1941 - Chương 4
Bốn
Thời gian trôi nhanh như tên bắn. Chẳng mấy chốc mà bắn sang mùa đông. Lạnh kinh. Cứ như thể khí hậu muốn giúp Hồng Quân: bọn Đức Quốc Xã vốn sống ở Trung Âu chắc không quen những cơn gió buốt cắt da cắt thịt, với nhiệt độ thường xuyên dưới âm 10 độ C. Nhiều hôm đứng gác trước cửa doanh trại mà tôi run lên vì lạnh, trong khi có kẻ đang ngồi bên trong nhởn nhơ với ly vodka (16) (ái chà, ai ta…?). Và tôi rủa thầm tại sao bọn Đức không đến chiếm Moskva luôn cho rồi đi, để kéo dài thời gian phơi thân chịu rét của tôi thế này.
Thành phố này mùa đông năm nay ăn Giáng Sinh lớn đây! Những công xưởng rộn rịp mà tôi có dịp miêu tả từ hồi đầu thu bây giờ đang gồng mình làm việc hết ga, các “kế hoạch năm” rút ngắn thành “kế hoạch quý” rồi “kế hoạch tháng” với mục tiêu tương đương nhau. Chiến sự ở các tỉnh khác gần như bị hoãn lại để cho quân nhân từ tứ phía Liên Xô dồn lại thành một Mặt trận khổng lồ gọi là “Khu vực phòng thủ Moskva”. Nhiều người trong số họ chả nói được tiếng Nga rõ ràng, kẻ thì nói giọng thổ âm Siberia, người thì tiếng Ukraina, có anh lại còn nói tiếng Kazazh, Kyrgyz, Uzbek, Turmen, tiếng Hoa, tiếng Hàn, đến nỗi tôi có lần tự hỏi tại sao một quân đội hỗn tạp thế này lại đánh đấm gì được. Bạn đọc cũng thắc mắc thế đúng không? Nhưng, trong mỗi con người xa lạ đó, tôi vẫn cảm thấy một cái chung. Có phải họ đều là người Liên Xô? Đúng. Có phải họ đều là những quân nhân? Đúng. Có phải họ đều đứng lên, cầm súng để bảo vệ đất mẹ với lòng yêu nước tràn đầy? Đúng. Đấy, thế thôi! Chỉ cần bấy nhiêu điểm chung, họ đã có thể tập hợp lại cùng nhau, chiến đấu. Có hy sinh tính mạng cũng được, có cần ai hay? Miễn là máu xương họ đổ ra đã góp được phần nào đẩy lùi kẻ xâm lăng. Chẳng có gì đáng sợ hơn là nhận được giấy báo nhập ngũ, đối diện nguy cơ phơi xác trên chiến trường, mà thất bại đã cầm chắc trong tay. Đôi khi, lòng tin của con người có thể biến cái không thành cái có, cái không thể thành có thể. Hay ngược lại cũng được.
…Tôi dám nói Thiếu úy Dmitri Mikhailovich Stoyanovich là Thiếu úy ít oai vệ nhất trong toàn bộ Hồng Quân Liên Xô. Thiếu úy này chỉ huy tiểu đoàn, không phải bằng những mệnh lệnh cứng rắn và nghiêm túc, mà bằng những lời nói nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng đầy sức mê hoặc. Thay vì “Các đồng chí, tập hợp!” hay “Polanski, tại sao đồng chí không mặc quân phục?” thì anh ta lại nói những câu như “Nào các đồng chí, mình gom lại ở chỗ này nghen!” hay “Polanski à, mình hiểu là hôm qua đồng chí thức khuya để đánh bài, nhưng ăn mặc xốc xếch như thế này coi kỳ lắm!” với một ánh mắt lạ thường: nó vừa như năn nỉ, vừa như ra lệnh, với cái tài của một nhà ngoại cảm giỏi thuật thôi miên.
À, quên, tôi đã từng nói mắt của Dmitri lạ. Để tôi miêu tả cho kỹ mắt của anh ta nhé. Khi ra lệnh, mắt của anh ta trông dịu dàng, “mình hiểu mà, nhưng hãy làm theo lời mình đi!”, mắt anh ta không có lưỡi nhưng lại nói lên nhiều hơn cái miệng vốn hay lải nhải liên tục mỗi khi chỉ có hai chúng tôi. Khi ăn, mắt anh long lên sung sướng nếu vớ phải món ngon, và tròn xoe như con chó con bị bỏ đói nếu chẳng may hôm ấy anh nuôi ngủ gục. Khi anh ngủ, đương nhiên là mắt anh nhắm rồi, nhưng đôi mắt anh không nhắm nghiền mà chỉ vừa đủ khép lại, miệng luôn mỉm cười như thể lúc nào cũng có giấc mơ đẹp. Anh ta mơ thấy cái quái gì ấy nhỉ? Ái chà… cũng có thể anh ta đã có bạn gái, nên mơ về cô nàng đó chăng? Thôi đúng rồi, hôm bữa nó hỏi mình về chuyện gái gú đây mà. Tự nhiên sao thấy nhột nhột trong bụng thế nào ấy…
Tôi đang gác trán suy nghĩ những dòng này trên giường ngủ. Không gian yên tĩnh. Đêm đông thiếu những tiếng ếch nhái ồm ộp của mùa hạ, lại càng yên tĩnh hơn. Trên nền trời đặc quánh một màu đen của đêm tháng mười hai, ánh trăng chênh chếch tan, tạo thành một quầng sáng nhàn nhạt ngọt ngào. Trong những đêm thế này, tôi thường không ngủ. Tại sao lại ngủ khi ta có thể thả hồn vào cái đẹp của thiên nhiên, hít thở căng tràn buồng phổi những luồng sinh khí của đất mẹ Xô Viết bao la? Tôi có thể là một người cứng rắn, nghiêm túc, nhưng ai cũng có một tâm hồn, có thể thưởng thức những cái kì diệu xung quanh mình, chỉ cần ta biết mở cửa sổ cho sinh khí của cuộc đời tràn vào trái tim. Nào, hít thêm một hơi đầy sương đêm nữa, rồi nhắm mắt lại và để đôi tai thưởng thức bản giao hưởng của đêm ngoại ô… Âm thanh của tĩnh lặng…
“Hộc, hộc, Yu… Yuri…”
Hả?
