HAI MẢNH ĐỜI OAN NGHIỆT - Chương 2
Sau lần ngủ trong ngôi miếu ấy, do mua được một cơ ngơi mới trên quê ngoại nên gia đình Trung Kiên đành phải bán ngôi nhà cũ cho người khác để chuyển về quê ngoại ở. Vậy là Trung Kiên đành phải ngậm ngùi chia tay làng xóm, chia tay người bạn thâm tình Hải Đăng để đi cùng cha mẹ. Ngày chia tay cả Trung Kiên và Hải Đăng đều rưng rức khóc. Hai cậu khẽ tháo miếng ngọc bội đeo trên cổ trao cho nhau để làm kỉ niệm. Trung Kiên sụt sịt nói với Hải Đăng rằng:
– Sau này mỗi lúc cậu nhớ mình hay mình nhớ cậu, chúng ta hãy lấy miếng ngọc này ra ngắm. Nhìn ngắm nó chúng ta sẽ có cảm giác như vẫn được ở bên nhau. Hải Đăng,cậu là bạn tốt của mình. Bao giờ lớn khôn mình sẽ lại về đây tìm cậu.
Hải Đăng nước mắt lưng tròng nhìn cậu bạn thân của mình, nghẹn ngào trong tiếng nấc. Tay nắm tay Trung Kiên, cậu khe khẽ gật đầu tỏ ý bằng lòng những gì Trung Kiên nói. Trung Kiên gượng cười, cậu choàng tay ra ôm lấy Hải Đăng lần cuối rồi từ từ quay lưng bước lên xe ngựa. Nhìn chiếc xe chuyển bánh rồi xa dần, xa mãi cuối cùng mất hút trong những rặng cây, Hải Đăng không khỏi cảm thấy buồn thương và đơn lẻ. Cậu khẽ cúi xuống ngực, nâng miếng ngọc mà Trung Kiên vừa tặng lên ngắm nghía. Cậu biết ở trên xe ngựa, nơi phương trời xa xăm kia Trung Kiên cũng đang làm như thế. Nước mắt cậu lại trào ra nhỏ xuống miếng ngọc nhạt nhòa.
************************************************************************************************************
Thời gian dần trôi như dòng sông âm thầm chảy. Vậy là kể từ ngày chia tay đáng nhớ ấy đến hôm nay thấm thoắt đã mười năm. Hải Đăng, cậu bé tám tuổi ngày nào nay đã trở thành chàng trai mười tám tuổi, rất tuấn tú, rất khôi ngô, rất hào hoa lại vô cùng phong nhã.
Trong làng Hải Đăng ở, đại đa số các chàng trai mười bảy mười tám tuổi đều đã xây dựng gia đình, có con đông yên ấm. Chính vì thế nên đã không chỉ một lần, Vũ lão gia, Vũ phu nhân hàm ý nhắc nhở cậu về việc nhờ bà mối Lưu đi dạm hỏi giúp cậu những vị tiểu thư khuê các trong vùng. Mỗi lần cha mẹ nhắc đến chuyện đó, Hải Đăng đều gượng cười bối rối và nói rằng xin cha mẹ hãy thư thư, cho phép con lập công danh chiếm bảng vàng rồi mới tính đến chuyện thành gia lập thất. Nói thì nói vậy chứ thật ra trong lòng Hải Đăng buồn lắm. Cậu rất hiểu niềm mong mỏi của cha mẹ cậu nhưng biết nói sao đây khi cậu hoàn toàn không có cảm tình hay bất kì rung động nào trước những người con gái, dẫu cho những người con gái ấy đều là những vị tiểu thư đài các, tuyệt thế gian nhân, sắc nước hương trời?
Không rung động trước nữ nhi nhưng với nam nhi thì Hải Đăng lại rất mến yêu và thích thú. Chỉ cần một nụ cười đầy hiền hậu của một người con trai tuấn tú dành cho cậu là cậu đã bâng khuâng, trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Cậu không biết tại sao mình lại là người như thế? Qủy thần nào đã nhập vào người cậu? Tạo hóa nào đã chòng ghẹo cậu để cậu không giống bất kì ai? Cậu thật sự cảm thấy hoảng loạn và đau khổ. Cậu lo sợ không biết ngày mai cuộc đời cậu sẽ ra sao? Cậu sẽ phải sống thế nào khi cha mẹ và moị người phát hiện ra cậu là người đồng tính?
