Sau cơn mưa - Chương 5
CHƯƠNG V
Bữa ăn diễn ra trong im lặng, ngay cả đứa trẻ như bé Mai cũng nhận ra không khí khác lạ. Miếng thịt trong miệng trở nên nhạt thếch, tôi nhai như chu kỳ đã định sẵn, không có cảm giác ngon hay không. Sau khi anh Khải về, mẹ vẫn im lặng chưa một lần nhìn tôi. Thà mẹ mắng chửi chì chiết hoặc chỉ cần nói một lời nhưng ngoài im lặng và tránh nhìn tôi, mẹ không bộc lộ một thái độ nào hết.
Miếng thịt trượt khỏi đũa rơi xuống bàn, vô duyên và kệch cỡm. Hành động tránh bát khi tôi gắp thức ăn cho mẹ đã bóp nghẹt tim tôi, có gì đó xông lên mũi, ngạt thở. Giọt lệ tràn lên má lăn xuống cằm như đâm sâu vào tim. Mẹ đang khóc, nước mắt ướt gò má và tiếng khóc bởi chặn bởi bàn tay có những móng bị nước chè ăn mòn. Nhìn cánh cửa phòng ba mẹ đóng lại như thấy tương lai của tôi và Duy. Mẹ là người phụ nữ đanh đá, nói nhiều nhưng rất tốt bụng và hết lòng thương yêu con cái. Nhưng hôm nay, không, không phải hôm nay, mà là từ khi sinh ra, tôi đã làm mẹ thất vọng và phải khóc. Đã rất lâu rồi tôi không thấy mẹ khóc, trừ những lúc xem phim tình cảm, nhưng bây giờ mẹ khóc vì tôi, vì sự thật tôi là một thằng gay. Tôi có thể ngăn những giọt nước mắt đó? Tôi rất muốn nhưng tôi có thể làm gì khi bản thân tôi vốn thế?
– Sao mẹ khóc hả anh? – Giọng rụt rè bên cạnh làm tôi thoát khỏi luồng suy nghĩ, bé Mai đang nhìn tôi lo lắng.
Xoa đầu con bé, tôi trấn an nó mà miệng đắng ngắt :
– Không có gì đâu. Em ăn xong thì lên học bài đi.
– Dạ.
Thu dọn bát đũa, tôi đậy lồng bàn và ngồi thừ ra nhìn vào cánh cửa đóng im lìm. Trước lúc ăn cơm mẹ đã gọi điện cho ông thầy xin nghỉ buổi học với lý do nhà có việc. Tôi chờ mẹ nhắc gọi cho Hằng nhưng mẹ vẫn không nói nửa lời, chỉ lặng lẽ làm bữa tối. Tôi hiểu mẹ sẽ không mở lời nên đành gọi điện cho con béo bảo không cần sang học. Nghe giọng hý hửng của nó, tôi đã tự hỏi “mình sinh ra trên đời đúng hay sai?”. Khi mà tình cảm của tôi làm mẹ khóc, mẹ buồn và làm người con gái như Mỹ phải đau khổ. Và nếu ông thầy thực lòng yêu tôi thì lại thêm một nạn nhân nữa đang tồn tại trên đời. Tôi có nên sinh ra không khi mà tôi chỉ mang đến nỗi buồn cho người khác? Tôi có nên tồn tại không khi mà đối với bất cứ ai, tôi cũng chỉ “nhận” chứ chưa “cho”? Mẹ cho tôi tình thương của một người mẹ, mẹ cho tôi những buổi trưa hè nắng nóng ngồi bán từng chén nước để nuôi tôi lớn khôn. Còn tôi đã đáp lại gì ngoài những giọt nước mắt, ngoài những lời dối trá những buổi bùng học? Ngay cả Hằng_giống khỉ khác phái cũng luôn giúp tôi che giấu mọi thứ. Nó ăn nói độc địa nhưng những gì nó mang đến luôn ngập tràn nụ cười đúng nghĩa của nụ cười. Tôi đáp lại cũng chỉ là sự vô ơn_luôn nghĩ nó béo này béo nọ, luôn để sự đanh đá chua ngoa che đi tình bạn đáng quý. Ngay cả đối với ông thầy, người đã xác định rõ tình cảm, tôi cũng chỉ đứng nhận chứ không hề mảy may xúc động, hoặc đơn giản bộc lộ một chút gì đó gọi là đáp lại. Tôi là người chỉ biết nhận?
Còn Duy? Tôi đã bao giờ đáp lại tình cảm nguyên vẹn của cậu ta chưa? Hay tôi chỉ nghe, im lặng rồi ghen rất ấu trĩ? Duy chưa trực tiếp nói yêu nhưng một người chậm tiêu đến mấy cũng nhận ra tình cảm ẩn trong lời nói đó là gì. Hồi yêu Thăng, tôi rất thích nghe tiếng “yêu” nhưng bây giờ tự nhiên nghe từ này thấy kỳ sao đó. Đặc biệt lúc nghe ông thầy thố lộ, tôi vui thật nhưng cảm giác kỳ cục và không thích vẫn phủ lên trên, và thoáng chút ngường ngượng. Ngay cả bây giờ tôi biết bản thân đang hướng về Duy, mọi giác quan mọi cảm nhận đều hướng về tên bốn mắt đó nhưng bảo tôi nói tiếng “yêu” thì chịu. Gượng miệng hay kỳ kỳ lắm. Cái kiểu này có gọi là yêu không? Cái tình cảm không thể phát thành lời có đáng lưu giữ khi nó làm người yêu thương tôi nhất trên đời phải khóc?
Rầm!!!
Cổng sắt bị mở ra thô bạo tạo nên tiếng “rầm” khá lớn, tôi biết người vào nhà là ai. Ba tôi vẫn bộ quần áo màu xanh lá_quân phục cảnh sát bước vào với gương mặt hầm hầm, ánh mắt giận dữ dưới đôi mày chau lại. Tiếng chào nghẹn ngang cổ khi cái tát nảy lửa giáng thẳng vào mặt tôi. Tay bám vào bàn nên không ngã khỏi ghế nhưng đuôi mắt tôi bị chảy máu bởi chiếc nhẫn ở ngón giữa của ba.
– Hải, mày nói rõ mọi chuyện cho tao nghe.
Bốp!!! Rầm!!!
Những đĩa thức ăn trên mâm nảy lên theo cú đấm xuống bàn, giọng ba rất lớn, khàn đặc và ngập sự giận dữ trong đó.
Tôi nghĩ vết rách sát đuôi mắt đang rỉ máu, đau như cảm giác bị banh da lam rạch lên, âm ỉ từ tốn nhói một cái và buốt. Thấy tôi im lặng, ba giơ tay tát mạnh đến mức tôi ngã về phía bàn va phải mâm cơm làm nó rơi xuống đất. Những âm thanh của sự đổ vỡ vang lên dội vào đầu chát chúa.
– Ông làm gì thế? – Cánh cửa bật mở, mẹ lao vào bếp với giọng hốt hoảng – Ông muốn hàng xóm biết chuyện nhục nhã này hả?
Tôi là thằng đồng tính là chuyện nhục nhã cơ đấy. Muốn cười to mà sống mũi cay nồng, ngực thắt lại không thở nổi.
– Cái thứ bệnh hoạn như nó muốn giấu thì xã hội cũng biết – Ba quay sang gắt với mẹ – Bà khóc cái gì? Sức khoẻ yếu thì đừng hở chút khóc.
Mắt mẹ đỏ hoe, má ướt nước, dáng mệt mỏi đang đưa tay ngăn tiếng khóc. Ba thở dài rồi ngồi xuống ghế đối diện tôi :
– Hải, mày biết mẹ mày dễ xúc động sao còn làm nhưng chuyện như thế? Mày muốn mẹ mày chết sớm phải không?
– Con chưa bao giờ có suy nghĩ như vậy. Con xin ba đừng nói thế – Tôi biết con trai không nên khóc nhưng câu hỏi của ba làm tôi đau. Thử hỏi trên đời có đứa con nào muốn cha mẹ chết không? Tại sao lại đặt suy nghĩ ác độc đó vào tôi? Chỉ vì tôi là thằng đồng tính?
– Mày không muốn, vậy sao lại quan hệ yêu đương những thằng pêđê? Tại sao mày làm nhục gia đình này? – Ba đập mạnh tay lên bàn như muốn trút tất cả tức giận vào đó.
Một câu hỏi thoát ra đơn giản nhưng tôi không cách nào trả lời. Tôi phải nói gì vào lúc này? Tôi có thể nói gì?
– Tao đang hỏi mày, mày có trả lời không hả Hải?
– …..
– Tao và mẹ mày đi làm từ sáng đến tối để kiếm từng đồng nuôi hai anh em mày ăn học. Tao có bắt mày phải làm gì để đến nỗi mày đi theo những thằng biến thái đó không?
Những lời nói của ba xuyên thẳng vào tim tôi, xoáy vào đó nỗi đau tận cùng. Tôi càng nghẹt thở hơn khi mẹ nói_giọng nói hoà tan với hai hàng nước mắt :
– Mày có biết người ta nói gì về những thằng pêđê không? Tao này, chính tao là người nói lũ chúng nó là lũ bệnh hoạn, là lũ biến thái không có học nên mới dính vào nhau. Cái bọn õng ẹo ái nam ái nữ bị xã hội nhìn với con mắt gì, mày biết không? Họ bảo tụi nó như những con cave bám vào những thằng đàn ông đã có vợ, mồi chài chồng người khác, cướp đi người cha của những đứa con, phá tan hạnh phúc gia đình của người ta. Vậy mà bây giờ con tao lại là một thằng pêđê. Hoá ra trước đây tao nói mày, tao nói đứa con dứt ruột đẻ ra …..
Mẹ bật khóc làm tôi muốn chạy đến ôm mẹ nhưng cơ thể đông cứng bất động trên ghế. Những gì muốn trào ra khi mũi cay nồng lại trôi ngược vào trong, chạy vào mạch máu, lan ra khắp các tế bào làm tôi mệt mỏi, chỉ muốn nằm xuống, muốn nhắm mắt, muốn quên đi tất cả những việc đang xảy ra.
Căn phòng chìm trong tiếng khóc và mùi thuốc thoang thoảng. Ba rít thuốc liên tục, đến điếu thứ hai thì giọng đã trở lại thường ngày, ôn hoà hơn :
– Nhà thằng kia ở đâu? Mày quen nó lúc nào?
– …- Tôi mất một lúc mới hiểu rõ câu hỏi của ba nhưng miệng vẫn câm lặng không nói.
– Hải, mày câm hả? Có nghe tao hỏi không?
– Dạ, có.
– Vậy trả lời đi.
– …
– Mày có điếc không – Tiếng hét làm mẹ ngẩng lên, ba hỏi với đôi mắt đỏ ngầu giận dữ – Thằng đó là thằng nào? Mày bị từ bao giờ?
– Đó là một người con quen – Câu trả lời thoát ra với giọng nhỏ xíu.
– Nhà nó ở đâu?
– ….
– Mày có còn coi tao là ba mày không?
– Dạ, có.
– Vậy trả lời ngay.
– …..
Sự im lặng của tôi đẩy sự kiềm nén lên đến giới hạn. Ba cầm điếu cầy phía dưới bàn vụt thẳng vào vai tôi. Bả vai đau rát, tôi cảm tưởng xương đã vỡ vụn. Nước trong điếu đổ ra sàn, mùi hôi nồng lên xông lên óc hoà vào cái đau của cú vụt thứ hai. Tôi ngã sấp ra sàn, ghế đổ lên người đập thẳng vào sống lưng. Mảnh bát vỡ đâm thẳng vào lòng bàn tay, máu chảy ra đỏ rực. Vẫn dáng quỳ trên sàn, tôi nhìn màu đỏ của máu như bị thôi miên, mọi giác quan, mọi cái đau nơi bả vai như tan biến. Máu chảy nhiều khi tôi rút mạnh miếng sứ trong lòng bàn tay.
– Hải, con làm gì thế? – Tay tôi nằm gọn trong tay mẹ, giọng lo lắng khiến tim ấm lên nhiều – Ông còn đứng đó, lấy bông và gạc cho tôi.
Điếu cầy trên tay ba trở nên thừa thãi, sau giây phút sững sờ ba vội lấy bông băng ở tủ thuốc gần đó.
Tôi nhìn mẹ vội vàng băng vết thương mà lòng muốn khóc, óc bị thứ gì đó đổ đầy đặc kín, không còn chỗ nào để suy nghĩ nữa. Cảm giác đầu nặng *****, nặng đến mức chiếc cổ không còn đứng vững. Mùi thuốc lá lại bay thoảng qua mũi, tôi ngước lên và bắt gặp ánh mắt đăm chiêu. Thất vọng_đó là những gì tôi đọc được trong đôi mắt hoe hoe đỏ.
– Con bị như thế sao không nói với mẹ hả Hải – Giọng nghèn nghẹn của người bị ngạt mũi cất lên, tôi nhìn bàn tay mẹ cẩn thận quấn gạc quanh vết thương – Tại sao không nói, để đến cơ sự này cơ chứ ….
– Con nói thì ba mẹ có chấp nhận không?
Mẹ ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt đau đớn như câu trả lời tàn nhẫn.
– Con nói thì ba mẹ sẽ cho phép con tiếp tục yêu người đó chứ? – Câu hỏi thoát ra trong vô thức, tôi biết trước câu trả lời nhưng vẫn muốn hỏi. Cảm giác như đang tự tổn thương, tự làm bản thân đau thì đúng hơn.
– Mày biết đang nói gì không hả – Ba quát lên sau câu hỏi của tôi – Mày nghĩ tao và mẹ mày chấp nhận đứa con biến thái khác người hả?
– Con là gay và con cũng là con ba mạ – Không biết sức mạnh nào làm tôi nói như vậy.
Bàn tay đang quấn gạc dừng lại sững sỡ, mẹ lại khóc, không ra tiếng nhưng cũng đủ làm tôi quay đi tránh né.
– Vì mày là con tao nên tao mới hỏi đó là thằng nào? Nhà ở đâu? Tao phải xem bố mẹ nó là loại người gì mà để nó có quan hệ biến thái với mày?
“Sao ba không hỏi ngược lại. Khi mà con là con ba mẹ và cũng có quan hệ biến thái với người đó”, câu nói chìm ngỉm trong lòng, không bao giờ thoát ra. Tôi im lặng nghe mà như chỉ để nghe, để tăng thêm nỗi đau.
– Từ giờ ngoài đi học, tao cấm mày đi đâu. Tao sẽ kiểm tra giờ giấc đi lại của mày.
– …
– Mày nên cắt đứt quan hệ với thằng đó trước khi tao phải can thiệp. Tao và mẹ mày còn muốn sống ở đất này, không muốn xã hội và dư luận dòm ngó.
– Mày đưa lịch học thêm các buổi chiều ở trường đây cho tao – Mẹ nói tiếp khi ba dừng lại – Tao sẽ hỏi con bé Hằng xem có đúng không.
– ….
– Mày có nghe không hả Hải? – Ba quát lên khi tôi cứ im lặng mãi.
– Dạ có – Tôi nhìn màu trắng trên tay mà chỉ muốn bỏ về phòng.
– Mày có còn tiếp tục quan hệ với thằng đó nữa không?
– ….
– Hải, trả lời tao ngay!
– Dạ, không – Câu trả lời ngập tràn dối trá và chán nản, tôi muốn thoát khỏi không gian này.
– Ngoài cái đứa thằng Khải nói đến, mày còn quan hệ với ai nữa?
– Không có ai cả.
– Được, tao sẽ hỏi lại thằng Khải.
“Anh ta thì biết gì”, khoé miệng nhếch lên mỉa mai, tôi tự hỏi lúc này còn có tâm trạng để cười cơ đấy.
– Mày hãy hứa không còn bất kỳ quan hệ nào với thằng đó nữa – Giọng mẹ đã nhẹ hơn rất nhiều.
– ….
Mắt tôi vẫn chăm chú nhìn vào viết thương, miệng câm lặng không mở ra.
– Con có thương mẹ không Hải – Mẹ cố bắt lấy ánh mắt tôi rồi xoáy vào đó với hai hàng nước mắt – Con thương mẹ thương ba thì hãy hứa không qua lại với người đó nữa đi Hải. Không, phải là tất cả những người đàn ông, những thằng pêđê. Con hứa đi Hải.
Người phụ nữ tôi yêu thương kính trọng nhất trên đời đang khóc, người đó thương tôi lắm, người có thể làm tất cả mọi việc để tôi hạnh phúc. Nhưng người phụ nữ đó đâu hiểu : hạnh phúc của tôi là yêu và được yêu, dù nó không giống với nhiều người nhưng đó mới là hạnh phúc của tôi. Giờ đây tôi phải từ bỏ hạnh phúc đó với lời hứa của một người con đối với người sinh ra mình.
– Con không thương mẹ sao Hải? – Mắt mẹ sưng mọng, đỏ hoe, ngập trong nước mắt.
– Con thương mẹ lắm.
– Vậy con hứa đi Hải. Con hứa sẽ không quan hệ với người đó nữa ….
– Con hứa – Lời nói thoát khỏi bờ mỗi, tôi chỉ ước một điều : trời hãy mưa đi.
Ông trời hãy khóc thay tôi vì tôi là con trai_con trai không được khóc.
~~~~~~~~~~~
– Tối qua Duy gọi điện và bảo muốn lớp cũ tổ chức đi chơi xa. Mày thấy ý kiến này được không?
– Có địa điểm chưa?
– Chưa, nên nó với tao mới đang bàn nên đi đâu.
– Khi nào bàn xong thì bảo tao.
– Biết ngay mày sẽ nói thế – Con béo nhún vai nhưng mắt lườm tôi sắc lẻm.
– Vậy sao còn hỏi – Giọng tôi tưng tửng không kém nhưng nào có ai biết hàng vạn con sóng đang trào dâng trong lòng.
Tôi lại đeo bộ mặt thường ngày đến lớp, mọi việc xảy ra tối qua nằm gọn trong đầu, âm ỉ đục khoét thật từ tốn.
Sau khi hứa với mẹ, tôi về phòng và cố bắt cái đầu ong ong suy nghĩ. Nhưng sức chịu đựng cũng có giới hạn, đầu tôi đau đến mức chìm vào giấc ngủ mệt mỏi, chân tay rã rời lúc nào không biết. Chỉ đến khi tiếng đập đá dưới nhà vọng lên phòng, tôi mới tỉnh dậy với cơ thể đau từ đầu đến chân. Cái cảm giác người không còn sức, chân tay bải hoải khiến tôi nằm yên trên giường, chờ mẹ đẩy xe ra quán. Tôi không muốn đối diện với mẹ vào lúc này, suy nghĩ chưa thông, chưa chuẩn bị mọi việc kỹ càng, tôi sẽ cố không gấp gáp vội vàng.
– Ê, mày chưa ăn sáng hả – Quyển ở đập bốp lên đầu, giọng chua chua hướng vào tôi – Cần tao ra căn tin mua đồ ăn cho không?
– Mày làm gì thế con béo? – Dù quen bị bắt nạt nhưng hở chút nó đánh tôi thì hiền cũng không được – Sao dám đánh tao?
– Có sức nói tức là đã ăn sáng – Chiếc miệng rộng ra tạo thành nụ cười gian trên chiếc bánh bao trước mặt tôi – Ai bảo tao hỏi mày không trả lời.
– Mày hỏi gì?
– Mà thôi, hỏi mày cũng như không – Cái nhún vai của nó như trêu tức tôi.
Chưa kịp trả lễ thì giọng buôn dưa của tụi con gái gần đó làm tôi nín bặt để nghe ngóng.
– Thật hả? Trường mình có pêđê thật hả?
Tim giật thót, tôi bắt gặp Hằng cũng đang ngạc nhiên nghe lén.
– Ừ, tụi A2, A3, A7 đang đoán già đoán non xem đó là thằng nào.
– Dám Huỳnh công công lớp ta lắm – Những tràng cười vang lên sau câu nói của một con khỉ tóc xoăn.
– Sao tụi nó biết việc này – Nếu nhớ không nhầm thì con khỉ vừa đặt câu hỏi là Nga.
– Tao chơi với con Minh bên A3, mà con này dân buôn có tiếng, quen biết rộng. Nó được một đứa bên Lê Quý Đôn nói cho là khối 11 tụi mình có một chàng yêu một anh bên trường nó.
