Khác - Chương 18.1
Chap 18. ( Phần 2)
Bà phó giáo sư lại nở một nụ cười nhếch mép nữa. Còn nó thì giật mình trước câu phản bác của Hoàng. Hoàng mắc bẫy của mụ cáo này rồi. Chính nó cũng đã tưởng rằng bà ta ngốc nghếch khi hạ thấp Hoàng, nhưng thực ra đó là những lời cố ý để khắc sâu ranh giới giữa hai thế hệ trẻ và già trong Ban, và khi Hoàng lên tiếng phê phán những cái cũ kỹ thì chắc chắn đã làm phật lòng không ít người. Nó cảm nhận thấy rõ ràng tiếng tim đập gấp hơn và áp lực của những dòng máu đang đổ dồn lên bộ não mình. Đến lúc của nó rồi đây…
– Tôi xin phép được có vài ý kiến như thế này ạ ! – Nó đứng dậy, hơi khom mình cúi chào những ánh mắt vừa quay về phía nó – Trước hết phải nói rằng tôi không đồng ý với quan điểm vừa nêu ra của đồng chí Hoàng đây ! Sự thực là nếu không có những cái cũ, những cái đi trước thì ngày nay cũng chẳng có cái gì cả. Thế nên phủ nhận những cái cũ là không nên, cái chúng ta cần là cải tiến nó cho phù hợp với thời đại ngày nay. Quay trở lại vấn đề chính của cuộc thảo luận thì tôi vẫn phải nói rằng tôi đồng tình với quan điểm phải sửa đổi lại Điều 63. Tiện thể đang nói về những giá trị truyền thống, tôi xin lấy một minh họa như thế này. Đã là người Việt Nam chắc chắn không ai không biết đến cô Thị Mầu phải không ạ ? Vâng, đanh đá, chua ngoa và lẳng lơ có tiếng ạ ! – nó đưa mắt khắp phòng để nhìn những nụ cười và những cái đầu đang gật gù của các thành viên khác – Nhưng Thị Mầu đâu chỉ có thế đúng không ạ ? Thị Mầu còn là biểu tượng cho khát vọng được sống, được yêu hết mình của cha ông ta nữa ! Tôi muốn nhắc tới cô Mầu trong chèo cổ ấy bởi tôi muốn so sánh rằng, những người đồng tình ngày nay chính là những cô Mầu hiện đại. Họ không giống với đa số mọi người, họ khác những người khác, nhưng họ đã và đang dám sống và dám yêu với tất cả bản thân mình. Sẽ không ai trong chúng ta ngày nay muốn làm những lý trưởng, những chánh tổng của thời xưa để bắt tội họ, cạo đầu họ, thả họ chết chìm giữa dòng sông, phải không ạ ? – rồi nó xuống giọng dần, nhỏ thật nhỏ, nhưng trong sự im lặng của căn phòng thì nghe vẫn rất rõ ràng – Yêu không phải là một cái tội, và dù có là tội đi chăng nữa, thì họ cũng không đáng bị đối xử như vậy…
Nó ngồi xuống ghế. Và lần đầu tiên, dưới chiếc bàn cao che khuất tầm mắt của mọi người, Hoàng nắm tay nó, và tặng nó một nụ cười mỉm.
Căn phòng vẫn im phăng phắc, và một tiếng vỗ tay vang lên như đánh thức mọi người tỉnh lại. Đáng tiếc nó lại là cái vỗ tay từ phía người đàn bà đang đứng trên bục diễn giả.
– Nói rất hay, cậu trai trẻ ạ ! Nhưng tôi muốn hỏi rằng, tại sao ngày xưa lại có cái tục gái chửa hoang thì cả làng phạt vạ ? Tình yêu thì nó đẹp thật đấy, nhưng bản thân cái đẹp cũng chỉ là một ý thức xã hội, tức là mỗi thời sẽ có một quan điểm khác nhau. Bởi vậy quan trọng phải xem xem nó có phù hợp với xã hội đương thời hay không. Theo tôi biết thì tất cả các nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, thì chưa có một quốc gia nào công nhận giới tính thứ ba cả.
Nó lại đứng dậy, và lần này nhìn thẳng vào mắt của người vừa nói xong ấy mà nở một nụ cười tự tin:
– Vâng, pháp luật là để điều chỉnh xã hội, và quan trọng nhất khi xây dựng pháp luật là xem xem cách điều chỉnh ấy có phù hợp với xã hội hay không. Nhưng phù hợp hay không phù hợp cũng chỉ tồn tại trong ý thức con người, lúc này nó phù hợp nhưng lúc khác nó lại không phù hợp. Bởi vậy lập pháp không phải lúc nào cũng là chạy đúng theo xã hội, mà nhiều khi phải đưa vào trong luật pháp những lý tưởng để định hướng xã hội trong tương lai. Bởi vậy không thể vì xã hội chưa công nhận những người đồng tính, mà bảo rằng luật pháp cũng không được công nhận giới tính của họ. Luật pháp cần phải đi trước, để cho cả xã hội biết rằng những người đồng tính cũng bình đẳng như những người dị tính. Luật pháp cần phải đi trước, để bảo vệ những người đồng tính khỏi những kỳ thị và bất công của xã hội. Luật pháp cần phải đi trước, để cho mọi người thấy rằng một xã hội mà mọi thành viên trong đó đều được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là không quá xa xôi.