Bến đỗ cuộc đời - Chương 7
Phần 7: Trôi theo dòng nước
…Khoa đứng lúi cúi bên cánh gà dõi theo quang cảnh trên bục diễn văn nghệ, anh cảm thấy hồi hộp và một chút lo âu, sau nhiều ngày cùng bạn bè chuẩn bị, tập dượt, rồi thì cũng đến ngày trình làng những tiết mục, hôm tập cuối cùng, cô chủ nhiệm quả quyết rằng tiết mục đơn ca của Đăng chắc chắn sẽ có giải, ít nhất là giải ba. Cả lớp cũng hào hứng hẳn ra, thậm chí, mấy tay chuyên gạo bài như tụi thằng Lợi và thằng Hải, hai thằng này đã nhắm vào đại học Bách Khoa sau khi tốt nghiệp phổ thông, vì vậy tụi nó xưa nay, chẳng thèm đếm xỉa gì phong trào văn thể mỹ của lớp. Vậy mà, lần này, hai đứa nó cũng đem đến cho Đăng một hộp kẹp ngậm tíc-tắc, ” nè, để mày ngậm cho thanh giọng mà ca với hát.” Khoa cũng đưa mắt xuống dưới hội trường đen nghịt, anh tìm chỗ lớp A4 ngồi, “ừ há, hai thằng đó hôm nay cũng có mặt, tốt, tình đồng đội cũng không tệ!”. Khoa nhìn qua mấy hàng ghế danh dự ở trên đầu, có bàn, có mấy bình hoa và mấy chai nước ngọt xếp gọn gàng. A, có cả mấy ông trên phòng giáo dục huyện xuống tham dự nữa, không biết hay dở ra sao, nhưng thấy mấy ông gật gù ra chiều hài lòng, chắc là như cô chủ nhiệm đã nói, chương trình dự thi lần này, rất “sạch và lành mạnh”. Cô Chi, bí thư đoàn trường, hôm nay thật dễ thương trong chiếc áo dài tím nhạt, giọng nói rõ ràng và duyên dáng, cô thật là xứng làm hướng dẫn chương trình, Khoa chợt nhận ra, ô!, đã tới phần trình diễn của lớp mình. Khoa lật đật quay xuống khu hậu trường đang nhốn nháo, râm ran, anh thấy Linh đang chống nạnh xem xét trang phục của các bạn, tiết mục của Đăng sẽ được trình làng sau cùng trong những tiết mục của lớp, và tiết mục hợp ca nữ sẽ đi đầu. Khoa quay sang Đăng, anh không hiểu sao, trong lòng anh, gợn lên một tình cảm thật khó tả, anh nhìn Đăng đang tươi cười với Huệ, Huệ cầm chiếc khăm mùi xoa nhỏ chấm chấm mồ hôi trên trán Đăng.
– “Đừng có hồi hộp quá Đăng nhé, Đăng hát hay mà, cứ càng tự nhiên, bạn hát càng hay, Đăng nhớ cười nhé, khi Đăng cười, Phật cũng xiêu lòng”.
– “Gì mà cười, đừng có chỉ đạo nghệ thuật bậy đó, bài hát của ổng, diễn tả phải hơi mơ màng, phải hơi ngập ngừng luyến tiếc một chút, một chút cười ngượng nghịu thôi nhé, ông Đăng làm điều đó là tuyệt rồi.” Linh đứng kế bên quay ra xỉa vào Đăng.
– “Được rồi mà, tôi sẽ làm như vậy”, Đăng cười hiền hòa.
“Trời ơi”, Khoa chợt thấy Đăng thật bảnh bao, khuôn mực trong bộ đồ bộ đội, anh khoác một chiếc ba lô cũ kĩ, một vài nhánh hoa đính vào chiếc ba lô, thật tuyệt, có vẻ gì đó thật là nghệ sĩ và, gì nhỉ, Khoa bối rối không thể tìm ra từ ngữ để diễn tả, ừ, thật có dáng vẻ phong trần, nhưng vẫn pha lẫn nét trẻ con, tinh nghịch và lãng mạn. Khoa cảm thấy có cái gì đó vương vướng trong người khi Huệ cũng nhận thấy cái vẻ hấp dẫn trong nụ cười của Đăng, chẳng lẽ, không phải của riêng anh sao?..” Khoa chợt muốn đứng bên cạnh Đăng để được làm điều mà Huệ đang làm, nhưng anh thấy hơi kỳ kỳ, anh chỉ bước tới, anh nắm vai Đăng: “cố nhé, cả lớp mong vào tiết mục của cậu đó.” Đăng quay ra nhìn xoáy vào mắt Khoa, anh chậm rãi, “được mà, vì lớp và vì….Khoa.” Lòng Khoa chợt xốn xang, cái cảm giác này ở đâu rồi thì phải, thật lạ, thật khó tả, ở đâu, ở đâu rồi, Khoa thấy lòng mình thật mông lung, …..”Nhanh lên các bạn, nhanh lên” Linh đã hối thúc các bạn trong tốp ca nữ lên sân khấu. Khoa giật mình, “các bạn cố gắng nhé,” anh cuối cùng cũng nói được lời động viên với các bạn gái, trong khi lòng anh, một nỗi hỗn mang, một tâm trạng kỳ lạ…
