Cha con lão đồ tể - Chương 1
Tôi gặp lại em vào một buổi trưa tháng sáu. Gần cuối hạ, trời nắng như đổ lửa.
Tôi bị cận, nếu như hình dáng nhỏ nhắn ấy đã không sớm in sâu vào tâm trí, thì chắc tôi chẳng thể nhận ra em giữa dòng người đang vội vã chạy nắng. Em mặc một chiếc áo sơ mi trắng, giữa ánh tịch dương vàng óng, làn da trắng sáng của em lại được tôn lên đầy hấp dẫn. Em dừng chân, dường như chần chừ một lát rồi mới bước vào quán trà sữa trước mặt. Tấm biển hiệu trên cửa ra vào được thiết kế theo phong cách trẻ trung với một dòng chữ uốn lượn đầy tinh tế: “Trà sữa cho tâm hồn.”
Tôi thoáng phì cười. Đã một năm rồi nhưng thói quen uống trà sữa của em ở quán này vào giữa trưa hè vẫn không hề thay đổi. Ngày ấy, khi tôi thắc mắc hỏi tại sao em lớn rồi mà vẫn thích trà sữa như trẻ con, em chỉ mỉm cười, nheo đôi mắt rồi nói: “Uống để thanh lọc tâm hồn. Anh không biết đọc sao, tên quán là Trà sữa cho tâm hồn mà?”
Tâm hồn em ra sao, mà phải cần đến trà sữa?
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không có câu trả lời. Tôi vẫn luôn tự hỏi, đằng sau đôi mắt ấy là những trắc trở gì mà sao lại buồn và sâu thẳm đến thế?
Em bước ra khỏi quán, tay cầm một cốc trà sữa màu nâu đen. Tôi biết chắc chắn đó là vị cà phê bởi một năm về trước, em vẫn luôn chọn loại đó. Có một lần, tôi cùng em dạo phố sau khi cả hai đã tham dự xong lễ tốt nghiệp. Thấy em mua một cốc trà sữa có vị cà phê, tôi cũng tò mò, liền hỏi:
“Tại sao lại luôn chọn cà phê?”
“Vì nó đắng đắng ngọt ngọt.”
“Anh không hiểu?”
“Vì nó giống tình yêu.”
Em trả lời tôi như vậy đấy. Lúc đó, tôi á khẩu, chỉ biết tròn mắt nhìn em, hỏi rằng em đã yêu rồi hay sao mà biết đến mùi vị của nó?
Em không nói gì, chỉ nhìn tôi rồi bước lên phía trước thật nhanh. Tôi chạy sau, nói với theo: “Quang Bảo, anh yêu…”
Đang rảo bước, em chợt dừng lại khiến lời nói của tôi lập tức bị chặn ngang trong cổ họng. Tôi đứng cách em một đoạn chỉ chừng vài bước chân. Em đứng quay lưng với tôi, hai tay buông thõng, một tay cầm cốc trà sữa đã lấm tấm nước vì đá bốc hơi.
Tôi hạ giọng: “Bảo, chúng mình đã tốt nghiệp rồi. Anh và em cũng đã thân thiết hơn một năm, anh muốn chúng mình…”
“Không!” Dường như hiểu được những gì tôi muốn nói, em vẫn đứng quay lưng với tôi, gằn giọng một cách dứt khoát rồi chạy vụt đi, biến mất vào dòng người đông đúc đang bon chen trên con đường thành thị. Tôi ngẩn ngơ. Chúng tôi lạc nhau từ đó. Tôi lạc mất em mà chưa kịp nói một câu đơn giản:
“Anh yêu em.”
Hôm nay, tôi gặp lại em. Em vẫn vậy, vẫn là chàng trai mang hình hài nhỏ nhắn với đôi mắt trầm tư như thể đã phải chịu đựng quá lâu những khoảng tối nhất trong quá khứ. Tôi tiếp bước, muốn chạy lại gần em thật nhanh, rồi nghĩ mình phải siết thật chặt bàn tay, như thể chẳng bao giờ để em trốn đi đâu nữa.
