1941 - Chương 3
Ba
Sau khi trả tiền cho người đánh xe (“Bạn cậu đâu rồi? Bỏ cậu giữa đường à?”) tôi lững thững bước vào thành phố Moskva trứ danh với dáng vẻ của một du khách nhàn rỗi. Và Moskva năm ấy, ngày nay tôi vẫn còn nhớ như in, dù thành phố vĩ đại này đã qua không biết bao thay đổi kể từ dạo đó.
Hồi tôi còn bé, tôi đã từng theo cha đến Moskva. Thành phố lúc ấy có vẻ hoàn toàn trùng với trí tưởng tượng của tôi: một thành phố cực kỳ rộng lớn, có những tòa nhà cổ kính với mái vòm củ hành chĩa thẳng lên trời, những quảng trường sạch sẽ, đầy cây xanh bóng mát, dân phố đi lại ăn bận toàn nhung lụa, (không hẳn là họ phải mặc nhung lụa, chỉ là một cách ẩn dụ thôi!) Còn Moskva này… ơ… nhìn kém Voronezh xa quá! Những ngôi nhà cổ bị thay thế dần bằng những khu nhà tập thể, nhà lắp ghép, bên trong chắc chắn là xài toàn đồ đạc tiêu chuẩn hóa. Tôi đã phát bệnh với mấy thứ đồ tiêu chuẩn hóa đó: phòng nào cũng như phòng nấy đều xây giống y chang một thứ kiến trúc lỗi thời, có đúng một cái radio hiệu Soyuz 1038, bàn ghế làm bằng loại gỗ dương rẻ tiền hoặc ván ép, ngồi nửa năm đã gãy mà không biết phải xoay sở làm sao vì “chưa đến thời hạn tái cấp trang thiết bị gia dụng, đồng chí ạ”, thế là trừ những khi tiếp khách, lễ nghi gì đó, người ta ưa ngồi dưới đất để cho cái bàn ván ép lay lắt được ngày nào hay ngày ấy! Ở ngoài đường còn tệ hơn trong nhà: Dân phố đi lại xô bồ xô bộn, công an và xe hơi cùng đua nhau thổi còi đinh tai nhức óc làm cho tôi có cảm tưởng Moskva là một dàn nhạc giao hưởng lớn đang cố làm điếc tai những người du khách lỡ chân. Bệnh viện quân đội mọc lên lố nhố, thỉnh thoảng lại thấy những thương binh được khiêng đi, với một cô y tá chạy theo ra sức đuổi những bầy ruồi nhặng bay vo ve khiến cho họ gào lên đau đớn. Người qua đường có vẻ hối hả, ai ai cũng chỉ lo chạy cho đến nơi mình cần, không thèm để ý đến những kẻ lạ mặt đang ngó họ chòng chọc và cả những chiếc xe đang bóp còi đầy đe dọa. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy có cả những chiến lũy đã được đào ngay trong thành phố – chao, những cái chiến lũy này đáng vài triệu rúp chứ không chơi, đất Moskva cơ mà! Những khu nhà máy, công xưởng có vẻ đang làm việc hết ga – đứng cách xa chúng hàng trăm mét mà tôi có thể nghe được tiếng máy đang vận hành hết công suất, tạo ra những tiếng ồn thủng màng nhĩ, và chắc là công nhân đều lãng tai hết cả rồi. Tôi hiểu: Moskva đang phải gồng lên để tự bảo vệ mình trước khi quân Đức đến. Ở vài quảng trường đang tổ chức duyệt binh, và tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe người ta điểm danh đến chữ V: tôi bất giác thở phào khi không nghe “Vassilizukov!”.
Một cơn gió thu thổi mạnh làm tôi run lên dưới làn áo mỏng. Xung quanh tôi dường như không còn hơi ấm nữa: không hiểu sao càng đi sâu vào Moskva tôi càng thấy lạnh! Khi phải trốn khỏi Kiev, băng băng chạy trên con đường vô tận nối miền Tây với miền Nam của Liên Bang Xô Viết, vượt qua những cánh đồng lúa mì xơ xác, dưới ánh trăng mờ nhạt, thỉnh thoảng lại nghe tiếng sói tru vẳng từ xa xa, tôi vẫn thấy dễ chịu hơn bây giờ. Không cần nhìn dáo dác để xem có vị thần gió bắc khó chịu nào đang giở trò, tôi cũng hiểu lý do.
