Đêm Mưa - Chương 19
19.
“Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc.”
(Trần Dần)
An 24 tuổi. Nếu không phải mẹ nó ngoại tình, nó, người con đầu lòng của mẹ nó, có thể đã có một người cha rõ ràng. Và nếu dượng là bố nó, cuộc đời nó đã khác.
Nó sẽ có một vị trí khác trong ngôi nhà bốn tầng ấy. Nó có thể có anh em ruột. Hàng ngày, nó đi học, về với bố mẹ, được mẹ chăm bẵm, được bố dạy dỗ. Sau mỗi ngày họp phụ huynh, nó không phải trả lời câu hỏi của cô giáo:”Sao bố mẹ em không đến?”
Nó sẽ có hàng chục, hàng trăm bức ảnh chụp. Với bố, với mẹ, với em, với bạn bè. Bức nào cũng cười híp mắt, bức nào cũng có những bàn tay ấm áp đặt trên vai.
Nó sẽ học giỏi, tha hồ đi đá bóng, đi bơi, tập tành. Nó sẽ cao lớn hơn, học đại học, sẽ có một ngày dẫn Ngọc về nhà và nói:”Đây là bạn gái con.”
24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. Nó đã học xong đại học, đi làm. Những tháng lương đầu tiên nó sẽ đem tặng mẹ, rồi nó sẽ để dành, mua một chiếc xe máy hầm hố ưng ý, một cái điện thoại hợp thời, mua cho bạn gái những món quà đẹp.
Không chừng, nó với Ngọc đã thành hôn. Bố mẹ vun đắp cho một ngôi nhà mới, một tổ ấm mới. Và những đứa trẻ mang dòng máu của nó được ra đời trong vòng tay yêu thương, ngập tràn hy vọng.
Người ta sẽ còn tham vọng hơn thế. Làm CEO, mở công ty riêng, mua ô tô, tậu biệt thự, chu du khắp thế giới. 24 tuổi, nhiều người đã thành công hơn cả những tham vọng ấy. 24 tuổi, một người như thế đâu sẽ lang thang như một đứa trẻ cơ nhỡ.
24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. 12 năm trước, nó đã hiểu một đứa trẻ mồ côi thì không được đòi hỏi. Đã hiểu cuộc đời sẽ luôn thiên vị, và người được thiên vị không bao giờ là nó. Nó đã biết chán đời, đạp xe loanh quanh mỗi giờ tan học. Nhìn cảnh vật Hà Nội bốn mùa, luân chuyển, tuần hoàn. Và nghĩ, tương lai mình ra sao?
12 tuổi. Đã biết mùi thuốc lá. Hút thử xem có đỡ buồn không, có làm trận đòn của dượng đỡ đau không. Chỉ thấy khói thuốc từ miệng mình, như có một tâm sự khác.
12 tuổi. Vào cấp 2. Bạn bè không còn như lũ trẻ con tiểu học, chạy quanh nó và trêu chọc:”An mồ côi! An không bố không mẹ!”. Bạn bè nhiều người đã hiểu không nên đem điều ấy ra để cười cợt. Nhưng bạn bè không biết mỗi lần bạn bè tụ tập kể chuyện gia đình, trách móc bố mẹ không chiều theo ý thích, khoe những món đồ mới, rủ nhau đi sinh nhật, đi chơi, là mỗi lần nó ngồi im, cảm thấy mình như đang ở một cái lề rất xa.
12 tuổi đã biết Tết không vui. Đã biết đời không đẹp. Đã biết mơ ước sẽ chỉ là hão huyền.
24 tuổi. Đã biết Tết là dịp buồn nhất. Đã biết đời mình không thể dùng một từ nào khác ngoài xấu số. Đã biết mình phải chối bỏ mơ ước của mình.