Vậy là tim tôi lại thổn thức, đập rộn ràng sau một năm ngủ vùi trong chờ đợi.
Thế nhưng, trái tim này chỉ mới thức tỉnh chẳng được bao lâu thì bỗng thắt lại như thể có hàng ngàn sợi dây thép gai quấn chằng chịt xung quanh, giờ càng đập mạnh vì em thì lại càng rỉ máu.
Đã cách xa hơn một năm rồi, vậy mà giờ em vẫn muốn làm tôi đau thêm một lần nữa. Em thật tàn nhẫn!
Bên kia đường, em vẫn đứng đó, vẫn một tay cầm cốc trà sữa vị cà phê nhưng bàn tay còn lại đã nằm gọn trong một bàn tay lớn khác. Rồi tôi chợt nhớ lại, em đã từng nói rằng muốn đi dạo cùng người yêu vào lúc trưa hè.
Em và người ấy bước đi, nắng cũng chợt tắt. Tôi dừng chân, đứng giữa trưa hè mà thấy cảnh vật xung quanh như mịt mù. Cả cơ thể đổ vật xuống đất, đầu tôi đập vào cột điện bên đường khiến mọi thứ trước mắt tối sầm lại.
Rồi chẳng ý thức được gì nữa…
***
Hai hàng mi không ngừng lay động khiến mọi thứ thật mờ ảo. Tôi mở mắt rồi cố gắng ổn định tầm nhìn. Tôi có cảm giác mình đang được nằm trên một chiếc đệm rất êm, ra trải rất mịn màng. Khi còn chưa kịp ý thức được xung quanh là những gì và mình đang ở đâu thì bên tai tôi vẳng vẳng tiếng nói. Hai tai ù ù khiến âm thanh tôi nghe được bị đứt quãng, rất khó chịu. Tôi không kiên nhẫn được nữa, lấy hết sức bình sinh để gập bụng ngồi dậy, lắc mạnh đầu rồi ngẩng lên thì bất chợt có giọng nói ập ngay trước mặt:
“Anh tỉnh rồi à?”
Rồi lại tiếp tục: “Anh, anh. Nghe em nói không này?”
Tròng mắt tôi chẳng hề động đậy mặc dù bàn tay của người đối diện không ngừng phe phẩy trước mặt. Thực ra, không phải tôi không ý thức được trước mắt mình là ai, là những gì, mà chỉ đơn giản là tôi không thể tin người ấy lại ở đây vào lúc này. Mắt tôi vẫn mở trừng trừng hướng về người ấy với vẻ mặt cứng đơ không chút biểu cảm. Dường như thấy tôi vẫn không có bất cứ phản xạ nào, người ấy quay mặt về phía cửa ra vào, há to miệng để lấy hơi:
“Bác…” Chẳng muốn những từ tiếp theo được phát ra, chỉ muốn căn phòng có sự riêng tư của hai người, tôi bật dậy, một tay ôm sau đầu, tay còn lại bịt chặt cái miệng đầy hấp dẫn đang phát ra những tiếng ú ớ đứt quãng trong cổ họng.
Chừng vài giây sau, tôi bỏ cánh tay ôm sau đầu người ấy ra, đưa ngón trỏ lên môi mình, ra hiệu giữ im lặng. Ánh mắt người ấy cũng dần trở nên bình tĩnh, không còn mở trừng trừng như trước nữa. Thấy vậy, tôi thả nốt bàn tay còn lại trên miệng người ấy, rồi chẳng đợi bất cứ câu nói nào được cất ra, tôi vùng người lên, ôm và giữ chặt người đó vào trong vòng tay của mình. Người ấy chỉ kịp “ớ” lên một tiếng kèm theo hơi thở gấp gáp.
Tôi lấy tay mình vuốt vuốt tấm lưng cong nhỏ nhắn như một hành động vỗ về, giúp người ấy bình tĩnh. Khi nhịp thở đã đều đặn, tôi lại vòng tay ôm rồi thì thào bên tai người ấy:
“Bảo, anh còn tưởng em sẽ bỏ lại anh mà đi?”