Dmitri đã bước ra khỏi cuộc đời tôi, đột ngột như khi anh đến! Anh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi từ lúc nào không hay: thức dậy, tôi gặp anh, tôi ăn cùng anh, tôi luyện tập cùng anh, tôi ngủ cùng anh, có khi tắm cùng anh nữa (mỗi lần như thế là một lần tôi xấu hổ với thể hình của mình). Lúc tưởng như sắp chết, tôi vẫn ở bên anh. Và bây giờ, tôi đang ở cùng Moskva, thành phố lớn nhất nước Nga, lớn nhất Liên Xô, có thể lớn nhất thế giới, và không cùng anh! Tôi vẫn đang nhìn, trong khung cảnh trước mắt, hình bóng của anh đã biến mất. Tôi vẫn đang thở, trong không khí tôi đang thở không còn cái mùi chua chua của anh nữa rồi. Tai tôi vẫn nghe tốt, nhưng thế nào cũng chẳng thể nghe cái giọng dịu dàng nói không ngừng nghỉ của anh. Vai tôi đang đau tấy dưới sức nặng của cái xắc, vì nó không còn được đôi vai gầy nhỏ bé của anh đỡ hộ, và anh không còn ở đây để quàng tay qua cổ tôi, rồi đột nhiên siết mạnh “A ha! Làm Yuri giật mình rồi nha!” cười vang, khoe hàm răng trắng bóng.
Tại sao tôi lại thấy nhớ anh ấy?
Bạn thử nghĩ xem, cũng đơn giản thôi: anh ấy luôn bám theo tôi mọi lúc mọi nơi, làm tôi quen thuộc đến phát chán sự hiện diện của anh, và bây giờ đột nhiên không có anh, tôi thấy nhớ! Đôi khi ta sợ một thói quen, bởi nó đã trở thành một phần cuộc sống của ta, và khi ta buộc phải cắt đứt với thói quen đó, thì ta sẽ phải chịu cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng! Hơn nữa, dường như với tôi, Dmitri không chỉ là một thói quen…
Tôi leo lên một chiếc xe bus, và tìm đến khu bác tôi ở. Московский Кремль (13) … chuyến xe toàn những người trông sang trọng cả!
Tôi xuống xe buýt, và hoàn toàn ngạc nhiên trước cảnh tượng mà mình trông thấy.
Rõ ràng bác tôi nằm trong “Liên Minh giai cấp Công-Nông” rồi: khu này chính là khu vực lân cận Điện Kremlin, với những tòa nhà sang trọng, hiện đại nhất Moskva! Trước cửa một dinh thự, có cả một tốp nhỏ vệ binh đứng gác. Trên cổng có một cái bảng “Đại Tướng Vassilizukov”. Đúng là nơi bác tôi ở… ơ… mà hình như hơi lớn đối với một ông già ế vợ thì phải…
Tôi định bước vào thì một đồng chí bảo vệ chặn tôi lại:
“Phiền đồng chí trình giấy.”
Tôi há hốc mồm.
“Nếu đồng chí không có giấy, thì không được vào đây ạ.”
Xong anh ta xua tôi ra.
“Nhưng tôi…” tôi cố phân bua.
Anh chàng bảo vệ tỏ vẻ bực mình: “Đã bảo là không có giấy thì không được vào mà! Đồng chí này dai như đỉa nhỉ?”
Vừa lúc đó, bác tôi bước ra.
