Nội dung truyện
Xong bữa cơm, bà Sáu ra sau múc ba chén chè trôi nước to, mấy viên chè bé xíu lủm chủm trong nước đường ngọt mát thơm mùi gừng tươi “thằng Ninh nấu đó, lúc trước do tui nấu nhưng giờ già truyền nghề lại cho nó. Chiều nào nó cũng nấu, sáng sớm chèo xuồng chở tui lên chợ ngồi bán”.
– Chiếc xuồng của cô đâu?
Bà Sáu ái ngại nhìn Vinh, bà không muốn nói rằng trong lúc bà cùng Ninh nhảy ào xuống dòng nước để cứu Vinh đang bị vọp bẻ sắp chìm thì chiếc xuồng bị nước đẩy trôi đi mất. “Nó trôi mất rồi”, “vậy cô lấy chiếc ghe của con đi đỡ đi”, “đâu có được, chú còn phải đi thả lưới mà”, “cô không đi ghe của con, con giận cho coi”. Từ đó, Vinh không cho ghe trôi vô định mà ở lại nhà bà Sáu để cho bà mượn ghe đi bán mỗi sáng.
Tối, Ninh qua bộ ván nằm ngủ để nhường cái giường trải chiếu bông cho Vinh. Cảnh lạ, giường lạ, những con người xa lạ nhưng mùi vị thôn dã thân thương hồn hậu khiến Vinh dễ chịu vô cùng. Vinh lại thấy mình đang ngồi trên chiếc xe đò đi ra thị xã tìm việc làm để đỡ đần cho má và ba đứa em nhỏ, rồi xin vào làm phục vụ cho một quán cà phê lớn, nơi có một người khách thường xuyên lui tới bắt chuyện với Vinh. Đó là Tuấn Bạc, một tiểu thiếu gia chảnh chọe có tiếng của thị xã. Tuấn Bạc khen Vinh có cái miệng xinh, dáng người dong dỏng cao mặc đồng phục rất đẹp. Tuấn Bạc còn nói thích Vinh vì thấy Vinh hiền lành rồi mời Vinh đi chơi, Tuấn Bạc mua cho Vinh một bộ đồ mới trước khi dẫn đi nhậu. Đêm hôm đó, Tuấn Bạc dẫn Vinh vào nhà nghỉ để yêu cầu được thỏa mãn. Một phần vì quá say, một phần vì nể, một phần Vinh lại nghĩ như vầy, thí dụ người ta trả mình bốn chục ngàn thì mình bưng nước phục vụ tám tiếng đồng hồ, giờ đã lỡ mặc quần áo lỡ ăn uống vào bụng rồi, biết nói làm sao để từ chối. Chỉ một đêm thôi! Vinh phải trả giá bằng sinh mạng khi Tuấn Bạc bị phát hiện nhiễm HIV. Vinh giận lắm, giận người thì ít mà giận bản thân thì nhiều, Vinh trách Vinh quá tin bề ngoài quá dễ dãi nhưng trên hết là chưa kịp báo hiếu cho má và giúp các em. Vinh bị sốt và phát ban đỏ ngoài da hơn một tháng, lúc hết bệnh cũng là lúc hết tiền. Mọi người xa lánh, mất việc, mất niềm tin, Vinh không biết phải về đâu nhưng chắc chắn Vinh sẽ không về quê để báo cơm tốn thuốc của má và các em, vai má đã oằn lưng má đã cong, lẽ nào bắt má phải chịu khổ chịu nhục thêm nữa. Vinh lang thang ra bờ sông, mười chín tuổi Vinh đã không còn thiết sống nữa! Có lẽ Vinh còn quá trẻ nên ông trời không để Vinh chết, Vinh còn chưa nếm trải hết hương vị của cuộc đời kia mà. Gia đình cứu Vinh là gia đình tử tế, người vợ đề nghị chồng cho Vinh chiếc ghe bỏ không của gia đình để Vinh có cái kiếm sống qua ngày. Vinh thường để mặc chiếc ghe trôi dọc theo dòng nước, đi đến nơi vô định và sống như kẻ vô tình.