Sợi dây chuyền màu bạc có hình trăng lưỡi liềm - Chương 3
3.
Bữa tiệc càng lúc càng đông. Bố tôi dẫn tôi đi gặp hết người này đến người khác, tôi dẫn theo cả Tuyền và điều duy nhất khiến tôi thấy ổn lúc này là ai cũng khen tôi có cô bạn gái đẹp quá, rằng bố tôi thật may mắn vì có được cô con dâu tài sắc vẹn toàn. Đúng đấy, cứ khen nữa đi. Tôi phổng mũi lên, quên cả sự khó chịu trong người. Nhưng cũng chẳng được lâu.
– Úi chà! Vẫn cau có thế?
– Em chào anh! Anh cũng dự tiệc ạ?
– Ừ! Cũng nhờ người yêu em tận tình, anh tìm được chỗ bữa tiệc tổ chức.
À! Thảo nào nghe giọng quen quen.
– Thế ạ?
– Lúc anh hỏi thăm, thậm chí còn không thèm ngẩng mặt lên nhìn. Khinh đời ghê cơ.
Thế đấy! Thì sao? Chắc thế nên trả thù làm sái tay người ta.
– Không phải đâu ạ. Chắc tại chờ em lâu quá, sốt ruột nên bực mình.
– Anh là anh phải cảm ơn em. Có em ở đây nên căn phòng mới sáng sủa, không khí mới mát mẻ, đồ ăn mới ngon, đồ uống mới đậm đà được thế này. Chứ chẳng may chỉ có cái mặt cạu quọ này thì anh thề là người ta bỏ về hết vì thấy rét run và ngột ngạt.
Á à, thế này thì không thể im lặng được nữa, tôi phản công:
– Xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến tâm trạng dự tiệc của anh. Nhưng anh thông cảm cho, tôi đâu dám cố ý mạo muội thế. Cũng chỉ tại người đau nhức mệt mỏi, đặc biệt là cái vai, không biết làm sao tươi tỉnh được. Xin anh bỏ quá cho.
– Khiếp! Chú em chanh chua như con gái.
– Còn anh cũng gây sự như một con bé ghen tị.
– Vô ơn quá!
– Vô duyên quá!
Trận đấu đang hồi gay cấn thì có vài anh chàng đến vỗ vai anh ta. Tôi tìm Tuyền thì thấy cô đang đứng cách đó vài bước trò chuyện với mấy cô gái khác, có vẻ như đang hỏi về chiếc váy. Tôi lại gần, vòng tay vào eo cô, kéo cô về phía mình.
– Xong rồi hả? Em cứ tưởng hai người phải gây sự tới lúc về.
– Đừng nói hai, anh ta gây sự.
– Được rồi. Đói chưa? Mình ăn đi.
– Quá hay.
Tôi đói meo và cũng khát khô cổ, vì thế tôi tấn công thức ăn trên bàn một cách không khoan nhượng, lấy một đĩa tú ụ. Tuyền trố mắt:
– Anh có ăn hết được không? Đầy thế này lại rơi xuống sàn bây giờ.
– Úi, đừng đùa với anh. Đàn ông chứ có phải mèo như em đâu.
Đĩa của Tuyền còn ít hơn của mèo.
– Này!
Trời ơi, ông đánh ông còn tránh miếng ăn, thằng này đánh nó không tránh miếng nào cả. Con thề kiếp này con ăn ở tử tế, kiếp sau ông đừng bắt con gặp lại thằng cha này nữa nhá.
– Sao lấy nhiều thế? Cậy là chủ bữa tiệc nên ăn hết cả phần mọi người à?
– Con của chủ bữa tiệc. Và đúng. Tôi có quyền lấy hết.
– Đừng có mà tham. Chia cho anh một ít.
– Này! Chỉ còn có một ít món này thôi. Trả đây.
– Sao? Đang ở trong miệng đây này. Lấy lại đi. Hay muốn anh tự trả.
Khói xì ra từ hai tai tôi mù mịt. Tuyền rung bần bật cả hai vai vì nín cười trong khi miệng vẫn đầy thức ăn. Tôi đang không biết phải làm gì thì nghe tiếng bố gọi giật.
– Linh, lại đây!
Tôi ra hiệu bảo Tuyền cứ ngồi đó, cô ấy loanh quanh trên đôi giầy cao gót đủ rồi, lê bước về phía ông. Giọng ông nghiêm khắc:
– Con đang làm cái gì đấy? Phải nghiêm túc chứ! Không thấy xấu hổ à?
– Con xin lỗi vì làm mất mặt bố.
– Thôi ngay cái giọng ấy đi. Bố làm thế này là vì tương lai của mày. Đừng có cư xử kiểu không chịu lớn ấy nữa.
– Bố cứ mặc con cho nhẹ người. Bố không cần phải ép mình quá thế.
– Mày đúng là vô ơn.
– Bố cứ đá con ra ngoài đường, không có mặt con trong nhà chẳng phải bố dễ chịu hơn à?