Lần cuối cùng mà tôi gặp ông là khoảng hai năm về trước. Lúc ấy, bác tôi là một người ông già mập mạp, trắng trẻo, hói đầu, chỉ lưa thưa vài nhúm ở hai bên tai, tướng đi oai vệ và sang trọng. Bây giờ trông ông hơi khác xưa một tí: Ông bận một bộ quân phục cấp tướng, đeo một mớ huân chương rằn ri trước ngực, râu tóc không cạo (thực ra tóc ông cũng chẳng có bao nhiêu mà cạo!), người ông gầy hơn trước và trông ông có vẻ già nua. Vừa thấy tôi, bác tôi đã mừng rỡ:
“A! Bé Yuri nhà mình đây mà! Các đồng chí, cứ cho nó vào! Ôi Yuri cưng, cháu lớn nhanh như thổi đấy! Mới ngày nào nó còn bé xíu, thế mà đã… ôi giời, lại mọc cả râu rồi đấy à?”
…Bác tôi vẫn chưa thật già lắm. Còn tôi thì đã 23 tuổi rồi đấy nhé!
Bác tôi lập tức dắt – đúng nghĩa đen là dắt – tôi vào trong nhà, hay đúng hơn, trong dinh thự. Có lẽ nơi này từng là phủ của một hoàng thân trong thời Sa Hoàng. Bàn ghế bày biện bên trong toàn làm bằng những thứ gỗ tốt chạm trổ tinh vi, rằn ri tới nỗi tôi không dám sờ vào vì sợ những chi tiết nhỏ bé bên trong có thể bị bẻ gãy bất cứ lúc nào. Trần nhà treo đầy những chiếc đèn chùm pha lê, làm cả gian phòng lấp lánh một cách vui mắt. Sàn nhà trải một tấm thảm đỏ bằng nhung rất đẹp, nó trông láng mượt sạch sẽ tới nỗi tôi cứ tưởng cả ngày công việc của bác tôi chỉ là ngồi xuống đất và nhặt bụi từng hạt từng hạt một ra khỏi tấm thảm này cả ngày như Lọ Lem lựa đậu. Dựa sát vào bức tường quét vôi trắng muốt là một tủ sách được đóng cẩn thận bằng gỗ bạch dương, bên trong có cả một pho sách trông mới tinh.
Bác tôi ấn tôi ngồi xuống:
“Sao, Yuri, cháu không đi lính nữa phải không? Thật là tốt quá! Bác vẫn luôn muốn dành cho cháu một chỗ trong chính trường Moskva. Cháu về đây là đúng rồi. Bác sẽ dạy cho cháu chính trị học, kinh tế học, quân sự học… sau này, cháu có thể đạt được vị trí như bác bây giờ, hoặc là hơn nữa. Hãy tưởng tượng: Yuri Sergeyev Vassilizukov, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô! À, hay Yuri Sergeyev Vassilizukov, Nguyên Soái Liên Xô… không, Yuri Sergeyev Vassilizukov, Thủ Tướng Liên Xô, như bác Joe (14) bây giờ ấy.”
“Nhưng bác à, cháu…”
“Cháu định nói cháu chưa được đào tạo gì về chính trị chứ gì? Không sao, bây giờ thì chưa, nhưng rồi sau này thì cháu cũng sẽ xuất sắc về ngành khoa học phức tạp này như ai! Cháu thấy đấy, năm hai mươi tuổi bác cũng chỉ là một thanh niên chân ướt chân ráo bước vào Moskva, đầu óc ngông nghênh chẳng có lấy một ý niệm gì trong đầu đáng gọi là tư tưởng. Và để được như bây giờ, bác đã phải học, phải nghiên cứu, phải làm việc đến sói cả trán đây này! Đừng lo, hễ có quyết tâm là làm được.”
“Nhưng cháu không muốn làm chính trị, bác à!”
Bác tôi cau mày một lúc.
“Cháu không muốn? Vậy cháu muốn làm gì?”
