý. Ai mà hát hay vậy, nó tò mò lại xem.
Nhìn từ cửa sổ lớp người ta vào, trong lớp có khoảng 15, 16 đứa đang tổ chức thi văn nghệ. Mọi người đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của một chàng trai cao ráo, mặt mũi nhìn sáng sủa, đeo cái kiếng thời trang. Anh chàng này có khuôn mặt thư sinh, nom khá bảnh trai. Nhưng điều làm nó chú ý hơn là nó đang bị người ta thu hút.
Chàng trai ấy đang say sưa hát, đâu có biết có người đang quan sát mình rất tỉ mỉ. Vừa kết thúc, mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Nó không một chút suy nghĩ vỗ tay theo. Nó vỗ rất to, vỗ lia lịa.
Nó thích người ta rồi.
Trái ngang thật. Con trai lại đi thích con trai.
—————————————————————————————
Kể từ hôm đó trở đi. Nó tìm mọi cách tiếp cận người đó.
Dù người ta không thích, nó tình nguyện làm cái bóng đi theo sau.
Một hôm, nó thấy người ta đang ngồi đọc sách ngay ghế đá. Nó lại đang chơi bóng rổ.
Nó ranh ma vờ ném bóng trúng người ta rồi chạy đến xin lỗi rối rít.
_ Bạn cho mình xin lỗi, mình bất cẩn quá.
_ Không sao – người ta đưa tay chỉnh gọng kiếng. Trông đáng yêu thật.
_ Vở của bạn đây. Xin lỗi nhiều.
_ Không sao.
_ Nhân tiện, mình tên là Quân. Còn bạn ?
_ Mình tên Triết. Nguyễn Minh Triết.
Thế là Quân quen được Triết. Vốn con nhà buôn, vốn tính lanh lợi, Quân tiến thêm bước nữa làm bạn của Triết. Quân hiểu biết thêm về Triết.
Biết Triết tính thi vào Nguyễn Thượng Hiền, Quân dốc tâm học hành. Ôi ! Cái thằng chỉ khoái chơi thể thao như nó sức học tầm tầm thôi, làm sao mà đậu vào Nguyễn Thượng Hiền đây. Quân lại ranh ma nhờ Triết dạy thêm. Vừa được gần Triết, vừa tiến bộ trong học hành để sau này vào trường chung với Triết. Hiển nhiên, Quân không khai ra là muốn vào chung trường với Triết dù Triết đã gạn hỏi mấy lần là Quân tính thi trường nào.
Chơi với Triết biết được gia cảnh nhà Triết. Nhà Triết giàu lắm. Ba của Triết là giám đốc một công ty lớn, mẹ Triết thì làm giáo sư ở đại học. Còn nhà Quân chỉ thuộc hàng khá giả thôi. Con đường với tới Triết sao mà gian truân quá.
Rồi thì Quân cũng đậu vào Nguyễn Thượng Hiền. Quân cố tiến thêm bước nữa làm bạn thân của Triết.