Dù mơ ước giản đơn nhường nào. Không dám mơ một ngôi nhà, chỉ một phòng trọ là đủ. Không dám mơ một gia đình, chỉ một người mình yêu thương là đủ. Không dám mơ một sự nghiệp đường hoàng, chỉ một công việc với chút tiền công eo hẹp cũng đủ.
Ấy nhưng cũng không sao mơ được. Vẫn cứ một mình. Vẫn cứ đây đó không một mái nhà. Vẫn những ngày chật vật lo một bữa cơm no.
Chỉ bám vào hy vọng rằng, không có nó, người ta sẽ hạnh phúc. Giá không vì nó, mẹ nó đã chẳng phải chịu những nỗi nhục ê chề. Giá nó không ở đó, dượng nó sẽ không bao giờ phải thù hận. Giá nó là một người khác hiểu chuyện hơn, Thành đã không chết. Và giá nó là một cô gái, nó đã được cho phép mình đến với anh.
Mẹ Hải tức giận với nó:”Sao con có thể nghĩ đến những điều ấy? Hai đứa là đàn ông cơ mà? Chuyện ấy là phi tự nhiên!”
Bản thân nó sinh ra đã chứa đựng sai lầm. Bản thân cái tên của nó đã là sai lầm. Ngay cả con người nó cũng không còn đúng đắn.
Trái tim nó đã rung động vì một người đàn ông khác. Thân thể nó đã ái ân với nhiều người đàn ông khác. Chỉ còn một mẩu lý trí ghi nhớ cho nó rằng nó từng có một người bạn gái, cô gái ngồi cùng bàn hồi cấp ba, trong một trò chơi tình yêu nhăng nhít, cả lớp ghép đôi hai đứa nó. Và nó với cô, đạp xe cùng nhau, nói chuyện về trường lớp, thời tiết, về tương lai. Nó muốn thi đại học nhưng chắc khả năng không đủ. Ngọc nói sẽ thi ngoại thương, động viên nó cứ thi cử. Ngày Ngọc đỗ, nó tới chúc mừng. Một tháng sau, cô nói, mình đã yêu người khác.
Chuyện tình đầu đời chỉ có thế. Không hề thấy khổ đau, không hề thấy luyến tiếc. Nhưng với anh, tất cả đều khác.
Khác từ lần đầu tiên. Nó nằm trên giường, anh nằm dưới đất. Bỡ ngỡ vì có một người đặt mình cao hơn bản thân. Bỡ ngỡ vì căn phòng nhỏ mà tình cảm ở trong có thể lớn đến thế.
Xa anh, nhớ nhung đến bao nhiêu. Không biết rõ gương mặt, không nghe rõ giọng nói, mà nhớ thương đau xót. Trong giấc mơ cũng thấy mình lẽo đẽo đi sau một cái bóng cao lớn, vững chắc.Trong mơ cũng nở nụ cười.
Được ở cùng anh, hạnh phúc đến nhường nào. Có người thương cho số phận mình, có người khóc cho những đau đớn trên thân thể mình, có người chẳng ngại ngần chia sẻ cuộc sống riêng tư chỉ để bảo bọc cho mình.
Yêu anh đến nhường nào. Cứ ngỡ rằng tình yêu sẽ làm cuộc đời này dù bão tố cũng thành phẳng lặng, sẽ xóa nhòa mọi ranh giới, mọi tì vết. Sẽ chỉ còn anh, và nó, trong một căn phòng trọ, bên hoa thạch thảo bình dị, với nắng mùa đông khô khan nhưng dịu ấm.
Yêu anh đến quên rằng, mình vẫn chỉ là mình, một đứa trẻ lỗi số rủi vận. Rằng ít nhất nếu nó là một cô gái xấu xí, bất hạnh, nó cũng có quyền được đến với anh, chỉ vì đơn giản, điều ấy không phi lý.
Nó biết khát vọng về một gia đình không bao giờ nguôi ngoai trong anh. Anh vẫn luôn nghĩ đến một mái ấm, có vợ, có con. Bích, mẹ Hải, mọi người và cả nó đều không nghi ngờ điều ấy.