Tôi cắn môi: “Cháu… cháu định nhờ bác chỗ ở thôi, chỗ nào giản tiện ấy, rồi cháu sẽ tìm việc làm ở Moskva…”
Bác tôi lắc đầu:
“Không, không được. Moskva là một nơi dễ sinh sống, đúng thật. Song vào thời điểm này, còn gì dễ hơn, phù hợp hơn và thông minh hơn làm chính trị hả cháu? Khắp thành phố này, công ăn việc làm đang phát triển rầm rộ, điều đó có đúng thật. Nhưng cháu coi, công ăn việc làm đó là gì chứ? Là làm công nhân trong những nhà máy luyện kim, vũ khí, chế biến lương thực kìa! Là làm y tá trong những nhà thương quân đội hôi hám kia kìa! Là làm vận tải, lái xe chạy trên những con đường đạn Đức bắn như mưa trút kìa! Liệu cháu có làm được những việc đó hay không, hả bé Yuri? Cháu có biết là cha cháu đã từng nhờ bác: “Anh coi gọi thằng Yuri về Moskva, tìm cho nó công việc nào nhẹ nhàng ở đó dùm em. Thằng này giờ khác hồi nhỏ rồi, hăng lắm, nó bảo chỉ thích đi lính, mà em thì lo: dấn thân ra chốn chiến trường có mà lành ít dữ nhiều…” Bác đã chờ rất lâu, đã tìm cháu ở khắp nơi nhưng vẫn không tìm ra cháu. Mãi cho đến hôm nay, đột nhiên cháu xuất hiện trước cổng nhà bác, xin bác một chỗ ăn chỗ ở! Bác mừng biết chừng nào, cháu có hay không? Bây giờ nếu cháu thích cuộc sống quân đội như vậy, được, bác sẽ chiều cháu, nhưng cháu phải là một sỹ quan, phải là kẻ chỉ huy, đứng ở trên ra lệnh cho cấp dưới, để họ chết thay cháu, và khi chiến thắng thì cháu được thưởng về công lao! Có như thế, bác mới có thể hoàn thành lời hứa với cha cháu được. Và không chỉ có thể, bác cũng rất thương cháu, bé Yuri à. Bác không có vợ con gì, bác coi cháu như con vậy. Chuyện gì sẽ xảy ra cho cái thân già khốn khổ này của bác, nếu cháu phải làm việc trong nhà máy vất vả như bọn công nhân, hay phơi xác ngoài chiến trường như bọn lính chiến hèn kém hả cháu?”
Tôi không tin vào tai mình. Bác tôi, một chính trị gia trong chính quyền Xô Viết, lại coi thường giai cấp công nhân và lính chiến Hồng Quân?
Thảo nào ông vẫn chưa vào được ghế Thủ Tướng, Tổng Bí Thư hay Nguyên Soái gì ráo trọi.
Ba, bốn tháng trôi qua. Tôi cố làm quen với cái lối sống mới mà bác tôi tập cho. Ngày lại ngày trôi qua một cách vô vị, chán chường. Ngoài những giờ “học tập” với đống sách Marx – Lenin cao như núi trong thư viện và một thầy giáo hơi quá nhiệt tình (bác tôi chứ ai?) tôi thường dành thời gian đi lững thững quanh những đường phố Moskva xinh đẹp rực rỡ, dưới ánh hoàng hôn chiều được âm nhạc thơ văn khắp Liên Xô ca ngợi, gặm nhấm lại nỗi cô đơn thầm kín của mình.
Bác tôi thương yêu tôi, quan tâm chăm sóc đến tôi, nhưng không hiểu tôi. Bằng chứng là ông biến tôi trở lại thằng công tử Yuri ngày xưa.
Tôi thắc mắc, có ai hiểu tôi không chứ? Tôi vốn ít nói, hơi khó gần, mặt mũi lúc nào cũng nghiêm nghị như một người trung niên ngoài bốn mươi. Người duy nhất hiểu tôi, làm cho tôi cảm thấy dễ chịu cả khi sắp phải đối mặt với tử thần, đã bỏ tôi đi. Chỉ vì không muốn mang tiếng ăn bám một người không quen? Chắc phải còn lý do khác…
Dmitri, tôi hiểu rồi – tôi đang nhớ anh!
“Sao cháu lại phải đến đây ạ?” Tôi càu nhàu, khẽ khều khều bác tôi đang bận một bộ quân phục được là ủi thẳng tắp, chống cái cằm tròn trịa của ông trên cái bàn Đại biểu, mắt lơ đãng nhìn một đồng chí nữ cách ông vài ghế. Ông quay xuống, thì thào:
“Vì đây là một sự kiện văn nghệ thường quý của Moskva. Nếu cháu muốn có được một chỗ đứng ở trong quân đội hay chính quyền Moskva, cháu bắt buộc phải làm quen với những buổi văn nghệ thế này. Thường thì nó cũng hàng cây nhà lá vườn do quân đội tổ chức thôi, nhưng thành lệ rồi, khó mà bỏ được.”