– Bên Lê Quý Đôn thì tao cũng nghe nói, nhưng khối 11 tụi mình biết mặt gần như tất cả. Sao lại không nhận ra nhỉ?
Giọng nhỏ hơn làm tôi phải căng tai lên mới nghe được :
– Ừ, thường tụi pêđê dễ nhận ra lắm. Õng ẹo hơn cả con gái và giọng nói thì…chậc, tao còn bái làm sư phụ.
– Vậy Huỳnh công công có khả năng là người đó không?
– Có thể.
– Hay bọn mình điều tra thử xem …
– Điều tra cách nào?
– ….
Mấy cái đầu chụm vào bàn tán, thỉnh thoảng ré lên cười làm ồn một góc lớp. Lúc không nhìn không nghe lén nữa, tôi mới nhận ra Hằng đang chiếu tướng :
– Gì?
– Không – Hằng lắc nhẹ đầu, giọng hiền đến kỳ lạ – Mày đừng để ý.
– Nếu là mày, mày có để ý không – Tôi cười cười với sự nhạy cảm tinh ý của Hằng, hỏi nó với giọng vô ơn.
Hằng nheo mắt trái nhìn tôi rồi cười toe :
– Đi, tao mời mày ăn – Nó tóm vào bắp tay tôi lôi đi – Ăn để xả tất cả những thứ vớ vẩn trong đầu đi.
– Khỏi, tao ăn sáng rồi – Tôi trì người lại đúng lúc tiếng trống báo hiệu hết giờ ra chơi – Vào lớp rồi, biến về chỗ đi con béo.
– Tốt! Đỡ tốn tiền – Cái kiểu cười sung sướng làm tôi nghi ngờ lời mời vừa rồi.
Trước khi Hằng bước về chỗ, tôi nói nhỏ với ánh mắt biết ơn :
– Cảm ơn mày.
Cách cảm ơn chân thành là mời tao ăn.
Đến lúc này tôi không nín cười nổi nữa, lắc đầu chịu thua tính phàm ăn của nó.
Những tiếng ồn lắng xuống khi giáo viên bước vào, hai tiết còn lại đều là môn văn. Mọi người im lặng thả trôi cảm xúc theo cách giảng bài lôi cuốn của cô, tiếng ngòi bút di chuyển trên giấy đều đều bình lặng. Tay tôi chép bài nhưng đầu óc mơn man những suy nghĩ không đầu không đuôi. Bả vai vẫn đau mỗi khi cử động mạnh dù sáng nay tôi đã bôi khá nhiều dầu.
Từ lúc Hằng bàn về việc đi chơi đến lúc này, tôi chỉ có một ước muốn : gặp tên bốn mắt khó ưa đó. Tôi biết mình đang tiếp tục lừa dối mẹ, tiếp tục bước qua lời hứa của đứa con đối với người mẹ. Tôi vẫn đang đeo bộ mặt che đậy mọi thứ để đối diện với những việc đang xảy ra.
Cái khát khao gặp Duy càng lớn hơn khi tôi dắt xe khỏi con dốc đông học sinh tíu tít tạm biệt nhau. Chưa kịp ngồi lên yên, tôi đã bị giáng một đòn rất mạnh vào tim_ba đứng ở gốc cây phía xa xa, gần trạm xăng. Vậy đây là sự kiểm soát theo như lời cảnh báo tối qua.
Tôi là gay, cũng là con ba mẹ, đứa con đó đang bị giám sát 24/24. Muốn cười mà cơ miệng chỉ tạo ra được sự méo xẹo vô duyên kỳ cục. Tôi đạp xe về nhà với tâm trạng chán nản, trống rỗng. Tôi rất muốn gặp đôi kính cận vào lúc này. Có thể lúc gặp tôi sẽ đấm cậu ta để trút tất cả những gì trong lòng, nhưng cũng có thể gặp chỉ để nhìn. Tôi không rõ nổi suy nghĩ trong đầu nữa. Tôi phải làm gì và làm như thế nào?
Những câu hỏi chưa có lời giải vì suy nghĩ vẫn rời rạc chưa quy về một khối.
~~~~~~~~~~~~~~~~~
– Mày thử hỏi sếp Hằng đi – Một con khỉ tóc ngang vai đùn đẩy sang người bên cạnh – Sếp cấp hai học Trung học cơ sở Láng Hạ mà.
– Sếp Hằng tuy dễ tính nhưng không thích mấy vụ nói sau lưng người khác đâu.
– Đây đâu phải nói xấu, chỉ là bình luận thời sự trường lớp thôi – Giọng pha trò vang lên kéo theo vài tiếng khúc khích – Tụi mình chỉ hỏi, Hằng trả lời hay không chưa biết mà.
– Ừ, vậy chờ sếp về lớp thì hỏi nhé.
“Con này chết thiêng lắm đây”, tôi lẩm nhẩm trong miệng khi Hằng xuất hiện ngay lúc đó.
– Hằng, lại nhờ chút – Con khỉ tóc đuôi gà vẫy vẫy.
– Gì đây mấy cô nương – Tung tẩy sổ màu đen trên tay, con béo bước lại với khuôn mặt rạng rỡ – Đã học sử chưa? Còn 10 phút nữa là vào lớp đấy.
– Có chuyên viên quay bài đây rồi, lo gì sếp – Ấn vai con béo xuống ghế, mấy con khỉ nháy mắt ra hiệu nhau.
Tiết thứ thư có kiểm tra sử 1 tiết nên tôi không ra sân xem tụi con trai đá cầu mà ở trong lớp tụng bài. Nói là học cho oai, chứ mắt nhìn vào quyển vở trước mặt, còn tai dỏng lên nghe tụi nhà lá bàn tiếp chuyện “điều tra” hôm qua. Có vẻ vấn đề đồng tính luôn được người dân quan tâm, dù chỉ là hiếu kỳ tò mò nhưng luôn thu hút được đông đảo khán giả. Bằng chứng là số lượng khỉ đang vây quanh con béo khai thác.
– Hằng cấp hai học Trung học cơ sở Láng hạ hả?
– Ừ, sao?
– Bà có biết hết mặt tụi cùng trường không?
– Hồi đó làm cán bộ lớp, kiêm chức lính đánh thuê của thầy cô nên lượn đi lượn lại các lớp cũng nhiều, biết cũng kha khá – Nói về người mà cái kiểu ăn nói của con béo làm tôi liên tưởng nó đang đếm hàng.
– Bà nghe tụi A2, A3 bàn về một tên cấp hai cũng học Láng Hạ là pêđê chưa?
Mắt con béo hơi nhướng lên rồi đảo một lượt những cô nàng đang vây quanh :
– Tụi mày biết pêđê là gì không?
– Là mấy thằng như con gái, tình điệu đà õng ẹo chứ gì?
– Những người đó gọi là gay lộ. Chứ nhiều người trong cuộc không gọi pêđê.
– Gay???
– Gay là gì???
Những tiếng thắc mắc thi nhau vang lên khi nghe thấy một từ lạ tai.
– Tụi mày không biết gay là gì?
– Ừ, lần đầu nghe.
– Có liên quan pêđê không?
– Vậy tại sao lại hỏi tao việc kia? – Hất đầu, giọng Hằng nhuốm chút khó chịu – Cái việc có đứa học Láng Hạ giống tao ý. Tại sao hỏi về nó?
– Thì không biết nên tụi tao mới hỏi mày có nghe tin đồn hai hôm nay không? Khối 11 đang rộ lên việc có bọn đồng tính trong trường đấy.
– Có người đồng tính trong trường thì sao? – Giọng Hằng đã trở lại thản nhiên nhưng tôi cảm nhận có gì đó giễu cợt trong đó.
– Ờ thì….
– Đâu sao, hỏi thôi.
– Mấy người đó có làm gì ảnh hưởng đến tụi mày không? – Ba bốn cái đầu lắc nhẹ, vài ánh mắt nhìn Hằng ngạc nhiên – Bọn họ cướp của giết người không? Có đe doạ tính mạng tụi mày không? Hay họ đã làm gì để tổn hại đến quyền lợi cá nhân của tụi mày?
– Làm gì dữ thế? Tụi này chỉ hỏi thôi.
– Ừ, tò mò chút thôi mà.
– Thì bọn họ đâu làm gì tụi này, nhưng….tò mò cũng không được hả?
Quyển sổ đặt mạnh lên bàn khiến mọi người giật mình nín bặt. Hằng nói hơi gằn nhưng mắt vẫn bình thản đến khó tin :
– Vậy tao hỏi nhé. Giả dụ tụi mày có bồ, rồi một nhóm người không quen biết tò mò về tụi mày và thằng bồ như là việc : hẹn nhau thế nào? Ở đâu? Một lần hẹn hôn nhau mấy lần? Hôn ra làm sao? Đứa nào hôn trước? Rồi có abc không? Abc ra làm sao? Có thấy sợ không? Và cảm giác như thế nào? Vân vân và vân vân …Tụi mày nghĩ sao khi việc đó xảy ra?
Những ánh mắt hiếu kỳ giờ cụp xuống, vài đứa quay sang nhìn nhau trao đổi ý kiến. Hằng đứng lên nhìn khắp lượt chờ tụi nó ngấm dần rồi buông gọn :
– Đừng có tò mò chuyện không thuộc về mình. Và đừng có nói những lời, nhưng từ ngữ khi mà chẳng biết cái quái gì.
Con béo bước về phía tôi, bỏ lại phía sau sự im lặng như tờ.
– Hải, trả tao vở địa ngay.
– Mày không nhắc tao lại mang về như hôm qua – Chờ con béo đến gần, tôi hỏi nhỏ – Mày nói thế không sợ tụi nó ghét rồi trả thù hả?
– Ghét? Trả thù? – Giọng ngạc nhiên lộ rõ, con béo cười toét lộ hết răng rồi quay lại phía mấy con khỉ – Ê, tao nói thế tụi mày có ghét không?
Sau giây phút sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ, những tiếng phì cười thoát ra.
– Ghét cái gì? Tụi này phải cảm ơn tính thẳng thắn của mày không hết, ở đấy mà ghét.
– Tao biết mày thẳng tính nhưng hôm nay mới được nếm mùi.
– Yên tâm, rảnh đâu mà ghét người khó ưa như mày.
– Vậy là không ghét – Hằng hỏi lại.
– Ừ, ghét lớp trưởng để bị trù hả?
– Ai chứ sếp Hằng dám trả thù cá nhân lắm à.
– Em không ghét sếp nhá, sếp đừng trù dập em tội nghiệp.
Những con khỉ bật cười sau câu pha trò của con khỉ tóc đuôi gà. Hằng cười theo và hỏi tiếp :
– Vậy tụi mày thương tao hả?
– Dạ, em thương sếp nhất quả đất.
– Em cũng thương sếp.
Em thương sếp lắm đấy, nên khi xếp hạnh kiểm sếp nhớ nhẹ tay cho …má em mừng.
Ngay đến tôi cũng bật cười trước sự nhí nhố của lũ khỉ tóc tóc dài. Hằng không vừa, nó tận dụng luôn thời cơ :
– Vậy bọn mày nên mời người thương đi ăn bò bía đi chứ.
Vài con khỉ ôm bụng cười, tôi thì nhún vai đầu hàng cái sự khôn lỏi mọi lúc mọi nơi của con béo. Không biết người như Hằng thì trên đời tồn tại được mấy người đây?
Những tiếng cười vẫn vang lên khiến tôi muốn kéo dài giây phút ở trên lớp, không muốn về nhà chút nào. Không khí ở nhà như không có người, chỉ có những cái xác đi qua đi lại không nói với nhau nửa lời. Và nguyên nhân của không khí ảm đạm đó là tôi. Ngay như lúc sáng dọn hàng phụ mẹ, tôi chỉ muốn dọn nhanh, làm hết mọi việc rồi đến lớp. Tôi không muốn nhìn vào đôi mắt buồn sưng mọng vì khóc, không muốn nghe những tiếng thở dài khi mẹ đứng đun nhân trần. Lúc mẹ đập đá bỏ vào phích đưa tôi xếp ra xe đẩy, mẹ cũng tránh nhìn tôi, tránh nhìn đứa con trai bệnh hoạn tởm lợm trước mặt.
Tôi không muốn về nhà.
– Vở địa mày – Bàn tay chuối nắn giáng nhẹ vào đầu tôi – Bộ chưa học bài hả?
Tôi suy nghĩ nhưng mắt nhìn vào vở, chắc Hằng nghĩ tôi học. Đang lục lọi ngăn bàn tìm vở thì nó dặn :
– Giờ về chờ tao cùng về – Ánh mắt con béo cho tôi biết nó đã lờ mờ đoán ra mọi việc.
– Ừ, giờ về.
Tôi biết dù có nói với con béo mọi việc cũng không giải quyết được gì nhưng chỉ cần bỏ bớt những thứ trong đầu là tôi sẽ có chỗ để đón nhận những suy nghĩ mới. Biết đâu với sự tinh tế của con gái, với sự bình tĩnh của người ngoài cuộc, Hằng sẽ nghĩ ra giải pháp hay thì sao. Hoặc chỉ để tôi có thể tâm sự với một người tin cậy cũng được. Trước đây tôi có Mưa_trong_nỗi_nhớ nhưng bây giờ, hiện tại và hiện hữu ngoài đời là Hằng. Sau những gì nó bộc lộ, tôi biết có thể tin nó và có thể nói tất cả mà không sợ gì cả.
Biết đâu sự tưng tửng khùng khùng của Hằng sẽ làm tôi nhẹ đầu và có tâm trí để đi học thêm tối nay. Tôi sẽ gặp tên bốn mắt vào buổi học thêm Lý. Bắt buộc tôi phải có quyết định dứt khoát_thực hiện lời hứa với mẹ hay tiếp tục đeo bộ mặt con ngoan, nhưng lại lén lút lừa dối như trước đây.
Tối nay tôi gặp Duy và sẽ có câu trả lời.
~~~~~~~~~~~~~~~~
– Mày đi theo làm gì? – Người phá vỡ sự im lặng là tôi.
– Đi theo cũng phải có lý do? – Với giọng ngạc nhiên, Duy đi song song mà không một lần quay sang nhìn tôi.
Từ lúc tôi bước vào lớp ngồi cạnh cậu ta, ngoài sự im lặng thì không có bất kỳ biểu hiện nào hết. Rất muốn nói việc ba mẹ đã phát hiện nhưng cái mặt lỳ lỳ như đang suy nghĩ làm tôi không mở miệng nói được. Nhìn ánh mắt đăm chiêu, tôi đoán cậu ta gặp chuyện gì đó khó giải quyết. Vậy là suốt buổi học, nửa muốn nói nửa muốn hỏi nhưng hai môi cứ dính chặt vào nhau không phát ra nổi nửa lời. Tôi biết việc này phải bàn với cậu ta để tìm hướng giải quyết, nếu cứ ôm lấy một mình thì mọi việc càng rắc rối không lối thoát hơn. Nghĩ thì vậy nhưng ngay cả lúc đi về, tôi vẫn ngậm tăm, phải đến khi rẽ vào cổng chùa mới nói được một câu.
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi đến cổng ngõ nhưng cậu ta vẫn chưa quay xe đi về :
– Mày không về đi …
Đầu tôi hơi ngả ra sau khi tay cậu ta kéo nhẹ đầu và hôn nhanh lên môi tôi :
– Dù có chuyện gì xảy ra cũng phải tin tôi, nghe không?
Mắt tôi mở to hết cỡ trước hành động kỳ lạ. Cậu ta hôn tôi ngay giữa đường, ngay cổng ngõ nhà tôi. Cậu ta không nghĩ sẽ bị bắt gặp hả?
– Hải, vào nhà!
Tiếng hét từ tầng hai vọng xuống, tôi ngước lên và bắt gặp mẹ đang đứng ở lan can. Vậy là hết, lo lắng bị nhìn thấy cũng như không. Cảnh Duy hôn tôi chắc chắn mẹ đã thấy nên giọng mới giận dữ thế. Trước khi tôi kịp sắp xếp suy nghĩ thì Duy đã đẩy cổng dắt xe vào :
– Bố mẹ ông đều có nhà chứ?
– Không, ba tao hôm nay trực.
– Được rồi, vào nhà thôi – Duy nhìn lên tầng hai, bóng người phụ nữ không còn ở đó nữa, cậu ta cũng biết mẹ đang xuống nhà – Ông đừng ngạc nhiên, Hằng đã gọi điện cho tôi chiều nay.
Vậy ra tên bốn mắt đã biết mọi việc. Nhưng sao người đầu tiên nói cho cậu ta biết không phải là tôi mà là con béo nhiều chuyện chứ? Cũng phải nói một câu công bằng, nếu con béo không gọi điện, chưa chắc tôi đã mở miệng khi mà cậu ta cứ lầm lỳ suốt buổi học tối nay.
Ngay khi tôi bước chân vào nhà thì một bàn tay giáng thẳng lên mặt :
– Thằng chó này, mày muốn bôi tro trát trấu vào mặt tao hả?
Cái tát thứ hai thì Duy đẩy tôi ra nên hứng trọn. Trong khi mẹ còn sững sờ, cậu ta bình tĩnh nói :
– Thưa cô, nếu muốn đánh xin cô hãy đánh cháu. Đừng đánh Hải vì người đau nhất ở đây là cô mà.
– Cậu có quyền gì dạy khôn tôi? – Mẹ hét to và những lời ác ý tuôn ra như cố tình xúc phạm người nghe – Bố mẹ cậu không biết dạy là đừng xen vào chuyện nhà người khác hả? Con tôi hư, tôi là mẹ, tôi có quyền dạy bảo nó. Cậu con cái nhà ai mà dám bước vào nhà tôi nói này nói nọ?
– Thưa cô – Đôi mắt Duy xuất hiện những tia đỏ giận dữ nhưng giọng nói vẫn hết sức bình tĩnh – Mẹ cháu mất đã lâu nhưng những năm tháng còn sống, cháu đã được dạy bảo những đạo lý ở đời đủ để cháu có tư cách làm một con người. Còn bố cháu đã lấy vợ hai bỏ mẹ con cháu nhưng đó vẫn là người sinh ra cháu, cho cháu cuộc sống trên đời. Cháu không nghĩ những gì họ mang đến cho cháu lại đáng bị cô xúc phạm như vậy.
Đôi mắt sững sờ của mẹ thoáng tia hối hận, sau vài phút mẹ mới nói, giọng nhẹ hơn nhiều :
– Vào nhà – Trước khi quay đi, mẹ đảo mắt qua Duy – Cả cậu nữa.
Khi ba người yên vị trong phòng khách, tôi thấy bé Mai thập thò nơi cầu thang nghe lén.
– Rồi, bây giờ cậu có thể nói – Mẹ nhìn thẳng vào hai đứa, Duy ngồi bên cạnh tôi – Hai cậu cũng 17, 18 rồi chứ không còn nhỏ. Cái tuổi biết suy nghĩ đúng sai, cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Vậy sao còn bước vào con đường bị xã hội lên án và ghê tởm? Sao còn để tình cảm lún sâu đến mức giữa đường giữa chợ làm chuyện tởm lởm đó?
– Thưa cô, cháu không nghĩ bộc lộ tình cảm bằng một nụ hôn lại là chuyện tởm lợm đâu ạ – Tôi giật mình khi giọng Duy không có chút gì gọi là nhún nhường.
– Cậu còn dám trả treo tôi – Mẹ bắt đầu gắt lên – Các cậu làm chuyện nhơ bẩn đó, nếu hàng xóm bắt gặp thì người hứng chịu mọi lời đàm tếu là bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi đây này.
– ….
Tôi thấy môi Duy hơi cử động nhưng vẫn im lặng lắng nghe mẹ chì chiết :
– Tôi không hiểu hai thằng con trai thì tìm thấy cái gì ở nhau để mà yêu. Nam nữ yêu nhau thì đã đành, đằng này lại là hai thằng đực rựa hôn hít nhau…thật tôi không tài nào hiểu.
Tôi muốn hét lên nhưng cơ thể không có sức, cả người rã ra trước những lời tàn nhẫn. Con mắt của dư luận, suy nghĩ của xã hội dành cho chúng tôi là thế hay sao? Chúng tôi khác nào là loại vi trùng khác lạ không giống bất cứ thứ gì đang tồn tại, đang len lỏi và quấy nhiễu cuộc sống này. Đáng nhẽ nên khóc nhưng tôi chỉ muốn cười_cười vào suy nghĩ thiển cận, khắc nghiệt của cuộc đời hà khắc này.
