Truyền thuyết về gay - Chương 1
Thực tế, không phải như vậy, ngay từ thời phong kiến xa xưa, đã có những vị vua chúa chỉ yêu người đồng giới đó sao?
Lịch sử đã từng chứng kiến thời Xuân Thu-Chiến Quốc có nhà vua nước Vệ là Vệ Linh Công đắm say Di Tử Hà với “mối tình chia đào” nổi tiếng. Hay như Ngụy Vương mê Long Dương Quân, cậu học trò vô cùng khôi ngô, tuấn tú của mình để rồi có câu thành ngữ “mê Long Dương” lưu truyền trong dân gian suốt một thời. Dưới triều đại nhà Hán có Hán Văn Đế sủng ái người chèo thuyền Đặng Thông đến mức Văn Đế ra lệnh lấy một núi đồng ở Nghiêm Đạo quận Thục ban thưởng cho Đặng Thông, còn cho phép Đặng Thông tự mình đúc lấy tiền đồng để tiêu xài…
Rồi ở phương Tây, có vị Hoàng đế nước Phổ Friederich II đã hai lần từ chối hôn nhân ép buộc, một lần cưới cũng vì sự thúc ép nhưng sau đó là một cuộc hôn nhân lạnh nhạt để rồi cũng say đắm trong mối tình đồng giới với nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng người Pháp Voltaire… Ngay cả vị hoàng đế nước Pháp Napoleon nổi tiếng cũng không tránh khỏi yêu đương người cùng giới mà người được ngài sủng ái nhất chính là viên sĩ quan cận thần của ngài – tên là Gurga.
Rồi còn biết bao nhiêu những con người tài ba, lỗi lạc khác cũng chỉ yêu người cùng giới với mình. Đại thi hào và là nhà viết kịch nổi tiếng người Anh William Shakespeare dù có vợ có con nhưng vẫn đắm say chàng bá tước đẹp trai Southampton dù biết chàng chẳng bao giờ thuộc về mình…
Thực tế là vậy. Đó là những bằng chứng sinh động không thể chối cãi.
Câu chuyện truyền thuyết này – mặc dù chỉ là truyền thuyết do tác giả đã ghi chép và phóng tác từ câu chuyện kể của một người bạn – nhưng cũng góp một tiếng nói để chứng minh về nguồn gốc của gay là hoàn toàn tự nhiên và cũng để lý giải về một trong những nguyên nhân của gay, đó là cảm xúc tự yêu bản thân mình. Những chàng trai càng đẹp bao nhiêu càng dễ có khả năng là gay bấy nhiêu; đồng thời cũng khẳng định rằng “gay” hay tình yêu đồng giới đã tồn tại từ lâu và ngày càng phát triển theo nhịp sống hiện đại. Gay cũng là một điều tất yếu trong đời sống tình cảm của xã hội loài người. Điều đó không ai có thể phủ nhận được.
****************
Ngày xưa, tại một vương quốc nọ, có một ông vua sinh được một nàng công chúa rất đẹp. Nhà vua rất yêu cô công chúa của mình. Hiềm một nỗi vua tuổi đã nhiều và cũng mong có người nối dõi. Nhà vua đi cầu ở các đền chùa danh tiếng để mong sinh hạ được một hoàng nam.
Một đêm nọ, nhà vua mơ thấy mình lạc đến một xứ sở đầy hoa trái rất đẹp. Nhà vua chọn lấy một quả màu đỏ thật đẹp mắt và ăn một cách ngon lành. Ăn xong nhà vua thấy mình khỏe mạnh ra rất nhiều. Và có cảm giác như trẻ lại hàng chục tuổi. Vua giật mình thức giấc mới biết là mình chiêm bao.
Và điều kỳ lạ đã xảy ra… Ít lâu sau hoàng hậu có thai. Hoàng hậu sinh được một hoàng tử da trắng môi đỏ, mặt mày thật khôi ngô tuấn tú. Khỏi phải nói nhà vua vui mừng và hạnh phúc như thế nào. Ngài bèn sắm sửa lễ tạ trời phật.
Khi hoàng tử đầy tuổi, nhà vua tổ chức tiệc mừng rất long trọng. Các quan đại thần và các vị chức sắc trong triều được mời đến dự tiệc ai nấy đều chúc mừng hoàng tử với những lời chúc tốt đẹp nhất: người thì chúc sức khỏe cường tráng, người thì chúc cho hoàng tử có trí tuệ thông minh hơn người, người thì chúc hoàng tử sau này sẽ vừa đẹp trai vừa tài giỏi…
Tại bữa tiệc, có một vị đạo sĩ cũng được mời đến dự tiệc. Vị đạo sĩ chúc mừng nhà vua và chúc cho hoàng tử sau này sẽ là người kế nghiệp tài ba và anh minh. Sau đó, đạo sĩ cũng không quên căn dặn nhà vua rằng sau này khi lớn lên hoàng tử sẽ là một thanh niên tài giỏi, thông minh và cũng rất đẹp trai, nhưng có điều nếu nhà vua muốn có người nối dõi, kế tục ngai vàng lâu dài thì phải nhớ kỹ một điều: không nên cho hoàng tử soi mình trước gương vì có thể sẽ xảy ra những chuyện không thể lường trước được.
Nhà vua nghe xong liền hỏi vị đạo sĩ rằng liệu có thể tránh được những chuyện không hay nếu như hoàng tử không bao giờ soi gương không. Vị đạo sĩ đã khẳng định là nếu hoàng tử không bao giờ nhìn thấy mình trong gương thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Nhà vua thật sự lo lắng khi nghe lời tiên tri của vị đạo sĩ. Chính vì thế, người đã lệnh cho tất cả các cận thần không được treo gương trong phòng hoàng tử cũng như ở những nơi hoàng tử thường lui tới. Đồng thời cấm mọi người soi gương trước mặt hoàng tử, để hoàng tử không thể bắt chước mọi người học cách soi gương. Nói tóm lại, nhà vua đã làm mọi việc để hoàng tử không bao giờ có thể nhìn thấy chiếc gương soi và soi mình trước gương.
Ngày tháng trôi qua. Mọi việc diễn ra an bình. Tưởng như không có chuyện bất thường xảy ra. Thấm thoắt hoàng tử đã bước sang tuổi 18, cái tuổi tràn đầy sinh lực của con người và cũng đến lúc nhà vua chuẩn bị nhường ngôi cho hoàng tử. Hôm đó như thường lệ nhà vua họp các quan đại thần và có cho hoàng tử cùng tham dự để hoàng tử học cách cai trị vương quốc sau này. Trong buổi ngự triều, có quan đại thần tâu lên nhà vua nên vào rừng săn thú để chuẩn bị cho bữa tiệc kế vị ngai vàng của hoàng tử sẽ diễn ra vào ít ngày sau đó. Nhà vua đồng ý. Sau buổi ngự triều, nhà vua cùng hoàng tử và các vị cận thần lên ngựa vào rừng săn thú. Cuộc đi săn thường diễn ra trong vài ngày nên đến chiều hôm đó, các vị cận thần phải dựng lều để nhà vua, hoàng tử và đoàn tuỳ tùng nghỉ tạm trong rừng.