Khác - Chương 18
Chap 18. ( phần 1 )
Vẫn căn phòng họp ấy với hơn hai chục con người ấy, đa số là nam, ba người phụ nữ; điều duy nhất khác biệt so với hôm đầu tiên đến đây là giờ nó đã biết không chỉ có nó, trong căn phòng này còn có hai người nữa cùng mang giới tính khác như nó, là Hoàng và giáo sư Duy Minh.
Sau vài thủ tục nhỏ để bắt đầu buổi họp, tổ đọc thẩm định lên báo cáo về kết quả của quá trình ” bới lông tìm vết ” khắp bản dự thảo của mình. Rồi tổ nào viết chương nào sẽ cử người lên trình bày bảo vệ quan điểm của mình, để những thành viên khác trong Ban xem xét, cho ý kiến. Mấy chương đầu của bản dự thảo thì không có nhiều vấn đề cần bàn cãi lắm, vì chủ yếu là những nguyên tắc chung chung, bất di bất dịch. Nhưng không khí của cuộc họp bắt đầu nóng lên khi vào chương 5 – Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, và người làm nên điều đó chính là Hoàng.
– Tôi xin phép có ý kiến ! – Hoàng đứng dậy sau cái gật đầu của vị Trưởng ban đồng thời chính là đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Hoàng ngập ngừng im lặng một lúc chứng tỏ sự bối rối và phân vân của mình, và nó bắt gặp ánh mắt Hoàng quay ra tìm mình. Nó nhìn lại Hoàng, và khuôn mặt ủ dột của nó giãn dần ra. Nó mỉm cười với Hoàng. Và nó bắt gặp trong đôi mắt đang nhìn mình ấy lấp lánh lên một ánh sáng ấm áp và trìu mến. Hoàng cũng cười lại với nó, trước khi tiếp tục – Vâng ! Tôi có nhận thấy là trong chương này, tổ soạn thảo vẫn giữ nguyên Điều 63 so với bản Hiến pháp hiện hành. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại !
– Cậu có thể nói rõ hơn được không ? Bất hợp lý ở chỗ nào và phải giải quyết nó ra sao ? – đồng chí Trưởng ban hỏi.
– Theo số liệu thống kê không chính thức thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng một trăm nghìn người đồng tính, lưỡng tính hoặc đã chuyển đổi giới tính. Điều 63 của bản dự thảo này quy định về bình đẳng giới, nhưng lại chỉ công nhận có hai giới tính là nam và nữ. Tôi muốn hỏi là vậy thì một trăm nghìn người có giới tình khác ấy, được đặt ở đâu trong bản dự thảo Hiến pháp này ?
Nó nhìn Hoàng ngỡ ngàng. Vậy đây chính là con đường đi của Hoàng sao ? là lối thoát để đi xuyên qua rào cản của những tấm gương sao ? Nó là một trong những con người may mắn được tham dự vào cái công việc có thể làm thay đổi toàn bộ xã hội này – là viết lại Hiến pháp, nhưng sao trước đây nó chưa từng nghĩ tới việc công khai bênh vực cho những người đồng tính như nó nhỉ ? Hay là nó không dám ? Nó đã từng giận rất nhiều sự yếu đuối vì lo sợ bị phát hiện là người đồng tính của Khánh. Nhưng giờ nó mới nhận ra sự thực rằng chính nó cũng luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ấy. Từ xưa đến nay, nếu có khi nào chợt nghe một câu nói mỉa ai đó ” Đồ pédé ! Rõ ghét ! “, nó chỉ cố cười ngượng ngập để che dấu, chứ chưa từng một lần dám lên tiếng rằng đồng tính không phải là cái xấu ! Cả cái xã hội này, sẽ chỉ cần dựa vào một câu ấy của nó thôi, cũng có thể hò hét ầm ĩ lên rằng ” À, mày cũng bệnh hoạn như nó chứ gì ? Nếu không sao mày lại phải bênh vực nó ? “. Thế đấy, một xã hội không biết lắng nghe, và sẽ chẳng bao giờ có thể thấu hiểu…
Nhưng giờ, một tia hy vọng mong manh để thay đổi cái xã hội đang bao trùm trong đêm đen này đã mở ra cho nó – một con người may mắn. Và giờ, cái con người may mắn ấy, là nó, đã quyết sẽ không bao giờ dừng bước khi chưa đến được nơi tận cùng để xé tan đi những rào cản đã đứng đó từ suốt bấy lâu nay, để ánh sáng của hy vọng sẽ tràn lan khắp… Nó ngước lên nhìn Hoàng đang đứng đó, và Hoàng cũng cúi xuống nhìn nó. Hai ánh mắt giao nhau, và cả hai đứa cùng mỉm cười.
Nhưng nụ cười mới chỉ phớt qua thôi trên đôi môi của hai đứa đã nhanh chóng biến mất, khi chúng nhận ra rằng tổ biên soạn chương này đã cử được người lên quan vệ quan điểm của họ – phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – người đàn bà thép của ngành luật học Việt Nam. Cái biệt danh ấy không phải tự nhiên mà có. Mọi người trong ngành gọi bà như vậy không chỉ vì bà giỏi, mà còn vì sự hiếu thắng đến mức cố chấp, và sự quyền biến đã đạt đến độ gọi là xảo quyệt của bà.
Bà đặt tập tài liệu lên bục diễn giả, rồi nhìn vào khuôn mặt con trẻ có thể búng ra sữa của Hoàng, rồi nhích mép lên một chút để mỉm cười.
– Đúng là giáo sư Duy Minh đã không nhầm khi đưa thêm lớp trẻ vào Ban 17 này, phải không ạ ? Luôn luôn đòi hỏi những thay đổi cấp tiến – nó trau mày lại trước hai chữ ” đòi hỏi ” của bà – Vâng, và giờ tôi xin thay mặt cho tổ soạn thảo phần Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân giải đáp cho thắc mắc của cậu… tên gì ấy nhỉ ? Tôi còn chưa biết… À, vâng, cậu Hoàng… Mong cậu thông cảm cho, tôi chắc là cũng nhiều người trong Ban cũng chưa biết tên cậu…
Mụ cáo này đang cố tình hạ thấp Hoàng trước các thành viên trong Ban – nó thầm nghĩ vậy, nhưng nó vẫn mỉm cười, bởi nó biết bà phó giáo sư đã đi quá lố rồi. Thảo nào không ai ngạc nhiên khi đến tuổi này rồi bà vẫn phải ở vậy.
– Về vấn đề người đồng tính, khi biên soạn chương này chúng tôi không phải không quan tâm đến. Và thực tế cũng không phải đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc đó cũng đã có ý định đưa ra cho Quốc hội xem xét việc công nhận giới tính thứ ba, nhưng sau đó do có nhiều ý kiến phản đối nên đã bị bác đi. Khi biên soạn chương này, chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường với đa số các đại biểu Quốc hội khi đó là: việc công nhận giới tính thứ ba đi trái lại với các phong tục truyền thống và các chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta.
– Nhưng những gì cũ kĩ và lạc hậu thì phải bị thay thế đi chứ ! Không phải cái gì từ xưa để lại cũng là tốt đẹp và phù hợp với xã hội ngày nay !