Không thuộc về một con đường - Chương 14
DN.14
1 năm
Có lẻ
…
Cô y tá Chi, người vẫn là tín đồ trung thành của chủ nghĩa SA, sắp sửa lấy chồng. Chồng của cô, một anh công chức quèn ở sở địa chính, có may mắn hoặc xui xẻo lọt vào mắt xanh của cô, cũng phải có gì đó ẩn chứa bên trong cái vẻ rụt rè của giới trí thức sót lại từ thập niên trước. Anh ta đúng thật có hơi gay một tí. Nhưng Chi lại biện bạch bằng một thứ lý lẽ mà chỉ có giới trẻ 8x trở lên mới có thể có. Ấy là với một anh chồng không nam tính đến nỗi trở thành một lực sĩ, cô có thể yên tâm phần nào về khả năng anh … giao du với những con đàn bà khác, hoặc giả nếu sau này cô có điên cuồng hâm mộ một cặp đôi nào như Dương – Nguyên, chồng cô cũng dịu dàng mà … chấp nhận.
Chi đến viện với một sự hiếu kì và ngưỡng mộ của các cô y tá và bác sĩ khác trước một phụ nữ đã dũng cảm lấy chồng và chẳng mấy nữa mà sẽ giáo dục lên những đứa trẻ xuất chúng và cực kì tiến bộ từ tinh thần giũ bỏ giới tính trong tình yêu của mẹ chúng. Cô bị vây quanh bởi những câu hỏi rối rít về một lễ cưới tuy không đình đám nhưng lại ẩn chứa một tinh thần hôn nhân cách mạng và cũng không kém phần quái gở. Như thể :”Hôm ấy anh hay chị sẽ mặc váy?”, hay “Ai là người sẽ … ở trên trong đêm tân hôn?”, vân vân. Cũng có những câu tử tế và từ tốn hơn như về cái áo cưới, cái nhẫn, những kỉ vật mà một người con gái hạnh phúc sẽ chỉ cần một lần trong đời.
– Cái gì? Chị lấy chồng?
Chi ngoảnh ra ngoài cửa để nhìn vào cái câu hỏi kì khôi mà chỉ những ai không làm trong bệnh viện mới có thể thốt ra đầy bất ngờ nhường thế. Đó là một cô gái trẻ, mặt mũi non choẹt, baby hồng hào, mắt đen tròn như một con búp bê. Nhưng Chi đã lập tức trợn cả mắt lên như một chuỗi hồi ức kinh khủng vừa ập về. Cô nhảy xồ ra, ôm chầm cô gái xinh xắn kia, giả bộ khóc lóc :
– Giời ơi! Cô Vân! Cô bận quẩy thằng nào mà hai năm rồi mới thấy ló mặt về đây, hả? – Chi bỗng hạ giọng – Cô em lại hành hạ được bao nhiêu thằng rồi? Khai mau!
– Ôi giời, nhiều lắm, Vân cười đắc chí, em đã mất nhiều công lao để hành hạ từ trẻ con ba tháng tới ông già bà già, từ thanh niên trai tráng tới tiểu thư khuê các, mà chẳng có tiếng kêu nào …
Gương mặt hai chị em bỗng trầm hẳn xuống khi một phần kí ức trôi về. Chi vội cười, che đi ánh mắt buồn hụt rồi khoác tay Vân kéo vào trong:
– Đây là Vân, mọi người nhớ không?
– Cô bác sĩ thực tập! Một cô y tá đã phá lên.
– Thích máu dã man! Một cô khác.
– Gì thế? Một cô em mới về viện tròn mắt.
– Nhầm nhầm hết! Vân phẩy tay. Đây, nó chỉ vào mình, bác sĩ chính thức kể từ hôm nay! Người sẽ gieo rắc cơn ác mộng tới mọi tiếng kêu rên gợi cảm nhất!
– Một nữ sinh trường Y chân chính! – Chi bật cười.
– Phải là một người yêu đau đớn máu me như một người tình! – Vân kết luận trong cái ngớ người hãi hùng của những cô em mới về, và cái lắc đầu bất lực của những người đã quen biết.
– 2 năm rồi, chị nhỉ.