Và rồi, Đăng cũng đã cúi chào trên sân khấu, trong tiếng vỗ tay râm ran tán thưởng, trong tiếng huýt sáo vui nhộn của những người ủng hộ anh, ban giám khảo gật gù, gương mặt cô chủ nhiệm sáng rỡ hài lòng. Đăng trình bày bài hát với giọng hát rõ ràng nhẹ nhàng và khá truyền cảm, Khoa đứng bên cánh gà như dán mắt vào từng động tác của Đăng, anh như mê mải. Cho đến khi Đăng bước xuống hậu trường, Long và Sinh nhào tới ôm chầm lấy Đăng, vỗ vào vai Đăng, ” ê, mầy làm khá lắm, nè, mầy làm tao mê mẩn luôn đó, trời ơi, tao là con gái, tao không khoái mầy thì mới là lạ đó”. Long thì cười hì hì ” hát hay thiệt đó, nói xạo chết liền.” Đăng cười rạng rỡ, anh liếc nhìn Khoa, anh thấy Khoa đứng sững một góc ngơ ngác nhìn anh, anh chợt thèm muốn, thật là thèm muốn được Khoa nhào tới ôm mình như bao các bạn khác, anh thèm, thèm muốn điên vậy. Nhưng Khoa vẫn đứng đó nhìn Đăng cười, không hiểu điều gì giữ bước chân anh lại vậy.
– “Đăng ơi, tặng Đăng nè”, Huệ dập dừng bước tới đưa Đăng một vài cành hoa cẩm chướng trắng, “chúc Đăng đã không bỏ công tập luyện”, thấy Huệ bước tới, Long và Sinh nháy nhau lảng ra xa.
– “Cảm ơn Huệ nhé”, anh nói nhưng trong bụng nghĩ, “ước gì là của Khoa tặng mình”, – anh ước ao. Anh dợm bước tới chỗ Khoa đứng, nhưng rồi, bổng nhiên anh thấy làm như vậy không đúng với Huệ, anh dừng lại, lòng chợt buồn. Anh nói chuyện với Huệ, nhưng tâm hồn của anh đang thả theo những suy nghĩ tận ở nơi đâu, có thể là những luống hoa nơi vườn nhà Khoa, có thể là những tàu dừa xào xạc trong đêm, những cánh hoa bưởi trắng vương vấn nhẹ trong gió, và đến tận dòng sông hiền hòa xa xa, anh cảm thấy lòng chán ngắt, anh quay lại nói với Huệ:
-“Thôi để Đăng đi thay bộ đồ bộ đội này nhé, nóng quá”
-“Ừ đúng rồi, đi thay lẹ đi, còn hai lớp khối 12 nữa là sẽ giải lao, rồi đến một giờ chiều sẽ đến khối 11, tụi mình cũng phải ủng hộ tiết mục của Lan nữa đó, bồ nhà ông Khoa đó, hình như tiết mục múa “tiếng chày trên sóc bom bo”, Đăng ra đó nhé.”
Đăng chựng lại, tiết mục của Lan, vậy là Khoa sẽ ủng hộ, rồi Khoa sẽ đón Lan dưới cánh gà, và sẽ tặng hoa, anh liếc nhìn Khoa, Khoa không cầm theo cành hoa nào, bỗng nhiên, Đăng thấy an tâm. Đăng rảo bước ra ngoài hậu trường, anh cố gắng không nhìn Khoa, anh vòng ra phía dãy lớp học bên kia sân trường, ở đó vắng lặng, anh tính ra đó để thay đồ, trong đầu, anh vẫn miên man những suy nghĩ mông lung.
– “Đăng ơi, chờ mình với, đi đâu vậy?” Giọng Khoa vang lên sau lưng Đăng trầm ấm, quyến rũ.
Đăng giật mình, thì ra Khoa đang rảo bước theo Đăng từ hậu trường, “mình tính qua bên kia thay bộ đồ, bận bộ đồ này cứng ngắc khó chịu quá.”
– “À vậy hả, mình đi với, nãy giờ bận quá, không có chúc mừng Đăng kịp, Đăng trình diễn hay quá, mình nghe mà mê mẩn luôn đó”
– “Thật vậy sao, Đăng hát sao bằng mấy cô thôn nữ vừa hát vừa giã gạo được.” Đăng thấy một chút thoải mái khi nói như vậy.
– Khoa ngẩn người, “cái gì mà vừa hát vừa giã gạo vậy?” thật sự Khoa chưa liên hệ được Đăng đang muốn nói cái gì, nhưng Khoa cười hì hì, “tối nay, mình đãi cậu một chầu nhé, mẹ mình vừa cho mình ít khô nai thứ thiệt, tối đến mình đó.