– Tôi nghĩ hai cậu còn quá nhỏ để hiểu rõ tình yêu trong cuộc sống này. Cái tình cảm trong lòng hai cậu chỉ là mơ mộng trẻ con, bị ảnh hưởng bởi phim ảnh.
– Thưa cô, đúng là cháu và Hải chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng những cảm xúc dành cho nhau đều xuất phát từ trái tim, dù tình cảm chưa trải qua thử thách, qua sóng gió đời thường nhưng sự chân thật cũng đáng trân trọng chứ ạ. Cháu không nghĩ người chưa đủ tuổi trưởng thành lại không biết rung động, không biết yêu.
– Cậu đã nói vậy, tôi cũng cho tình cảm ấu trĩ đó là thật đi, nhưng liệu tình cảm có sống nổi khi mà xã hội chưa chấp nhận chuyện này, dư luận luôn lên án những cặp đồng tính không? Cậu trả lời tôi coi.
Đôi mắt mẹ nhìn xoáy vào Duy, hoàn toàn quên mất sự có mặt của tôi. Cậu ta trả lời bình tĩnh đến mức tôi phải ngạc nhiên :
– Cháu biết xã hội vẫn còn khắt khe, phân biệt và luôn kỳ thị những cặp đồng tính. Nên chỗ dựa vững chắc nhất, nơi họ có thể coi là nguồn động viên tinh thần để tiếp tục đấu tranh cho tình yêu của mình lại chính là gia đình của mình đấy cô ạ. Liệu cháu và Hải có thể hy vọng vào sự hậu thuẫn duy nhất này không cô?
Cái thằng con trai ngồi bên cạnh đúng là bằng tuổi tôi chứ? Sao có thể suy nghĩ già dặn và cách nói năng đánh vào tình cảm của người khác được như thế? Thực sự đây là Duy, người con trai luôn ẩn hiện trong suy nghĩ của tôi suốt hai năm nay sao?
Mẹ cũng bất ngờ trước sự phản đòn sâu sắc nhưng vẫn rất lễ phép này. Ánh nhìn đã có chút thay đổi, tôi lo lắng quan sát biểu hiện của mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ chỉ nói :
– Các cậu chưa làm cha làm mẹ sao hiểu cảm giác của chúng tôi. Sống trong xã hội này không phải chỉ có một mình, mà còn cần hàng xóm láng giềng, còn cần những thứ tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Trẻ con như các cậu làm sao hiểu hết.
– Không phải hạnh phúc của con cái quan trọng hơn mọi thứ trên đời sao cô?
Mẹ thoáng giật mình nhưng nhanh chóng hỏi :
– Bố mẹ cậu nghĩ gì khi biết việc này? Họ biết cậu là pêđê không?
– Bố mẹ cháu biết rồi.
– Họ phản ứng thế nào?
– Bố mẹ cháu cũng chỉ là những người bình thường, dù yêu thương con cái nhưng vẫn không thể bước qua được dư luận xã hội. Bố cháu đã từ cháu khi biết được sự thật.
– Đấy, cậu thấy chưa. Sống trên đời không chỉ vì bản thân mình đâu.
– Cháu biết – Lần đầu tiên từ khi bước vào nhà, Duy cúi xuống nhìn bàn tay rồi lại ngẩng lên khi đã qua cơn xúc động – Dù bố mẹ cháu đối xử thế nào nhưng cháu luôn nghĩ “Sinh con ra, nhưng người làm cha làm mẹ chỉ muốn con mình được hạnh phúc, chứ có bậc cha mẹ nào muốn con mình gặp chuyện đau buồn”. Cháu luôn nghĩ như vậy.
– Cậu chắc chắn những gì cậu và thằng Hải đang làm là hạnh phúc? Là đúng?
– Yêu và được yêu là bằng chứng hạnh phúc của tình yêu đúng nghĩa, thưa cô.
– Cậu có gì chứng minh?
Tôi cũng như mẹ nhìn Duy chờ câu trả lời :
– Nếu cô cho phép, cháu sẽ dùng thời gian trả lời.
– Ngay cả khi xã hội kỳ thị công khai, khi mà dư luận vẫn lên án hàng ngày?
-Vâng, ngay cả khi xã hội không cho chúng cháu cơ hội, nhưng chỉ cần cô chú cho phép, cháu sẽ chứng minh tình cảm của cháu và Hải không phải ấu trĩ trẻ con, càng không phải thứ bệnh hoạn đầy vi trùng….
– 10 năm hay 20 năm? – Mẹ cắt ngang với giọng giễu cợt.
– Chỉ cần cô chú cho phép thì dù dùng cả cuộc đời để chứng minh, cháu cũng sẽ làm.
– Mấy đứa trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” như các cậu chỉ giỏi cái miệng, có ai nói mà làm được đâu.
Nhìn thẳng vào mẹ, Duy ngẩng cao đầu khẳng khái :
– Thưa cô, tình cảm của cháu đối với Hải hơn hai năm nay là thật lòng. Cháu sẽ làm được khi mà nó luôn tồn tại trong tim và sẽ không bao giờ thay đổi.
– Cậu….
Đôi mắt qua cặp kính không hề chớp, tôi muốn hét lên vui mừng khi nghe cậu ta nói nhưng có mẹ ngồi đây nên không dám. Tôi không nghĩ Duy dám ăn nói như vậy. Lễ phép nhưng luôn giữ vững lập trường, luôn nắm bắt đúng lúc để nói ra.
Liệu tôi có chút tia hy vọng nào vào cuộc đối thoại này không? Mẹ vẫn im lặng quan sát Duy, ánh nhìn không còn ghét bỏ hay giận dữ như lúc đầu nữa.
Sau vài phút im lặng thử thách sức chịu đựng của người đối diện, cuối cùng mẹ nói :
– Tôi nghĩ nên dừng ở đây, tôi thấy mệt muốn đi nghỉ.
Hiểu mẹ đuổi khéo, Duy đứng lên lễ phép :
– Dạ thưa cô, cháu xin phép về.
– Vâng, cậu về.
Thấy tôi đứng lên theo, mẹ gọi giật giọng :
– Quên, cậu tên gì nhỉ?
– Cháu tên duy.
– Tôi nghĩ trong thời gian này cậu không nên gặp thằng Hải. Cậu hiểu ý tôi chứ?
– Dạ cháu hiểu – Có gì đó là lạ trong đôi mắt đen làm tôi lo lắng.
– Được rồi, cậu về đi – Mẹ nhắm mắt mệt mỏi – Hải, lấy cho mẹ cốc nước.
– Thưa cô, cháu về.
Tôi muốn đưa cậu ta ra cổng nhưng Duy lắc nhẹ đầu ra hiệu. Tôi cứ nhìn theo ngay cả khi cậu ta đã khuất nơi cửa sắt, phải lúc mẹ lên tiếng mới tỉnh người :
– Mày cũng đi ngủ đi, muộn rồi.
– Dạ, để con lấy nước cho mẹ ….
– Khỏi, tao không khát – Giọng chán nản của mẹ làm tôi cứ đứng xớ rớ ở cầu thang.
Đang không biết làm gì thì mẹ lại nói :
– Từ mai mày nghỉ học Lý ở chỗ đó đi.
Mẹ, sao mẹ lại thế – Tôi mở to mắt sững sờ, không nhẽ cuộc đối thoại vừa rồi không có ý nghĩa gì sao? Một chút cũng không?
– Khỏi nói nhiều, tao bảo nghỉ là nghỉ – Giọng mẹ gắt gỏng như đang trút giận lên tôi vô cớ – Giờ mày có đi ngủ không thì bảo?
Tôi biết có nói gì cũng bằng thừa, bước chân trở nên nặng *****, dội xuống cầu thang những tiếng “rầm rầm”.
Đóng kín cửa, tôi vội vàng gọi điện sang Duy nhưng chờ mãi không ai bắt máy. Vậy là cậu ta chưa về đến nhà. Cuộc nói chuyện vừa rồi cho tôi hiểu tình cảm của Duy lớn đến mức nào. Tôi không nghĩ cậu ta chín chắn đến mức dám đối diện và thẳng thắn nói ra tình cảm cũng như giữ vững quan điểm của mình như vậy. Tôi biết nên vui khi trên cuộc đời này có một người yêu tôi, luôn quan tâm tôi trong thầm lặng nhưng tôi cũng bất ngờ trước hoàn cảnh của cậu ta. Hồi lớp 8 tôi biết bố cậu ta rất cưng cậu con trai, vì vụ TKQ2 mà chuyển trường cho con nhưng chỉ hơn hai năm không tin tức mà tình cảm đó đã đổi khác. Bố cậu ta bỏ mẹ con Duy sao? Và mẹ Duy mất lúc nào? Trước lớp tám hay bác mất trong thời gian của hai năm vừa qua? Cậu ta cũng chỉ 17 như tôi nhưng những gì đã trải qua thật không dám tưởng tượng. Nếu tôi cũng gặp hoàn cảnh đó…không, ba mẹ tôi, gia đình tôi sẽ không bao giờ gặp chuyện tương tự. Tôi không nên nghĩ vớ vẩn và chắp ghép hoàn cảnh nhà Duy và gia đình tôi. Ba mẹ, bé Mai là gia đình, là những người tôi yêu thương nhất, không bao giờ tôi muốn có gì đó xảy ra với gia đình này. Nhưng bản thân tôi lại đang làm xáo trộn sự bình yên đó lên. Chỉ vì tôi là gay, là thằng đồng tính, chỉ về trái tim tôi hướng về một người con trai.
Tôi phải làm gì khi sự thật này không thể thay đổi? Từ khi sinh ra, từ lúc ba mẹ tạo cho tôi một cơ thể, cho tôi cuộc sống này, tôi đã là người đồng tính, đó là điều không thể phủ nhận, không thể chối bỏ. Tôi phải làm gì để ba mẹ chấp nhận bản thân tôi? Phải làm như thế nào để mẹ không phải rơi nước mắt nữa? Tôi không muốn nước mắt lại ướt nhoà trên gương mặt người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đâu.
Tôi cần làm gì? Nên làm gì tiếp theo?
Phải gọi điện cho tên bốn mắt để bàn kỹ nhưng điện thoại không có ai bắt máy. Đừng nói căn nhà đó ngoài Duy ra thì không còn ai sống cùng nhé. Gần 12 giờ rồi, sao chưa ai về nhà? Cậu ta đã đi đâu sau khi từ nhà tôi về? Bây giờ tôi không thể đến nhà cậu ta được, chỉ cần ra khỏi cửa là cuộc nói chuyện của Duy với mẹ sẽ trở lại con số không? Nhưng…tên chết tiệt đó đi đâu cơ chứ?
Những hạt lệ nhỏ xíu vẫn lấp lánh trên cao, tôi ngước lên đó và nhận ra đã rất khuya, thời gian vẫn trôi từ từ nhưng không bao giờ trở lại.
Tôi và Duy cũng không có con đường quay về, phải tiếp tục bước, dù chỉ là những bước ngắn.
~~~~~~~~~~~~~~~
Một gia đình gồm người bố, mẹ và bé gái 7, 8 tuổi xách túi lỉnh kỉnh đi qua trước mặt tôi. Rồi lại đến người đàn ông trung niên dắt theo đứa con trai đang gặm bánh mỳ, mắt ánh nét cười, đến quầy mua vé. Vài người bán bánh mỳ dạo ngồi bên cái thùng, luôn miệng mời mọc khi có ai đó đi qua. Quang cảnh bến xe vội vã, mạnh ai nấy làm, mỗi người một số phận lướt qua nhau để đến những nơi khác nhau. Tôi cũng nằm trong số đó, đang ngồi trên ghế đợi Duy đi mua vé xe. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc cùng ai đó chạy trốn đến một nơi thật xa, dù đó là người yêu thì trong tưởng tượng cũng chưa bao giờ. Vậy mà hôm nay tôi ép buộc tên bốn mắt chạy trốn cùng tôi, đến một nơi không ai biết, giống như những cặp trai gái trong phim bị gia đình ngăn cản nên đưa nhau bỏ trốn. Nghĩ đến là muốn cười dù biết hoàn cảnh này cười không nổi.
Đêm qua tôi liên tục gọi điện sang Duy nhưng hai ba giờ sáng vẫn không có ai bắt máy. Trong một lần nhấc máy để gọi thì tôi nghe thấy cuộc nói chuyện của ba và mẹ. Mẹ gọi điện đến cơ quan ba và kể hết cuộc đối thoại hồi tối. Tôi hồi hộp nghe xem ba mẹ nói gì, thâm tâm cũng muốn biết suy nghĩ của mẹ về Duy, về chúng tôi. Nhưng tất cả những gì tôi nghe được vẫn chỉ là sự kỳ thị đã ngấm vào xương tuỷ, không khả quan chút nào. Mẹ bảo Duy là thằng nhóc lỳ lợm, nếu để lâu dài sẽ “lây nhiễm” sang tôi, cần phải “cách ly’. Tất cả mọi việc mẹ đổ hết lên Duy, ngay cả việc tôi là thằng pêđê cũng bị Duy truyền nhiễm. Vậy ra “thiên hướng tình dục hướng về người đồng giới” cũng truyền sang người khác được cơ đấy. Tôi là người trong cuộc còn không biết, vậy sao cái xã hội này, cái nhìn của dư luận lại có quyền phán xét và áp đặt lên chứ?
Ba sau khi nghe mẹ kể đã đưa ra một quyết định khủng khiếp, đó là đưa tôi vào Nam học. Trong Sài Gòn tôi có một ông chú vợ mất khá lâu, hiện đang sống với hai đứa con sinh đôi và không hề có ý định đi bước nữa. Ba muốn tôi vào đó học nốt cấp ba và thi Đại học ở đấy luôn. Lúc nghe ba đưa ý kiến đến lúc mẹ gật đầu đồng ý, tôi chỉ muốn hét lên phản đối, nhưng đã nhanh tay bịt chặt miệng nếu không thì…
Từ lúc đó trở đi ngoài suy nghĩ “phải bỏ trốn” tôi không còn nghĩ được gì nữa. Tiếp tục gọi điện cho Duy nhưng không ai bắt máy, tôi càng lo lắng bất an hơn. Vừa thầm khấn ông trời là không có việc gì xảy ra với cậu ta, tôi vừa thu dọn mấy bộ quần áo cho vào balô. Con lợn bằng sứ trong tủ cũng bị đập vỡ để có tiền sinh hoạt những ngày tiếp theo.
Sau đó tôi thức đến sáng, dọn hàng cho mẹ như mọi ngày, cố không để mẹ phát hiện sự khác thường nào. Chờ mẹ ra quán, tôi đi đường vòng ra đồng, con đường dẫn đến cổng sau bệnh viện Đường sắt. Chưa đến 6 h sáng nên không có ai ra vườn, tôi không sợ gặp người quen. Những cơn gió nhẹ thoảng qua cho tôi dũng khí bước tiếp con đường chạy trốn. Khi xe ôm dừng lại trước cổng nhà Duy cũng đã 6h sáng, nhưng chiếc khoá to đùng khoá phía ngoài cho biết nhà không có người. Ngồi chờ khoảng một tiếng mới thấy Duy đạp xe về, cậu ta chỉ nói ra thăm mộ mẹ. Tên bốn mắt này ở nghĩa trang cả đêm? Nhìn đôi mắt có quầng thâm phía dưới, tôi biết Duy không nói dối.
Tôi phải dùng đến biện pháp ép buộc cậu ta mới chịu đi cùng. Dù nói thế nào Duy cũng nhất quyết không đồng ý cách bỏ trốn của tôi, phải đến lúc tôi hét lên :
– Mày không đi thì tao đi một mình. Mày nghĩ vì thằng chó nào mà tao phải chọn hạ sách này? – Tôi cầm balô quay ra cửa thì cậu ta kéo tay lại.
– Được rồi. Tôi sẽ làm bất cứ những gì ông muốn.
Và lúc này tôi đang chờ cậu ta mua vé xe để vào Hải Phòng. Tôi không dám vào Sài Gòn vì trong đó có họ hàng mà số tiền tôi và Duy mang theo cũng không nhiều. Với lại tôi có một số người quen qua mạng ở đó, hy vọng có thể giúp ít nhiều.
– Ông ăn sáng đi, còn có sức đi xe.
– Tao không đói, mày ăn đi – Đẩy gói xôi nóng hổi ra, tôi nhăn mặt vì cậu ta vẫn bình thản như không.
– Không đói cũng phải ăn – Ấn vào tay tôi, cậu ta ra lệnh thật đáng ghét – Ông chứng tỏ đã là người lớn cho tôi xem nào.
– Hừ!!! – Hừ mũi, tôi mở gói xôi ra trong tức tối.
– Hừ cái gì mà hừ. Không tự lo cho bản thân, lúc lăn ra ốm tôi không thèm ngó đâu đấy.
Cái mặt cười cười làm tôi tức điên nhưng biết cậu ta nói đúng nên lảng chuyện :
– Còn bao lâu xe chạy?
– Khoảng tiếng nữa!
– Gì? Lâu vậy?
– Biết làm sao – Nhún vai, cậu ta nói như chuyện này không quan trọng mấy – Chuyến trước đã chạy cách đây nửa giờ rồi ông tướng.
– Hừ!!!
Cứ cãi nhau những chuyện vớ vẩn thì không biết tương lai của “hai thằng bỏ nhà đi bụi” sẽ đi đâu về đâu. Đặc biệt tên bốn mắt bên cạnh, mặt cứ cười cười như đang đi…dã ngoại ý.
– Vào Hải Phòng ông sẽ làm gì?
Đang ăn, bị hỏi bất ngờ làm tôi giật mình suýt nghẹn. Nuốt xong miếng xôi, tôi hỏi lại :
– Làm gì là làm gì?
Cậu ta nhăn nhó, miệng méo xệch :
– Không nhẽ ông không có kế hoạch gì cụ thể cho việc bỏ trốn hả?
– À, đầu tiên là kiếm nhà trọ rồi tìm việc làm.
– Ông biết làm gì?
– Ờ thì …- Tôi ngắc ngứ thì cậu ta lại hỏi tiếp.
– Liệu có ai thuê hai thằng nhãi không bằng cấp, không trình độ, không biết bất cứ cái gì không?
Cậu ta nói đúng nhưng giống đang bàn lùi khiến tôi rít nhỏ :
– Mày muốn về rồi phải không?
– Không, đã bảo tôi sẽ làm bất cứ điều gì ông muốn – Ngả người dựa vào ghế, giọng cậu ta thản nhiên đến kỳ lạ – Nhưng ông có nghĩ tụi mình bỏ đi, bố mẹ ông sẽ thế nào không? Mang thai 9 tháng 10 ngày rồi vất vả nuôi dạy 17 năm trời, chỉ vì không chấp nhận tình yêu của nó mà người bố người mẹ mất di đứa con, thử hỏi họ làm gì mà phải chịu như thế?
Tôi im lặng nhìn vẻ đăm chiêu của Duy, khuôn mặt nghiêng nghiêng đẹp kỳ lạ. Bây giờ tôi mới nhận ra cậu ta có sống mũi cao, nước da mịn tuy không trắng, cặp lông mày rậm bên trên đôi mắt nhỏ màu đen_đôi mắt có những lúc khiến những người đối diện phải bối rối. Tôi biết cậu ta biết đang bị ngắm nhưng giọng nói vẫn bình tĩnh như không :
– Tôi kể cho ông chuyện này nhé. Có một gia đình vô cùng hạnh phúc với người cha yêu vợ thương con, với người mẹ hiền dịu đảm đang. Nhưng đứa con trai lớn trong nhà đã phá đi hạnh phúc đó khi nó nói với mẹ : nó là thằng đồng tính. Người mẹ khóc hết nước mắt và bắt buộc đứa con không được cho người cha biết vì ông bố đó là người trọng sĩ diện. Đến một ngày người cha vô tình phát hiện những trang web trong máy tính. Những trận dòn những lời chì chiết sỉ vả khiến đứa con trai chạy ra khỏi nhà vào một đêm mưa lớn. Ông biết chuyện gì xảy ra sau đó không? – Duy quay sang tôi, đôi mắt vô hồn không sức sống chiếu thẳng vào tim tôi khiến những mạch máu trở nên nóng, hơi thở gấp gáp – Khi đứa con trai đủ bình tĩnh để về nhà thì dập vào mắt nó là đám tang đứa em gái bốn tuổi. Vì chạy theo anh trai trong đêm đó, cô bé rơi xuống hố vôi gần nhà, không ai qua không ai cứu, đến sáng người ta phát hiện xác cô bé. Cô bé đã chết khi người anh trai bỏ nhà đi chỉ vì không chịu nổi những lời nói tàn nhẫn của người cha.