“Yuri, cứu mình với…!”
Tôi vội quay sang nhìn Dmitri. Mắt anh nhắm nghiền, người anh mồ hôi nhễ nhại, anh đang thở không ra hơi… mơ hồ làm tôi nhớ lại lúc tôi cõng anh xuống địa đạo Kiev.
Tôi vội thì thầm “Tôi đây, đồng chí cần gì?”
Dmitri làm như không nghe thấy, vẫn thở dốc như đang mê sảng.
Tôi lay nhẹ anh, tay thử sờ trán. Đâu có nóng sốt gì, bình thường mà, cho dù bình thường thì anh cũng đã rất không bình thường rồi.
“Đồng chí, không sao chứ?”
Dmitri, vẫn nhắm nghiền mắt, chụp được tay tôi, lắc nhẹ.
“Đừng bỏ mình nhé, Yuri…”
Tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng vẫn nói:
“Được… tôi không bỏ đồng chí đâu, được chứ, yên nào…”
Dmitri bỗng mở mắt ra trừng trừng, thở hổn hển, rồi từ từ dịu lại, mỉm cười và gạt mồ hôi trên mái tóc ướt đẫm của anh.
“May quá, chỉ là mơ thôi… Mình vẫn còn đây, Yuri vẫn còn đây… chưa sao cả…”
“Này, đồng chí nói vậy nghĩa là sao?” Tôi nheo mắt “Đồng chí thấy ác mộng hả? Chỉ là mơ thôi mà, cứ…”
“Mình sợ lắm, Yuri. Mình thấy mình và Yuri đang ở một nơi nào lạ lẫm, toàn tuyết là tuyết, có cả một ngọn lửa lớn cháy thật kinh hoàng. Mình chạy như điên, Yuri cũng chạy. Rồi mình thấy một tên lính Đức. Nó cười một cách man rợ, rồi bắn mình. Máu, máu nhiều lắm. Người mình đầy máu. Yuri chạy đến đỡ mình, nhưng Yuri càng chạy thì như lại bị đẩy ra càng xa…”
Tôi lắc đầu.
“Đồng chí lại nói nhảm. Thiếu Úy mà thế coi sao được. Thôi, ngủ đi. Ngủ ngoan đi nào, Dmi… à không, Stoyanovich!” (17)
Trong phòng có tiếng xì xầm nho nhỏ. Ở chỗ Polanski ngủ, tôi nghe cái giọng đặc sệt Siberia của anh ta thì thào:
“Đó, thấy chưa Maksim, rõ ràng là Thiếu Úy Stoyanovich và Vassilizukov có gì với nhau rồi!”
Rời Moskva. Chuyện chúng tôi được đưa vào tập đoàn quân nào, bố trí ở đâu, có vai trò gì thì tôi không rõ. Cứ để Dmitri lo! Dù gì, anh cũng là chỉ huy, còn tôi là lính dưới quyền anh ấy. Anh bảo tôi chết, tôi phải chết! Tôi bảo anh chết, anh bắn tôi chết!
Ra trận tuyến. Chả có gì để mà sợ. Cứ cầm cây súng trường quen thuộc lên, nạp đạn, đùng đùng! Thỉnh thoảng lại trả bài “Nước Nga rộng lớn, nhưng chúng ta nhất quyết không lùi! Vì sau lưng là Moskva!” (18) xong ném một quả lựu đạn, nằm xuống và nhét hai ngón tay vào lỗ tai trong khi Dmitri đứng phía sau dốc ngược cây bazooka mà phóng như điên cuồng. Quân Đức đã kém sung mãn hơn hồi ở Kiev, chúng chống trả một cách yếu ớt và chán chường, song nhiều tên vẫn vô cùng liều mạng tới điên cuồng. Có lúc một tên áo xám buông súng, nhảy xổ lên và chụp đầu Dmitri, đấm túi bụi trước khi tôi cho hắn một phát vỡ sọ, cùng với cái phủi tay và lời nhận xét nhẹ nhàng của anh: “Bọn này biếng tắm quá! Xuống địa ngục nhớ mua cái vạc dầu kỳ cọ cho thường nghe không!”
Dưới tài chỉ huy và khả năng chiến đấu phi thường (hay kinh hoàng?) của Dmitri, tiểu đoàn chúng tôi là một trong những tiểu đoàn “sống dai” nhất của toàn Mặt trận. Sau một tháng trời chiến đấu, đến sáng hôm nay 31/12/1941, tiểu đoàn của chúng tôi vẫn chưa hề mất một đồng chí nào! Cấp trên quyết định thăng cho Dmitri lên chức Đại Úy với điều kiện hoàn thành nhiệm vụ đột kích một doanh trại quân Đức cách doanh trại chúng tôi chỉ chừng mười kilômét.