– Đăng như muốn tan theo nụ cười của Khoa, trời ơi, sao ông trời lại tạo ra một cái miệng với nụ cười như cuốn như hút mình như vậy, Đăng như muốn vỡ ra từng mảnh nhỏ trong tiếng cười của Khoa, anh chợt quên hết những bực bội tức tối vừa vô cớ, vừa ưng ức vừa rồi, “ê, tính chuốc rượu mình sao?”
– “Đâu biết ai chuốc rượu ai” – Khoa nháy mắt một cách ranh mãnh.
Đăng chợt điếng người, anh chợt nhớ đêm nào hôm tết, Khoa uống hơi say, và rồi đêm đó…Đăng chợt nóng bừng người, anh quay đi, sợ Khoa thấy gương mặt anh, có lẽ đang đỏ lên. Đăng bước vào một lớp học cuối dãy nhà, anh tính khép cửa lại, nhưng rồi Khoa lách người bước theo. Đăng hơi chưng hửng, nhưng rồi, thây kệ, anh đâu phải lần đầu tiên thay đồ trước mặt Khoa, anh thấy chẳng có gì ngại ngùng.
Còn Khoa, anh phát giác, bỗng nhiên anh yêu mến Đăng quá, một con người thật dễ thương, nụ cười nhẹ nhàng, dáng người thanh thoát nhưng săn chắc, anh bỗng nhiên muốn được nhìn dáng vẻ của Đăng sau bộ đồ bộ đội mà đã làm anh mến mộ, cảm phục trong tiết mục đơn ca của Đăng, anh bấc giác bước theo Đăng vào trong lớp học, anh cười cười,
– “phải công nhận, trong mấy tiết mục đơn ca hôm nay mà Khoa xem, tiết mục của Đăng thật khác lạ, mình thấy mấy em từ khối 10 đến khối 12 vỗ tay ầm ĩ cả lên, nhìn Đăng thật chững chạc đó, không biết khi mình bận đồ bộ đội, rồi có đẹp như Đăng không hả?”.
– “Chắc chắn là đẹp hơn nhiều, mình đảm bảo là vậy, Khoa có biết Khoa có…”, Đăng tính thốt lên là Khoa có cặp giò rất quyến rũ, nhưng rồi anh kịp dừng, anh thấy kỳ kỳ sao đó.
– “Có cái gì hả?, nói gì mà ngừng ngang xương vậy,?”
– “Khoa có dáng dấp rất đàn ông”
-“Chu choa, nịnh hay lắm, nhưng mà khoái”, thiệt là trong lòng Khoa, anh thấy vui vui và hứng thú khi nghe Đăng nói vậy.
– “Có sao nói vậy thôi, Đăng không nịnh ai đâu.” Đăng cởi bỏ bộ đồ lính, anh lúi cúi lục trong giỏ ra chiếc quần gin xanh và chiếc áo sơ mi màu mỡ gà, anh giũ chiếc quần, rồi trải dài trên chiếc bàn học, anh đưa tay vuốt dọc theo chiếc quần. Đăng chợt hơi bối rối khi cảm giác Khoa đang nhìn mình, anh quay lại, “nhìn gì nhìn dữ vậy, bộ mới thấy mình thay đồ lần đầu sao?
– Khoa cười khề khà, anh thấy hứng thú khi nhìn Đăng trong chiếc quần cộc ngắn màu trắng viền đỏ, cặp giò dài lăn quăn những cọng lông trong hay hay, đôi tay rắn chắn với bờ vai nở nang, anh không thể kìm lòng mình, anh bước lại, ôm chầm lấy Đăng, “Đăng, mình yêu mến cậu lắm, cậu lúc nào cũng tuyệt vời trong lòng mình”, anh siết chặt Đăng trong vòng tay mình, bộ ngực trần của Đăng thoảng qua cái cảm giác nhẹ nhàng hôm trước khi anh đặt bàn tay Đăng lên mũi mình, anh chợt thèm cái cảm giác đó, thèm hương vị nồng nàn đó, anh vỗ vỗ tay trên bờ lưng của Đăng, “Đăng không biết mình mến Đăng thế nào đâu, có mấy hôm ngủ ở nhà, thức dậy, mình thèm có Đăng bên cạnh để gác chân, mình thèm có Đăng bên cạnh để hát mấy bài hát của Trịnh Công Sơn, mình ước gì, Đăng dọn đến nhà mình ở luôn đó”. Khoa càng lúc càng thấy một cảm giác dể chịu, êm ái khi ôm Đăng trong vòng tay.
“Trời ơi”, Đăng như muốn nhắm mắt trước cái cảm giác đê mê, rần rật, bộ ngực trần của anh cọ xát vào người Khoa, bàn tay ấm áp của Khoa vỗ nhẹ bờ vai anh, hơi thở thơm nồng trinh nguyên của Khoa phà nhẹ vào gáy Đăng làm anh như muốn bay bổng trên những ngọn phi lao ngoài lớp, anh thật muốn kéo đầu Khoa để đặt vào đó những nụ hôn say đắm nhất, cuồng nhiệt nhất của tuổi thanh niên. Anh chợt thấy bối rối, anh như muốn chết lặng trong những giây phút thần tiên như vậy, nhưng rồi anh đằng hắng,
– “Khoa nè”,
– “gì hả?”
