Sợi dây chuyền màu bạc có hình trăng lưỡi liềm - Chương 6
6.
Kinh…coong…
Không! Không! Không!
– Không!
– Sao thế em?
Không sai.
– Anh làm sao thế? Anh định ám tôi thật à? Anh muốn gì thì lấy luôn đi rồi để cho tôi yên.
– Cứ từ từ nào. Ngủ ngon không?
– Khôôông!
– Anh gọi em dậy sớm để cho em ăn sáng. Người giúp việc nhà em mai mới tới hả?
– Anh có thể hướng dẫn tôi cách cầm thìa và đưa nó lên miệng qua điện thoại.
– Em hay bỏ bữa sáng hèn gì mà gầy nhẳng. Nhìn tay anh với tay em xem.
– Tôi thích đầu tư chất dinh dưỡng cho não hơn. Anh không phải khoe của thế. Nhịn hay gầy không liên quan gì đến anh.
Dạo này Tuyền nhà tôi bắt đầu học thêm tiếng Trung ở trung tâm vào sáng chủ nhật, nghĩa là không có ai cứu tôi lúc này cả. Khi tôi quay xuống dưới nhà, anh ta đang tưới cây. Đồ ăn sáng đặt trên bàn bếp . Tôi đứng trong bếp nhìn anh ta qua cửa sổ. Anh ta mặc một bộ quần áo giản dị với áo phông và quần thô. Cặp kính bị các hạt nước nhỏ làm mờ đi nên anh ta phải gỡ xuống để lau. Tôi lập tức tập trung ánh mắt và suy nghĩ của mình lúc ấy vào đôi mắt đẹp vừa hiện ra. Tôi không biết chắc đôi mắt có đúng là cửa sổ tâm hồn như người ta bảo không, nhưng đôi mắt đẹp cương nghị ấy cứ khiến tôi yên tâm về một phần nào đó mà tôi nghĩ là tôi thấy được qua chúng.
Bị bắt gặp đang nhìn trộm, tôi luống cuống nói ra câu đầu tiên mình có thể nghĩ được:
– Nhìn anh mặc quần áo bình thường lạ quá.
– Vì hôm nay anh đến chơi. Những hôm trước đều là công việc hoặc liên quan đến công việc.
– Thế à? Anh gặp bố tôi chưa?
– Rồi, xong hết rồi. Bố em vẫn đang ở Sing, chưa về ngay được đâu.
– Làm như tôi quan tâm ấy. Nếu anh liên lạc được với ông ấy ngay, sao không làm thế ngay từ đầu? Đến đây làm gì cho mất công?
– Phải biết lấy lòng người ta chứ.
Tôi bĩu môi, vô cùng khó chịu trong người. Thế thì cút. Xong việc rồi thì đi đi. Tôi cộc cằn nghĩ mà tưởng là những ý nghĩ ấy đang gào lên thành tiếng.
– Em có muốn cùng tưới cây không?
– Có.
Tôi cầm lấy bình tưới nước phun nhẹ vào từng bồn cây. Những cây cảnh trong khu vườn nho nhỏ này có lẽ là những thứ duy nhất trong nhà tôi tươi tắn, có sức sống một chút. Còn tôi và những thứ khác, rất giống như những khúc gỗ bị thả trôi trên sông, không biết lúc nào sẽ xuất hiện một dòng thác.
Anh ta gỡ tay tôi ra khỏi bình nước, tiếp tục tưới những cây còn lại. Tôi ngồi xuống thềm, một lần nữa im lặng nhìn người trước mặt.
– Em đang nghĩ gì thế?
Tôi giật mình, nói không kịp nghĩ:
– Sao anh lại ở đây?
– Anh đến thăm em mà.
– Tại sao phải đến thăm tôi? Tôi có đau ốm gì đâu. Nếu anh định nịnh nọt bố tôi thì không cần thiết đâu. Việc tôi vui hay không với ông chẳng quan trọng tới mức ấy. Chắc anh phải dùng chiêu khác thôi.
– Anh muốn làm bạn với em, với Tuyền nữa. Anh rất quý cả hai. Em không muốn làm bạn với anh à?
– Có nên không? Tôi mới gặp anh có vài ngày mà anh cứ vào nhà tôi như không. Ruồi Cương.
– Em cho anh vào mà.
– Cứ bám theo tôi với Tuyền. Trơ thế. Mà cũng không sao. Anh trả tiền mà.
– Phải rồi, – anh ta cười – anh trả tiền thì không sao nhỉ.
Quái! Cái gì cứ ngọ ngoạy trong bụng tôi. Đói. Nhất định là đói. Tôi phóng như bay trở lại phòng bếp, lục tung túi đồ ăn như muốn chui vào cái túi ấy rồi buộc quai lại. Làm thế làm gì nhỉ?
– Chết đấy, suýt quên. Ăn thôi. Đã nguội chưa?
Tôi không ngẩng đầu lên.
– Này.
Cái mặt anh ta thò ra trước mặt tôi làm tôi hồn vía bị thổi tung mất đâu, lùi phắt lại phía sau thủ thế. Thủ thế làm gì nhỉ?
– Em không thích mấy món này à?
Tôi lắc đầu nguầy nguậy, cố tránh càng xa càng tốt cái mặt kia. Tránh làm gì nhỉ? Anh ta cũng như tôi, không hiểu tôi đang làm cái qué gì nên mặt cũng dài ra. Tự dưng thấy mình như thằng ngố, mặt tôi như cái lò vi sóng với nhiệt độ được chỉnh dần đến max, hâm nóng mấy hộp đồ ăn trong túi.
– Em không muốn làm bạn với anh à?
– Sao… sao… anh lại hỏi thế? – Tôi lắp bắp.
– Vừa nãy em chưa trả lời mà.
– Anh có cần biết tôi muốn hay không mà vẫn cứ thò mặt đến đấy thôi. Có cần phải biết câu trả lời của tôi nữa không?
– Thế là có hả? Tuyền đâu?
– Đi học tiếng Trung.
– Em học tiếng Anh khá thế có học thêm ở đâu nữa không?
– Không, mất thời gian lắm. Sao anh biết?
– Bạn bè mà. Phải biết chứ.
Tôi có biết cái quái gì đâu. Mà, tôi có muốn biết không?