Em ấy là Hà Quang Bảo, người đã mặc kệ tôi cô đơn một năm ròng rã. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh mới nhận ra đây là bệnh viện, rồi nhớ ra mình đã bị ngất trước đó. Đầu tôi bị va đập mạnh, chẳng thể biết trước được sống chết ra sao. Lúc ấy, tôi còn tưởng em bỏ đi cùng người khác còn tôi sẽ chết khô nơi ven đường.
Có lẽ tôi ôm chặt khiến em khó thở, em cựa quậy rồi lấy tay đẩy tôi ra. Tôi chỉ xoa đầu rồi dùng hai tay áp má, nâng mặt em lên:
“Sao em lại ở đây?”
Em nhìn chẳng nói gì, gạt tay tôi ra rồi quay lưng đi đến chỗ chiếc bàn ngay cạnh giường bệnh. Trên đó có một đĩa cam tươi đã cắt sẵn, từng miếng mọng nước với phần vỏ màu vàng rực làm tôi phải nuốt nước bọt. Điều hòa se se lạnh đối lập với cơn nắng chang chang bên ngoài khiến cổ họng tôi khô khốc.
“Cho anh một miếng.” Tôi hướng mắt về phía đĩa cam. Em nghe thấy vậy bỗng phì cười rồi bê nguyên đĩa cam ra chỗ tôi.
“Bón cho anh đi.” Tôi cười lanh lợi còn bàn tay em bỗng rụt lại, đĩa cam vì thế cũng cách tôi xa hơn. Tôi bỗng thấy lạ nhưng rồi càng cười lớn: “Anh đùa đấy.” Vẻ mặt em lúc đó mới nhẹ nhàng hơn đôi chút.
Tôi lấy lên một miếng rồi bỏ vào miệng, nhai nhồm nhoàm để đập tan cơn khát.
“Em ăn đi.” Tôi vừa nuốt trọn miếng cam vào cổ họng, vừa đưa một miếng ra trước mặt em. Em há miệng đón lấy, nhai ngon lành. Dễ thương thật, tôi không thể kìm lòng được, xoa đầu em lần nữa: “Thì ra là muốn anh bón cho ăn hả?”
Em nheo mắt cười, nói: “Anh ăn thêm đi.”
Tôi nói rằng không muốn ăn nữa rồi hỏi em sao lại ở đây. Từ ngày quen em, tôi biết em là một người trầm tính, rất ít nói. Nếu không có việc gì quan trọng, dù có ngồi cả buổi em cũng không nói nửa lời. Vậy mà hôm nay, em tường thuật một tràng dài, nhưng vẫn không nói lý do chịu ở lại bệnh viện trong lúc tôi hôn mê. Em kể việc nhận ra tôi trên đường là khi nghe thấy tiếng tri hô kêu cứu của một chị bán hàng rong. Chị ta đang chào mời khách trên đường rất nhiệt tình thì bỗng giật mình khi thấy tôi ngất lịm dưới cột điện.
Hoảng hốt quá đến nỗi quên cả sọt hoa quả tươi ngon của mình, chi ta hô: “Cứu! Có người chết! Cứu!…” Tôi nghe đến đó ôm đầu cười đau khổ: “Chị này thiệt tình… Chết rồi, sao mà cứu nữa chứ?”
Nghe thấy chị ta hô, người dân xung quanh mới cuống cuồng chạy đến. Em thấy vậy cũng chạy theo sau. Người thì xem mạch rồi tát vài cái vào má tôi để xem còn phản xạ gì không, người thì giúp chị ta nhặt nhạnh đống hoa quả đủ loại từ cam, quýt, nho, xoài đang lăn lóc đầy đường. Biết tôi vẫn còn thở, mọi người cũng thở phào nhẹ nhõm. Em nói rằng em là người thân của tôi, nhờ mọi người đưa giúp vào bệnh viện.