– “bỏ mình ra đi, ai đi vào thấy, thì buồn cười lắm”
– “ủa, sao lại buồn cười vậy?”
– “Con trai mà ôm con trai, trong khi mình đang như con nhộng, không thấy kỳ sao?”
– “ừ hà, thôi thay đồ đi”, Khoa cười bẽn lẽn, anh thấy mình nhiều khi cư xử thật chẳng giống ai, nhưng anh thấy mình thật thương mến Đăng, “thôi nhanh lên đi, đi ăn cơm với lớp, rồi chiều còn xem khối 10 hát hò nữa.
Đăng vội vàng bận quần áo vào, anh sợ Khoa nhận ra những biến đổi trong một phần cơ thể của anh, Đăng cảm thấy sượng sùng, một cảm giác sượng sùng nhưng mang đầy khoái cảm. Anh khoác vai Khoa cùng rảo bước về phía hội trường, ở đó, nhiều học sinh đã túa ra, chắc đã đến giờ giải lao. Ngọn nắng đã đứng trên những ngọn phi lao, cây phượng bên hàng rào đã đâm những chùm lá xanh non, báo hiệu những nụ hoa đi theo, vâng mùa hè, đã gần đến rồi…”Khoa ơi”, “Gì vậy Đăng?”, còn hai tháng nữa là sang hè rồi”, “Ừ, đúng rồi, hai tháng nữa thôi”, Khoa chợt nhận ra trong giọng Đăng, một nỗi lo âu, băn khoăn, anh vịn vào bờ vai Đăng, anh bấm nhẹ vai Đăng, anh chợt nghe Đăng cố nén một tiếng thở dài, một cơn gió từ bờ sông thổi qua, hất lọn tóc trên bờ trán Đăng, Khoa quay lại, “Đăng, mình ước gì được sống với cậu mãi.”…..
Mùa hè rồi cũng đã vội vàng đến, từ sau buổi thi văn nghệ, 12A4 giật được giải nhất đơn ca, giật luôn giải ba tốp ca, mọi người lại phải nhào vào những bài vở cuối cấp, nhưng có một cái gì đó hơi khác trong lớp, những tình cảm chớm nở tuổi học trò nhưng hòa quyện với những trong trắng ngây ngô tuổi học trò, những tình cảm bạn bè quan tâm và gắn bó đã được khơi lên từ những tinh thần đồng đội, từ những cảm giác, cảm nhận, và đây rồi sẽ là thời gian cuối cùng của cuộc đời học sinh trung học, họ dành cho nhau nhiều quan tâm hơn, mọi người đều nhận thấy ở nhau một điều gì đó đáng quí, đáng mến. Cả lớp gần như xoay quanh một cái tâm, cái tâm đó là nhóm Khoa, Đăng, Long, Linh, Cường, Huệ, Cúc, Vân, Hưng nhóm học sinh này như linh hồn của lớp. Những buổi học miệt mài , những hẹn hò học nhóm, những món quà trao nhau, bọn con gái hình như bớt đi chút đanh đá, chua ngoa, còn bọn con trai hình như bớt đi chút quậy phá, nghịch ngợm. Con trai ga lăng hơn, chăm chút đèo bạn gái đến trường về nhà nhiều hơn, và hình như, giờ ra chơi, bọn con trai, ai cũng có phần quà vặt từ ai đó trong bọn con gái. Rõ ràng nhất là Linh, cô đã bớt lườm nguýt nhéo ngắt, ừ, sáng nay, cô mang vào lớp một túi hạt dẻ rang, cô nói một người bà con từ Đà lạt vào mang cho cô, khao cả lớp, thế là cả lớp nhao nhao lên”. “Trời, Linh ơi, mày có dành lại ba hạt dẻ không?”, “hoàng tử Khoa đã bị ngoại bang chiếm đoạt rồi.”. Vậy mà Linh chỉ cười xòa, “yên tâm đi, mình ngồi chờ hoàng tử khác vậy.” Những cuốn lưu bút bay qua bay lại, truyền tay nhau, những suy nghĩ, những cảm giác học trò tinh khôi như những giọt sương buổi sớm tinh khôi rơi đọng trên những cuốn lưu bút học trò. Những người chủ của những cuốn lưu bút e ấp, ngại ngùng hoặc thân thương trao đến những đối tượng khác nhau, những cánh hoa vẽ mộc mạc, những bài thơ hơi vụng về nhưng chất chứa bao tâm trạng…
…hè ơi mi đến làm chi vậy
để người phải nhớ kẻ phải thương
thôi rồi trang giấy đành bỏ ngỏ
ngọn bút phải dừng chốn bơ vơ
hè ơi mi hiểu ta không vậy
chút buồn, chút quạnh, chút khổ đau
rồi đây bước chân người cất bước
sân trường vắng bóng những bạn yêu…
Cây phượng bên hàng rào đã bung những chùm hoa đỏ rực, đung đưa trước gió, đã có những cậu con trai nhặt những bông hoa phượng rơi, rồi ghép lại thành những con bướm, con ve, những bông hoa ngộ nghĩnh ép trong cuốn lưu bút khi trả lại cho ai đó. Những buổi thảo luận miên man về những bài luyện thi tốt nghiệp phổ thông, những chủ đề ôn tập để thi vào đại học, việc nhộn nhịp chọn trường đại học để thi, rồi làm hồ sơ thi vào đại học, tất cả làm cho thời gian vùn vụt trôi qua.