Tôi muốn ngăn cậu ta đừng nói nữa nhưng Duy ra hiệu “không sao đâu”. Hít một hơi thật dài, Duy nói tiếp với giọng nhẹ nhưng vẫn rất tự chủ :
– Sau đám tang cô bé, người mẹ trở nên điên loạn. Ông bố đã vứt người vợ tội nghiệp vào nhà thương điên một cách vô trách nhiệm, còn đứa con “bệnh hoạn” thì giao cho người em gái ruột không có chồng con quản thúc. Đến lúc này đứa con mới biết người bố mà nó luôn kính yêu đã và đang có một gia đình khác ở bên ngoài. Cái thằng con trai đó mất tất cả ở tuổi 16 chỉ vì nó là một thằng gay, vì nó bước ra khỏi nhà trong khi tức giận.
Quay phắt sang tôi, Duy nhấn mạnh :
– Và bây giờ thằng con trai đó lại phải chứng kiến người nó yêu thương nhất trên đời bước vào vết xe cũ của chính nó.
Rất muốn ôm người trước mặt, muốn nói gì đó nhưng tôi chỉ giương mắt ra nhìn. Thấy cứ nhìn chằm chằm cậu ta thì thật vô duyên, tôi cụp mắt xuống, lòng càng rối loạn hơn.
Tôi không biết Duy đã phải trải qua những vệc như vậy. 16 tuổi, tôi lao vào yêu Thăng mù quáng, còn cậu ta phải hứng chịu tất cả những thứ khủng khiếp nhất giữa ranh giới sống và chết. Tôi chắc chắn Duy luôn mặc cảm về cái chết của cô em gái cũng như tình trạng của mẹ. Cậu ta đã bị tổn thương quá nhiều. Tôi phải làm gì đây? Dù chỉ cần để cậu ta nhẹ lòng hơn cũng được.
– Tao…
– Đừng nói gì vào lúc này.
– Tao có thể làm gì? Chỉ cần mày nhẹ lòng, thanh thản hay chỉ cần vui hơn thì bất cứ việc gì tao cũng làm – Lần đầu tiên tôi nói thật lòng mà không thấy ngượng hay xấu hổ.
– Ông sẽ làm những gì tôi bảo chứ? – Đôi mắt đen đã dịu lại, cậu ta mỉm cười nhẹ.
– Ừ, mày nói đi, bất cứ điều gì….
– Lấy xe và về nhà.
Không biết vì lý do gì mà tôi cười theo nụ cười tinh quái đó. Tôi biết cậu ta vừa đưa tôi vào tròng rất khéo léo nhưng tôi tự nguyện.
– Nhưng còn vé xe? Có trả lại được không?
– Làm gì có vé xe nào – Chiếc balô luốn bên cạnh tôi được cậu ta quẳng lên vai rồi tôi hơi đỏ mặt khi cậu ta đá mắt nghịch ngợm – Còn ngồi đó? Hay muốn tôi mang xe ra đây rước ông?
– Thằng khốn – Duy ngã người ra sau tiếng hét, tôi hoàn toàn bát ngờ khi nhận ra ai vừa đấm cậu ta – Mày dám giở trò đốn mạt này dụ dỗ con tao hả?
Tôi không thể chạy đến đỡ Duy vì ngay sau đó đã ăn cái tát rát bỏng của mẹ :
– Mày có biết tao lo như thế nào khi đọc lá thư mày để lại không hả Hải – Hàng nước mắt chưa lăn xuống cằm, mẹ đã ôm chặt tôi, giọng nức nở nghẹn ngào – Sao con lại dại dột thế hả Hải? Sao con nỡ đối xử với mẹ vậy hả con?
Tôi biết phải nói rõ để mẹ nín khóc nhưng ba đang tóm cổ áo Duy, đấm liên tiếp vào mặt vào người cậu ta như trút tất cả tức giận, lo lắng vào cú đấm. Đẩy người mẹ ra, tôi lao đến ôm chặt tay ba :
– Không! Tất cả việc này đều tại con, không liên quan đến cậu ta. Là do con ép cậu ta….
Theo đà, tay trái của ba đấm vào mặt tôi nhưng Duy cũng nhanh không kém, cậu ta chen vào giữa lãnh trọn cú đấm. Tôi ngã sấp xuống, Duy đè lên người, mặt cậu ta thâm tím, khoé miệng rách và rỉ máu.
– Ông có thôi di không – Mẹ kéo tay ba ra khi xung quanh đã đông kín người, vài bác gần đó cũng vào cản rồi kéo Duy ra xa.
Đôi mắt đỏ vằn tia giận nhìn Duy, ba bóp chặt cổ tay tôi lôi đi :
– Đừng dể tôi nhìn thấy mặt cậu nữa. Đi về.
Tôi muốn giằng ra nhưng ba quá khoẻ và mẹ chạy bên cạnh với đôi mắt van xin. Tôi hiểu mẹ không muốn làm mọi chuyện rắc rối thêm và tôi không có quyền để việc đó xảy ra. Vừa ra đến ngoài thì xe anh Khải tấp đến. Vậy là tôi ngồi sau xe ba, anh Khải chở mẹ. Trên đường về, mẹ cứ vùi mặt vào khăn tay khóc, đôi vai run run như dìm mọi sự cố gắng của tôi xuống.
Đây là cái giá cho sự vội vàng hấp tấp, thiếu suy nghĩ của tôi. Nếu như tôi bàn với Duy trước và bình tĩnh xem xét mọi chuyện thì đã không ra cơ sự này. Mà ông trời cũng không đứng về phía tôi dù đã ban cho tôi cơ hội. Tôi vừa quyết định dứt khoát sẽ cùng Duy từ từ chứng minh cho ba mẹ là chúng tôi không phải trẻ con, đồng tính không phải bệnh hoạn, tình yêu của chúng tôi không đáng bị lên án thì ông trời tàn nhẫn cướp đi cơ hội chứng minh. Chắc chắn mẹ về nhà lấy đá và thấy bức thư tôi để trên bàn. Nếu tôi thay đổi quyết định sớm hơn một chút, về nhà nhanh hơn một chút thì mọi việc không đến mức không thể cứu vãn được. Bây giờ “tình ngay lý gian” có nói gì cũng bằng thừa, không thể nào lấy lại sự đồng cảm của mẹ, một chút cũng không.
~~~~~~~~~~~~~~~~
Tôi hết đứng lại ngồi, đi lại mãi trong phòng rồi nhìn ra cửa sổ với tâm trạng bất an. Tên bốn mắt đó định giở trò gì mà đến nhà vào lúc này chứ? Sau khi bị bắt tại trận ở bến xe, ba nhốt tôi vào phòng không cho ra ngoài, điện thoại thì bị ngắt, chắc ba rút dây điện. Ngay cả tối nay có buổi học với ông thầy và con béo, ba cũng xin nghỉ với lý do nhà có việc. Bị nhốt trong phòng nhưng tôi không dám hét lên phản đối. Mấy hôm nay nhà luôn có tiếng chửi, chắc chắn hàng xóm cũng biết ít nhiều, tôi không muốn mẹ phải buồn thêm nữa.
Nhưng tên bốn mắt lại dẫn xác đến dù ba đã đuổi thẳng thừng ngay cửa. Tôi không biết cậu ta nói gì vì sau đó mọi người vào nhà, tôi không thể nghe được cuộc đối thoại trong phòng khách. Chỉ mười phút nữa là tiếng rưỡi rồi đấy. Nói gì mà lắm thế? Việc liên quan tôi thì ít nhất cũng phải thả tôi ra rồi cho tham gia chứ. Trời ơi là trời! Cuối cùng cậu ta đến đây làm gì?
Muốn bàn lùi và lại hứa không gặp, không quan hệ như những bộ phim Hàn Quốc sao? Cậu ta mà làm thế, tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Trốn tránh và buông xuôi không phải là cách, làm thế là ngu ngốc, tự giết bản thân và tổn thương người khác. Tôi sẽ giết cậu ta nếu điều đó xảy ra.
Mắt chạm phải đồng hồ cát trong khi suy nghĩ, tôi bước đến bàn lật ngược nó lại. Những hạt cát nhỏ xíu màu đỏ óng ánh rơi xuống đều đều nhưng không theo một quy luật nhất định. Những hạt cát từ tốn đếm thời gian trôi qua trong câm lặng như thử thách sức chịu đựng của tôi.
Tôi nghe thấy tiếng động ở cửa sắt, có người từ trong nhà di ra. Tôi biết Duy đang về và không có gì xảy ra như là xô xát hoặc chửi bới. Cuối cùng chuyện gì đã diễn ra trong phòng khách, tên bốn mắt đã nói gì mà ba để cho cậu ta ra về trong bình yên không sứt mẻ?
Cộc cộc cộc….
– Anh ơi – Giọng bé Mai thì thầm sau cánh cửa – anh Hải ơi.
– Gì vậy nhóc? Mẹ bảo em mở cửa cho anh hả? – Tôi hý hửng hỏi với trái tim hồi hộp.
Nhưng ngay sau đó nhận ngay gáo nước lạnh tạt thẳngvào mặt :
– Dạ không, lúc nãy em từ nhà thằng Biền về thì gặp cái anh hôm trước đến nhà, ảnh bảo em nhắn lại với anh việc này.
– Cậu ta nói gì? – Tôi biết đó là Duy nên hỏi dồn dập – Em nói đi.
– Ảnh bào “Đừng làm gì lúc này và hãy cho anh thời gian, dù có chuyện gì xảy ra cũng phải luôn nhớ người quan trọng nhất trong tim anh là người giữ đồng hồ cát”. Ảnh nói vậy là sao hả anh? Em không hiểu.
– Còn gì nữa không? Cậu ta có nói thêm gì nữa không?
– Dạ không, ảnh nói vậy thôi. Ảnh còn mua kẹo cho em này.
– Bé Mai xuống mẹ nhờ – Tiếng gọi lớn của mẹ ngăn câu hỏi của tôi.
– Dạ, con xuống ngay – Trước khi đi con bé còn hỏi thật ngây thơ – Anh Hải ăn kẹo không?
– Không, em ăn đi.
– Mai!!!
– Dạ, con đây, con đây.
Không gian trở về im lặng khi tiếng chân bé Mai nhỏ dần rồi chìm ngỉm trong tiếng tíc tắc của kim đồng hồ.
Tôi đang không vui, rất khó chịu. Cái gì mà dặn dò rồi mặc kệ cảm nhận của người khác chứ. Nói một câu rồi không gaanfi thích, vậy là bắt tôi phải nghe theo hả? Cậu ta là cái thá gì chứ?
Bực bội, tôi ngồi xuống ghế, mắt chạm phải những hạt cát đang nằm yên ngoan ngoãn. Những hạt cát lại làm nhiệm vụ đo thời gian khi tôi lật úp nó lại. Dù không thích cái kiểu ra lệnh của cậu ta vì tôi cũng chưa nắm rõ lý do cho cuộc nói chuyện tối nay nhưng cũng phải công nhận tôi thấy vui. Càng ngày tôi càng phát hiện và cảm nhận rõ tình cảm của tên bốn mắt chết tiệt đó đối với tôi lớn đến mức nào. Càng rõ thì càng thấy Duy già và khó hiểu hơn tôi nhiều. Làm gì cũng bí ẩn nhưng trong hành động luôn ẩn chứa sự dịu dàng và bình tĩnh đến đáng sợ. Một cảm giác tin tưởng tràn nhẹ vào lòng. Tôi tin những gì cậu ta làm đều đúng và có lý do chính đáng.
Đúng, tôi tin Duy vì tôi biết ai là người quan trọng nhất trong tim cậu ta.
Dù có bất cứ việc gì xảy ra, tôi vẫn sẽ tin Duy.
~~~~~~~~~~~~~~~
Không biết tao ăn ở thất đức thế nào mà từng này tuổi còn bị một con ranh hỷ mũi chưa sạch nói cạnh nói khoé.
– …..
– Người ta nói không ngoa mà. Cái lũ pêđê bệnh hoạn như chúng mày chỉ giỏi cưới bồ, cướp chồng người khác. Con ranh đó lại còn nói móc nói miểng “Không biết thằng đó con cái nhà ai mà mất dạy đến thế. Anh Duy yêu cháu mà nó dám mồi chài, hớt tay trên…”
Giọng mẹ nghèn nghẹn làm tôi không dám ngẩng lên. Hồi chiều trong khi tôi vẫn bị nhốt trong nhà thì Mỹ đến quán nước và nói cạnh khoé ám chỉ. Mỹ giả vờ không biết đó là mẹ tôi nhưng những lời nói rõ ràng nhắm vào tôi, vào Duy. Giờ đây, mẹ vừa nấu ăn vừa mang ra trút giận sang tôi. Bị mắng bị chửi là đúng vì tôi đã mang nỗi buồn đến cho mẹ. Nhưng tôi tức lắm, có giỏi sao Mỹ không gặp trực tiếp tôi mà chửi, sao nỡ nói như vậy với mẹ. Mỹ không nghĩ đến tâm trạng của mẹ tôi sao? Tình yêu mù quáng làm con người trở nên ác độc vậy hả? Mỹ làm tôi liên tưởng đến những cô gái vai phản diện trong phim Hàn Quốc_ăn không được thì phá cho hôi.
– Mày có biết lúc đó tao chỉ muốn lao đầu vào xe chết cho xong không?
– Con xin lỗi!
– Mày tưởng xin lỗi là giải quyết được hả? Lúc đó con mụ Hoà cũng ngồi đấy, thể nào ngày mai cả cái làng này cũng đồn ầm lên “Thằng Hải là pêđê, con bà Thi bán nước là thằng biến thái” ….
– Thôi bà im đi. Chuyện đến nước này có ngồi chì chiết cũng như không.
– Thế ông bảo tôi phải làm gì? – Mẹ hét lên uất nghẹn khiến con dao trong tay tôi khựng lại, miếng thịt luộc nằm chơ vơ im lặng trên thớt.
– Đấy, bây giờ không có chứng minh chứng nghiếc gì nữa. Mai tôi làm thủ tục chuyển trường cho nó vào Nam học.
– Nhưng ông đã hứa …
– Hứa cái chó gì. Bà còn muốn tôi và bà sống thêm vài năm ở đất này thì quên những lời của thằng khốn kia đi – Lúc này ba đã đứng hẳn trong bếp, giọng nói ra lệnh như mọi khi.
Tôi hét lên như phản xạ có điều kiện :
– Không. Con không vào Nam học.
– Mày còn muốn gì nữa mới chịu mở mắt ra hả? Hay muốn mẹ mày và tao uất ức mà chết? Rồi mày muốn làm gì thì làm.
-C on chỉ muốn ba mẹ đừng nhìn con như thứ nhơ bẩn. Tình cảm của con và Duy không phải bệnh hoạn ….
Ba quát rất to, át cả lời tôi :
– Hai thằng con trai yêu nhau mà không bệnh hoạn? Nếu biết mày như thế, tao đã bóp chết lúc sinh ra rồi.
Tôi nói mà nước làm nhoè mắt, trào ra ướt má, lăn vào miệng mặn chát :
– Bây giờ cũng chưa muộn mà. Ba giết chết đứa con bệnh hoạn biến thái này vẫn còn kịp đó….
Bốp!!!
Tôi đổ nhào theo cái tát trời giáng và một bên bụng đau thấu sang lưng. Có gì đó vừa đâm vào da thịt, cái đau xông lên tận óc làm hoa mắt. Tay run run không còn sức sờ lên bụng, màu đỏ của máu ướt bàn tay. Con dao thái thịt nhọn hoắt đã đâm thẳng vào một bên bụng tôi, máu chảy nhiều hơn khi tôi nhỏm dậy, con dao rơi xuống thớt một tiếng “cạch” lạnh lùng khô khan.
Hải – Mẹ nhào xuống cạnh tôi nhưng bàn tay bị hất mạnh ra.
Quên cả cơn đau, tôi xô ngã ba lao khỏi bếp, chạy ra cửa nhanh tay bấm khoá vào. Tôi không biết bây giờ nên làm gì nhưng nếu dừng lại tôi sẽ mất tất cả, có thế cả sinh mạng này. Biết ba còn phải mở khoá nên tôi tranh thủ tìm thời gian trốn. Đầu ngõ là nghĩa trang_nơi hồi bé tôi hay chơi trốn tìm và đó là chỗ nấp lý tưởng nhất. Bây giờ chạy ra đường với cái bụng đầy máu, tôi sẽ là tâm điểm chú ý ngay. Tốt nhất nên cầm máu chờ ba mẹ đi tìm xung quanh, lúc đó mới là thời cơ. Bụng rát đau khiến tôi phải thở bằng miệng mới lấy được không khí vào buồng phổi, tôi biết máu đang ra nhiều. Do không kịp xỏ dép, đôi chân trần dẫm lên sỏi gạch đau nhói. Tôi ngồi thụp xuống phía sau ngôi mộ khá lớn, việc cởi chiếc áo sơ mi ngắn tay cũng khá khó khăn. Dùng răng xé áo làm những mảnh nhỏ dài băng tạm vết thương, máu đã chảy ướt cả đùi. Vẫn thở bằng miệng, tôi dựa vào lớp xi măng lạnh lẽo của ngôi mộ, ngước nhìn bầu trời thấy mắt nhoè đi trong nước. Chùi mạnh tay gạt những thứ không nên có, tôi đoán lúc này ba mẹ đã đi tìm khắp nơi và chắc chắn đến cả nhà Duy. Tôi cũng cần đến nhà cậu ta và bắt buộc phải đến trước. Ba mẹ không biết nhà Duy nên sẽ hỏi con béo, mất khá nhiều thời gian, tôi chỉ cần cố gắng nhanh chân hơn là được. Lần này dù cậu ta có phản đối, tôi sẽ ép buộc bỏ đi cùng. Một là đi, hai là tôi sẽ giết cậu ta.
Men theo những ngôi mộ, tôi vòng ra mép nghĩa địa, đi theo bức tường bao quanh chùa dẫn ra đường cái. Bây giờ mọi nhà đã lên đèn, ngoài đường ít xe cộ, những người phóng lướt qua cũng chẳng ai chú ý đến một thằng nhãi cởi trần, phía bụng buộc chiếc áo lùm xùm. Mỗi bước chân là bụng lại nhói đau nhưng vẫn phải cắn răng bước. Chân ngày càng nặng, cơ thể rã ra không sức sống, tôi thấy mắt hoa, đầu đặc kín những thứ gì đó khiến không một suy nghĩ nào lọt vào.
Từng bước, từng bước, tôi thấy người lảo đảo nhưng đôi mắt đen của Duy đang đợi, tôi cần phải bước tiếp. Đến con ngõ nhà Duy, chỉ cần rẽ phải là tới nhưng tôi cố bắt cơ thể mệt mỏi đi đến con ngõ kế tiếp để vòng qua bên hông nhà Duy.
Bây giờ tôi đang đứng dưới nhà cậu ta, sát bức tường phía bên trái, ngay cạnh cây Bằng Lăng. Men theo bức tường, tôi hơi nhô đầu ra nhìn vào cổng sắt chính diện. Đúng như dự đoán, anh Khải và ba đang đứng chờ ở đó. Nhìn đốm lửa trên điếu thuốc anh Khải hút mà tôi thấy chóng mặt, tay vội bám tường để khỏi ngã. Máu nơi vết thương vẫn đang rỉ ra ướt mảnh áo quanh bụng.
– Có cần vào nhà nó lục soát không chú? – Anh Khải hỏi giọng sốt ruột, chân di di điếu thuốc vừa ném xuống đất.
– Không cần. Chúng ta không có quyền khám xét nhà. Cứ đợi ở đây, chắc chắn thằng Hải sẽ mò đến.
– Sao vẫn chưa thấy bố cháu và các chú gọi điện lại chứ? Không biết tìm kiếm sao rồi – Ông anh họ móc điện thoại ra bấm bấm.