“Stoyanovich,” tôi khẽ khều khều Dmitri trong khi anh đang ngồi trên trường kỷ, nhấm nháp món vodka mà anh dành gần hết tiền lương để mua, gác chân lên chiếc ghế đẩu một cách thoải mái, “nhiệm vụ tối nay, đồng chí định đi với ai?”
“Polanski,” anh làm một ngụm nhỏ, “cậu ấy giỏi bắn tầm xa.”
Tôi tròn mắt. Thằng Polanski chỉ giỏi mỗi cái xoi mói người ta. “Sao đồng chí không đi với tôi? Tôi bắn cũng đâu đến nỗi tồi…?”
Dmitri lắc đầu “Umm… không được. Mình nói không là không. Yuri cứ ở nhà chờ đi.”
Tôi toan cãi, nhưng đôi mắt anh lại nhìn tôi một cách tha thiết đến nỗi bao lời lẽ tắc lại nơi cuống họng. Dmitri đang uống nhiều hơn bình thường… mọi khi anh ấy chỉ uống có một ly, vậy mà nãy giờ đã hơn nửa chai rồi…
Tôi chụp tay Dmitri lại trước khi anh kịp nốc thêm:
“Stoyanovich! Sao đồng chí lại uống rượu nhiều quá vậy? Nếu say thì làm sao tối nay thực hiện nhiệm vụ được đây?”
Dmitri gạt tay tôi ra một cách thiếu kiên nhẫn: “Tửu lượng của mình không tồi đâu. Cứ để mình uống, được mà…”
Tôi tằng hắng một cái. “Xin lỗi Thiếu Úy, dường như Thiếu Úy quên nguyên tắc của quân đội Xô Viết rồi: trước khi làm nhiệm vụ, không được say xỉn!”
Dmitri đấm tay thật mạnh lên bàn, làm chai lọ trên đó khua loảng xoảng:
“Hừ! Chết chắc rồi, còn sợ quái gì ba cái nguyên tắc chó má đó nữa!”
Anh lặng người đi. Tôi nắm vai anh, lắc:
“Stoyanovich! Có chuyện gì phải không? Nói cho tôi nghe đi!”
Anh lắc đầu buồn bã. Thật sự đã có chuyện rồi.
Tôi cố thuyết phục:
“Đồng chí có thể tin ở tôi mà. Chúng ta đã cùng trải qua biết bao nhiêu chuyện rồi, chẳng lẽ tôi chưa phải là người đồng chí có thể trút hết mọi tâm sự hay sao?”
Anh vẫn không nói. Gương mặt anh thẫn thờ, đôi mắt anh ngân ngấn nước. Có thể anh đang nuốt từng giọt lệ vào trong tim với một nỗi buồn sâu sắc và bí ẩn.
“Stoyanovich!” Tôi hét. Có lẽ mọi người từ đây đến Moskva đều nghe rõ tiếng tôi.
“Được rồi, được rồi!” Dmitri gào đáp trả “Mình sẽ nói, được chứ!” Anh dốc ngược chai vodka, và uống cạn không còn một giọt trước sự ngạc nhiên của tôi. “Nhạt quá,” anh chép miệng, “cỡ này chắc chỉ mới ủ chừng mười năm.”
“Đã có chuyện gì?” Tôi quay lại với câu hỏi ban nãy.
“À, đâu có gì!!” Mặt Dmitri đã hơi hơi đỏ, giọng anh khào khào. “Các ngài tướng tá muốn tôi đi phơi thây cạnh mấy chú phát xít…”
“Sao? Không phải đó là nhiệm vụ đốt đồn giặc để giúp nhanh chóng giải phóng khu vực này ư?”
“A ha ha ha ha! Nhiệm vụ! Sau khi nhận cái gọi là nhiệm vụ đó, mình đã nán lại nghe lén một chút… Yuri, có biết là bao nhiêu quân đóng trong ‘cái đồn nho nhỏ’ ấy không hả? Hơn ba trăm! Chưa kể nó còn được phòng thủ vô cùng kỹ lưỡng, một con ruồi cũng không chui lọt! Bọn họ đang tìm cách thanh trừng một cách bán công khai những tên cựu gián điệp hai mang như mình đấy! Yuri mà đi theo mình thì chỉ có chết chắc mà thôi!”. Nói xong, anh vẫn cứ cười như một thằng điên.
Trời! Hóa ra là như vậy.
Tính mạng Dmitri của tôi đang bị đe dọa bởi cả hai bên! Biết làm thế nào bây giờ?
Tôi cõng anh một cách nhẹ nhàng ra sông, trấn nước cho đến khi anh ho sặc sụa và tỉnh rượu. Anh chống cự yếu ớt: “Buông tao ra, đồ cộng sản!”
Suýt nữa tôi quên, đêm nay là đêm giao thừa. Một đêm thiêng liêng, đêm của sự hạnh phúc, an lành và đoàn tụ. Không có chỗ cho Dmitri Stoyanovich.
Anh đang đứng bên cạnh lò sưởi, xoay lên xoay xuống cây súng bắn tỉa.
“Chán đồng chí quá,” tôi lắc đầu “phải cầm thế này này!”