– “Khoa suy nghĩ chắc chưa vậy?”- Đăng chống cằm ngồi nhìn Khoa đang tư lự.
– “Ừ, mình nghĩ kỹ rồi Đăng à, mình sẽ thi vào đại học nông lâm nghiệp, và nguyện vọng hai của mình là trường trung cấp Nông Nghiệp Tân an. Mình thích trở thành kỷ sư nông nghiệp.
– “Khoa nè”, “Gì?”
– “Dù Khoa học gì, mình cũng ủng hộ Khoa, mình biết chắc Khoa sẽ thành công, mình biết Khoa là người biết cách đạt những gì mình mong muốn, và mình tin rằng, ngày nào đó, Khoa sẽ đạt được ước mơ, và mình cũng muốn nói rằng, dù bất cứ điều gì xảy ra, mình sẽ luôn luôn là người ủng hộ Khoa, mình muốn Khoa biết điều đó, Đăng sẽ luôn cầu chúc cho sự thành công và hạnh phúc của Khoa.”
Khoa nhỏm người thẳng dậy, anh chợt thấy giọng điệu của Đăng có vẻ gì đó nghiêm túc, trịnh trọng, anh nhíu mày, “trời, sao cậu trầm trọng quá vậy, mình luôn biết điều đó mà Đăng.”
– …”Mình biết mình chưa phải là người bạn tốt của Khoa, nhưng trong thâm tâm Đăng, mình biết mình rất thương mến Khoa, nếu trên đời này, có người nào nói là thương Khoa nhất, mình khó mà nói là người thứ hai, cho dù gì đi nữa, Khoa cũng phải cố gắng, Khoa nhé”
– “Mình đối với cậu cũng vậy, mình không biết nói hay như cậu, nhưng mà nè, chờ mình chút”, Khoa chạy ra sau, rồi chạy ra với một chai rượu nếp và một chung nhỏ. “Hôm nay, mình uống ly rượu rồi kết nghĩa anh em nhé?. Khoa bật nút chai rượu nếp sủi bọt thơm nồng.
– “Không, không cần đâu Khoa à” – anh gạt tay, một cách vô ý, Đăng vội vàng xua tay ly rượu sóng sánh đổ ướt tay Khoa. “Mình xin lỗi, ý mình nói, tình bạn của hai đứa không cần phải qua ly rượu, không cần đâu Khoa à, tình cảm của Khoa là bát rượu ấm nóng thấm trong ruột gan của Đăng, và tấm lòng của Đăng như những ly rượu luôn chia sẻ với Khoa những vui buồn trong cuộc đời của Khoa”- Đăng vịn vào vai Khoa, anh nói một cách nhẹ nhàng.
Khoa chợt nhận ra một vẻ gì đó đượm buồn trong ánh mắt của Đăng, anh cảm thấy hình như bản thân anh là một nguyên nhân gì đó, nhưng anh không thể nào hình dung và mường tượng ra.
– “Được rồi, Đăng à, cậu nói cái gì nghe cũng hay hết, thôi, tụi mình uống ly này coi như cầu chúc cho tui mình gặp nhiều thành công, may mắn trong kỳ thi sắp tới. ”
– “Mình không lo lắng gì về kỳ thi tốt nghiệp, nó không khó khăn gì so với sức học của mình hay của Khoa, có điều, kỳ thi tuyển vào đại học là cả một vấn đề, mình nghĩ Khoa cũng biết mà”
Khoa cười xòa, “Đăng ơi, mình không lo như cậu đâu, mình nghĩ mình có lẽ đủ điểm để vào được trung cấp, sau này mình sẽ học lên đại học sau cũng được, chính mình mới lo cho cậu thôi, bởi vì Đăng có tài, nếu Đăng không vào được đại học, mình sẽ buồn lắm. Khoa chợt buồn, nếu Đăng vào đại học kinh tế, Đăng sẽ lên thành phố, còn nếu anh chỉ vào trung cấp, anh sẽ xuống Long An để học. Khoa thấy lòng mình se thắt lại khi nghĩ đến điều đó.
Còn Đăng, anh như thắt lòng, thắt gan lại khi nghĩ đến tương lai, tụi anh sẽ phải xa nhau, anh phải về thành phố theo học đại học, tụi anh sẽ không còn ngày ngày gặp nhau. Đăng thấy lòng đau khổ, anh sẽ không còn ngày ngày đèo Khoa ra bãi sông nằm dài trên bãi cát ngắm nhìn những áng mây trôi, không còn lắng nghe những hơi thở thanh thoát nhẹ nhàng chen giữa những tiếng xào xạc ngoài vườn, không còn bay bổng nhẹ nhàng cái cảm giác nồng nàn hơi ấm từ cơ thể Khoa, anh quặn đau trong lòng.