Một cơn đau nhói xuyên lên tim khiến tôi khuỵ xuống thở dốc. Tôi biết cần khẩn trương lên, chứ chút nữa các chú tìm khắp nơi không thấy rồi đến đây thì nguy. Cắn răng nén cơn đau, tôi leo lên cây Bằng Lăng với đôi tay run run. Tôi nhớ rõ cửa sổ phòng Duy hướng ra con ngõ này, hy vọng cậu ta ở trong phòng. Chỉ cần chút nữa là tới, cố lên! Tôi bám vào cành cao nhất, đạp chân leo lên. Bả vai, tay, đùi, chân, tất cả không còn sức_mệt mỏi rã rời như đó không phải cơ thể tôi. Việc leo cây khiến vết thương bị động, máu ra nhiều khiến tôi xây xẩm mặt mày.
Bám vào cửa sổ có ánh đèn, tôi thở phảo khi tấm kính đã bị đẩy sang bên. Hình ảnh Duy khiến tôi nén cơn đau thấu ruột gan, để lấy đà thò đầu lên cửa sổ :
– Duy…Duy…
Đôi kính cận quay phắt lại, nét kinh hoàng hiện rõ trong đáy mắt :
– Hải? Ông làm gì ….
Nách tôi được kéo lên từ từ, giọng ngày càng thều thào không ra hơi :
– Kéo tao…nhanh lên…
Khi người tôi vào được trong phòng thì ngã ập lên cậu ta. Màu đỏ của máu đã nhuộm đỏ chiếc áo quấn quanh bụng, màu đỏ khiến người con trai trước mặt tôi lắp bắp :
– Ông …máu…phải gọi cấp cứu!
– Không – tôi tóm chặt tay Duy, dùng cơ thể không còn sức trì người cậu ta lại – Mày không được đi. Không được bỏ tao một mình…
– Ông mất máu quá nhiều, cần gọi cấp cứu – Đôi mắt đen nhoè nước, giọng run run – Phải tiếp máu cho ông ngay, không thì….
– Mày không được bỏ tao lại …không được …- Mỗi chữ thoát ra là nơi bụng lại đau_nỗi đau xuyên vào xương tuỷ nhức buốt.
Các cơ ở đầu ngón tay tôi đã tê liệt, cánh tay rơi thõng xuống, mềm oạt. Duy vội đỡ tôi dựa vào cậu ta, mắt chăm chú nhìn đôi môi khô nứt nẻ :
– Tôi sẽ không bỏ ông. Cả cuộc đời này sẽ ở bên ông. Tôi gọi cấp cứu nhé. Ngoan, đợi tôi….
Tôi hoàn toàn không còn cảm giác đang ngồi nữa, sức nặng cơ thể dựa hẳn vào cậu ta. Cái đau nơi bụng đang lan vào mạch máu làm tê liệt các cơ, tôi càng cố hít lấy không khí bằng miệng càng khó thở hơn, nước mắt ứa ra trong vô thức :
– Tao lạnh…lạnh lắm …mày.. ôm tao đi..lạ…nh…
Cái ôm của cậu ta làm người tôi bị vặn, vết thương đau buốt xông lên óc, toàn bộ dồn lên não.
– Ấm chưa? Ấm chưa Hải? Ông đừng làm tôi sợ chứ….
Giọng Duy hoảng loạn kỳ lạ, đôi mắt đã ngập nước. Sao cậu ta khóc? Tôi chỉ lạnh thôi mà….
Hơi đẩy người cậu ta ra, tôi nửa nằm nửa ngồi trong lòng Duy, tay run run đưa lên cao để chạm vào gò má ướt nước nhưng không còn sức nữa. Bàn tay ấm nóng kéo nhẹ tay tôi áp vào khuôn mặt sũng nước mắt, giọng nghẹn ngào làm tôi khó hiểu :
– Hải! Ông nhận ra tôi không? Mở mắt ra. Không được ngủ. Hải ….
Tại sao cậu ta khóc? Tôi muốn hỏi nhưng cơ miệng khô khốc không phát ra tiếng được, hình ảnh trước mắt nhoè dần. Có gì đó nóng hổi rơi xuống má, lăn vào khoé miệng, tôi thấy đắng và mặn.
– Hải! Có nghe thấy tôi nói không? Mở mắt ra. Mở ra ngay – Một bàn tay tát mạnh vào má nhưng tôi không thấy đau.
Đầu tôi theo đà của cái tát vùi sâu vào ngực cậu ta hơn. Mùi da thịt, mùi mồ hôi đặc trưng của con trai nồng lên mũi, mùi đàn ông tôi đã từng ngửi khi vào phòng Duy. Lý trí mơ hồ cho tôi nhận ra Duy đang ôm tôi và khóc vì việc gì đó.
Tôi muốn hỏi lý do khóc nhưng có một câu hỏi quan trọng hơn, câu hỏi luôn ngự trị trong tim tôi bật thoát ra :
– Mày…có yêu…tao…không?
– Hải. Mở mắt ra! Không được ngủ. Không được ngủ….
– Trả lời tao đi….- Tôi muốn nhắm mắt, mí mắt đang sụp xuống mệt mỏi.
– Có. Tao yêu mày. Mày là người quan trọng nhất trong tim tao. Tao yêu mày …
Cậu ta nói yêu tôi khi mí mắt bị phủ một lớp màng mỏng, tay chân đã hoàn toàn không cử động được.
– Mày…yêu tao phải không…yêu tao….
Tao yêu mày. Người tao yêu là mày. Là mày đấy Hải. Mở mắt ra đi -Tôi thấy cơ thể ngày càng lạnh, vòng tay quanh người bị xiết chặt, có ai đó đang tát liên tục lên má – Mở mắt ra. Tao bảo mở mắt ra Hải.
– Tao yêu… mày.. lă…
– Tao biết. Tao biết mà…Mày mở mắt ra đi. Nhìn tao đi Hải….
– Tao…yêu…ma…..
Giọng thều thào đứt ngang, toàn bộ những mạch máu xông lên óc, một màu đen phủ kín mắt, tôi thấy bản thân đang rơi xuống …rất nhanh….
Có gì đó kéo vụt tôi lên, lơ lửng nhẹ hẫng, không trọng lượng. Bóng tôi đã biến mất, thay vào đó là ánh sáng ngọn đèn neol. Căn phòng quen thuộc với bức tranh thác nước, có tiếng nói phía dưới chân. Tôi nhìn xuống và mở to mắt khi nhìn thấy…tôi đang bị một người quen quen ôm chặt. âno tôi lại ở dưới kia? Tôi đang ở đây cơ mà. Cái cơ thể nhuộm đầy máu trên nước da trắng bệch là ai thế? Khuôn mặt đó, đường nét đó chắc chắn là tôi. Mà cái người đang ôm….một cơ thể khác sao lại là Duy? Cậu ta làm gì mà cứ ôm tôi thế?
Tôi thấy cao quá, muốn cúi xuống để nhìn rõ hơn, lúc này mới nhận ra mình đang …bay. Tôi bay, lơ lửng giữa căn phòng.
– Mở mắt ra. Tao van mày đấy Hải. Mở mắt ra đi – Giọng van xin khiến tôi chú ý, Duy đang cố lay cơ thể…tôi dưới đất – Mày nói yêu tao mà. Mở mắt ra đi tao mới tin. Mở mắt ra đi Hải…
Sao Duy khóc? Sao nước mắt chảy ướt gò má, ánh mắt hoảng loạn làm mờ màu đen luôn sáng ngời ….
– Tao nói mày mở mắt ra, nghe không – Một cái tát giáng thẳng vào mặt tôi, vào cái cơ thể đang nằm trên sàn – Mở mắt ra ngay.
Duy quay nhìn xung quanh, mắt chạm phải con dao trên bàn :
– Đúng rồi – Cầm vội con dao, cậu ta rạch thật mạnh lên nơi sát khỷu tay – Mày cần phải tiếp máu…Đây!
Dí cánh tay nhem nhuốc máu đỏ rực vào cơ thể bất động, Duy nói trong hàng nước mắt :
– Mở mắt ra Hải. Mày uống đi! Mở mắt ra đi Hải – Tay còn lại đỡ đầu tôi lên, cậu ta ấn mạnh chỗ bị rạch vào đôi môi thâm tím – Máu đây, mở mắt ra đi …tao năn nỉ mày đấy. Mày cần phải tiếp máu. Chỉ cần mày mở mắt ra, tao sẽ làm tất cả những gì mày muốn …mở mắt đi Hải….
Nhưng cơ thể đó hoàn toàn bất động, đôi mắt nhắm kín không một cái chớp. Duy càng nói máu càng ra nhiều, chảy ướt khuôn mặt của…tôi :
– Uống đi! Tao xin mày đấy Hải. Mở mắt ra đi…
Cậu ta bật khóc tức tưởi, ôm chặt cái xác không hồn vào lòng. Tiếng khóc tạo thành những tiếng “ư ư” xé ruột xé gan tôi.
– Mở mắt ra…mày nói yêu tao mà…mày nói dối – Duy đẩy cơ thể ra, hôn mạnh lên đôi môi đầy máu, bàn tay ghì chặt đầu ép nụ hôn thành cưỡng bức.
Cơ thể trong tay Duy vẫn không phản ứng, im lặng để mặc người con trai với đôi vai run run muốn làm gì thì làm. Nhìn đôi vai run, tôi biết Duy đang khóc, tiếng khóc tắc nghẹn không thoát thành lời.
Cả cơ thể đầy máu bị Duy ném mạnh xuống sàn, cậu ta tát liên tiếp vào má tôi :
– Mày là đồ khốn! Mày nói yêu tao tại sao không trả lời khi tao gọi, sao không đáp lại nụ hôn của tao? Đồ khốn! Mở mắt ra và nói yêu tao ngay – Những cú đấm liên tiếp lên bụng lên ngực tôi, Duy hét lên uất nghẹn – Đồ dối trá …mở mắt ra ngay. Mở mắt ra và cười nói với tao ngay. Mở mắt ra Hải. Mày có nghe không hả? Mày không mở mắt, tao sẽ hận mày suốt đời, không bao giờ tha thứ…
Những cú đấm ngày càng yếu, rồi cậu ta xốc vai cơ thể tôi lên lay thật mạnh :
– Có nghe tao gọi không? Mở mắt ra và nói yêu tao. Mày tưởng chỉ cần nói một câu là xong hả? Mày phải nói yêu tao cả đời. Cả cuộc đời này phải sống để yêu tao. Mở mắt ra ngay. Mày có nghe không? Hải….mở mắt ….
Duy ngã ập lên cơ thể đang cứng lại dần trên sàn, tạo lên tiếng rầm khá lớn. Cậu ta ngất vì mất máu và khóc quá nhiều. Máu nơi cánh tay vẫn đang chảy ướt bụng cơ thể của…tôi. Nếu không cầm máu thì cậu ta nguy mất. Tôi muốn hét lên báo động cho ba và anh Khải nhưng không có tiếng nào thoát ra được. Tôi chỉ biết bản thân đang trôi lơ lửng giữa phòng, phía dưới sàn là cơ thể nhuộm đầy máu nằm bất động, không hề thấy nhịp ngực phập phồng thở. Vậy là tôi đã chết? Cái cơ thể trên sàn là xác? Và hồn tôi đang bay?
Tôi chết rồi hả?
– Tiếng hét phát ra từ phòng này – Có tiếng chân nơi cầu thang, tôi nhận ra đó là giọng anh Khải.
– Hải!!! Trời ơi…khônggg…..
Kèm theo tiếng hét là một lực hút khá mạnh, kéo tôi vào vòng xoáy tối đen. Cơ thể không trọng lượng xoáy thành vòng tròn như cơn lốc rồi bị ném mạnh vào bóng tối rộng lớn không bóng người.
Xung quanh tôi lúc này chỉ có một màu đen, tôi đang di chuyển về phía trước mà không biết lý do vì sao. Có gì đó đang phát sáng ở xa xa, tôi tiến dần đến điểm sáng đó.
Khi đến gần tôi thấy một cậu bé với chiếc kính cận trên sống mũi, loay hoay lồng thứ gì đó vào khung ảnh, miệng cười rạng ngời, ánh mắt đen ấm áp. Hình ảnh Duy hồi lớp tám đang ở trước mặt tôi. Cậu ta đẩy khung ảnh ra xa rồi chống cằm chăm chú nhìn vào đó. Đôi mắt đen ngập tràn niệm vui, tôi đọc được sự dịu dàng qua đôi mắt kính. Cặp kính loé lên sáng bừng tạo thành một màu trắng lung linh. Lại một cậu bé có dáng người gầy gầy đang cúi xuống bên cạnh bãi rác bẩn thỉu. Cậu ta đang làm gì đó mà tiếng cười khanh khách giòn tan. Tiếng “meeo meeo…” làm tôi nhíu mày nhìn kỹ vào vật thể màu trắng trên tay cậu bé. Đó là một con mèo nhỏ, nơi hậu môn bị lòi room nặng, nhưng con mèo không thấy đau mà vui vẻ ăn ngon lành túi cơm cạnh đó.
Cảnh tượng này tôi thấy rất quen, đặc biệt cậu bé có chiếc mũi to, khuôn mặt lấm tấm tàn nhang đó rất quen, tôi đã gặp ở đâu rồi…Đó là….tôi, cách đây mấy năm….Ánh sáng quay tròn tạo thành đôi mắt kính trong suốt, xoắn nhẹ …nhanh dần tạo thành một thứ tròn tròn nhỏ xíu. Thứ đó lăn nhanh thành hàng trên gò má người phụ nữ. Trong lòng người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu là một thằng bé đeo kính.
– Mẹ sẽ không ghê tởm hắt hủi cơn chứ?
– Sao mẹ lại hắt hủi con trai mình? – Vòng tay ôm đứa con trai chặt hơn, giọng nói dịu hiền nhất mà tôi được nghe đang cất lên thật trìu mến – Con và em con là lý do để mẹ tiếp tục sống ….
– Ngay cả khi con là gay hả mẹ? Ngay cả khi con không thể cưới vợ sinh con để mẹ có cháu bế?
– Ừ, nếu việc đó làm con không vui, làm con không hạnh phúc thì mẹ không cần.
Nụ cười rạng ngời nghiêng ngả, trở nên méo mó tạo thành cái nhếch mép mỉa mai :
– Sao tao lại sinh ra đứa con như mày? Sao mày không chết quách đi, mang theo sự biến thái bệnh hoạn….
Giọng đàn ông xoáy vào tai tôi ù ù, rồi tiếng mưa rào phủ lên mọi giác quan. Tôi đang trôi trong cơn mưa lớn, đường ngập nước và bên cạnh có cậu bé tóc tai ủ rũ bước từng bước mệt mỏi. Hạt mưa lớn, nặng hạt, nương theo gió quất lên mặt, lên người cậu bé nhưng thân thể ướt nước vẫn di chuyển về phía trước trong câm lặng. Tôi tiến gần hơn để nhìn rõ khuôn mặt cậu bé. Dù không có kính nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Duy. Cậu ta làm gì lang thang dưới mưa khi trời tối thế này?
Có tiếng động cơ phía sau, tôi muốn hét lên để cảnh báo nhưng cổ họng nghẹn ngang. Cú va quẹt khá mạnh, Duy ngã đập đầu vào lề đường. Mưa ngày càng lớn nhưng tôi không thấy Duy cử động. Có phải cú ngã đó làm đầu cậu ta bị chấn thương không? Tôi tiến sát hơn, đưa tay kéo cậu ta dậy nhưng lúc này mới biết …mình không có tay. Cái cơ thể trôi bồng bềnh trong mưa không có tay, chỉ lơ lửng lững thững trôi. Vì cúi gần nên tôi nhận ra vai Duy run run, có tiếng gì đó tắc nghẹn phát ra nho nhỏ. Duy khóc? Đôi vai run theo tiếng nắc, đột nhiên bàn tay đấm thật mạnh xuống lòng đường. Cú đấm dồn tất cả bất lực, uất ức vào trong đó.
Tôi không biết vì lý do gì đẩy Duy đến hoàn cảnh này. Sao cậu ta lang thang dưới mưa….
Mưa xối xả hơn, mang theo tiếng khóc nức nở dội vào tai tôi. Những âm thanh ù ù ghê rợn làm tôi muốn bịt chặt tai nhưng hoàn toàn bất lực. Tiếng khóc ngày càng rõ hơn, tôi nhận ra đó là giọng phụ nữ :
– Trả con tôi đây …trả con tôi đây… Mày, chính mày mang con tao đi – Trước mặt tôi hiện lên hình ảnh người phụ nữ tóc tai xổ tung vươn bàn tay xương xẩu, da nhăn nheo vồ ập vào vai một cậu con trai bên cạnh – Đồ khốn! Trả con cho tao.
– Mẹ, mẹ bình tĩnh đi. Là con, là Duy đây mà …- Cậu bé hớt tóc cao nói với giọng nghẹt mũi của người khóc nhiều – Mẹ ngoan. Uống thuốc rồi con mang em Mỹ đến chơi.
– Thật mày sẽ trả con cho tao chứ? – Ánh nhìn nghi hoặc không giấu giếm của người phụ nữ chiếu thẳng vào cậu bé.
– Vâng, con sẽ đưa Tiểu Mỹ đến chơi. Nhưng bây giờ mẹ phải uống thuốc, con mới đưa Tiểu Mỹ vào….
– Mày không nói dối tao chứ?
Hàng nước mắt lăn dài trên má, qua cặp kính trong suốt tôi thấy rõ đôi mắt đen đang khóc :
– Sao con lại nói dối mẹ chứ, mẹ uống thuốc đi …
– Ừ, tao uống xong mày phải dẫn tao đi chơi, cả con tao nhé ….
Bàn tay gầy gò yếu đuối cầm ly nước và những viên thuốc màu trắng, người phụ nữ cười ngu ngơ. Nụ cười không toan tính, ngây thơ đến điên dại làm cậu bé ngoảnh mặt sang hướng khác, đôi vai run lên từng hồi. Giọt nước mắt trượt khỏi cằm cũng là lúc ly nước rơi xuống đất, vỡ tan từng mảnh :
– Không. Mày nói dối. Mày lừa tao….trả con cho tao – Mái tóc cắt ngắn của cậu bé bị bàn tay gầy gò xoắn lấy, một giọng hận thù rít lên – Chính mày, mày đã giết con tao …không. Không được mang con tôi đi …khônggg….
– Mẹ, con đây. Mẹ nhìn con đi. Con là Duy, con trai mẹ ….
Tiếng la hét của người phụ nữ và cậu trai đó dội vào óc, bủa vây mọi suy nghĩ, dìm tôi xuống màu đen của bóng tối. Có thứ gì đó dịu dàng rút chất nhầy nhầy khỏi óc tôi. Đó là một dải màu trắng, nhầy nhụa nhớp nháp. Tôi thấy buồn nôn, ruột gan trong bụng dồn lên cổ muốn thoát ra ngoài. Một giọng đàn ông lớn tuổi lúc nãy tôi đã nghe vang lên, đẩy mọi thứ xuống thật chậm rãi :
– Con về sống với ta và dì Ngân nhé.
– Không, con sẽ sống ở đây, sống ở căn nhà có mẹ và em – Tôi nhận ra đó là giọng Duy.
– Đã ba tháng rồi Duy. Sao con không thể tha thứ cho ta – Tiếng thở dài buồn bã khiến lòng tôi chùng xuống – Ta đã lo xong thủ tục. Con nghỉ học quá nhiều phải học lại lớp 10 ….con đừng buồn hay lo lắng….
– Có mẹ và em ở bên, con sẽ không bao giờ buồn.
– Con tỉnh lại đi Duy. Mẹ và em đã mất lâu rồi …ta xin lỗi…
– Đừng nói xin lỗi vì người có lỗi không phải là ông – Ánh nhìn buồn bã đau thương trở nên giận dữ, những đốm sáng chuyển sang hận thù.
Tôi bất giác bước giật lùi khi đôi mắt đó chiếu thẳng vào tôi, xoáy vào tim những cái đau không tên. Chân bước hụt khi tôi cố lùi nhanh hơn để trốn chạy, cảm giác bị rơi xuống vực sâu hun hút không đáy làm tôi chìn dần vào sự mê man.
Tôi bị bật ra khỏi bóng tối, đập vào mắt vẫn là ánh sáng của ngọn đèn noel. Xung quanh một màu trắng, ngay cả bệnh nhân vừa giật mình tỉnh dậy cũng mang một màu trắng mệt mỏi.
– Anh tỉnh rồi hả – Bây giờ tôi mới để ý người ngồi bên giường bệnh là Mỹ – Anh làm em và bác lo quá ….
– Sao Mỹ ở đây? – Duy lắc đầu cho tỉnh táo, còn tôi nhận ra cái cơ thể không trọng lượng đang ở trong bệnh viện.
