Mối tình câm - Chương 2
Xong bữa cơm, bà Sáu ra sau múc ba chén chè trôi nước to, mấy viên chè bé xíu lủm chủm trong nước đường ngọt mát thơm mùi gừng tươi “thằng Ninh nấu đó, lúc trước do tui nấu nhưng giờ già truyền nghề lại cho nó. Chiều nào nó cũng nấu, sáng sớm chèo xuồng chở tui lên chợ ngồi bán”.
– Chiếc xuồng của cô đâu?
Bà Sáu ái ngại nhìn Vinh, bà không muốn nói rằng trong lúc bà cùng Ninh nhảy ào xuống dòng nước để cứu Vinh đang bị vọp bẻ sắp chìm thì chiếc xuồng bị nước đẩy trôi đi mất. “Nó trôi mất rồi”, “vậy cô lấy chiếc ghe của con đi đỡ đi”, “đâu có được, chú còn phải đi thả lưới mà”, “cô không đi ghe của con, con giận cho coi”. Từ đó, Vinh không cho ghe trôi vô định mà ở lại nhà bà Sáu để cho bà mượn ghe đi bán mỗi sáng.
Tối, Ninh qua bộ ván nằm ngủ để nhường cái giường trải chiếu bông cho Vinh. Cảnh lạ, giường lạ, những con người xa lạ nhưng mùi vị thôn dã thân thương hồn hậu khiến Vinh dễ chịu vô cùng. Vinh lại thấy mình đang ngồi trên chiếc xe đò đi ra thị xã tìm việc làm để đỡ đần cho má và ba đứa em nhỏ, rồi xin vào làm phục vụ cho một quán cà phê lớn, nơi có một người khách thường xuyên lui tới bắt chuyện với Vinh. Đó là Tuấn Bạc, một tiểu thiếu gia chảnh chọe có tiếng của thị xã. Tuấn Bạc khen Vinh có cái miệng xinh, dáng người dong dỏng cao mặc đồng phục rất đẹp. Tuấn Bạc còn nói thích Vinh vì thấy Vinh hiền lành rồi mời Vinh đi chơi, Tuấn Bạc mua cho Vinh một bộ đồ mới trước khi dẫn đi nhậu. Đêm hôm đó, Tuấn Bạc dẫn Vinh vào nhà nghỉ để yêu cầu được thỏa mãn. Một phần vì quá say, một phần vì nể, một phần Vinh lại nghĩ như vầy, thí dụ người ta trả mình bốn chục ngàn thì mình bưng nước phục vụ tám tiếng đồng hồ, giờ đã lỡ mặc quần áo lỡ ăn uống vào bụng rồi, biết nói làm sao để từ chối. Chỉ một đêm thôi! Vinh phải trả giá bằng sinh mạng khi Tuấn Bạc bị phát hiện nhiễm HIV. Vinh giận lắm, giận người thì ít mà giận bản thân thì nhiều, Vinh trách Vinh quá tin bề ngoài quá dễ dãi nhưng trên hết là chưa kịp báo hiếu cho má và giúp các em. Vinh bị sốt và phát ban đỏ ngoài da hơn một tháng, lúc hết bệnh cũng là lúc hết tiền. Mọi người xa lánh, mất việc, mất niềm tin, Vinh không biết phải về đâu nhưng chắc chắn Vinh sẽ không về quê để báo cơm tốn thuốc của má và các em, vai má đã oằn lưng má đã cong, lẽ nào bắt má phải chịu khổ chịu nhục thêm nữa. Vinh lang thang ra bờ sông, mười chín tuổi Vinh đã không còn thiết sống nữa! Có lẽ Vinh còn quá trẻ nên ông trời không để Vinh chết, Vinh còn chưa nếm trải hết hương vị của cuộc đời kia mà. Gia đình cứu Vinh là gia đình tử tế, người vợ đề nghị chồng cho Vinh chiếc ghe bỏ không của gia đình để Vinh có cái kiếm sống qua ngày. Vinh thường để mặc chiếc ghe trôi dọc theo dòng nước, đi đến nơi vô định và sống như kẻ vô tình.
Ai ngờ, có một ngày Vinh lại lên bờ sống vui vẻ với những con người nhân hậu.
———-0o0———-
Hôm nay mới bán lưng nồi chè thì mây đen kéo đến che tối trời, gió mang hơi ẩm thấm đẫm không gian, mọi người lật đật ra về. Vinh ngồi trong mui ghe, run cầm cập. Bà Sáu luýnh quýnh nói “hai đứa bây đợi tao lên mua thuốc, cảm với nổi ban đỏ, đúng hông vậy?”, Ninh quỳ bên cạnh Vinh đầy lo lắng, muốn ôm cho Vinh bớt lạnh mà sợ bị mắng bị đuổi.
– Ơ…ơ…ư…ư..?