“Biết sao được,” anh càu nhàu, sửa lại cái khăn quàng cổ dày cộm, “mình chỉ tập dùng súng lục hồi làm gián điệp, với bazooka lúc đi Kiev thôi. Đâu có rảnh mà nghiên cứu súng ống…” Anh gãi tai. Cơn say của Dmitri đã tan rồi, và trong khoảnh khắc, tôi thấy anh tuyệt đối xinh xắn dễ thương như một con mèo con mà hồi nhỏ tôi lén mẹ nuôi.
Tôi lắc đầu, nhét vài chai “cocktail của Molotov” (19) vào trong người, khoát tay:
“Thế mà cũng làm chỉ huy lâu nay được. Ta đi thôi!”
Dmitri im lặng một lúc, rồi nói:
“Yuri định đi thật sao?”
Tôi cúi xuống buộc dây giày:
“Ừ. Chứ tôi có bao giờ nói đùa với đồng chí à?”
Dmitri lắc đầu:
“Yuri có biết là mình đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng không?”
Tôi đứng thẳng người lại, vác cây súng bắn tỉa lên vai:
“Sai lầm gì cơ?”
Dmitri đặt tay lên vai tôi, nói bằng một giọng rất lạ:
“Mình sắp đi chết đấy, Yuri biết không?”
Giọng anh pha trộn giữa thất vọng, chán nản với mừng vui, hạnh phúc, xen lẫn cả lo lắng. Anh đúng là một người kỳ quặc.
Tôi bình thản trả lời như thể anh hỏi tôi có đi ăn liên hoan quân khu hay không:
“Biết chứ.”
Anh nhìn tôi, giờ thì trong cái hỗn hợp cảm xúc ở trên đã thêm vào chút thán phục.
“Nếu thế, tại sao Yuri vẫn…”
Tôi nắm tay anh, kéo anh ra ngoài mảnh sân nhỏ của doanh trại dưới ánh nắng nhạt nhòa của buổi chiều đông buốt giá, vương một ít hoa tuyết lên chiếc mũ len rẻ tiền mà mẹ tôi tặng hồi đi thi học sinh giỏi:
“Vì chúng ta là đồng chí!”
Tôi có phần hơi hối hận khi đi ra ngoài quá sớm như vậy. Bên ngoài trời rét như cắt da cắt thịt. Các bạn ở xứ nóng khi nhiệt độ mới có mười lăm độ đã vội khoác áo ấm thiếu điều quấn chăn, đeo găng mang vớ, đội mũ len dày, nhìn như con gấu. Chúng tôi, giữa mùa đông Liên Bang Xô Viết, phải ra ngoài giữa trời lạnh đến gần âm hai mươi độ, tay phải cầm chắc khẩu súng trong khi răng thì đánh bò cạp và ngực thì đánh trống loạn xà ngầu, thỉnh thoảng phải đảo mắt nhìn xem có bộ quân phục xám nào lảng vảng lại gần không. Cảnh vật thật là buồn: vẫn là cảnh hoàng hôn đấy, nhưng ánh mặt trời đỏ rực phản chiếu lên nền tuyết phủ trắng xóa hắt lên mặt chúng tôi một màu hồng nhợt nhạt đến khó chịu. Những cây thông đơn lẻ khô héo giương cành chào chúng tôi một cách ảo não. Thỉnh thoảng một vài chú sóc lại ló đầu ra khỏi hốc cây ấm áp, giương mắt nhìn những kẻ điên dại phát ra những tiếng động đánh thức chúng khỏi giấc ngủ dài. Hoang vu đến mức khó chịu. Bên cạnh tôi, Dmitri đang bước chầm chậm, thở ra những làn khói trăng trắng.
“Yuri, trả lời nghiêm chỉnh đi nào. Tại sao Yuri biết là nguy hiểm mà vẫn đi với mình?”
Tôi không trả lời ngay.
“Không phải chúng ta đều là lính, đều phải đối diện với nỗi sợ cái chết thường trực hay sao? Hãy cứ coi như đây là một trận đánh bình thường đi, đồng chí Stoyanovich, hơn nữa, có tôi đây mà.”
Anh thở dài: “Chính vì thế nên mình mới sợ.”
Tôi phật ý, nhíu mày:
“Ý đồng chí nói móc tôi phải không?”
Dmitri lắc đầu khe khẽ, lấy tay vờ sửa lại cái khăn quàng cổ, không biết có cái gì trong đó mà anh ta săm soi dữ thế:
“Đâu phải. Yuri không nhớ lúc rời Moskva, bác Yuri đã nói gì với mình sao?”
“Hử?”
“Bác ấy nói rằng: ‘Nhớ lo cho bé Yuri dùm tôi nghe chưa! Nó mà có gì là cậu chết với tôi!’ Thiệt tình là Yuri đẩy mình vào thế bị động rồi. A ha ha ha…”
Anh cười, nửa đùa nửa thật.
Tôi xát hai bàn tay vào nhau:
“Sao đồng chí bi quan thế? Chúng ta vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ này cơ mà. Chắc gì chúng ta sẽ thất bại?”
Dmitri lắc đầu: “Không phải mình đã nói rồi sao? Nhiệm vụ này quá khó… chắc chắn là mấy ngài cấp trên đang tìm cách thanh trừng mình. Chuyến này mình lành ít dữ nhiều. Bộ Yuri cũng muốn chết lắm à?”
Tôi dừng bước, đứng lại và tằng hắng một cái rõ to.