Nó cảm ơn cuộc đời vì đã một lần le lói trong nó ánh sáng về một câu chuyện tình yêu. Và nó bằng lòng với định mệnh, rằng sự hiện diện của nó chỉ khiến mọi chuyện xung quanh nó trở thành bi kịch.
Nó bỏ đi. Để lại cho anh một lá thư. Cảm ơn anh, cảm ơn chị Bích, cảm ơn mẹ Hải. Xin lỗi mọi người. Chúc anh hạnh phúc. Nó biết anh nói yêu nó chỉ vì anh thương cảm nó. Nó sẽ không cố tự lừa gạt mình thêm nữa, không đẩy anh vào những trạng huống khó khăn thêm nữa. Anh hãy lấy vợ, sinh con. Nó nóng lòng muốn thấy mặt con anh. Nếu anh còn muốn cho nó một ân huệ lớn, thì hãy để một đứa trẻ trên đời nhìn thấy nó và gọi:”Chú An.”
Dù nó không chắc mình còn sống đến khi ấy.
Nụ hôn của anh vẫn nằm trên môi nó hàng đêm. Nụ hôn khiến nó cả trong những đêm lạnh lẽo nhất cũng thấy bờ môi mình căng ấm. Khiến nó có thể nhắm mắt lìa đời mà vẫn nở nụ cười. Nụ hôn của anh là món quà thân xác lớn nhất mà cuộc đời này đã trao tặng nó.
Nó sẽ mãi mãi yên lòng với món quà ấy.
—
Nó gặp Ngọc vào một buổi tối cận Tết. Chính nó cũng không hiểu vì sao cô nhận ra nó. Hà Nội quá lớn so với sự cô độc của nó. Nó cứ nghĩ dù trái đất có tròn đến đâu, nó cũng chẳng thể nào tình cờ gặp lại những người biết nó.
Nhưng cô lại gọi tên nó. Gọi lớn. Khiến nó phải quay đầu lại như phản xạ. Cô bước ra từ một chiếc Volkswagen, tiến tới gần nó.
– An phải không?
– Ừ An – Nó nói – Ngọc đi đâu đấy?
– Trên đường về nhà bạn thôi. An quên đường nhà bạn rồi à?
– An cũng chẳng để ý – Nó cười – Ừ nhỉ, hết đoạn phố kia là đến nhà Ngọc rồi nhỉ.
– Bao nhiêu năm rồi mới gặp An đấy nhỉ? – Cô chợt ôm miệng nhìn nó – An đang làm gì đấy?
– Kiếm sống – Nó cố đáp bằng cái giọng bình ổn nhất – Hơi bẩn thỉu một chút nhưng cũng đủ sống mà.
– Mình qua kia, cà phê đi.
– Thôi. Bạn dơ dáy thế này vào những chỗ như thế làm gì. Người ta đuổi đi đấy.
– An đừng nói thế – Cô trào nước mắt với nó – Dù gì An cũng là bạn của Ngọc. Đi. Ngọc muốn nói chuyện với An một chút.
– Thôi thế ngồi quán nước ngoài này cũng được. Ngọc để xe ở đấy không sao chứ?
– Không sao đâu.
Nó gọi một cốc trà nóng. Ngọc gọi một chai sữa.
– Ngọc giỏi thật – Nó nói – Đã mua được ô tô rồi à?
– Là xe của chồng bạn đấy. Anh ấy đi nước ngoài suốt nên xe để bạn đi.
– Ngọc lấy chồng rồi à? Lấy ai thế?
– Bạn kể cho An rồi đấy. Học ở Anh ý.
– À. Nhất Ngọc rồi.
– Hồi cưới bạn cũng cố liên lạc cho An đến vui cùng nhưng không sao gọi cho An được. Yahoo cũng không thấy onl.