Thế rồi điều Hải Đăng lo sợ cũng xảy ra. Bi kịch khủng khiếp đã thực sự đến với cậu mà cậu hoàn toàn không ngờ đến.
Hôm ấy là rằm tháng tám, sau khi ăn bữa cơm Trung thu cùng gia đình, Hải Đăng dạo bước trên phố chợ. Nhìn thấy trước cửa nhà Nguyễn lão gia, người người vòng trong vòng ngoài chen nhau đông đúc, cậu bước lại gần xem. Thì ra, vốn là người đam mê thư pháp nên Nguyễn lão gia đã tổ chức cuộc thi viết thư pháp ngay trước cửa nhà mình. Bất cứ ai học rộng hiểu nhiều hoặc có lòng say mê thư pháp đều có thể bước tới dự thi. Phần thưởng là một trăm lượng bạc dành cho người nào có thư pháp đẹp nhất. Ngày thường, Hải Đăng vẫn chuyên tâm đèn sách dùi mài kinh sử chờ dịp khoa thi nên cậu cũng biết đôi chút về thư pháp. Thấy đây là dịp để mình có thể giao lưu học hỏi các bậc tiền bối và các bạn cùng lứa tuổi, Hải Đăng bước tới xin phép được dự thi. Cậu trải tờ giấy trắng ra bàn, nhúng bút lông vào nghiên mực rồi nhẹ nhàng uốn lượn bốn chữ ” TẬN TRUNG BÁO QUỐC ” sau đó hướng bức thư pháp về phía mọi người. Nhìn bốn chữ nét đậm nét thanh, uốn lượn như rồng bay phượng múa, Nguyễn lão gia cùng mọi người hò reo khen ngợi. Với bức thư pháp tuyệt vời đến thế, Nguyễn lão gia tuyên bố Hải Đăng đoạt giải.
Nhưng từ giữa đám đông, một tiếng người nói vọng ra làm Nguyễn lão gia, mọi người cùng Hải Đăng giật mình kinh ngạc:
– Không, bức thư pháp này vẫn chưa thực sự tinh tế. Tôi còn có thể viết đẹp hơn.
Một chàng trai áo trắng, mặt mày thanh tú trắng trẻo bước lên. Cậu ta trải giấy ra bàn rồi cũng nhúng bút viết lên bốn chữ ” TẬN TRUNG BÁO QUỐC “. Bức thư pháp được giương lên, mọi người hò reo khen ngợi. Nguyễn lão gia trải bức thư pháp của Hải Đăng cùng bức thư pháp của chàng trai trẻ ra bàn so sánh. Ông nhận thấy bức thư pháp nào cũng đẹp, mỗi bức lại có những nét độc đáo tinh tế riêng, thật khó lòng mà kết luận được bức nào đẹp nhất. Sau một hồi so sánh ông kết luận hai bức ngang sức ngang tài. Vì vậy phần thưởng một trăm lượng bạc được chia đôi cho hai chàng thanh niên trẻ.
Hải Đăng chăm chú nhìn khuôn mặt chàng thanh niên lạ. Không phải cậu cảm phục tài viết thư pháp của cậu ta nên mới chăm chú quan sát cậu ta đến thế, mà cái làm cậu không thể nào rời mắt khỏi cậu ta được chính là khuôn mặt thanh tú đẹp mê hồn của cậu ta. Trái tim Hải Đăng xao động rồi đập lên từng hồi rạo rực. Chàng thanh niên kia cũng nhìn Hải Đăng rồi buông một nụ cười trìu mến. Cậu ta bước xuống đặt tay lên vai Hải Đăng rồi khen ngợi:
– Trình độ thư pháp của cậu khá lắm, tôi xin cảm phục!
Hải Đăng hồi hộp không nói được gì. Nhìn xuống ngực cậu ta, cậu giật mình khi thấy miếng ngọc mà mười năm về trước cậu đã trao cho Trung Kiên. Cậu khẽ đưa tay nâng miếng ngọc đó lên, ngắm nghía một hồi rồi hỏi:
– Sao cậu lại có miếng ngọc này?
Chàng thanh niên cũng đưa mắt nhìn xuống ngực Hải Đăng. Cậu ta cũng giật mình khi nhận ra miếng ngọc năm cũ. Từ chỗ ngạc nhiên, cậu ta reo lên sung sướng:
– Hải Đăng, là cậu sao? Mình là Trung Kiên, là bạn cũ của cậu đây mà!