“E hèm… Stoyanovich, nghe tôi nói đây. Từ chiều đến giờ, đồng chí đang có xu hướng phản động là không tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên. Đồng chí có biết nếu chuyện này lộ ra đồng chí sẽ bị thanh trừng công khai và nhục nhã không? Chúng ta là những chiến sĩ cách mạng Xô Viết, đội quân có kỷ luật thép. Và kỷ luật trong quân đội yêu cầu một điều cơ bản là phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh mà cấp trên đã giao!”
Anh thở dài lần thứ hai: “Dạ, dạ, biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”
Tôi nháy mắt nhìn anh, cười một cách thú vị.
“Với lại, chưa thử thì làm gì biết được, đúng không? Hay nếu đồng chí sợ mệt thì để tôi cõng nhé?”
Dmitri giương đôi mắt vốn kỳ lạ của anh, nhìn tôi một cách ngạc nhiên như thể chưa thấy con người bao giờ.
“Yuri… Yuri đang đùa à!”
Mặt anh đỏ lựng, không biết có phải tại trời bỗng trở nên càng lúc càng rét không.
“Ừ, thì tôi không được đùa như thế sao?” Tôi thắc mắc.
“Từ lúc mình quen Yuri tới giờ, đây là lần đầu tiên Yuri biết nói đùa!” Anh nói giống như một nhà côn trùng học vừa bắt được một con bọ rùa to bằng cái xe tăng.
“Đồng chí cứ nói quá… chẳng lẽ tôi…?”
“Phải mà. Yuri cứ đọc lại từ đầu truyện tới bây giờ đi, những câu thoại của Yuri không hề đùa giỡn gì cả. Yuri làm cái gì cũng rất nghiêm túc, không hề phí thì giờ bỡn cợt như mình. Ấy thế mà nay Yuri đã biết đùa rồi cơ đấy…” Tên khùng này tiếp tục nhìn tôi như hồi bé tôi từng nhìn một con thú lạ ở sở thú Peterburg, và cứ nhìn như thế cho đến khi tôi quyết định cắt ngang câu chuyện tại đây và đi tiếp.
Chúng tôi lại đi hàng giờ đồng hồ. May mà không có bão tuyết, nếu không thì có mà chết cóng giữa cánh rừng hoang vu này.
Khi chúng tôi ra đến bìa rừng, chúng tôi đã có thể nháng thấy từ xa xa trại lính của địch, có hai tên lính canh đang rảo qua, rảo lại. (Tôi rít khe khẽ qua kẽ răng: “Ba trăm thằng mà chỉ có 2 thằng đứng gác thôi à?”) Dmitri níu tay tôi như con cua kẹp người ta, và mãi đến khi tôi gào lên “Buông tay tao ra coi, đồ hâm!” anh mới chịu nhả ra.
Tôi hỏi “Kế hoạch của đồng chí như thế nào?”
“Umm… chúng ta có thể ném chai xăng vào doanh trại của bọn chúng?”
“Ôi trời…”
“À không, chúng ta có thể dùng súng bắn tỉa hạ bọn lính canh rồi đợi chúng ra và xử từng tên một?”
“Lạy Chúa tôi…”
“Vậy thì, mình giả vờ làm người đi đường bị lạc rồi xin vào trong đó nghỉ chân nhé?”
Tôi cung tay lại thành nắm đấm:
“Dmitri Mikhailovich Stoyanovich, chúng ta đang nói tới một doanh trại lính Quốc xã chứ không phải đang tìm cách đột nhập một hiệu sách để chôm mấy cuốn chưa coi cọp được!”
“Thế Yuri có cách gì nào?”
Tôi lấy trong túi áo ra một cái bình xịt nước nho nhỏ.
“Đồng chí biết cái này là cái gì không?”
Dmitri gãi tai:
“Thấy quen quen, hồi đi tham quan trại y tế ở Berlin mình đã thấy mấy cái này rồi.”
Tôi cốc đầu anh:
“Cái này là điêtyl ête (CH3 – CH2)2O. Chỉ cần phun một ít là đủ để lăn ra ngủ như chết rồi. Tôi đã ‘mượn tạm’ ở phòng y tế để khi có dịp thì lôi ra dùng… chứ cứ như lần đồng chí bị thương trong địa đạo Kiev đấy, rên như bị lột da sống thì ai mà chịu cho nổi!”
Anh chuyển sang gãi đầu: “Yuri làm sao lại gần để mà phun ête được?”
Tôi thiếu điều làm dấu thánh giá. (20)
“Đồng chí có thấy hai tên lính canh đang rảo qua rảo lại ngược chiều nhau không? Đợi đến khi chúng tách ra xa nhau nhất, đồng chí sẽ phun ête một đứa, còn tôi sẽ bắn đứa còn lại!”
Dmitri gật gù, ra vẻ “hiểu rồi”. Sau khi nhận lấy bình ête, anh ta nhanh chóng trườn lại gần, nhưng vẫn núp trong bụi cây mà không để bị phát hiện. Đúng là cái đồ gián điệp, cái gì cần lén lút là giỏi!
Tôi giương súng bắn tỉa ra, làm một phát thật gọn. Cũng may là có bộ phận giảm thanh, nếu không chắc bọn trong trại đã ùa ra hết. Dmitri nhảy xổ ra ngoài và phun ête vào mặt tên lính canh còn lại đang sửng sốt, làm hắn mặt hắn đần đi thấy rõ trong vài giây, và lăn ra ngủ khì.