– Muốn ôm tui thì ôm đại đi, không sợ tui lây bệnh sao!
– Ư…ư…u… – Ninh ngồi phía sau ôm tới, hai bàn tay to bè ủ lấy hai bàn tay run rẩy.
– Anh hỏng sợ mà tui sợ.
– O….o…o…ơ
– Anh ôm tui cho chặt đi, mai mốt tui hỏng còn bệnh nữa đâu mà ôm. Tui bệnh lần này là lần cuối đó.
– O..o…ơ…ư. – Ninh đưa tay lau giọt nước mắt của Vinh.
– Tui hỏng cần quà cáp gì hết, tui chỉ mong được sống chung nhà với anh với cô Sáu là tui vui lắm rồi, mà sao ông trời hỏng cho tui toại nguyện. Người ta nói những kiếp trước có tu mười năm thì kiếp này mới được ngồi chung trên một con đò, còn tu trên một trăm năm mới được ngủ chung một giường, có lẽ tại vì tui với anh chưa đủ….- Vinh hự lên, ho ra một bụm máu. Mưa từ trời rơi xuống như một tấm vải khổng lồ phủ kín mặt sông, chiếc ghe tròng trành nhồi lên hụp xuống theo con sóng xô và gió thốc.
Mấy ngày rồi chỉ có Ninh và bà Sáu đi chợ, Ninh vẫn ngồi đợi dưới ghe như thường lệ thì có một chiếc ghe khác tấp vào kề bên. Đứa con hỏi “sao ba nói má là nhà vậy?”, “ai viết văn giỏi làm thơ hay thì được người khác yêu mến, được gọi là nhà văn nhà thơ. Thầy cô đi dạy được mọi người tôn trọng gọi là nhà giáo, còn cái nhà mình ở là tổ ấm để mọi người tìm về, ba thương má nên giới thiệu má là nhà, hiểu chưa con”. Không biết đứa con có hiểu hay không, nhưng Ninh ngồi nghe thì Ninh hiểu rất rõ ràng, Ninh bỏ ghe đi lên chợ tìm mua mấy cây viết màu và một cuốn tập trắng.
Buổi chiều trời xanh trong, con bìm bịp trong bụi cây kêu nước lớn, tiếng kêu gì mà lạ hết sức, không líu lo không luyến lái mà cứ “tội nghiệp” hay “tội nghiệt” hoài, nghe mà buồn thảm thiết. Vinh bước ra khỏi giường, Vinh thấy khỏe trong người, như ngọn đèn dầu bừng lên lần cuối cùng trước khi lịm tắt. Ninh từ sau bếp chạy lên, đi kế bên phòng khi Vinh té.
– Làm như tui là con nít vậy. Tui khỏe rồi, không có sao đâu, anh nói cô Sáu đừng mua thuốc nữa nghen.
– E..e…e…ơ…. – Ninh chạy vào nhà, đem ra tờ giấy cuộn tròn chìa trước mặt Vinh.
– Cái nhà gì ngộ vậy, tại sao hai cửa sổ hình trái tim?
– Ơ…ơ…ư…u…ơ…e…. – Ninh vừa giải thích vừa lật mặt sau của tờ giấy, có ghi hàng chữ “Ninh iu Vinh”.
– Tui hỏng hiểu anh vẽ cái gì hết. Đem dẹp đi mà!
Vinh bỏ lên giường nằm quay mặt vào vách, lấy cái kiếng nhôm ra soi mặt, gương mặt dường như chỉ còn da bọc xương, trong miệng Vinh nổi lên nhiều vết lở loét đau vô cùng. Ninh bưng ly nước cho Vinh uống thuốc, bốn mắt nhìn nhau, buồn chất chứa.
– Tui xin lỗi anh, tại tui bị bệnh nên khó chịu. Anh đừng để bụng mà giận nghen. – Vinh nói có vậy, rồi nằm nghĩ ngợi về một ngày mai.
Giữa đêm, trăng sáng treo trên đầu, Vinh trở dậy rón rén đặt món tiền dành dụm lên bàn rồi đẩy cửa bước ra. Chợt nhớ, Vinh lại đẩy cửa quay vào lấy cái kiếng nhôm bỏ vô túi áo rồi mới lên ghe, thả cho nó trôi theo dòng nước.
Người ta nói Ninh không những bị câm mà còn bị khùng, ngồi đâu cũng nguệch ngoạc mấy chữ “Ninh iu Vinh, Vinh iu Ninh?”, đến lúc ăn cơm cũng lấy đũa soi vào chén cơm mấy chữ đó. Có lúc bà Sáu không chịu nổi, phải la lớn “người ta là khách thương hồ, rày đây mai đó, mày muốn giữ chân người ta còn khó hơn hái sao trên trời”, rầy Ninh xong, tự nhiên nước mắt của bà Sáu rớt xuống chén canh cái độp.
— HẾT —