– Anh không nhớ gì sao – Mỹ mở to mắt ngạc nhiên khiến tôi cố lục lọi trí nhớ.
Tôi bị dao đâm vào bụng, đến nhà Duy và chứng kiến tình cảm của cậu ta với cái xác của tôi. Đúng rồi, tôi đã chết. Nhưng sao tôi lại ở đây, bên cạnh Duy? Xác tôi đâu rồi?
– Anh được đưa vào bệnh viện khi mất máu quá nhiều. Anh ngủ từ tối qua đến giờ, gần 20 tiếng rồi….
– Hải? Cậu ta đâu? – Vai Mỹ bị lắc mạnh, Duy hét lên làm vài bệnh nhân cạnh đó tò mò quay sang nhìn – Hải đang ở đâu? Có phải cậu ta cũng nằm ở bệnh viện này không? Phòng nào? Mỹ nói cho anh biết đi.
– Tại sao? Tại sao đến lúc này anh vẫn chỉ nhắc đến Hải – Giọng Mỹ run run, mặt quay đi tránh né – Anh nên nghỉ ngơi. Vừa mới tiếp máu, không nên…
– Mỹ – Tiếng quát khiến Mỹ giật bắn im bặt, Duy hỏi dồn dập với giọng hy vọng – Hải ở đâu? Anh muốn gặp cậu ta. Em nói cho anh biết đi.
– Cậu ta…Hải ….
– Hải nằm phòng nào? Em nói nhanh lên!
– Hải…mất rồi – Mỹ quay đi với hàng lệ lăn dài, cũng là lúc tay Duy rơi thõng xuống.
Vậy là tôi chết thật. Nhưng sao hồn tôi vẫn ở đây? Bên cạnh Duy? Tôi không hiểu việc này là như thế nào. Không nhẽ khi chết linh hồn sẽ bay đến nơi người quan trọng nhất trong tim sao? Nếu nhớ không nhầm, tôi có xem một phim ma kiểu này, nhưng trong phim là quay về bên người yêu để…trả thù. Đừng nói tôi chết, linh hồn đi theo Duy là để ám cậu ta nhé. Nghĩ thôi đã thấy kỳ cục rồi.
– Em nói dối phải không? Em lừa anh đúng không – Giọng Duy run run, nhìn Mỹ như van xin đó không phải sự thật – Chắc chắn cậu ta nấp đâu đó chờ anh mắc bẫy rồi chạy ra trêu ghẹo. Em và cậu ta đã bàn trước để trêu anh đúng không?
Mỹ hét lên với giọng đầy nước mắt khi Duy quay tới quay lui tìm bóng dáng một người :
– Anh tỉnh lại đi. Hải mất rồi. Cậu ta mất quá nhiều máu và chết khi còn ở trong phòng anh – Mỹ bật khóc nức nở – Anh nghe rõ chưa? Hải chết rồi. Không còn tồn tại trên đời này nữa…không còn nữa….chỉ ít phút nữa là người ta chôn cậu ta xuống lòng đất lạnh giá…không còn gì để anh….
– Ở đâu – Tôi nhận thấy mắt Duy xuất hiện những tia sáng lạ, rất bất thường.
– Anh có đến thì cũng đã muộn….
Câu nói bị chặn bởi đôi tay thô bạo, Duy bóp thật mạnh vào vai Mỹ :
– Anh hỏi ở đâu?
– Ở đồng, gần cục bản đồ để khi bốc mộ thì đưa về nghĩa trang gần nhà….
Không để Mỹ dứt lời, Duy lao nhanh ra ngoài với đôi chân trần. Trước khi cơ thể bị kéo theo Duy, tôi vẫn kịp nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người con gái xinh đạp :
– Ngay cả với người chết, em cũng không thoát khỏi hình ảnh cô em gái sao? Đừng nhìn em với đôi mắt đó…em không phải Tiểu Mỹ của anh….
Cơ thể không trọng lượng cứ trôi lơ lửng phía sau Duy, bây giờ tôi hoàn toàn tin “Với Duy, Mỹ chỉ là cô em gái”.
Ra đến ngoài tôi mới biết đây là bệnh viện Đường sắt, Duy cũng nhận ra nên chạy nhanh hơn. Nhưng có ích gì khi tôi đã chết.
Tôi yêu người con trai đang chạy hết sức ra cổng phụ vòng ra đồng, tôi yêu người con trai đang đón nhận cái chết của người quan trọng nhất trong tim với sự câm lặng đáng sợ. Tôi biết tôi yêu Duy, rất nhiều, nhưng đã quá muộn. Tôi chỉ còn là linh hồn vất vưởng bám vào Duy, không biết lúc nào tan biến. Còn Duy là người, vẫn còn hơi thở, vẫn còn tương lai phía trước. Ranh giới giữa sống và chết tưởng chừng mỏng manh nhưng nó quá lớn, tôi không thể bước qua cũng như không thể quay ngược thời gian. Tôi chỉ có thể im lặng nhìn Duy khóc trong lòng.
Duy chạy nhanh hơn, dẫm đạp lên những ngọn rau mới trồng, hoàn toàn không để ý đến ngón chân đang chảy máu vì vừa dẫm lên thanh tre bị vứt trên lối đi giữa các thửa vườn. Tôi không biết thần kinh vận động của cậu ta tốt vậy, nhất là lúc nhảy qua con mương cho nhanh.
Tiếng kèn đám ma não nề lẫn trong tiếng khóc của nhiều người. Tôi có biết khu đất gần con ao nhỏ mà người dân ở đây gọi là đồng. Những ai có đất ở khu nghĩa trang gần nhà tôi thì khi người thân mất sẽ mang ra đồng chôn, phá nấm xong sẽ đem xương về khu đất đó xây mộ. Bên nội có rất nhiều thửa vườn cỏ mọc um tùm trong nghĩa trang và ba năm sau xương cốt tôi sẽ nằm yên dưới đó.
Trước mắt tôi là những người hàng xóm họ hàng quen thuộc, ba mẹ và các bác trong lớp áo tang màu trắng. Mẹ bị các bác giữ chặt khi quan tài màu đỏ từ từ hạ xuống huyệt, tiếng khóc vang lên tức tưởi đớn đau.
Không. Không được chôn. Hải chưa có chết – Tôi thấy Duy gạt mọi người ra, lao nhanh xuống huyệt ôm chặt quan tài – Làm ơn mở nắp quan tài ra. Cháu xin mọi người …cậu ta chưa có chết….
– Mày làm cái gì thế – Ba và vài bác trong họ lôi Duy lên với đôi mắt giận dữ.
– Mày có biết đang làm gì không?
– Bác, Hải chưa có chết, bác đừng chôn cậu ấy – Vừa thấy ba, Duy quỳ xuống với hàng nước mắt trên má – Cháu xin bác. Cậu ta chưa chết đâu. Hải còn thở, cậu ta không thể chết….
– Thằng khốn! Chính mày hại chết con tao – Người phụ nữ có khuôn mặt xanh xao thoát khỏi vòng tay của mọi người, lao đến bên Duy – Trả con tao đây. Mày đã hại chết con tao. Nếu không có mày, nó đâu có ra nông nỗi này….
Mẹ tóm tóc Duy, tay còn lại cào lên mặt lên má cậu ta, những vết xước rỉ máu đỏ thắm :
– Trả con lại cho tao. Chỉ tạo mày…thằng Hải không có chết – Giọng mẹ nghẹn trong nước mắt, cơ thể lao vào Duy, tay xâu xé tóc tai cậu ta – Mày hại chết nó …sao còn dám vắc mặt đến đây ….
– Hải chưa chết! Cậu ta chưa chết – Nước mắt Duy ngập mắt trào ra má, giọng khản đặc khi mọi người kéo ra xa – Cháu xin bác đừng chôn Hải. Hải chưa chết mà ….Sao bác lại chôn cậu ta chứ?
Mọi người vội cản không cho cậu ta lao xuống huyệt. Nhìn gương mặt nhuốm màu bởi vết cào, tôi không hiểu cậu ta lấy đâu ra sức mạnh đó. Ánh mắt, tâm hồn đều hướng về tôi, về cái cơ thể nằm im trong quan tài.
– Bỏ tôi ra. Tôi phải giết nó. Chính nó là hung thủ giết thằng Hải…Bỏ tôi ra – Mẹ cố thoát khỏi những bàn tay kìm kẹp của vài người phụ nữ luống tuổi.
Duy khuỵ hẳn xuống đất, hai tay bị giữ chặt bởi những người đàn ông khoẻ mạnh, mắt vẫn nhìn chiếc quan tài van xin thống thiết :
– Cậu ta chưa chết …làm ơn đừng chôn … Sao mọi người lại chôn người sống – Nước mắt làm đỏ mắt Duy, tràn vào miệng, tiếng hét đã khản đặc – Hải còn thở, cháu nghe thấy tiếng tim đập mà…làm ơn đừng chôn cậu ta…đừng bắt Hải nằm dưới lớp đất lạnh lẽo….
Mẹ gần như xỉu vì quá mệt, một cô bé ôm mẹ vào lòng vỗ về. Tôi nhận ra đó là Hằng, mắt nó đỏ hoe nhìn Duy với đôi môi bị cắn đến rướm máu. Những người xung quanh nhìn Duy tội nghiệp, cài tiếng thì thào cất lên khiến ba bước đến bên Duy. Dang thẳng tay tát mạnh vào mặt cậu ta, ba gằn giọng :
– Tôi không biết khi Hải còn sống, tình cảm của nó lớn đến mức nào. Nhưng tôi hy vọng khi nó chết, cậu hãy để nó yên tâm nhắm mắt bước sang thế giới bên kia – Tôi hoàn toàn không nhận ra người đàn ông đó là ba, chỉ sau một đêm mà ba già đến thế ư – Cậu tưởng chỉ mình cậu đau lòng khi Hải mất hả? Hãy chứng tỏ đã là người lớn đúng như những gì cậu đã nói cho tôi xem.
Nước mắt Duy ngày càng nhiều, đôi vai rung ung, môi run nhẹ nhưng không bật ra tiếng khóc. Ba thở dài nhìn cậu ta rồi ra hiệu cho mọi người hạ huyệt.
– Không. Cháu xin bác. Bác tin cháu đi, Hải chưa có chết – Duy bật dậy nhưng những bàn tay phía sau nhanh hơn đã kịp giữ chặt vai ấn xuống.
Những tiếng khóc nghẹn ngào lại vang lên khi nắm đất đầu tiên ném xuống. Ba người đàn ông to khoẻ đang dùng xẻng xúc đất đổ lên quan tài tôi. Mẹ ngất trong vòng tay Hằng, nó quay đi với đôi vai run theo tiếng nấc. Duy vẫn cố lao lên thoát khỏi sự kìm kép của mọi người nhưng cậu ta hoàn toàn bất lực với hai hàng nước mắt :
– Hải, mở mắt ra ngay. Mày chưa chết mà ….Tao biết mày chưa chết. Mày mở mắt ra và nói với mọi người là mày còn sống đi – Duy vẫn hét lên như trước mắt cậu ta không có ai ngoài tôi, ngoài cơ thể lạnh lẽo nằm trong quan tài – Tao hứa sẽ làm tất cả những gì mày bảo, hãy ngồi dậy và mỉm cười với tao đi Hải.
Anh Khải định đến cản Duy nhưng ba lắc đầu để mặc cậu ta. Tôi nhận thấy hôm nay ai cũng khóc_khóc vì tôi, vì một thằng nhóc luôn làm bận lòng mọi người.
-Mày muốn vào Hải Phòng, vậy thì hãy ngồi dậy và đi với tao. Lần này tao sẽ mua vé, tao sẽ đưa mày đi đến bất cứ nơi nào mày muốn…làm ơn tỉnh dậy đi Hải …tao van xin mày …mở mắt ra đi…làm ơn….
Mọi người dần dần thả tay Duy ra, cậu ta không lao xuống huyệt khi mà đất đã phủ kín quan tài. Trên mặt Duy ngoài nước mắt, tôi còn thấy máu tứa ra nhoè nhoẹt từ vết rách trên má.
– Mày lừa tao. Tại sao nói yêu tao mà lại bỏ tao một mình trên đời này – Duy đấm mạnh xuống đất với tất cả sức lực, giọng uất nghẹn như không còn sức – Khốn nạn! Ai cho phép mày bỏ tao lại…ai cho phép….
Duy gục xuống, đầu cúi gằm, đôi vai run lên nhưng không hề có tiếng khóc. Sự ảm đạm tang thương bao phủ lên không gian. Những người phụ nữ khóc với đôi mắt ngập nước, vài người ôm nhau không nỡ nhìn người ta đắp thành hình nấp mồ. Những người đàn ông quay đi tránh nhìn vào nơi phía dưới là cơ thể tôi, họ đảo mắt lên trời nuốt một thứ vào trong, một số nhìn Duy e ngại với tiếng thở dài thương cảm.
Khi nấm mồ thành hình ngôi mộ, ba thắp hương và những tiếng khóc lại vang lên. Mẹ tỉnh dậy với khuôn mặt xanh xao, gục đầu vào thím dâu khóc nghẹn ngào. Tôi muốn lao đến bên mẹ, muốn lau khô những giọt nước mắt đó, tôi không muốn mẹ phải khóc. Ngay cả khi chết, tôi vẫn chỉ mang lại cho mẹ nước mắt và nước mắt sao? Tôi có xứng đáng làm một người con không? Khi mà tôi chỉ mang đến nỗi buồn cho người sinh ra mình.
Tiếng kèn đám ma đưa tiễn một linh hồn không còn vang lên nữa, mọi người bắt đầu dời bước. Vài bác gái quen mặt dìu mẹ đi, mấy lần mẹ ngoái lại nhìn với đôi mắt mọng nước. Ba nói nhỏ gì đó vào tai anh Khải, ảnh gật đầu trước cái vỗ vai của ba. Tôi nhìn theo ba mẹ mà chỉ muốn hai người nghe thấy tiếng nói trong lòng “Con xin lỗi! Con không dám hy vọng ba mẹ tha thứ nhưng con chỉ xin ba mẹ đừng khóc, đừng buồn vì một đứa con như con. Con hy vọng kiếp sau vẫn là con ba mẹ và con sẽ làm tròn bổn phận của một đứa con. Con xin lỗi…”
Đến lúc này tôi mới nhớ, tôi vừa chứng kiến đám tang của chính tôi, chứng kiến “kẻ bạc đầu đưa tiễn kẻ đầu xanh”. Tôi không xứng làm một đứa con khi mà chưa báo hiếu ba mẹ đã đi trước, mang theo bao nhiêu hy vọng của mẹ đặt vào tôi. Mẹ thương tôi hơn cả bản thân, tôi biết nhưng bây giờ tôi có thể làm gì? Tại sao tôi không ngoan hơn, biết nghe lời hơn khi còn sống, để làm mẹ vui, mẹ không phải khóc? Tại sao những việc đơn giản đó tôi không làm khi còn sống? Để đến bây giờ hối hận cũng không giải quyết được ….
Không gian vắng lặng im lìm đến kỳ lạ thu hút sự chú ý của tôi. Mọi người đã về hết, nơi giam giữ cơ thể tôi chỉ còn Hằng đang gục đầu vào ngực thằng bồ với đôi vai run bần bật. Nó khóc vì tôi. Đến khi chết tôi mới hiểu bản thân nợ mọi người quá nhiều, nợ tình cảm, nợ sự chân thành, nợ những lời nói thật lòng…Tôi nợ cả Hằng_người con gái duy nhất trên đời hiểu và không khinh tôi. Những tiếng khóc trôi theo tiếng nấc tắc nghẹn cho biết Hằng thực lòng quý mến tôi. Tất cả những gì nó đã làm cho tôi đều không mang tính vụ lợi, chỉ thuần khiết một màu tình bạn. Tôi nợ Hằng quá nhiều, chưa đáp lại tình bạn của nó thì đã…Nhìn vào mô đất xung quanh có những vòng hoa trắng, tôi cảm nhận rõ ranh giới giữa sống-chết. Hằng ở rất gần, chỉ một cái vươn tay là tới nhưng tôi không cách nào chạm vào nó. Ngay đến cơ thể nằm trong nấm mồ, tôi cũng không thể điều khiển nó cử động, dù chỉ là động tác giơ tay lên. Tôi không còn là người, tôi chỉ là một linh hồn tồn tại dựa vào tình cảm trong tim.
Làn khói từ những cây nhang lan trong không khí, hoà vào khói trắng của điếu thuốc trên tay anh Khải, rải khắp nơi. Ngoài tiếng nấc của Hằng, chung quanh không tiếng động. Đám tang đông người đưa giờ đây chỉ còn anh Khải đứng đốt cháy phổi bằng những điếu thuốc đỏ rực, mắt nhìn chăm chú dáng vẻ đau khổ của Duy. Cậu ta vẫn quỳ gối, tay chống xuống đất trong im lặng, chưa hề cử động, tôi nhận ra đôi vai không còn rung nữa. Cách đó không xa Hằng đang được người yêu vỗ về thật trìu mến. Đôi mắt thằng bồ Hằng nhìn về phía mộ tôi với những tia kỳ lạ Nhìn theo, tôi bất ngờ khi người con trai đứng đó lại là ông thầy. Vì đang trôi lơ lửng gần Duy nên không thể nhìn rõ biểu hiện trên gương mặt đăm chiêu đó. Tôi muốn biết suy nghĩ của ông thầy, dù chỉ là cảm xúc bộc lộ qua nét mặt cũng được.
Người con trai lặng lẽ đó đã từng nói yêu tôi. Tôi chưa trả lời dù biết rõ ai là một nửa của mình. Tôi không nói, có thể vì sợ tổn thương, cũng có thể không có cơ hội mở lời trước tình cảm chân thành đó. Bây giờ có hối hận vì không rõ ràng, vì giằng buộc ông thầy trong sự chờ đợi, thì tôi cũng đã chết, không thể đưa ông thầy câu trả lời cuối cùng. Tôi lại nợ thêm một người. Khi còn sống tôi nợ tình cảm và chết đi vẫn tiếp tục nợ. Người như tôi chết là đáng nhưng tôi không hề muốn làm người khác đau khổ, buồn thương, dù đó có là người tôi không yêu…..
– Về thôi Duy – Giọng nói nhẹ hàng thu hút sự chú ý của tôi về phía Duy, con béo đang quỳ trước mặt cậu ta – Hải không hề muốn Duy trở nên như vậy đâu.
– … – Mặt Duy bị Hằng dùng hai tay ép lại, kéo lên đối diện mắt nó.
Tôi không đọc được suy nghĩ trong đôi mắt đen, tất cả những tia sáng đã không còn, chỉ có một màu đen sâu hun hút. Sức sống của đôi mắt đã cạn khi nước mắt đã ngừng rơi. Tình cảm của Duy làm tôi rúng động, bàng hoàng nhìn vào người con trai đó.
– Chắc chắn Hải luôn muốn Duy hạnh phúc – Hằng nhấn mạnh từng chữ – Duy hiểu ý Hằng không?
Gạt nhẹ tay Hằng, Duy nhặt chiếc kính dưới đất rồi từ từ đứng lên. Hằng vội giữ tay Duy khi cậu ta bước đi :
– Để Hằng đưa Duy về.
– Tôi không sao. Hằng đừng lo – Giọng nói thoát khỏi môi, những vết rách do mẹ cào đã khô, máu không còn rỉ ra nữa – Tôi đi trước.
– Nhưng….
-T ôi không làm gì dại dột đâu – Duy bước đi mệt mỏi nặng nề.
Cơ thể tôi lại trôi theo bước chân Duy dù không ai kéo. Ông thầy vẫn lặng yên đứng bên mộ, không có cử chỉ nào cho biết có nhận ra Duy đang bỏ đi hay không. Anh Khải thì hút thuốc nhìn theo, thằng bồ Hằng bước đến đặt tay lên vai nó trấn an. Tôi chỉ ước một điều, tôi có thể nói được vào lúc này. Hai tiếng “xin lỗi” không bao giờ thoát ra được nữa, không thể đến tai những người tôi phải xin lỗi….