Hải Đăng bồi hồi rồi cũng ôm chặt lấy Trung Kiên, rối rít:
– Trời ơi, Trung Kiên! Đúng là cậu rồi! Để mình ngắm cậu xem nào! Trời đất ơi, cậu đẹp trai ghê!
– Cậu ấy! Cậu tưởng cậu không đẹp trai sao? Mặt mày thanh tú này, mắt sáng như sao này, nước da trắng trẻo này, cậu còn đẹp trai hơn mình ấy chứ?
Hải Đăng cười rạng rỡ:
– Thế nào, về khi nào vậy? Sao không đến nhà tìm mình ngay?
– Mình vừa đặt chân đến đây xong, định đi tìm nhà cậu ngay đấy. Mười năm rồi, cảnh vật thay đổi nhiều qúa nên mình chẳng biết đâu mà mò cả. Qua đây thấy cuộc thi thư pháp hay hay muốn vào tham dự ai dè lại gặp cậu ở đây.
– Cậu về một mình hả? Cha mẹ cậu đâu?
Nghe Hải Đăng hỏi vậy, Trung Kiên mặt buồn hẳn xuống:
– Lúc rời khỏi đây được một năm, cả cha và mẹ mình đều mắc dịch bệnh rồi qua đời cả. Sau đó mình ở với chú thím. Hôm nay chú thím mình cũng về đây. Họ đang hỏi mua một căn nhà ở khu trên kia, định bụng sẽ ở lại đây mãi mãi. Mình sốt sắng muốn gặp cậu ngay nên vội vã đi tìm. Mười năm rồi, mình nhớ cậu ghê cơ. Hình dung hình dáng cậu đủ mọi vẻ, thật không ngờ cậu lại tuấn tú khôi ngô đến thế.
– Mình cũng vậy. Nhớ cậu đến phát điên lên mất. Mà lần này cậu ở đây mãi à? Hay thật là hay. Vậy thì mình với cậu lại được đoàn tụ rồi. Mà phải rồi, cậu đã lấy vợ chưa?
– Lấy rồi. Đã có hai nhóc.
Nghe Trung Kiên nói thế, sắc mặt Hải Đăng bỗng dưng tái mét lại. Cậu không dám nhìn vào mặt Trung Kiên nữa mà cúi nhìn xuống đất, giọng buồn buồn:
– Vậy à? Từ bao giờ thế?
Trung Kiên cười:
– Sao thế? Cậu không vui cho mình à? Đùa cậu vậy thôi, mình vẫn trinh trắng lắm.
Lời nói ” đùa vậy thôi ” của Trung Kiên ngay lập tức kéo sự vui vẻ trên sắc mặt Hải Đăng quay trở lại. Cậu nhíu mày đấm vào vai Trung Kiên một cái đau điếng:
– Muốn chết hả? Vừa mới gặp nhau đã lừa mình một vố.
– Còn cậu? Chắc phải tiến bộ hơn mình chứ?
– Vẫn chưa.
– Thật không?
– Thật. Ngay cả ý chung nhân còn chưa có.
– Vậy đường công danh đến đâu rồi?
– Vẫn đang đêm ngày đèn sách. Mình dự định khoa thi sang năm sẽ tham dự. Chẳng biết rồi có nên cơ sự gì không?
– Phải cố gắng chứ! – Trung Kiên vỗ vai Hải Đăng, động viên – Còn mình, cũng giống như cậu, vẫn đêm ngày đèn sách. Khoa thi sang năm cũng dự thi.
Hải Đăng reo lên:
– Thật à? Hay quá! Vậy là chúng ta có chung mục tiêu rồi. Này, nếu không chê thì từ nay trở đi cứ đến nhà mình. Hai chúng ta cùng ôn cùng học. Cậu giảng cho mình, mình giải đáp cho cậu. Vói sự đoàn kết một lòng, mình tin chúng ta sẽ có kết quả tốt đẹp trong khoa thi năm tới.
Trung Kiên gật đầu:
– Ừ. Cậu nói phải đấy. Vậy thì từ nay mình sẽ đến nhà cậu, cùng học cùng ôn. Có cậu ở bên làm bạn còn gì vui hơn?
Hải Đăng mỉm cười nhìn Trung Kiên, lòng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Hai cậu vui vẻ khoác vai nhau bước về nhà.