Vân khẽ thở dài khi chỉ còn hai chị em ngồi ăn uống trong căn tin bệnh viện buổi trưa.
– Ừ. Lâu quá còn gì.
– Chị thì sắp lấy chồng. Em thì đã hết đời trôi nổi để về bệnh viện này làm việc. Cuộc đời thế là an bài.
– Tôi thấy thương cho những thằng nào sắp vào tầm ngắm của cô ở bệnh viện này- Chi cười.
– Em cũng lại chả thương chết đi được đôi nào bị chị sắp đặt.
– Gớm! Có mà sắp đặt được! Sắp được thì giờ này cô em với chị còn ngồi đây ngán ngẩm làm gì?
– Nó cũng … 21 rồi chị nhỉ. Vân bỗng thở ra.
– Chẳng biết sống chết thế nào. Cách đây lâu lâu chị cũng mấy lần mò tới nhà nó hỏi, nhưng đám người nhà nó đuổi chị đi như đuổi ruồi. Mà nó cũng không ở đấy.
– Còn ông … Dương?
Chi đập bàn một cái bật hết cả chén đĩa ở trên, mặt đầy sát khí, thét toáng lên như dẫm chân phải lửa:
– Cô câm ngay! Đừng có nhắc tên cái thằng khốn ấy ra trước mặt chị! Cái thằng hèn! Thằng nhát cáy! Nó không đáng mặt làm một thằng đàn ông, một … seme! Một thằng … dám chống lại tình yêu và vận mệnh! Nó không đáng để cả chị và cô phải nhớ tới!
– Người ta cũng có cái khó mà chị.
– Cô tập thông cảm với nó từ bao giờ thế? Một thằng như nó, nếu mà dám vác mặt về đây, chị sẵn sàng cầm ngay dao mổ mà khắc lên mặt nó mấy chữ :”thằng hèn” để nó có lấy chồng lấy vợ gì nữa cũng không được.
– Thôi. Cái việc ấy để em làm cho nó có thẩm mĩ. Vân cười khanh khách. Em dám đảm bảo với chị chỉ cần cái mặt ông Dương qua tay em, thì không còn một con đười ươi nào dám nhìn!
– Chí khí!
– Em mà!
Được một lúc, khi mà những thủ đoạn làm hại đời một thằng đàn ông dã man nhất được liệt kê qua hai chị em Chi – Vân thì những tiếng thở dài lại quay về thay cho những lời hùng hồn thét lửa nhả khói.
– Phí! Chi lắc đầu. Cả đời chị mới gặp một đôi đẹp đến thế. Hai năm nay, chị cũng tăm tia được mấy thằng, nhưng toàn đứa đàn ông chả ra đàn ông, đàn bà chả ra đàn bà, thấy mà ghét.
– Kiếm được một thằng như thằng Nguyên đã khó. Kiếm được một ông như ông Dương cũng chả dễ.
– Cái thằng ngố mà ngây thơ thế không biết. Thế mà cũng làm bác sĩ được. Khó thế mới cần đến vận trời. Từ bữa đến giờ chị cũng chẳng thấy cái cuộc gặp mặt nào mà đầy giông tố như thế được cả. Chán cái thằng ấy. Hèn!
– Em chẳng bao giờ nghĩ là thằng Nguyên nó cũng yêu ông Dương thật. Thái độ của nó cứ tỉnh không.
– Dạng như thằng ấy, càng tỉnh càng yêu. Nó không dám nghĩ là nó với thằng Dương lại như thế mà thôi. Cô em còn nhớ cái lúc nó khóc không đấy?
– Nhớ. Lúc em hết hạn thực tập, nó vẫn còn khóc hàng đêm cơ mà.
– Cô đi mấy hôm thì nó cũng tháo bột rồi mất tăm luôn. Chị chán thế cơ chứ! Cái thằng Dương đốn mạt, nói đi là đi thẳng. Thế mà cũng gọi là yêu! Mà cô khóc cái gì nữa? Thương cho hai thằng ấy à? Chị cũng thương chết đi được đây này!