Duy vẫn lầm lũi bước, không hề biết phía sau có ba con người đang dõi theo. Tôi cứ lơ lửng trôi theo Duy như một quả bóng bay có dây buộc vào chân. Cậu ta đi ra Nguyễn Chí Thanh rồi rẽ vào Đê La Thành. Đôi kính cận hướng về phía trước, hoàn toàn không bận tậm đến những ánh mắt kiếu kỳ của mọi người. Cậu ta vẫn mặc bộ đồ bệnh nhân, chân đất với ngón cái bật máu lấm lem bùn đất, những vết cào đã khô nên đen thẫm lại, hồi nãy nước mắt hoà với máu làm khuôn mặt vô cùng lem luốc. Lần đầu tôi được chứng kiến một tình cảm thật lòng, đặc biệt lại dành cho tôi, chỉ mình tôi. Một đứa con trai bất hiếu, một thằng bạn cục tính, một đứa học trò hay trốn tránh, một thằng nhóc không bao giờ bộc lộ được cảm xúc trong lòng như tôi, cũng xứng đáng để Duy yêu sâu đậm đến thế sao?
Lúc bị cuốn vào giấc ngủ, đi vào quá khứ của Duy, tôi đã biết lý do cậu ta để ý đến tôi. Nhưng chỉ vì tôi cho một con mèo lòi room ăn, chỉ vì tôi mỉm cười và vuốt ve con mèo nhỏ bị vứt bỏ, chỉ vì những việc đơn giản ai cũng có thể làm, mà cậu ta lại thích, lại có thể nhớ đến và đặt tình cảm sâu nặng trong thời gian dài đến thế sao?
Nếu không thể quên tôi trong hai năm qua thì cái chết của tôi sẽ ám ảnh cậu ta đến lúc nào? Tử thần đã cướp đi người mẹ, cướp đi cô em gái, giờ đây ngay cả tôi tử thần cũng mang đi, rời xa Duy mãi mãi. Duy sẽ ra sao khi quay về căn nhà không bóng người? Sao tôi lại chết để lại cậu ta một mình chứ? Tôi không muốn Duy trở về ngôi nhà đó, không muốn cậu ta làm gì cũng thui thủi một mình. Cha Duy đâu, sao lại để con mình ở đó trong ngôi nhà to lớn lạnh lẽo? Cả người cô ruột ế chồng nữa, không phải có nhiệm vụ quản lý cậu ta sao? Lần nào bước vào căn nhà màu trắng, tôi chỉ thấy Duy, hoàn toàn không tìm thấy không khí gia đình.
Những ngày tháng của Duy sẽ ra sao khi mà tôi chỉ có thể trôi lơ lửng và lặng lẽ quan sát cậu ta. Đến một lúc nào đó, cái cơ thể không trọng lượng sẽ tan biến, sẽ không cách nào nhìn thấy Duy, nhìn thấy người con trai luôn hướng về tôi.
Duy vừa đi qua Cát Linh, giờ cậu ta rẽ sang Tôn Đức Thắng, cuối cùng là muốn đi đâu? Không nhẽ cứ đi và không có đích đến? Tôi nhận thấy nhịp thở của Duy đã đều đặn, không còn mệt mỏi nữa. Bước chân cũng vững hơn, dáng người bước đi lặng lẽ nhưng vô cùng tự chủ. Duy rẽ vào một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học và dừng trước ngôi nhà có cổng sắt màu vàng. Sau tiếng chuông, người đàn ông trung niên với chiếc bụng bia xuất hiện :
– Duy? Sao con….mặt con sao thế này – Duy né người tránh đôi tay lo lắng, giọng người đàn ông gấp gáp – Chuyện gì đã xảy ra? Mỹ gọi điện bảo con đã rời bệnh viện, ta đến nhà cậu bé kia nhưng không thấy con. Con biết ta lo lắng thế nào không? Chuyện gì đã xảy ra? Ai đã đánh con?
– Bà ta có nhà không? – Duy hoàn toàn không để ý đến sự lo lắng của người đàn ông, giọng lạnh lẽo khô khan.
– Con muốn gặp Ngân hả? Cô ấy về bên ngoại, để ta gọi điện….
Không cần. Nếu bé Mỹ cũng về bên đó thì để hôm khác ….
– Không. Không. Mỹ có nhà. Con vào đi – Giọng hồ hởi khiến tôi chắc chắn đây là bố Duy, nhưng cách cư xử cha con rất kỳ lạ – Thấy con, bé Mỹ sẽ vui lắm.
Duy bước vào nhà, mắt đảo một lượt rồi dừng trước chiếc nôi giữa phòng. Nội thất đơn giản nhưng được bài trí gọn gàng khoé léo, tôi cảm nhận sự ấm áp của một gia đình hạnh phúc. Cái hạnh phúc không có chỗ cho Duy.
Đứa bé với đôi má phúng phính cười toe khi có người nhìn vào. Đôi mắt đen to tròn, chiếc mũi thanh thanh và đôi môi hồng, cả khuôn mặt có gì đó hao hao Duy. Vậy là cậu ta giống cha.
– Chưa bao giờ con đến đây. Phải chi Ngân có nhà, cô ấy sẽ rất vui – Bố Duy vẫn nói giọng vui mừng dù cậu ta không có chút biểu hiện nào là đang nghe – Con vào trong rửa mặt đi. Ngân cũng sắp về, rồi gia đình ta đi ăn. Ta muốn con về đây sống, đừng ở lại căn nhà đó nữa. Cô Hồng đi du lịch tháng nữa mới về…
Duy vẫn im lặng không nói làm không khí tự nhiên trùng xuống. Đứa bé nắm chặt tay Duy, miệng cười ngây thơ. Rút tay nhẹ nhàng, cậu ta đứng dậy :
– Tại sao ông lại đặt tên là Mỹ? Người đàn bà đó không phản đối sao?
– Chuyện đã qua lâu rồi, mẹ và em con sẽ không vui….
– Hiện tại ông còn yêu mẹ tôi không? – Duy cắt ngang với giọng khô khan, đôi mắt nhìn thẳng như xuyên vào tim người đối diện.
– Trước khi gặp Ngân, ta chỉ yêu mẹ con. Còn hiện tại ta chỉ yêu Ngân ….Ta có lỗi với mẹ con nhưng có những chuyện không thể dùng lời nói hết…
– Tôi cũng đang tò mò tương lai sẽ còn bao nhiêu người đàn bà xuất hiện và khổ như mẹ tôi đây – Cười khẩy, Duy bước nhanh ra cửa.
– Duy – Cậu ta vẫn bước, không bận tâm đến giọng hối hận phía sau – Ta đã làm xong thủ tục chuyển trường cho con. Liệu học Quang Trung con có thấy hợp không?
– Bây giờ thì không cần nữa – Duy đứng lại, ánh mắt thoáng suy nghĩ rồi giọng nhẹ hơn rất nhiều – Ông không làm được người chồng đúng nghĩa nhưng laị là một người cha tốt. Vậy hãy dành tình cảm đó cho cô bé trong nôi kia. Tôi không ghét, không hận nhưng tôi mong cô bé được lớn lên trong vòng tay cha mẹ. Khi nào cô bé biết suy nghĩ, cũng đừng bao giờ cho biết trên đời còn một người anh trai luôn mong hạnh phúc mỉm cười với cô bé. Chào ông!
– Duy! Duy….
Cậu ta vẫn bước đi, bỏ lại phía sau khuôn mặt hối hận của người cha. Tôi muốn đi vào suy nghĩ trong cái đầu lạnh lùng đó, muốn chia bớt nỗi buồn, san bớt những gì đã khiến Duy già trước tuổi. Phải chi lúc còn sống tôi không bướng bỉnh, chịu khó nhìn vào đôi mắt nhiều nỗi đau, chịu quan tâm hơn đến cuộc sống nội tâm của Duy thì tốt biết bao. Nhưng quá muộn, tôi đã chết. Tôi bây giờ chẳng thể làm gì, chỉ biết đứng bên cạnh chứng kiến một cuộc sống chưa bao giờ bộc lộ ra khi tôi còn sống.
Duy bước nhanh hơn, khuôn mặt đã nhẹ đi nhiều. Có vẻ cậu ta đang về nhà, tôi thấy đường đi rất quen. Cậu ta đã bình tĩnh sau cái chết của tôi rồi sao? Thằng con trai vừa gào khóc trong đám tang, giờ đây đã trở về khuôn mặt bình thản như mọi ngày. Duy nhất có đôi mắt một màu đen sâu thẳm là không thay đổi. Tôi vẫn chưa tìm thấy sự sống trong đó. Tất cả những gì tôi đọc được chỉ là một quyết định vừa được ban hành. Tôi cảm thấy bất an, dù không hiểu vì sao.
Rẽ vào con ngõ nhà Duy, tôi ngạc nhiên thấy Mỹ đã đứng chờ sẵn ở cổng :
– Anh đi đâu vậy? Không thấy anh ở nhà Hải, em ra mộ thì Hằng bảo anh đã về trước. Anh làm em lo quá ….- Mỹ hét lên khi nhìn thấy những vết cào trên mặt Duy – Mặt anh sao thế? Ai đã đánh anh? Anh có bị thương ở đâu nữa không?
Lay lay tay Duy, giọng Mỹ lo lắng thực sự :
– Anh cần đến bệnh viện, không thể để thế này…
– Anh không sao – Duy gỡ nhẹ tay Mỹ, bước đến cổng mới chợt nhớ không có chìa khoá mở cửa.
Thấy Duy loay hoay sờ khắp người, Mỹ thở dài đầu hàng :
– Chìa khoá đây anh – Vừa mở cửa, Mỹ vừa lẫy – Không đến bệnh có gì xảy ra em mặc xác anh. Lúc đó đừng có “Mỹ ơi, Mỹ à, anh đau lắm” nhé.
Nụ cười nhẹ của Duy làm tôi thấy yên tâm rất nhiều. Cuối cùng cậu ta cũng chịu cười, dù chỉ là thoáng qua. Công này phải cảm ơn Mỹ, mặc dù nguyên nhân mọi chuyện đều xuất phát từ người con gái xinh đẹp này.
– Hay lắm mà cười – Giọng cô nàng chuyển sang bực – Anh có chịu thay bộ đồ đó ra không? Còn mặt mũi nữa…nói cho em biết chuyện gì đã xảy ra đi ….
– Đúng là cô em gái rắc rối. Đã bảo không có gì rồi – Duy bước vào trong sau khi buông gọn – Anh đi rửa mặt.
– Em gái rắc rối? – Cơ thể tôi bị kéo theo Duy nhưng vẫn kịp thấy nụ cười chua c chát của Mỹ – Thà em làm người dưng nước lã thì vẫn hạnh phúc hơn là em gái rắc rối. Đến bao giờ anh mới chịu hiểu?
Tôi biết Duy nghe thấy nhưng cậu ta vẫn im lặng bước vào tolet. Nước mát rửa đi những vết máu trên mặt, cậu ta hơi nhăn trán vì rát. Tôi muốn quay đi khi Duy với bộ quần áo trên mắc nhưng mắt cứ mở to nhìn vào thân thể cậu ta. Nước da ngăm ngăm, nổi bật trên ngực là hai núm vú màu nâu nhỏ như đồng xu tôi hay thấy trong những phim chưởng Hồng Kông. Nếu lúc này còn sống, chắc chắn tôi sẽ đỏ mặt hoặc tim đập thình thịch. Nhưng cơ thể bây giờ chỉ có thể lặng nhìn và không có cảm giác rúng động của các gai thịt. Ngay cả khi cậu ta lột chiếc quần kẻ sọc, tròng quần jean bạc vào, tôi vẫn chỉ biết nhìn và nhìn. Muốn chạm vào, muốn cảm nhận sự ấm áp của da thịt, muốn ngửi thấy mùi mồ hôi đặc trưng của đàn ông nhưng tôi bất lực. Lững thững trôi theo phía sau khi Duy quần áo chỉnh tề bước ra phòng khách.
– Anh không cần đến bệnh viện chứ? Vết thương trên mặt có cần…
– Không sao đâu – Trấn an đôi mặt lo lắng trước mặt, Duy ngồi xuống đối diện Mỹ – Anh xin lỗi đã làm Mỹ lo…Em làm gì thế?
Cậu ta đứng bật dậy bước đến đỡ tay Mỹ. Tôi cũng bất ngờ trước hành động này. Vẫn quỳ trên sàn, Mỹ khóc nức nở, giọng hối hận ăn năn :
– Em xin lỗi. Chỉ tại em mà Hải….Nếu em không ích kỷ xấu xa, không làm chuyện đê tiện đó thì….
Duy đỡ Mỹ dậy nhưng giọng nghẹn ngào hoà trong nước mắt làm cậu ta khựng lại nửa chừng :
– Em biết sai mà vẫn làm. Em thật khốn nạn…- Tiếng khóc lớn hơn khiến Duy nhíu mày khó hiểu, tôi thì đã biết Mỹ đang nhắc đến việc gì. Nhưng dù có khóc, có hối hận hay xỉ vả bản thân thì cũng đã muộn. Tôi đã chết. Đây là sự thật, không thể thay đổi dù có tốn thêm nhiều nước mắt thì vẫn thế.
– Mỹ đã làm gì?
– Chiều hôm qua, trước khi Hải ngã vào dao …em…em đã đến quán nước mẹ Hải…em đã nói…Chắc chắn vì việc đó nên Hải mới…Em xin lỗi. Em xin lỗi – Mỹ giữ chặt tay Duy, giọng nức nở van xin – Anh hãy đánh, hãy chửi em đi…tất cả đều tại em…chính em đã hại chết Hải…Á!!!
Tiếng hét nhỏ làm tôi chú ý thái độ của Duy. Đôi mắt đen không sức sống giờ đang loé lên những tia sáng nguy hiểm. Đôi tay Duy run run, tôi đoán cậu ta vừa bóp mạnh vào vai Mỹ trong vô thức.
– Anh cứ đánh em đi…em đáng bị đánh. Nếu em không đến, Hải sẽ không…
Bàn tay rơi thõng xuống đất cái bộp, Duy đứng lên quay người lại Mỹ :
– Em về đi. Lúc này anh không muốn gặp em.
Không! Em không về. Trừ khi anh đánh em – Mỹ ôm chặt chân Duy, khóc với gò má ướt nước – Hãy đánh em đi. Người có lỗi là em …là em….
– Mỹ – Tiếng quát làm Mỹ giật bắn người, buông chân Duy ra trong sợ hãi. Duy quỳ xuống đối diện với khuôn mặt sợ sệt đầy nước mắt – Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho những người làm tổn thương Hải. Nhưng đối với em gái mình, anh không thể ….
Bốp!!!
– Em không phải em gái anh – Đôi mắt Mỹ long lên giận dữ, tay vừa tát Duy đỏ lên vì đau – Chúng ta không máu mủ họ hàng, không cùng cha cùng mẹ, em và anh chỉ là người dưng nước lã, không phải anh em.
Cái tát của Mỹ khá mạnh, Duy bị quay mặt sang bên phải theo đà của cái tát. Với một bên má đỏ au hình bàn tay, Duy lừ lừ quay lại nhìn thẳng vào mắt Mỹ, giọng lạnh lẽo đến nỗi tôi cảm thấy Mỹ đang nín thở vì sợ :
– Anh sẽ không bao giờ làm đau em. Tốt nhất em nên rời khỏi đây.
– Không! Nếu chưa nói rõ em không về …
Bộp!!!
Đấm mạnh tay xuống sàn, Duy gằn giọng :
– Anh bảo em đi về!
Mỹ ngã người ra sau, môi run rồi bật khóc nức nở :
– Tại sao? Tại sao cơ chứ? Em không bằng với cả người chết sao anh? Làm sao em có thể cạnh tranh với người đã chết đây anh?
Tôi và Mỹ đều sốc trước hành động của Duy. Cậu ta hôn Mỹ nhưng môi không hề cử động, nụ hôn không cảm xúc.
– Em hiểu chưa? – Đẩy Mỹ ra với nụ cười khẩy, giọng nói như con dao đâm thẳng vào tim Mỹ – Anh không bao giờ yêu em.
– Anh…đồ khốn…Tôi hận anh – Mỹ lao nhanh ra khỏi phòng, tay bụm chặt miệng ngăn tiếng khóc.
Duy không đuổi theo, chỉ ngồi im gọi giật giọng :
– Mỹ – Dáng người nhỏ bé khựng lại nơi cửa, không quay lại nhưng đôi vai run bần bật cho tôi biết Mỹ đang khóc – Nếu chỉ vì chuyện này mà em nghĩ đến cái chết. Anh sẽ không đến dự đám tang đâu.
– Tôi không chết vì một người chà đạp lên tình cảm của tôi đâu – Vẫn không quay lại, giọng Mỹ cố bình tĩnh nhưng tôi biết trong lòng cô đã chết – Tôi không để anh mãn nguyện đâu.
– Tốt. Em về được rồi.
Tôi không nghĩ Duy có thể nói năng cay độc như vậy. Mỹ chỉ 16, 17 tuổi, liệu có đủ sức vượt qua cú sốc này không? Chẳng may Mỹ tìm đến cái chết thì sao? Cậu ta không nghĩ đến chuyện rủi ro này hả?
– Chết tiệt – Tiếng chửi vang lên kèm theo ly nước trên bàn vỡ vụn sau cú ném của Duy.
Những mảnh thuỷ tinh bắn ra khắp nơi, dưới ngọn đèn neol trông như những giọt nước lấp lánh nhưng đầy nguy hiểm. Duy nhìn chăm chú vào những mảnh sắc nhọn, mắt lạnh băng không cảm xúc. Tôi biết cậu ta đang dằn vặt trong lòng. Người gián tiếp hại chết tôi ở ngay trước mắt nhưng không thể làm gì ngoài việc bảo Mỹ dời đây ngay lập tức. Nếu Mỹ còn bướng nấn ná thêm chút nữa, tôi cũng không dám đảm bảo cậu ta đủ bình tĩnh để không…giết Mỹ. Tôi tin Duy có thể giết người vì tôi, cậu ta cũng hiểu rõ nên mới làm một việc xúc phạm Mỹ trầm trọng.
Nụ hôn là để truyền đạt tình cảm trong lòng, nụ hôn là để bộc lộ tình yêu của trái tim, để người được hôn cảm nhận bản thân được trân trọng nâng niu như thế nào. Nhưng Duy hôn Mỹ ngoài cảm giác lạnh nhạt không tình cảm, tôi còn nhận thấy sự coi thường ác độc trong đó. Một hành động đơn giản nhưng có thể như liều thuốc độc cực mạnh giết chết toàn bộ tình cảm của một con người, chà đạp lên tự trọng của người đó. Ngay đến người trưởng thành đủ bình tĩnh cũng thấy bị xúc phạm, không riêng gì Mỹ_một cô bé con khá non nớt và mơ mộng.
Duy đứng dậy bước vào trong bếp, tôi dời khỏi mạch suy nghĩ để trôi theo cậu ta. Đi một vòng xung quanh bếp, Duy nhìn khắp nơi như tìm kiếm gì đó. Sau một hồi đi đi lại lại, Duy trở về phòng thò đầu xuống gầm giường và lôi cái hộp giấy khá lớn ra. Không biết cậu ta định làm gì mà cần nhiều đèn pin thế? Bỏ 6, 7 cái vào balo, Duy nhét thêm một đèn điện đã sạc đầy. Trong khi làm những việc đó, Duy không nói nửa lời, ánh mắt hoàn toàn chăm chú vào việc đang làm. Tôi càng tò mò hơn khi Duy đi vào một căn phòng chứa rất nhiều thứ cũ kỹ : chiếc xe ba bánh đã sờn lớp sơn, chiếc nôi đầy bụi, một tủ sách gần đó bầy những món đồ chơi trẻ con đã rất cũ, có vài cái bị hỏng…Duy lại lui cui tìm kiếm thứ gì đó. Cậu ta lật tung, xô ngã những thứ vướng víu với vẻ sốt ruột.
Một chiếc xẻng? cậu ta cần xẻng để làm gì? Tôi thực sự ngày càng thấy Duy kỳ lạ. Làm gì cũng lầm lì ít nói.
Tính tong! Tính tong!
Tiếng chuông làm Duy giật mình, vội vàng cầm xẻng cất vào phòng cạnh chiếc balo rồi đi xuống tầng.
Đập vào mắt khi cánh cửa mở ra là nụ cười của Hằng :
– Duy về nhà rồi đấy hả? Làm Hằng cứ sợ có việc gì xảy ra.
– Hằng vào nhà đi – Duy không trả lời cũng như không ngạc nhiên khi thấy vị khách không mời mà đến.