Và ông ngáp khẽ một cái.
Chúng tôi đang ở trong một phòng hội trường hết sức lớn, đặt ở tầng trệt một tòa nhà chọc trời Moskva, với sức chứa lên đến hơn hai ngàn khán giả. Không khí hết sức nghiêm trang, trên tấm màn nhung treo trên bức tường của hội trường có dán một dòng chữ tổ bố cạnh ảnh Marx và Lenin “Liên Hoan Văn Nghệ Quân Khu 10 – Mùa đông 1941”. Trên khán đài, hầu như không còn một chỗ nào trống: các sỹ quan đủ thứ quân hàm từ cấp úy tới cấp tướng đều tham dự đầy đủ, nhưng với vẻ mặt chán chường và ngái ngủ tới mức tưởng như đây là phòng sinh hoạt chung của một tập thể vừa đông đúc vừa túng thiếu đến nỗi không có đủ tiền mua chiếu mà mọi người phải ngủ trưa trên ghế. Quanh quất trên hàng ghế đầu, tôi thấy có mấy ông béo lùn, đầu hói, ngồi một cách oai vệ, chắc lại là chính trị gia – và tôi tự hỏi tại sao quân Đức tràn vào Moskva tới nơi mà vẫn có người bỏ thì giờ dự mấy buổi liên hoan vớ vẩn này. Trên sân khấu, các ca sĩ và nhạc công vườn đang hát đi xướng lại những giai điệu cũ rích, thỉnh thoảng thêm vào vài nốt lạ đến chối tai. Dường như mọi người đến đây để nói chuyện rì rầm trên khán đài chứ không phải để nghe: âm nhạc kiểu này xét ra còn thua xa cái loại mà hồi học tiểu học trường chúng tôi vẫn tổ chức bằng mấy nhạc cụ cũ xì truyền lại từ thời 1917. Tôi sốt ruột nhìn cái đồng hồ đeo tay mới cáu mà bác tôi cho, và khẽ mừng rỡ rên lên: chỉ hơn một khắc nữa là kết thúc buổi liên hoan chán ốm này.
Trên sân khấu, cuối cùng đội hợp xướng một sao của Quân Khu 10 gào xong nốt chót của bản Kachiusa một cách kinh dị đến nỗi tác giả Blante có sống lại cũng chỉ biết lắc đầu. Đồng chí được giao nhiệm vụ dẫn chương trình tiến ra giữa sân khấu, và đọc như một cái máy.
“Để tiếp tục chương trình, xin mời quý vị lắng nghe nhạc phẩm Opera số 1, trình diễn: Thiếu Úy Dmitri Stoyanovich.”
Cái tên đó vang lên, như nổ một tiếng thật lớn bên tai tôi.
Stoyanovich, Dmitri… không thể được!
Tưởng như tất cả những người tên Dmitri ở Liên Bang Xô Viết đều chết sạch cả rồi, chỉ còn một mình anh bạn đáng yêu của tôi được giữ cái tên quá đỗi phổ biến này.
Nhưng khi người được gọi là Dmitri Stoyanovich bước ra khỏi cánh gà, và tiến về cây đàn piano cũ kỹ mà màu gỗ đã quay về với thiên nhiên, tôi giật mình.
Liệu đây có phải là Dmitri không? Phảng phất thì cũng có những nét giống đấy, nhưng đây nào có phải anh! Dmitri Stoyanovich phải là một thanh niên đẹp trai, trẻ trung, yêu đời và lạc quan! Phải là người bao giờ cũng mỉm cười, hay vuốt tóc và thỉnh thoảng lại nhảy chân sáo! Phải có đôi mắt đầy mê hoặc, phát ra những tia tinh nghịch, ranh ma và lâu lâu lại ra chiều bí ẩn! Còn kẻ lạ mặt trên sân khấu là ai? Một người dáng điệu khắc khổ, đôi chân mày luôn nhíu lại, môi mím chặt, chốc chốc lại thở dài một cách khó khăn.