Khi anh quay lại, anh ngó tên lính canh bị tôi giết như một con thỏ con nhìn con cọp đói săn mồi.
Tôi phẩy tay: “Trong tình yêu và chiến tranh thì việc gì cũng được tuốt! Có vẻ không khó như đồng chí nghĩ đúng không?”
Anh cười trừ: “Ờ thì…”
Tôi nghĩ bụng, phải tiếp tục làm quân sư quạt giấy không thì tên gián-điệp-chuyên-nghiệp-đã-bị lụt-nghề này sẽ làm mọi chuyện rối tung lên hết.
“Bây giờ chúng ta đã diệt xong bọn lính canh rồi, chắc đến khuya bọn chúng mới thay phiên gác. Nên bây giờ chỉ việc chờ đến khi chúng ngủ, lẻn vào trong, đổ xăng ra rồi dùng súng bắn tỉa bắn một phát để kích nổ là được!”
“Yuri giỏi quá!” Anh nhìn tôi thán phục.
“Có gì đâu, tôi từng được đào tạo quân sự về chiến thuật cho đến khi đồng chí xuất hiện ở Moskva và kéo tôi đi…”
“Này, cái đó là Yuri tự nguyện đi đó chứ? Mình không có ép à nha!” Anh cười, khoe cả hàm răng trắng bóng.
“Vậy nhưng không dễ như đồng chí nghĩ đâu,” tôi nghiêm giọng, “trời càng lúc càng trở rét và chúng ta sẽ phải ở ngoài trời cho tới khuya. Khả năng chết rét là rất cao, không thể phủ nhận được.”
Anh nhìn đồng hồ: “Đã mười giờ rồi chứ ít gì… mình chờ hai ba tiếng nữa là ổn.”
Tôi lựa một chỗ kín trong bụi cây, tìm vài nhánh củi khô lót lại và ấn anh ngồi xuống:
“Đồng chí có lầm không thế? Dưới nhiệt độ âm hai mươi độ C này, thân nhiệt của chúng ta sẽ giảm rất nhanh và…”
Nhiều lúc tôi tự hỏi Dmitri có phải là một đứa bé con trong thân xác một thanh niên không. Anh lại giương mắt nhìn tôi như một con mèo.
“Sao Yuri biết nhiều thế? Súng đạn, vật lý, hóa học… mấy thứ đó mình hoàn toàn mù tịt…”
“Ờ, thế mười năm đi học của đồng chí đâu?” (21)
“Mình đã kể rồi mà? Năm 14 tuổi mình mới học lớp 6 thì nạn đói đến… rồi mình đi Berlin học trường quân sự chứ có biết toán lý hóa là cái chi chi!”
“Ờ ha…”
“Hay khi nào rảnh, Yuri dạy mình đi!”
“Dạy dỗ gì! Tôi đâu phải thầy giáo… Sao đồng chí không học bổ túc văn hóa ấy?”
“Thôi… mất công lắm… với lại vào đó mình mang tiếng là dốt nát…”
“Thế đồng chí không dốt à?”
“Nhưng…”
“Nhưng nhị gì chứ! Mai mốt, hết chiến tranh rồi là đi học nghe không?”
“…Yuri nói thì mình nghe.”
“Tốt.”
“Mà chiến tranh có hết không chứ hả Yuri?”
“Tại sao lại không chứ?”
“Phát xít Đức thì mạnh như vầy, và phe ta thì như vầy… vậy làm sao mà chúng ta có thể…?”
“Im ngay. Phải tin tưởng tuyệt đối vào Liên Bang Xô Viết, vào nhân dân, vào cấp trên, không được hoài nghi. Lời thề khi gia nhập quân ngũ, đồng chí quên rồi à?”
“Thế một mai chiến tranh hết rồi, Yuri định làm gì?”
“Làm gì à?”
“Phải rồi, cũng cần nghĩ đến chuyện đó chứ. Nói ước mơ từ bé của Yuri xem?”
“…Lúc bé tôi chẳng ước mơ gì hết. Tôi chỉ lo học.”
“Không ai học mà lại không có mục đích. Vậy tại sao bây giờ Yuri lại đi lính?”
“Lòng yêu nước thôi.”
“Vậy bây giờ ước mơ của Yuri là gì?”
“Tôi chưa nghĩ tới.”
“Vậy thì nghĩ đi.”
“Tôi muốn làm một cái gì đó có ích cho Liên Bang Xô Viết, muốn đưa nó lên thành một siêu cường quốc tế, muốn người Mỹ phải e sợ sức mạnh của chúng ta. Tôi muốn trở thành một nhà khoa học hay một nhà nghiên cứu hàng đầu, muốn có những phát minh đưa nước ta đi lên hàng chục, hàng trăm năm so với những nước khác.”
“Yuri đúng là ái quốc.”
“Còn đồng chí? Đồng chí định sau khi chiến tranh kết thúc sẽ làm gì?”
“Yuri bảo mình đi học bổ túc đấy thôi.”
“Ừ, rồi sau đó nữa?”
“Không biết, đến đó đi rồi tính.”
“Đồng chí còn bà con, thân thuộc gì không?”
“Adolf Hitler.”
“Đừng đùa chứ.”
“Ai đùa đâu.”
“Vậy mai mốt hết chiến tranh, đồng chí đến ở với tôi nhé?”
“Um…”
“Nhưng chúng ta phải sống, phải chiến đấu mới có quyền hy vọng một ngày kia hòa bình quay về với đất mẹ Xô Viết.”