– Vẫn một gam màu cô độc như lần họp lớp – Hằng không rào trước, nói thẳng suy nghĩ luôn – Hằng nghĩ bố mẹ Duy luôn đi công tác vắng nhà.
Đôi mắt đen chớp nhẹ trước sự thông minh nhạy bén, Duy lảng tránh :
– Hằng ngồi đi, để Duy lấy nước.
– Khỏi Duy – Phẩy phảy tay, con béo ngồi luôn xuống ghế – Hằng đến để đưa vật này.
Chiếc đồng hồ cát nằm gọn trong tay Hằng, những hạt cát màu đỏ nhìn tôi câm lặng. Duy rùng mình thối lui, phải đến một lúc mới làm chủ cảm xúc :
– Sao Hằng có vật này?
– Hôm trước Hải có kể tất cả mọi chuyện nên khi nhìn thấy nó trên bàn học trong lúc phụ cô Thi dọn đồ, Hằng nghĩ “vật cũ nên hoàn cố chủ”.
Duy run run chạm vào món đồ trên tay Hằng, những hạt cát lại rơi đều như một chu kỳ không bao giờ thay đổi. Hạt cát cuối cùng rơi xuống cũng là lúc Duy nhắm mắt để dìm những thứ đang trực trào ra ngoài. Vẫn nắm nhẹ đồng hồ cát, Duy nói thật hiền :
– Cảm ơn! Cảm ơn Hằng đã mang nó cho Duy. Cảm ơn vì vẫn nhớ.
– Hằng chỉ nghĩ Hải sẽ vui hơn khi Duy giữ nó – Hằng chớp đôi mắt sưng vì khóc nhiều, giọng ôn hoà – Nếu Duy nhìn thấy món đồ này luôn sạch sẽ và được đặt ở vị trí mà đứng ở bất cứ đâu trong phòng cũng có thể thấy thì…Hải rất yêu Duy đấy.
– ….
– Hằng cũng không ngờ sự việc lại xảy ra nhanh như vậy. Mới hôm kia Hải còn nói chuyện, vậy mà….
– Hải thật may mắn có một người bạn tuyệt vời và tâm lý như Hằng.
– Nếu thực sự tuyệt vời thì Hằng đã đọc được sự nổi loạn trong lần cùng về đó – Con béo thở dài làm tôi thấy nợ nó nhiều hơn – Mà thôi, bây giờ có nói gì thì Hải cũng đã…
– …..
– Hằng về đây – Vừa đứng lên, con béo đã hơi nhíu mày – À quên, còn việc này nữa…
Duy cũng đã đứng lên song song với Hằng nên ăn trọn cú đấm vào mặt :
– Thầy Nguyên gửi nó cho Duy – Nhìn Duy ngã người ra ghế, mặt vẫn chưa hết kinh hoàng, Hằng thản nhiên nói tiếp – Kèm theo một lời nhắn “Nếu có kiếp sau và cả ba người vẫn có chữ duyên bên mình, tôi sẽ không đứng yên để Hải phải đau khổ đi vào cõi chết đâu”. Đó, Hằng nói nguyên xi không thêm bớt nửa lời.
Duy sờ lên khoé miệng, chút máu rỉ ra từ vết rách :
– Hằng có học võ hả?
– Không! Hay đánh mấy đứa em họ nên quen tay…đấm hơi mạnh – Hằng cố cười cho không khí bớt gượng nhưng chỉ tạo được nụ cười méo xẹo, cuối cùng nó thở dài – Hằng về đây.
– Hằng đến bằng gì? Để Duy đưa về.
– Bồ Hằng đưa đến, vẫn chờ ngoài cổng kia kìa.
– Sao không bảo ổng vào đây luôn? Thật là….
– Kệ! Chờ đợi người thương là một diễm phúc đấy – Hằng nín cười, giọng trở lại nghiêm túc – Duy này, Hằng tin Hải không bao giờ muốn Duy làm gì dại dột đâu. Hằng không dám khuyên Duy đừng buồn nhưng Hằng nghĩ nếu Hải còn sống, chắc chắn nó chỉ muốn nhìn thấy Duy hạnh phúc và luôn mỉm cười thật tươi.
– Duy hiểu. Cảm ơn Hằng rất nhiều – Lời cảm ơn của Duy thoát ra trùng với suy nghĩ của tôi – Thực sự cảm ơn Hằng.
Đá mắt vui vẻ, con béo cười để không khí tươi hơn :
– Cách cảm ơn chân thành là bữa nào mời Hằng ăn kem.
– Ừ, chắc chắn.
– Hằng về đây – Ngồi lên xe, con béo vẫy tay dặn dò – Khóc ít thôi nhé.
Duy cười hiền, ánh mắt vẫn một màu đen là lạ :
– Con trai khó khóc lắm Hằng ạ. Dù trong lòng đã chết hoàn toàn.
Tay Duy chạm vào khoé miệng, mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Trời tối từ lúc nào, mọi nhà đã lên đèn, sinh hoạt gia đình đang diễn ra xung quanh.
Duy vẫn lặng lẽ một mình quay vào ngôi nhà không người. Lần này cậu ta không trở về phòng mà đi lên tầng cao nhất, một căn phòng không đồ đạc xuất hiện trước mắt. Thì ra đây là nơi để ban thờ, hình ảnh người phụ nữ mỉm cười dịu hiền tự nhiên làm tôi thấy ấm lòng. Chắc chắn đây là mẹ Duy, không thể nhầm được. Thắp ba nén hương, Duy lặng yên đứng trước ban thờ như muốn tâm sự với mẹ. Không một tiếng động, không một lời nói, cậu ta chăm chú nhìn vào khung ảnh như đang đi sâu vào thế giới của tôi, của mẹ cậu ta.
Thời gian trôi chậm rãi, Duy vẫn tiếp tục lặng câm, không có biểu hiện gì dã thưa chuyện xong. Tình cảm trước mắt làm tôi hổ thẹn. Chắc chắn khi mẹ Duy còn sống, cậu ta rất hiếu thảo, không bù cho tôi…Ngoài nước mắt và buồn phiền, tôi chưa mang lại gì cho mẹ. Ngay cả một cử chỉ chăm sóc lúc mẹ ốm đau cũng không có. Đứa con bất hiếu như tôi chết là đúng, và hy vọng cái chết của tôi không làm ba mẹ quá đau lòng vì một đứa con hư đốn.
Duy bước khỏi phòng khiến tôi bị kéo trở về thực tại. Cậu ta tiếp tục nhét một số thứ vào balo như kìm búa, khung ảnh có hình cây cổ thụ trong mưa, đồng hồ cát và một số giấy tờ gì đó. Cuối cùng cái đầu lạnh lẽo đó đang chứa đựng âm mưu gì vậy? Tôi không hiểu và không thể đoán ra việc gì.
Quẳng balo lên vai, Duy cầm xẻng đi ra khỏi nhà. Những bước chân bình thản, không hề nhận ra đường phố đã khá muộn rất vắng xe cộ đi lại. Con đường trở nên quen thuộc khiến tôi nghi ngờ cậu đang đến nhà tôi. Tên bốn mắt này muốn giở trò gì đây?
Nhưng không, cậu ta đột ngột rẽ phải khi đi qua trường Đại Học Ngoại Thương khoảng chục mét. Đây là đường ra đồng, nơi cất giấu cơ thể tôi. Cậu ta đến đó làm gì? Có gì muốn nói với tôi hả?
Đoạn đường này rất tối, hai bên ít nhà cửa nên khá hoang vu. Ngay sát đồng là công ty gì đó về địa chất nhưng tôi không nhớ tên, giờ cũng đã tắt hết đèn, chỉ còn đèn ở phòng bảo vệ và khu để xe. Ánh sáng hắt ra từ đó quá ít ỏi, Duy lôi đèn pin ra để xung quanh mộ rồi bật lên chiếu thẳng vào nấm mồ xung quanh có những vòng hoa tang.
Hành động của Duy ngày càng kỳ lạ khi cậu ta đứng trước mộ tôi, giọng nói khá lớn giữa đêm đen tĩnh lặng :
– Ông chờ tôi lâu không? Phải giải quyết hết mọi việc nên hơi muộn – Tôi muốn hét lên ngăn cản nhưng giọng nói chìm ngỉm trong họng khi Duy cúi xuống nhấc vòng hoa tang lên – Hoa chẳng hợp với ông chút nào. Tôi vứt chúng đi nhé.
Tiếng ếch ộp hoà theo những hành động kỳ quặc của Duy_cậu ta xếp hết mấy vòng hoa tang sang một bên. Giờ đây ngôi mộ chỉ còn đất và những nén hương đã cháy hết.
– Tôi sẽ làm nhẹ thôi, không đau đâu – Duy nhặt chiếc xẻng dưới chân ấn sâu xuống lớp đất phủ lên quan tài. Cậu ta đang đào mộ tôi – Ông bướng thật đó. Tôi gào khản tiếng mà vẫn không chịu ngồi dậy. Bướng không thể tả.
Ánh sáng nhờ nhờ từ những cây đèn pin cho tôi thấy nụ cười trách móc của Duy :
– Ông không chịu dậy thì tôi đến đón ông đây – Cậu ta dùng chân ấn xẻng xuống đất sâu hơn, xúc đất hất ra xa. Giọng nói nhẹ đến mức ma quái – Hình như từ hồi cấp hai, tôi luôn luôn là người chủ động và phải đầu hàng trước cái tính cứng đầu cứng cổ của ông.
Tôi lao đến ngăn nhưng cơ thể không trọng lượng xuyên qua người Duy. Tôi cảm nhận rõ ràng sự bất lực của người chết. Không thể ngăn cản dù biết đó là việc sai trái. Đào mộ một người vừa mới chôn là hành vi kinh khủng nhất mà tôi được chứng kiến. Cậu ta không sợ bị quả báo sao?
– Ngày chuyển trường tôi cứ ngu ngơ chờ ông đến lớp, rồi đứng trước hàng nét đợi một thằng nhóc gần ba tiếng đồng hồ. Lúc đó tôi quá nhát không dám đến thẳng nhà ông – Duy vẫn độc thoại một mình như muốn trút hết tất cả nỗi nhớ bao lâu nay – Đáng nhẽ tôi đi tìm ông ngay sau đó nhưng…tôi bị gia đình phát hiện, rồi Tiểu Mỹ mất….
Cánh tay dừng lại trong chốc lát, Duy hít mạnh để điều khiển cảm xúc :
– Mọi việc diễn ra quá nhanh, tôi không thể đứng vững dù luôn dặn lòng là phải “cố lên”. Ông không biết những ngày tháng mẹ nằm viện, tôi khủng hoảng thế nào đâu. Có thể nói, nếu không có nỗi nhớ ông, không có bức hình xấu mù đó, chắc tôi không thể vượt qua được.
Tiếng cười nhẹ vang lên, những chú ếch gần đó đồng thanh ộp ộp nghe rất lạ tai :
– Mà phải công nhận một điều, tôi chưa thấy ai vẽ xấu như ông. Người ta vẽ mưa bằng những gạch chéo nho nhỏ, còn ông vẽ những dấu x, trông đến là buồn cười.
Buồn cười sao còn giữ? Tôi thấy nóng mũi nhưng hơi nóng lại bị làn gió nhẹ làm dịu đi. Tôi đang được chứng kiến tình cảm của Duy, tận tai nghe lời tâm sự thật lòng.
– Này, ông có nghe tôi nói không đấy? – Duy hỏi hơi lẫy nhưng rồi lại tự trả lời – Vẫn im lặng hả? Đúng là bắt tôi đến đón rồi đây. Người gì lỳ thế không biết.
Quan tài đã hơi lộ ra, Duy dùng tay gạt và moi đất xung quanh. Dáng người nhỏ bé so với quan tài nhưng cử chỉ vô cùng nhanh nhẹn dứt khoát. Cậu ta dùng búa và kìm nẩy đinh lên, miệng vẫn đều đều tâm sự :
– Ông muốn vào Hải Phòng phải không? Tôi sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn – Chiếc đinh thứ hai được đặt từ tốn sang bên cạnh, mặt Duy không hề biến sắc khi tiếp tục việc…đào mộ – Nhưng thăm mấy đứa bạn xong thì chúng ta đến Đà Lạt nhé. Nơi đó dành riêng cho những đôi tình nhân. Mang tiếng yêu nhau mà chưa bao giờ có những giây phút riêng tư, có những buổi tâm sự thật lòng. Lần này hãy để tôi làm chủ.
Duy nói đúng. Chúng tôi không có cả một kỷ niệm đẹp để nhớ, không có cả một nụ hôn ngọt ngào, hay đơn giản những giây phút bình yên cũng không có. Gặp lại, ghen tuông kích thích tình cảm rồi kỳ thị của dư luận chia cắt tôi và Duy bởi ranh giới sống – chết. Tôi chết đi khi chưa kịp làm gì đáp lại tình cảm của cậu ta.
– Chúng ta thuê nhà trọ rồi tìm việc làm như ông bảo. Tôi có thể làm bất cứ việc gì để được ở bên ông. Lần này không có ai ngăn cản cũng như xen vào đâu.
Trong đêm tối, dưới ánh đèn yếu ớt, một dáng người nhỏ bé lui cui cần mẫn nhổ từng chiếc đinh thật chậm rãi. Tiếng ếch ộp tan vào trong gió tạo thành bản hoà tấu của bóng đêm. Giọng nói trầm tĩnh như tâm tình nổi lên đến rợn người, một cảm giác ma quái lan chậm trong không gian :
– Sáng sớm thức dậy, tôi muốn hình ảnh đầu tiên nhìn thấy là nụ cười của ông. Và trước khi chìm vào giấc ngủ yên bình, thứ làm tôi ngủ ngon vẫn là ánh mắt dịu dàng của ông. Một cuộc sống thật bình yên, phải không nào – Duy bám tay ra sau lấy đà, dùng chân dịch chuyển nắp quan tài – Đến giờ rồi, dậy thôi Hải.
Tôi thấy một lớp khói trắng từ trong quan tài bay lên rồi gió cuốn đi thật nhanh. Duy dịu dàng bế cơ thể bất động của tôi lên. Chiếc áo trắng học trò như muốn hoà vào lớp da trắng bệch của người chết, xung quanh tôi là những quyển vở quyển sách. Khi chết người ta sẽ bỏ những thứ thân thuộc của người chết vào trong quan tài hả?
– Đáng nhẽ tôi sẽ chờ ông học hết cấp ba nhưng bây giờ không cần nữa – Duy phủi phủi đất trên khuôn mặt trắng bệch, miệng nở nụ cười hiền – Xã hội không cho chúng ta cơ hội, vậy thì phải tự tạo ra đúng không?
Tôi thoáng rùng mình khi Duy cúi xuống hôn nhẹ lên đôi môi lạnh giá đó. Cậu ta hôn tôi. Hôn một cái xác.
– Sao người ta lại đeo thứ này vào tay ông cơ chứ – Rút chiếc tất ở tay và chân tôi, Duy cằn nhằn – Ông thấy nóng lắm hả? Tôi tháo ra cho thoáng nhé.
Nụ cười trên môi Duy khiến tôi bất an. Cậu ta tính làm gì với cái xác của tôi? đừng nói sẽ mang nó ra khỏi đây nhé. Người con trai trước mặt có hiểu những hành động vừa rồi có ý nghĩa gì không? Cậu ta có biết bản thân đang làm gì không hả?
– Cũng muộn rồi, chúng ta đi thôi – Duy cố đặt hai tay tôi lên vai nhưng cái cơ thể đã cứng lại, cậu ta đành xốc nách kéo đi – Chịu khó một chút, ra tới ngoài đường tôi sẽ bế ông.
Duy điên rồi. Tâm trí còn tỉnh táo không? Nói chuyện với người chết. Đào mộ và mang xác tôi đi với khuôn mặt bình thản. Tất cả những hành động kinh khủng này làm tôi nghi ngờ cậu ta đang tự kỷ ám thị là tôi chưa chết.
Bóng đêm như bao che hành động sai trái, chỉ có những tiếng ếch ộp, những âm thanh côn trùng chứng kiến cảnh tượng này. Tôi lơ lửng trôi theo, lòng muốn khóc trước tình cảm của Duy, trái tim muốn ngừng đập vì hạnh phúc. Tôi hiểu và sung sướng khi nhận được tình cảm chân thành nhưng liệu việc này sẽ đi đến đâu? Tôi phải làm gì để ngăn cậu ta? Có ai đó xuất hiện để ngăn Duy đi …hãy giúp Duy tỉnh lại. Không thể để cậu ta chìm trong suy nghĩ khủng khiếp này. Duy đừng dùng khuôn mặt hạnh phúc để kéo xác tôi. Đừng dùng những lời nói yêu thương để tâm sự, trách móc cái xác không có hơi thở đó. Tôi đã chết. Duy phải nhìn vào sự thật này. Có ai đó đến đưa Duy thoát khỏi ảo mộng này đi…làm ơn…tôi không muốn vì tôi mà Duy trở thành một người mất trí, sống trong mộng ảo….
Ánh sáng chói mắt xoá nhoà hình ảnh Duy và xác tôi trong chốc lát. Đến khi có thể nhìn rõ mọi vật, tôi nhìn thấy bên cạnh chiếc xe tải là vũng máu lênh láng ….một người con trai với chiếc kính vỡ nát đang mỉm cười trong màu đỏ lạnh lẽo ….
– Khônggg…- Tiếng nói thoát khỏi bờ môi, tôi gào thét lao xuống nhưng có gì đó giữ lại thật chặt.
– Này, nhìn ai đấy? Tôi ở đây cơ mà – Giọng nói xa xăm từ đâu vọng đến.
Từ từ quay lại và thấy màu mắt đen đang nhìn tôi ánh nét cười :
– Đã để ông chờ lâu. Chúng ta đi thôi!
– Nhưng…mày…sao lại….- Tôi lắp bắp mà không nhận ra tôi có thể nói, dù không rõ giọng nói thoát ra từ đâu, những chắc chắn đây là giọng tôi.
– Đừng nhìn xuống dưới đó. Tôi ở đây, bên cạnh ông – Khuôn mặt tiến tới gần, tôi đọc được sự hạnh phúc trong nụ cười rạng ngời – Chúng ta đi thôi.
– Đi đâu?
– Đi Hải Phòng rồi lên Đà Lạt.
– Sao lại đến đó?
– Không phải ông muốn thăm bạn bè hả? Đi thôi! Đã đến lúc sống cuộc đời của ông và tôi.
– Nhưng còn….
– Đã bảo đừng nhìn, đừng nghe, đừng quan tâm. Chỉ cần biết tôi đang ở bên ông là được – Cơ thể không trọng lượng trôi theo Duy trong vô thức, tôi nhận ra cậu ta cũng đang lơ lửng – Từ bây giờ ông không được rời tôi nửa bước đâu đấy.
– Tại sao tao phải nghe lời mày?
– Vì tương lai trước mặt, ông là trái tim của tôi, tôi là hơi thở của ông.
– Mày sẽ không bỏ tao như hồi lớp tám chứ?
– Mất trái tim có còn sống được không?
– Tao không biết.
– Vậy thì đi. Hãy ở bên tôi để thời gian trả lời cho ông câu hỏi đó.
– Thời gian có trả lời được không?
– Được! Khi ông còn ở bên tôi thì thời gian là câu trả lời tốt nhất.
Tôi lững thững trôi song song Duy, tuy không thể nhìn biểu hiện của khuôn mặt mình nhưng tôi biết trên môi đang là nụ cười hạnh phúc. Nụ cười trọn vẹn nghĩa hạnh phúc khi tôi đã tìm thấy màu thuỷ chung trong tình yêu. Tôi đã tìm thấy màu thuỷ chung dành cho riêng tôi.
Tuy không có tay nhưng sao như thấy Duy đang dịu dàng cầm tay tôi, bước đi về phía trước. Xa xa có giọng nói của ai đó nhưng tôi không còn bận tâm nữa.
– Gọi cảnh sát đi! Tai nạn ô tô và nạn nhân là hai câu bé trạc tuổi nhau. Không ai còn thở ….
Hết!
31 – 7 – 2006
~ Kokubu karin ~
Tôi luôn tin sau khi chết, linh hồn sẽ bay đến bên người quan trọng nhất trong tim. Đây là lý do tôi viết ra Sau cơn mưa. Có thể bạn nhận thấy đây chỉ là mê tín dị đoan nhưng tin tôi đi_ai cũng có người yêu thương nhất, và ngay cả khi chết vẫn muốn được ở bên người đó.
Kokubu karin.