À, Thiếu Úy Dmitri Stoyanovich đó.
Dmitri ngồi xuống cây đàn piano, lật lật vài trang giấy. Anh đánh một nốt thật mạnh, và âm thanh được khuếch đại đi khắp căn phòng, làm giật mình những người đang nói chuyện và đánh thức những kẻ ngủ gà ngủ gật.
Những ngón tay dài dài, xương xương của anh lướt nhanh trên phím đàn, gợi cho tôi một điệu Polka, nhanh nhanh, nhịp nhàng, thoáng chút buồn. Bên dưới khán đài, người ta đã bắt đầu chú ý hơn: ít ra thì Quân Khu 10 cũng có một nhạc sĩ qua đào tạo tí chút!
Dmitri bắt đầu hát. Giọng của anh trầm trầm, băng qua cả một hội trường rộng mênh mông, và nó có một cái gì đó rung rung trong từng nốt nhạc. Bài ca của anh nói về một chuyện tình giữa mùa đông tuyết giá của một chàng chiến sĩ vô danh và một người con gái của miền đất phương Bắc. Chàng ở lại đồn trú một thời gian rồi lại ra đi và chết trong một nấm mộ vô danh nào đó. Người con gái khóc thương chàng chiến sĩ. Mỗi chiều nàng đứng lên trên đồi kết một vòng hoa rồi lại chờ chàng… Nhưng tôi để ý cái bài hát mà làm gì kia chứ? Anh, Dmitri đang ở đây!
Dmitri đứng dậy, cúi chào một cách lịch sự. Toàn khán phòng rung lên dưới những tiếng vỗ tay. Quanh tôi, có một vài người đã rỏ giấu một giọt nước mắt. Hẳn là họ xúc động vì bài hát. Tôi thì chỉ quan tâm đến người ca sĩ.
Anh bước vào trong cánh gà, và mắt tôi dõi theo đến khi anh mất hút. Á, vậy là anh lại đi mất rồi!
Không thể để thế được. Tôi cần phải gặp lại anh. Trái tim tôi đang nói rõ điều đó. Tôi không tin anh ấy thay đổi nhanh tới mức quên tôi ngay được.
Tranh thủ lúc bác tôi đang cười khà khà với các đồng chí nữ, tôi lẻn vào trong cánh gà. Một người đội mũ kêpi (15) mặt mày hầm hố chặn tôi lại.
“Xin lỗi, đồng chí không được vào đây.”
Tôi quắc mắt. Lại cái kiểu đòi giấy lúc tôi tìm nhà bác tôi đây mà.
Một giọng nói quen thuộc lại cất lên. “Alexei, mình quen anh ta, cho anh ta vào đi, được không?”
Ngay lập tức cậu bảo vệ dịu giọng.
“Được rồi, đồng chí vào đi, nhưng nhanh thôi đấy! Thiếu Úy Stoyanovich không rảnh rỗi đâu mà…”
Dmitri bước ra. Như ban nãy tôi đã miêu tả, tôi có cảm giác như anh thay đổi nhiều lắm. Tưởng như hai chúng tôi đã cách xa cả thế kỷ rồi.
“Yuri, Yuri, tại sao Yuri lại đi tìm mình?” anh nói với giọng chán nản.
“Tại sao à, Stoyanovich? Vậy đồng chí nói cho tôi nghe tại sao đồng chí lại bỏ tôi giữa đường đến Moskva trước đã.”
Dmitri lắc đầu một cách khó chịu:
“Xin Yuri đừng hỏi điều đó. Mình chỉ là… không muốn ở nhà bác Yuri, vậy thôi. Giờ chắc Yuri đang ở với bác hả? Trông Yuri còn trẻ hơn mình ấy. Nhìn Yuri trắng hơn trước, đẹp trai hơn… chịu khó cạo râu hơn nữa.”