“Và vậy thì chúng ta cần phải sống qua đêm nay cái đã! Lâu rồi chưa lạnh thế này, Yuri nhỉ?”
“Đồng chí quên mất đêm nay là đêm giao thừa à?”
“A, hèn chi, trong ngày hôm nay thì bọn chúng canh gác cẩn mật làm quái gì chứ. Mà nè, mình rét quá. Yuri nắm tay mình được không?”
“…”
“Yuri?”
“Ừ được.”
“Cám ơn, hi hi…”
“Chúa ơi, sao tay đồng chí lạnh như nước đá vậy?”
“Mình đã nói là mình rét mà.”
“Vậy thấy dễ chịu hơn chưa?”
“Rồi, và mình còn buồn ngủ nữa. Hay mình đánh một giấc, chừng nào đến giờ thì Yuri kêu mình nhé?”
“!!! Ê, không được ngủ!!!”
“?”
“Giữa trời đông băng giá như vầy, đồng chí ngủ là sẽ không dậy được nữa đâu!”
“Thế à? Vậy mình làm gì bây giờ?”
“Cứ nói chuyện tiếp đi, thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn. Đã mười một giờ rồi. Một tiếng nữa chúng ta đột nhập.”
“…”
“…”
“Yuri định nói gì thế?”
“Tôi có một thắc mắc từ lúc gặp đồng chí lần đầu tới bây giờ. Không biết có nên nói ra hay không nữa…”
“Gì vậy, Yuri cứ nói, mình nghe.”
“Tại sao lúc gia nhập tiểu đội ở Voronezh, đồng chí lại tự dưng bắt tay tôi và đối xử với tôi như thể thân thiết lắm vậy?”
“A… cái đó…”
“Nói đi.”
“Tại vì mình thích Yuri.”
“Hả?”
“Ngay lúc mình gặp Yuri, mình đã có cảm thấy rằng Yuri là người tốt. Vẻ ngoài ít thân thiện, lúc nào cũng nghiêm khắc, nhưng mình vẫn cảm thấy như vậy. Và mình đã không đoán sai. Người xấu chắc chắn đã bỏ mặc mình trong địa đạo Kiev. Người xấu chắc chắn không muốn mất công tìm cho mình nơi ăn chốn ở trong một thành phố lớn như Moskva. Người xấu chắc chắn không bao giờ bỏ cuộc sống dễ chịu và bằng phẳng để đi theo mình hứng đạn nơi chiến trường, cùng nằm gai nếm mật. Người xấu chắc chắn không bám theo mình tới chỗ mà lẽ ra mình đã bị giết. Yuri đúng là người tốt, không phải sao?”
“…Vớ vẩn.”
“Yuri cũng đỏ mặt nữa cơ. Mũi Yuri phình ra nhìn ngộ quá, cái mặt nhìn như trái cà chua có vẽ thêm mắt mũi ấy.”
“…Vô duyên!”
“A ha ha ha… Tự dưng lại quay mặt đi chỗ khác, Yuri mắc cỡ kìa!”
Tôi đánh trống lảng bằng cách đứng dậy vờ xem đồng hồ:
“Gần mười hai giờ rồi. Chuẩn bị hành động thôi.”
Quả thật là như vậy. Nhìn từ xa, chúng tôi thấy ánh đèn măng-sông chiếu ra ngoài cửa sổ đã tắt. Chỉ còn lại ánh sáng mờ mờ ảo ảo, có lẽ là phát ra từ một cái lò sưởi. Quân Đức chắc đã ngủ hết rồi. Mà nếu chúng có chưa ngủ thì ête sẽ làm chúng ngủ.
Dmitri tự dưng bấu chặt vai tôi:
“Chúng ta sắp sửa vào đó để phóng hỏa phải không Yuri?”
Tôi gỡ tay anh ra:
“Như lúc nãy tôi đã nói với đồng chí rồi đó thôi. Đi nào!”
“Như thế… không phải mình sẽ giết hết hơn ba trăm con người trong đó sao?”
“Cái đó không thể tránh khỏi.” Tôi bắt đầu bước đi chậm rãi để dè chừng, và thiếu điều phải kéo Dmitri theo.
“Vậy thì nhẫn tâm quá…” Anh cắn môi.
“Còn bọn chúng treo cổ hàng loạt người dân Xô Viết chúng ta thì sao? Chúng cướp hoa màu, súc vật để nông dân chết đói thì sao? Chúng dùng súng phun lửa để đốt làng mạc thì sao? Chúng nhốt người Do Thái vào trong hầm rồi xả hơi ngạt để họ ôm nhau chết thì sao?” Tôi nói một cách căm phẫn.
“Nhưng chúng ta cũng không có quyền giết họ như vậy… Biết đâu họ cũng yêu hòa bình như chúng ta, nhưng bị buộc phải đánh nhau? Họ cũng có gia đình ở Đức, cũng có những người thân đang mỏi mắt chờ đợi quê nhà, cũng có những ước mơ hoài bão mặc dù nhỏ nhoi hay to lớn … và chúng ta đến giết sạch bọn họ, không chừa lấy một ai… Yuri đã nghĩ tới điều đó chưa? Phe Xô Viết chúng ta tự nhận là người lính cách mạng, là chính nghĩa, là tiến bộ, nhưng thực ra cũng giết người tàn khốc có kém gì Đức Quốc Xã đâu…”
Tôi mím chặt môi, nhưng rồi cũng đành phải nói:
“Đây là chiến tranh, Stoyanovich à. Chiến tranh. Nó không cho phép ta nhân nhượng với kẻ thù, không cho phép ta chen những suy nghĩ, tình cảm cá nhân vào. Chúng ta chỉ cần tiêu diệt hết bọn này, đồng chí hiểu chứ, và chúng ta sẽ góp phần làm cho cuộc chiến này mau kết thúc, để không còn có những cái chết như vậy nữa.”