– Em có khóc thương đâu! Vân đã ướt đẫm nước mắt. Em chỉ nghĩ đến cảnh không được gặp thằng ấy nữa, không được nghe tiếng nó nữa, không được … nhìn thấy nó khóc lóc khổ sở nữa … em đau quá!
Chi ngẩn người ra, nhìn cô bác sĩ nức nở như một cô gái trong sáng khóc vì tình, buông tiếng thở dài thay cho tiếng thầm rủa trong bụng :”Lại còn thế nữa! Kệ cô!”
– Thằng ấy giỏi, đẹp trai, làm bác sĩ, gia đình danh giá giàu có, con còn cần gì nữa nào?
Cô con gái nguây nguẩy quay đầu. Từ bận cô hai mươi nhăm tuổi, bố mẹ cô lấy làm phiền lòng khi cô cứ thích mình thành đệ tử của thánh nữ đồng trinh Maria, mà lại còn giữ cái ảo tưởng rằng một người con gái không biết tới con trai cả đời cũng có thể tự đẻ ra một đứa con (!). Cô gái tên Tố, cũng đẹp, cũng giỏi, cũng ra dáng nhiều thứ, phải mỗi cái tội ghét đàn ông con trai. Nhà ấy chả hiểu sao sinh ra toàn những cô kì lạ. Chị họ nhà đằng ngoại của cô, cũng nổi tiếng trong gia đình là kẻ có thể mặt lạnh tanh cắt tiết một con gà mà nhiều thằng con trai thời nay cũng sợ chả dám làm. Dì của cô, đã gần bốn chục, chưa chồng, vẫn đang bám riết lấy việc tìm một thằng thật giống … Nguyễn Tất Thành để lấy làm chồng.
Thế mà bố mẹ cô lại bắt cô phải đi xem mắt những thằng đàn ông mà cô chúa ghét để tìm chồng cho cô. Cách đây không lâu, cô đã hất nguyên một nồi lẩu trữ tình vào anh chàng xem mắt khi anh ta khen lấy khen để cô có đôi mắt tuyệt đẹp. Lại có lần cô làm nguyên cái túi xách vào mặt một thằng khác khi hắn bạo dạn hỏi cô đã có người yêu chưa! Thật là một sự phỉ báng vào một người con gái coi việc đàn đúm với con trai là một điều bẩn thỉu đê tiện!
– Lần nào cũng giỏi, đẹp trai, danh giá giàu có, mà toàn thằng không đâu! Tố gào lên với bố mẹ.
– Thế con có định lấy chồng không thì bảo! Mẹ đảm bảo với con là thằng này khác hẳn tất tần tật những thằng trước!
– Không tin!
– Mẹ … Mẹ cô cố nói từ tốn … nếu con không ưng thằng này, bố mẹ sẽ chẳng thúc con lấy chồng lần nào nữa!
– Được đấy! Chắc đấy!
– Chắc!
– Nghéo tay!
– Nghéo!
Sau khi hai mẹ con đã móc ngón tay út vào nhau như một đôi trẻ mười tuổi thì ông bố cũng chỉ biết há miệng lắc đầu.
Mười giờ sáng.
Cà phê Trung Nguyên.
Cạnh cái cửa sổ to tướng hướng ra dòng sông Cầu ngây thơ vẫn thỉnh thoảng làm hết hồn những thằng bé trẻ người non dạ ham hố bơi sông, trên cái ghế đỏ chon chót, trong tiếng nhạc du dương dập dìu, Tố cũng thấp thỏm chờ đợi một cái tát chí mạng vào mặt cái thằng mà cô sắp gặp, thét tướng lên :”Anh không phải người tôi thích!” rồi ngúng nguẩy ra về và kết thúc những tập phim ác mộng về chuyện xem mắt. Bên ngoài có tiếng dừng xe máy. Tố ngoái ra nhìn.
Anh ta ngồi phịch xuống ghế đối diện của Tố, bắt chéo chân, mặt hầm hầm nhìn cô như mới nhìn thấy một thứ cá kinh tởm ngoi lên từ dòng sông Cầu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm bởi dòng nước thải của thành phố Thái Nguyên, lạnh lùng quay sang cô phục vụ bằng ba tiếng gắt gỏng:
– Trầm! Không đá!