Ít ra anh ta cũng chưa thay đổi hoàn toàn. Lại cái vụ râu ria.
Tôi nắm vai anh ta và lắc mạnh:
“Đừng đùa nữa Stoyanovich. À mà cậu hối lộ ra làm sao để lên tận tới chức Thiếu Úy vậy?”
Anh nhếch mép:
“Có gì đâu, mình vốn giữ rất nhiều thông tin mật của Đảng Quốc Xã Đức kia mà.”
Cái bản chất gián điệp vẫn còn trong anh. Cái thứ đồ…
“Yuri đã có bạn gái chưa?” anh kề tai tôi hỏi nhỏ.
“Cái gì? Bạn gái? Chưa, tôi chưa nghĩ đến…”
Anh mỉm cười ranh ma “Sao, cứ sống mà không có đàn bà riết Yuri bị biến thái rồi đúng không?”
Tôi nóng cả tai “Này! Chớ có nói vớ vẩn!”
Anh cũng hơi đỏ mặt, vỗ vai tôi “Mình đùa ấy mà!”
Vẫn dễ chịu như ngày nào. Bên trong, anh không thay đổi. Anh vẫn là Dmitri xưa của tôi! Vậy lý do gì khiến bề ngoài của anh là một ông già khắc khổ?
“Thôi, nếu không có gì quan trọng, Yuri có thể về được rồi. Mình còn phải…” anh vừa nói vừa quay lưng lại.
“Stoyanovich, đứng lại!” Tôi hét lên, làm một vài đồng chí khác trong phòng giật mình.
“Sao?”
“Vì lý do gì mà đồng chí không muốn gặp tôi? Đồng chí có biết là tôi… là tôi…”
Từ “nhớ” vuột ra khỏi miệng tôi, nhỏ hơn một tiếng thì thầm.
Dmitri khẽ lắc đầu, và dắt tay tôi ra ngoài để tránh xa những cặp mắt tò mò đang chĩa vào chúng tôi.
Chiều dần buông xuống thành phố, êm đềm và diễm lệ. Trên cây cầu Borondinsky, ánh hoàng hôn mơ màng trải xuống dòng sông Moskva đỏ rực, hắt lên gương mặt chúng tôi, dễ chịu và thư thả. Gió thu nhè nhẹ thổi những luồng không khí trong lành mát mẻ, khẽ rung hàng bạch dương hai bên bờ sông một cách khoan khoái. Trên những cây phong trồng hai bên đầu cầu, vài con bồ câu đang gù se sẽ, thỉnh thoảng lại chấp đôi cánh trắng mềm mại bay lên nền trời hồng. Từ một căn nhà nhỏ dưới chân cầu, có tiếng nhạc Tchaikovsky thánh thót vang lên những giai điệu du dương, làm cho trong phút chốc, tôi quên bẵng đi cả thời gian, không còn nhớ mình là ai, mình đang làm gì.
Dmitri lôi tôi về với thực tại.
“Yuri.” Anh khẽ gọi. “Yuri cũng thích nơi này hả?”
Tôi gật đầu “Ừm.”
Anh vuốt tóc, nhìn một cách xa xăm về phía quả cầu đỏ rực đang khuất dần bên kia chân trời:
“Hoàng hôn cho mình một cảm giác luyến tiếc: Mình như muốn ở lại, mà vẫn phải đi… có đúng không?”
Tôi lại gật đầu. Vốn tôi không giỏi môn Văn cho lắm.
“Cũng như trường hợp mình với Yuri thôi. Mình rời khỏi Yuri là vì muốn tốt cho Yuri. Có mình ở bên cạnh làm phiền, Yuri sẽ khó mà vươn lên được thành một người có tiếng tăm, có địa vị được.”
Lần này tôi lắc đầu.
“Stoyanovich, không có như vậy đâu.”
Anh quay lại, nhìn thẳng vào tôi một lúc lâu. Mắt anh phát ra tia gì đó, lạ lắm, có vẻ vui vui, nhưng như thể không muốn biểu lộ rõ ra.