Anh há miệng toan nói thêm, nhưng tôi đã lấy tay bịt miệng anh lại, sợ rằng nếu anh còn nói nữa, tôi sẽ chùn bước, sẽ không còn đủ can đảm để đổ mấy chục lít xăng mang theo trong người ra, châm lửa và giết hơn ba trăm con người khốn khổ đang ngủ say sưa.
Chúng tôi tiến vào trong cái doanh trại. Có vẻ đây từng là một trường học cho đến khi Đức kiểm soát được vùng này và đóng cửa trường để làm căn cứ. Tôi đã sợ kế hoạch của mình có nhiều lỗ hổng, nhưng Chúa đang phù hộ chúng tôi. Bọn chúng đang ngủ say như chết, có một số tên đang ngủ gật, những chai vodka rỗng không lăn trên bàn chứng tỏ chúng vừa bù khú một bữa tiệc tất niên. Đi đến đâu, tôi đều rón rét xịt một ít ête vào mặt chúng, để đảm bảo là khi mình phóng trở ra không bất ngờ bị chúng tóm trước khi kịp tẩu thoát. Dmitri đi kế bên tôi, lâu lâu lại thì thầm “Ấy, mình có quen anh đó, dễ thương lắm” hay “Nhìn mặt thằng này non choẹt, tội quá…”, vừa làm vừa rưới xăng lên tường nhà một cách bất đắc dĩ.
Xong việc, chúng tôi hí hửng bước ra – hay đúng hơn là chỉ có tôi, vì anh chàng đồng chí điên khùng của tôi vẫn đang loay hoay với những ý tưởng về nhân đạo, chiến tranh và hòa bình.
Tôi giương súng ra, bắn.
Xăng nhanh chóng bắt lửa và lan vào bên trong tòa nhà.
Chỉ sau mười giây, ngọn lửa trở nên dữ dội. Một tiếng ĐÙNG nổ lên váng óc, và cái căn cứ của phe Đức Quốc Xã ở sát thủ đô Moskva bốc cháy rừng rực, đến nỗi không gian chung quanh sáng như ban ngày, tiếng gỗ cháy trong ngọn lửa khát máu kêu tách tách hòa với tiếng cú rúc trong những hốc cây tạo nên một bản nhạc bi thảm.
Dmitri nhìn ngọn lửa đăm. Lạ thật, anh vẫn nhìn như vậy từ nãy đến giờ…
Ngay trước cổng căn cứ, tên lính gác bị anh đánh thuốc mê lúc chiều đã tỉnh. Hắn đang bị bỏng rất nặng, và bị một khúc gỗ cháy đè lên. Tay hắn đang cầm chắc một khẩu súng, chĩa thẳng về hướng Dmitri. ĐOÀNG!
Anh khuỵu xuống, và gục ngã trên nền tuyết lạnh giá. Máu của anh túa ra như nhuộm đỏ cả cánh rừng một cách thê lương. Đâu đó xa xa, có tiếng gà rừng gáy vang. Từ phía Đông, bầu trời hơi ửng hồng, làm nhạt nhòa những ngôi sao nhỏ bé. Bình minh của năm 1942 đang ló dạng… vĩnh biệt năm cũ, và vĩnh biệt Dmitri Mikhailovich Stoyanovich. Đồng chí yêu dấu của tôi.
——————————————————————
(16) Vodka nguyên là thứ rượu có nguồn gốc từ một số nước Đông Âu nhất là Nga, Ba Lan và Litva. Nó cũng có truyền thống lâu đời ở Bắc Âu. Các khu vực này thường được gọi là vùng Vodka (Vodka Belt) không chỉ vì Vodka có nguồn gốc ở đây mà còn vì đây là nơi sản xuất và tiêu thụ vodka nhiều nhất thế giới, đặc biệt trong thời kỳ Xô Viết, các sỹ quan Hồng quân uống vodka như nước lã. Ở Nga có hẳn một bảo tàng về vodka.
(17) Yuri là người nghiêm túc, không bao giờ gọi Dmitri bằng tên riêng mà chỉ gọi bằng họ.
(18) Câu nói phổ biến của Hồng Quân trong chiến dịch Moskva 1941.
(19) “Cocktail của Molotov” là cách gọi chai xăng, một loại vũ khí đơn giản và dễ chế tạo. Cấu tạo gồm một chai thủy tinh chứa đầy xăng. Khi sử dụng, người dùng nhét giẻ rách hay tim dầu vào cổ chai, châm lửa cho cháy và ném về địch quân. Khi chai bị vỡ sẽ tung xăng bao trùm khoảng rộng và bốc cháy.
(20) Những người theo đạo Kitô (Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống giáo Nga…) thường làm thế mỗi khi muốn cầu nguyện. Trường hợp này cũng giống như chắp hai tay xá trong tín ngưỡng Việt Nam.
(21) Ở Liên Xô cũ, chương trình đào tạo kéo dài 10 năm.