– “Đăng nghĩ gì mà mông lung vậy, mai mốt Đăng lên thành phố học, mình có thể xuống Long An, cuối tuần về, tụi mình đi câu cá, tắm sông, chơi bóng chuyền hả.” Giọng Khoa bỗng chợt buồn, “Không biết tụi thằng Long, thằng Sinh, thằng Lợi sao hả. Mình nghe Long nói, nó sẽ thi vào đại học Bách Khoa, nó nói nó sẽ thi hai năm, còn thằng Sinh nó sẽ thi vào trường Dược. Cả lớp mình chỉ có mình nó có mộng vào đó thôi. Linh chắc sẽ đậu vào Kinh tế với Đăng đó, còn Huệ thì có nói gì với cậu không?”
-“Huệ không thi vào đại học, em thi vào trung cấp y tế, Huệ thích làm y tá, tao thấy cũng tốt lắm.”, Đăng nói một cách rời rạc.
-“Á, vậy thì Đăng có dịp gần em rồi, ký túc xá trường kinh tế gần trường trung cấp y tế mà, vui nhé.”, Khoa vổ vổ vào vai Đăng.
-” Thôi đừng nói nhảm nữa, nếu lên Sài gòn học, cuối tuần mình về, là vì về thăm mẹ mình, thăm Khoa, không phải vì em út đâu, mình nói thật đó.”
Nghe Đăng nói vậy, Khoa cảm thấy vui vui, anh tưởng tượng, mỗi cuối tuần, anh và Đăng sẽ gặp nhau, tụi anh sẽ cùng chăm sóc những luống rau, cùng phụ mẹ Đăng dọn dẹp sạp hàng, rồi đèo nhau đi tắm sông, rồi rủ bọn con trai trong làng chơi bóng chuyền, đá banh. Anh không biết đến lúc đó, còn bao thằng trong lớp còn lại trong làng sau mùa hè.
– “Hai đứa tụi bay đang làm gì ngoài đó, ngoại có mấy con mực tươi nè, bếp còn than, đứa nào làm siêng nướng đi, ủa, chai rượu nếp mới để hồi chiều đâu rồi?”, ngoại Khoa lục đục tìm chai rượu mà Khoa đang cầm.
– “Để con, ngoại, Khoa nó lấy chai rượu của ngoại đó”, Đăng nhanh nhảu đáp.
-” Thì ngoại hỏi vậy thôi, cô Tư mới cất, biếu ngoại đó, nghe thơm dữ há”
Khoa và Đăng bay xuống bếp, Đăng cuối xuống thổi bếp vù vù, Khoa lấy cây đũa bếp gắp con mực tươi dốt bỏ lên mấy cục than đang đã đỏ rực, con mực cong lại, tỏa mùi thơm lừng. “Mấy con mực dốt dốt này ngọt lắm ngoại hả?”, Đăng cười. Khoa thấy ánh lửa than trong mắt Đăng sáng rực. Anh đưa tay choàng qua vai Đăng, anh gác một chân lên bếp, rồi một tay trở qua trở lại mấy con mực. Đăng nhìn thấy những làn cơ cong vòng thật đẹp trên đùi Khoa trong ánh đèn hắt từ nhà trên xuống, trong lòng anh, một nỗi đam mê vô cùng tận, ước ao được đặt bàn tay vuốt ve từ bàn chân đến bắp vế, lên đến những bắp cơ trên đùi Khoa, chiếc quần đùi căng phồng, anh chợt thốt, “Khoa!’,
– “Gì vậy, đừng có nói là muốn thử trước một con nghe, một con là một xị đó”
Đăng phì cười, “tâm hồn nhậu nhẹt quá, mình tính nói…”
-“tính nói gì?”
-“Khoa có cặp chân hấp dẫn quá, rất cơ bắp”, Đăng thấy ngượng, nhưng anh cũng thấy Khoa hình như vui.
-“Đăng dạo này hay khen mình quá đi, làm mắc cỡ quá đi, một hồi hai xị nhé, thưởng cho cậu biết khen.”
– “Thiệt đó, mình chơi bóng chuyền lâu rồi, nhưng không được đẹp như cậu, chắc do cậu gánh nước và bơi nhiều.” Đăng bất giác mạnh bạo đưa tay bóp bóp bắp vế Khoa, anh đưa tay mân man đầu gối rồi dần lên bắp đùi Khoa, anh tê mê tận hưởng cái cảm giác sung sướng của bàn tay.
-” Nhột quá cha, tay Đăng êm quá”, Khoa gạt tay Đăng ra, “thôi đủ rồi!”
– “Cái gì đủ?”
– “Thì mấy con mực đủ rồi, ra hiên trước lai rai đi”, Khoa cảm thấy nóng hẳn người, không biết vì bếp than, hay vì một chung rượu nếp trước đó, hay vì cái cảm giác lạ kỳ khi bàn tay Đăng vuốt lên đùi mình, anh chợt lắc đầu mỉm cười, “khùng quá đi”….