Xe cứu thương cũng nhanh chóng có mặt cùng tiếng còi hú inh ỏi. Trước khi xe lăn bánh, chị bán hoa quả còn chạy theo sau, trên tay cầm một túi cam tươi: “Khi nào nó tỉnh thì vắt nước hoặc cắt cho nó ăn. Ngọt, mát lắm!” Em nhận lấy, nói cảm ơn rồi lên xe cùng tôi đến bệnh viện. Nghe đến đó, tôi bật cười: “Đúng là cam được cho có khác, ngon thật!”
Em véo mũi tôi, nhắc nhở sau khi ra viện phải tìm và mua thật nhiều hoa quả để cảm ơn chị ấy. Tôi nói rằng còn có thêm một cách rất hữu hiệu, đó là chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội, chắc chắn hiệu ứng sẽ rất cao. Em nhếch mép nói mình có lòng muốn cảm ơn, không nhất thiết phải làm thế, mà có lẽ chị ấy cũng không thích như vậy. Tôi cười rồi nắm tay em. Ngay sau đó tôi mới nhớ ra một chuyện, liền hỏi em ngay lập tức:
“Còn anh ta đâu?”
Em nhíu mày: “Ai cơ?”
“Người đi cùng em lúc đó.”
“Anh hỏi để làm gì?”
“Là người yêu của em phải không?”
“Anh biết để làm gì?”
“Có phải không?!” Tôi trừng mắt, nhưng em vẫn nhìn chằm chằm vào mắt tôi, không nói một lời nào.
Tôi nắm chặt tay em, ép em phải nói ra. Tôi vẫn chưa thể chấp nhận việc em cự tuyệt bỏ lại tôi để đi theo một người khác, rồi giờ lại ngoan ngoãn ngồi đây chăm sóc tôi. Tôi không cần em thương hại. Em nói rằng cổ tay bị tôi nắm rất đau, nhưng tôi không buông.
Em chau mày, giận tới mức mặt đỏ tía tai. Tôi lại thương, không nỡ làm em đau thêm nữa nên cũng chịu thả lỏng một chút, ai ngờ em giật phăng tay tôi ra, chẳng nói chẳng rằng mà vùng vằng bỏ đi. Cánh cửa ra vào bật tung ra, tôi nghĩ tới hình ảnh em lọt thỏm vào dòng người trên phố một năm về trước, rồi biến mất. Tôi sợ em lại bỏ tôi mà đi.
“Đứng lại!”
Em khựng lại, vẫn quay lưng về phía tôi.
“Đóng cửa lại.” Tôi lớn tiếng. Hai bên vai khẽ rung lên. Tôi giật mình liền nhổm dậy, chạy đến bên em. Chưa thật sự hồi phục, từng bước chân tôi loạng choạng ghê gớm. Tôi choàng tay ôm lấy em từ đằng sau, khẽ thủ thỉ: “Anh xin lỗi. Nào, lại đây.” Tôi vẫn giữ nguyên cái ôm từ đằng sau, dùng lực xoay người em rồi cả hai như một mà bước đều đến bên giường.
Đặt em ngồi lên giường, tôi ngồi cạnh dùng tay lau nước mắt trên má rồi hỏi em: “Sao lại khóc?”
Em không nói, lập tức ôm chầm lấy tôi, gục mặt vào ngực tôi rồi nấc lên từng hồi. Tôi cảm giác chiếc áo bệnh viện cấp cho tôi, đã ướt đẫm ở phần ngực, có lẽ em đã muốn khóc rất lớn mà cố kìm nén nơi cổ họng. Tôi lại xoa lưng em để vỗ về. Chờ đến khi tiếng nấc đã không còn, tôi ôn tồn nói: “Nín đi.” Em ngẩng mặt lên, gương mặt thanh tú giàn giụa nước mắt với ánh nhìn vẫn luôn như vậy, buồn và ảm đạm.
Em vẫn ôm tôi, giọng thều thào: “Anh ta từng là anh trai của em. Ba anh ta là một tên đồ tể.”