“Sẽ có. Chà, tiếc là mình biết bơi. Nếu không mình đã nhảy xuống sông Volga mà chết quách cho rồi.” Anh búng mũi tôi “Yuri của mình không nghe lời mình kìa.” Anh ngân nga ba chữ “Yuri của mình” với giọng giễu cợt.
“Sao lại muốn chết?” Tôi hỏi, giọng tôi nghe lo lắng thấy rõ.
“A ha, Yuri lại nghĩ nghiêm túc quá rồi. Mà mình đúng là muốn chết thật. Mình mà còn sống thì Yuri vẫn còn tốn thì giờ quý báu mà nghĩ về mình.” Anh gác tay lên trán. “Mình đúng là đồ đáng chết.”
Anh chưa nói dứt lời, tôi đã ôm anh. Ôm thật chặt như không bao giờ muốn để anh vuột mất khỏi tôi một lần nữa. Và tôi khóc. Khóc vì cái gì?
“Kìa Yuri, chẳng phải Yuri ghét ôm lắm sao?”
“…Ừ.”
“Yuri có biết là bây giờ Yuri giống con nít lắm không?”
“… Có.”
“Ngoan nào, nín đi. Tại sao lại khóc?”
“…Không biết.”
“Mình sai rồi, phải không Yuri?”
“…Chứ sao.”
“Bé Yuri, có thật là cháu muốn nhập ngũ trở lại?” Bác tôi nhìn tôi, đầy hoài nghi và khó chịu.
“Thưa bác, có. Như bác thấy đấy, cháu…”
Dmitri khẽ huých tôi một cái.
“Ơ… Moskva đang sắp sửa bị xâm lăng, ăng, và nếu quân Đức mà tràn vào đây, ây, thì chắc chúng ta cũng, ũng…” Tôi lúng túng trả bài.
“Thôi được rồi.” Bác tôi tặc lưỡi. “Nếu đó thật sự là quyết định của cháu, thì bác tôn trọng nó thôi. Còn cậu,” bác tôi quay sang Dmitri. “Cậu là Thiếu Úy Stoyanovich phải không? Chà, còn trẻ dữ ha?”
Ông bắt tay Dmitri thật chặt, làm anh rên khẽ qua kẽ răng “Nhớ lo cho bé Yuri dùm tôi nghe chưa! Nó mà có gì là cậu chết với tôi!”
“Dạ thưa đồng chí, cháu xin cam đoan là Yuri… à không, đồng chí Vassilizukov sẽ chiến đấu xuất sắc dưới quyền chỉ huy của cháu ạ!”
“Vậy thì tốt. Cho tôi nói riêng vài lời với nó được không?”
“Dạ, đồng chí cứ tự nhiên.”
Đợi khi Dmitri đi khỏi, bác tôi ghé tai tôi thì thầm.
“Này cháu, có phải cháu khăng khăng đòi đi là vì kết anh chàng kia rồi không?”
“Ơ… ý bác là…”
“Mấy chuyện thế này, hồi nội chiến ta cũng gặp rồi cháu ơi! Còn éo le bi đát hơn cháu nhiều nữa kìa! Nên ta hiểu cháu đang nghĩ gì. Cháu cứ làm theo những gì trái tim cháu mách bảo là được. Đời ta không được như cháu đâu, cháu hãy cố lên, bé Yuri cưng của bác.”
“…Hmm, vâng thưa bác.”
———————————————————–
(13) Điện Kremlin, trung tâm địa lý và lịch sử của Moskva, nằm trên bờ trái sông Moskva, trên đồi Borovitski, là một trong những phần cổ nhất của thành phố, trong thời kỳ hiện đại là nơi làm việc của các cơ quan tối cao nhất của chính quyền Nga và là một trong những kiến trúc lịch sử-nghệ thuật chính của quốc gia này. Là một tổ hợp pháo đài lịch sử nhìn ra Quảng trường Đỏ tại Moskva, nó bao gồm các cung điện Kremli, các nhà thờ Kremli, và phần tường thành Kremli với các tháp Kremli.
(14) Tên thân mật của Iosif Stalin. Cách gọi này tương đương như “Bác Hồ” ở Việt Nam.
(15) Cái mũ mà công an vẫn hay đội.