– Ừ. Mấy năm rồi bạn không lên mạng nữa.
Nó xoay cốc trà, sưởi ấm hai bàn tay. Ngọc vẫn nhìn nó, lộ rõ sự thương xót. Nó nghĩ Ngọc muốn ôm nó, nhưng sợ bẩn, cô lại rụt tay về. Thậm chí cô cũng không dám ngồi quá gần nó.
– Ngọc không hiểu. Sao An bỏ học? Sao An bỏ nhà đi? Rồi giờ như thế này?
– An vốn không có nhà. Trước nay dì dượng nuôi cơm. Đợt vừa rồi bạn nghiện ngập, đi trại, về thì dì dượng đuổi đi. Nên bạn đành sống thế này, được chăng hay chớ. Bao giờ trời bảo chết thì chết.
– Xin An. Thời này dễ sống mà. Sao An phải khổ thế? An về xin lỗi dì dượng xem. Hay để Ngọc hỏi bạn bè tìm giúp một công việc nhé. An thích làm việc thế nào?
– Thôi Ngọc ạ. Bạn ngửa tay xin người khác nhiều quá rồi. Giờ bạn mới có đủ quyết tâm để tự mưu sinh. Nhiều người cũng từ nhặt rác mà làm giàu đấy – Nó gượng cười – Thôi đừng lo cho An. Thế Ngọc đã có tin vui chưa?
– Chưa. Cũng vì anh ấy đi suốt.
– Ngọc bảo hắn ta ở nhà với Ngọc đi. An bảo thật đấy. Vợ chồng thì phải ở với nhau. Làm ăn thế nào thì làm ăn, gia đình phải bên nhau thì mới bền vững được.
– Bạn đang thương An đấy. An đừng nói xa chuyện nữa. Hay An cầm ít tiền tạm sống đã.
– Không. Giờ có tiền là bạn lại nghiện ngập thôi. Thèm thuốc lắm. Lúc nào cũng thèm. Mà vì nghèo quá nên mới không mua thuốc. Giờ mà bạn cho An tiền là bạn đẩy An vào trại đấy.
Ngọc gục đầu xuống hai bàn tay, bật khóc.
– Thôi nào. Đừng thương bạn. Mỗi người mỗi cảnh mà. Thay vì thương, hãy động viên cho bạn sống mạnh mẽ đi. Biết đâu rồi sau này bạn sẽ làm giàu được, sẽ đường hoàng đi cạnh Ngọc.
– An đừng bỏ cuộc! Đừng bao giờ bỏ cuộc nhé!
Nó không nghĩ đấy lại là cuộc nói chuyện của hai con người 24 tuổi. Cứ như mới là những thiếu niên chưa qua ngưỡng 20 đang đắn đo trước các nẻo đường đời. An nói vậy cho Ngọc yên lòng. Chứ có ai mà không tủi thân, trong đêm mùa đông, kéo lê một cái bao toàn đồ ve chai, đi giữa phố phường đô hội, rồi tự tìm cho mình một chỗ ngủ, trên một cái ghế đá, một băng chờ xe bus.
Trời không lạnh lắm nhưng cũng đủ để người ta phải đắp một cái chăn len dày. Còn nó thì co người, đi cho mình một đôi tất mà chỉ lúc ngủ mới dám đi sợ ban ngày đi nhiều bị rách, bị dính nước, cới áo khoác để trùm lên người mình rồi gác tay cố tìm một giấc mơ.
Có ai bảo lang thang là không khổ. Hà Nội rộng lớn, biết bao con người cũng đang như nó. Thiên trường địa cửu, biết bao số phận cũng đang lang thang tìm giấc mơ như nó.
Những số phận không dám mơ những điều bình dị nhất trong đời thật, chỉ biết hy vọng, trong giấc mơ mỏng manh kia, mình sẽ được gặp lại người mình yêu.