Khoa cầm cuốn lưu bút từ tay Linh, anh hứa sẽ cố gắng viết nhanh và trao lại cho Linh. Linh cười, “Đặc biệt cho ông đó, cho ông một tuần để viết”. Khoa gãi đầu, “viết gì cho Linh bây giờ đây?”, “thì viết gì chẳng được, viết về kỷ niệm, về suy nghĩ tình bạn, về gia đình về tình yêu trong những ngày tháng tụi mình học chung, tất cả những gì Khoa thích, Khoa hay nghĩ tới, quan trọng là cảm giác thật là được rồi”. Khoa ậm ừ, anh bỏ cuốn lưu bút vào túi, rồi dắt xe ra cửa, anh đứng chờ Đăng, anh liếc nhìn vào, anh thấy Đăng đang nhận cuốn lưu bút từ tay Huệ, “không biết Đăng sẽ viết gì cho Huệ nhỉ, anh ước ao được đọc, không hiểu sao, anh muốn biết, dưới mái tóc hơi quăn với lọn tóc lòa xòa trên trán, Đăng đang nghĩ gì về tình yêu, tình bạn, anh thật sự muốn biết. Đăng vào bãi xe, dắt xe ra, anh nói với Khoa, tối nay, anh không lên nhà Khoa được, anh phải theo mẹ lên Sài Gòn tối nay, sáng mai anh sẽ về sớm, anh hỏi Khoa thích mua gì không, anh sẽ mua giùm Khoa, Khoa lắc đầu, “thôi, đi nhanh về nhanh, để ôn bài”, Khoa chợt buồn, tối nay Đăng không lên ngủ với anh, Khoa chợt nhận ra, từ hồi nào, Đăng không thể thiếu trong những giấc ngủ bình an nhẹ nhàng của anh, anh bóp vai Đăng, “đừng có để con gái Sài Gòn hớp hồn, rồi quên bạn hiền nhé.” “Được rồi, làm như người yêu tớ vậy”, Khoa chưng hửng trước câu nói của Đăng, anh phì cười: “thì canh cậu giùm cho em Huệ thôi.” Đăng đạp xe hối hả về, những vạt nắng chiều đã xiên xiên qua những vườn bưởi, chiều nay, những đám mây lười biếng lững thững bồng bềnh, Đăng ngước nhìn lên, rồi bấc giác anh quay lại, Đăng thảng thốt thấy anh mắt Khoa dõi theo anh, anh chợt trào dâng trong lòng một tình cảm vô bờ bến, anh quày quả vòng xe lại, thắng két bên cạnh Khoa, anh nói với Khoa, “ngày mai, Đăng sẽ đến nhà Khoa sớm, Khoa dậy sớm nấu xôi cho mình ăn nhé, mình về sớm ăn sáng với cậu, không ăn ở Sài gòn đâu, rồi tụi mình sẽ tập bóng, dạo này cậu đã lên tay rồi đó.” Khoa nhẹ nhàng gật đầu. Bóng Đăng tan trong ánh chiều nhấp nhoáng. Khoa cảm thấy trống vắng, một trống vắng mơ hồ, và anh vẫn chưa thể hình dung ra được.
Khoa về nhà, anh thay đồ rồi chạy ra giếng dội vài gáo nước giếng mát lạnh, vào bếp, anh thấy ngoại đang lui cui giã đậu phộng, anh hỏi ngoại làm món gì ăn tối nay vậy, “hồi chiều dì Ba đào mớ củ sắn, kêu đem về cho con một mớ, ngoại làm món bò bía cho con với thằng Đăng, ngoại thấy nó khoái món này lắm, con Lan hôm trước chỉ ngoại cách làm tương, ngoại làm thử, tui mày ăn thử coi ngon không, ủa mà thằng Đăng đâu, sao chưa thấy nó?”. “”Tối nay, nó phải lên Sài Gòn với mẹ, mua hàng gì đó, mai mới về”, anh lui cui bưng đồ ra phản, anh cảm thấy buồn chi lạ, “ừ, vắng nó cũng buồn hén, nó ra vào nhà này quen rồi, vắng nó cứ như vắng con vậy, ngoại thấy cũng nhớ nó, thôi nhúng bánh tráng đi, rồi dọn ăn cho nóng.” Khoa cảm thấy mùi tương thơm lừng với mùi nước dừa béo ngậy, mùi thơm của đậu phộng rang rắc vào ngào ngạt, thật tuyệt hảo, anh ước có Đăng ở đây, tụi anh sẽ xếp bàn trên phản, anh biết Đăng rất thích anh gác đùi lên chân Đăng khi ngồi ăn, và rồi, Đăng sẽ kể những chuyện tiếu lâm dễ thương làm Khoa cười như nắc nẻ, cả ngoại cũng cười xòa. Rồi Đăng và anh sẽ làm bài tập, Khoa nhớ, Đăng hay giả bộ đạp chân Khoa rồi ríu rít xin lỗi. Rồi có khi tụi anh ra hiên tung bóng chơi một chập trước khi đi ngủ, và rồi, anh nhẹ nhàng rơi vào giấc ngủ với cảm giác êm dịu lâng lâng khi gác chân lên Đăng, Khoa nhớ cái cảm giác được Đăng ôm khi ngủ, nó ấm áp thân thương diệu kỳ. Khoa hiểu, Đăng như một phần không thể thiếu trong đời anh, anh nhiều khi chợt nghĩ, nếu anh lập gia đình, ước gì, anh và Khoa sẽ sống cạnh nhau, có thể ăn cơm, chơi bóng thường xuyên, và nhất là anh có thể đắm chìm trong giọng hát trầm ấm du dương bay bổng của Đăng.
-“Làm gì mà mơ màng vậy con, con với thằng Đăng dạo này kỳ cục quá, lâu lâu như bị hớp hồn vậy, thôi con dẹp dọn há, ngoại qua bên chú Tư một chút”
-“Dạ, ngoại đi đi, con têm cho ngoại ít trầu để sẵn trên phản đó, nhớ mang theo hả ngoại.”
Khoa dọn dẹp rửa chén, rồi anh ra bên hiên ngắt mấy cọng lá dứa bên gốc ổi, anh quay vào lục trong chạn mớ đậu phộng, anh bỏ vào tô nước để ngâm. Vẫn còn mấy trái dừa khô, anh chọn một trái nhỏ, bổ đôi, anh ngồi chồm hổm trên phản, để cái khay dưới đất, rồi kẹp cái nạo dừa bằng sắt dưới chân, anh nạo trái dừa nhanh thoăn thoắt. Anh bất chợt thấy mình đang ngắm nhìn đôi chân săn chắc của mình, anh nghĩ, thật sự Đăng không nịnh mình, không biết từ lúc nào, anh đã bắt đầu thấy vẻ đẹp thân thể của mình. Anh chợt thấy vui vui và hạnh phúc khi thấy Đăng biết điều đó, anh nghĩ Đăng thật là một người bạn, Đăng biết những gì, và hiểu những gì anh ưa thích và yêu quí. Nạo xong trái dừa, anh vo nếp sẵn đó, hấp mớ đậu phộng, lột vỏ mềm, rồi lấy một nửa dừa nạo, anh vắt một chén nước cốt dừa, anh biết Đăng rất thích ăn xôi đậu phộng, đặc biệt là trộn nước cốt dừa lẫn dừa bào vào trong xôi, Đăng có lần nói với anh, “dù đi cùng trời cuối đất, cũng không quên xôi đậu phộng Khoa nấu cho Đăng ăn.”, Khoa nghĩ nó hơi sến sến thế nào đó, anh thấy hơi kỳ, nhưng sao Khoa vẫn thích.
Anh nằm dài trên phản, lật cuốn lưu bút của Linh, anh tò mò lật đến trang của Đăng, những dòng chữ thanh thoát nhưng mạnh mẽ của Đăng thật dễ nhận ra, anh trôi theo những dòng chữ…
…trong cuộc đời của mỗi chúng ta sau này, rồi sẽ có người thành đạt, sẽ có người không lắm thành đạt, rồi cuộc sống sẽ cuốn hút mỗi người vào vòng xoáy của nó, cuộc sống sẽ tất bật đầy lo toan chuyện áo cơm, sẽ tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, và cũng đầy những nỗi buồn, thất vọng. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có lại được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời như những ngày tháng cuối cùng trên ghế nhà trường phổ thông. Bạn sẽ ra đi, và tôi cũng sẽ ra đi, có chăng còn lại là những kỷ niệm mang theo trong ký ức của mỗi người. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ hối tiếc những gì đã qua, dù buồn vui, dù hạnh phúc, dù đau khổ, tôi sẽ mãi mãi mến yêu các bạn, sẽ giữ lại hình ảnh của các bạn trong hành trang vào đời, thật ngắn ngủi, thật thân thương, như những nụ hoa bưởi thơm ngát một thời, rồi để lại cho đời những trái bưởi trĩu nước, nhưng tôi hiểu, vẫn có những nụ hoa sẽ rụng rơi bên thềm, bên hiên nhà với ánh nắng chiều vàng, cánh hoa đó có thể là tôi, là bạn, là ai đó, nhưng tôi biết tôi sẽ vẫn mãi hãnh diện, vẫn tự hào, tôi sống, tôi yêu và tôi được bạn yêu…
Khoa cảm thấy mắt mình cay cay, một cái gì đó thật là thật, một cái gì đó thật trăn trở nỗi niềm trong những dòng lưu bút của Đăng viết trong lưu bút của Linh, anh chợt ước ao, phải chi có Đăng ở đây, anh thật muốn nói với Đăng, anh ước mình là cơn gió để hòa quyện cùng mùi hương của những cánh hoa bưởi, anh sẽ mang những cánh hoa trắng nhỏ bay xa, bay xa mãi…anh cảm thấy nhớ Đăng da diết.