– Nói nhỏ thôi. Bố muốn mày ở đây đến khi kết thúc. Đừng có làm gì lố bịch nữa. Giờ thì đi đâu mà suy nghĩ đi.
Tôi quay đi luôn nhưng không bước về chỗ Tuyền mà đi ra khỏi phòng tiệc, tìm đến ban công buông mình xuống ghế. Gió mát làm nguội cái đầu của tôi. Từ ngày mẹ mất, những gì diễn ra giữa bố con tôi chỉ có thế. Ông giận tôi. Ông giận tôi ngang ngược đòi mua bằng được con thú nhồi bông tai hoạ, để bọn trộm mò tới và đâm mẹ tôi. Tôi biết ông yêu bà rất nhiều. Chuyện tình của hai người là một chuyện tình đẹp. Ông vẫn để ảnh bà khắp nơi, chỗ nào trong nhà cũng có hình mẹ tôi, trẻ trung, lộng lẫy và luôn cười rạng rỡ. Ông không nhìn tôi vì tôi rất giống mẹ. Trước khi mẹ tôi mất, tôi ghét những điểm giống mẹ trên gương mặt mình, làm tôi giống con gái và hay bị trêu. Nhưng bây giờ, tôi thấy được an ủi phần nào khi nhìn vào mắt, mũi và cái miệng với nụ cười của mẹ. Có khác chỉ là nụ cười của mẹ làm niềm vui lan sang đôi mắt. Đôi mắt của tôi thì Tuyền bảo là chúng u uẩn quá. Còn nụ cười của tôi chỉ đọng trên môi, lúc nào cũng như đang kìm nén cái gì đó. Bỗng dưng tôi nhớ mẹ quá. Tôi nhớ đôi mắt khiếp sợ ấy, nhớ ánh nhìn đau đớn ấy, và, phải rồi, sợi dây chuyền màu bạc có hình trăng lưỡi liềm. Tự dưng từ đó tôi vô thức tìm kiếm sợi dây chuyền màu bạc trên cổ những người đứng trước mặt tôi. Có lẽ vì tôi luôn hy vọng gặp lại kẻ đó nhưng tôi không biết khi gặp lại tôi sẽ làm gì. Sau mười năm thất vọng và tức giận tôi không còn nhiều hy vọng tìm ra được hai kẻ giết người đêm đó nữa. Cảnh sát chỉ lặp đi lặp lại những lời rỗng tuyếch ngu ngốc rằng: hẳn trong con thú nhồi bông ấy có chứa ma tuý hoặc thứ gì đó có giá trị thì bọn chúng mới phải liều lĩnh như thế. Họ cũng đã đi tìm cô gái ở cửa hàng và dĩ nhiên là không tìm thấy. Với bố tôi lúc ấy, mọi chuyện không chỉ là thất vọng hay tức giận như tôi, nó còn là sự đau đớn cùng cực mà tôi nhìn thấy mỗi khi ông buộc phải nhìn thẳng vào tôi vì tức giận. Tôi không giận ông. Bố tôi cũng chịu đựng quá nhiều. Tôi chỉ không thích việc ông buộc vào mình cái trách nhiệm về tôi và cố gắng ít chạm vào cái trách nhiệm ấy càng nhiều càng tốt. Chúng tôi ít gặp nhau, rất ít, hầu như chỉ có tôi trong căn nhà mênh mông và thêm bác Lan, người giúp việc. Mà cà bác ấy cũng chỉ tới ngày ba lần, không ở lại qua đêm và nghỉ hai ngày cuối tuần. Chắc bác ấy cũng sợ ngôi nhà lạnh lẽo đến tê người ấy.
Có lẽ tôi nên về. Khó chịu quá. Nhưng tôi chẳng buồn nhấc chân đứng lên. Không biết Tuyền đang làm gì. Có lẽ đang chạy khắp nơi tìm tôi. Khổ thân.
Một đĩa thức ăn được đặt xuống bàn trước mặt tôi cùng với ly nước cam và một bóng người ngồi xuống ghế bên cạnh.
– Đói không?
……..
– Mệt à?
……..
– Uống đi.
Tôi nặng nề đón lấy ly nước, định không uống nhưng nghĩ nể quá lại đưa lên miệng làm một hơi hết sạch. Ly nước cam mát lạnh rửa trôi cảm giác nôn nao trong người tôi.
– Đây nữa.
Tôi tiếp tục đưa thẳng lên miệng định dốc luôn một mạch như lúc nãy thì phun thẳng ngụm thứ hai ra. Rượu! Khó uống quá. Tôi nhăn như bị, dùng tay lau miệng quay sang cái mặt nham nhở bên cạnh định chửi cho đã mồm thì điện thoại rung. Tuyền gọi. Giọng cô vô cùng lo lắng trong máy.
– Anh đang ở đâu thế? Sao em gọi mấy lần không nghe máy?
– Xin lỗi em, anh không để ý. Anh đang ngồi ở ban công phía sau, chỗ uống nước ý.
– Em ra đó ngay.
– Ừ. Anh đợi ở đây.
Lúc này tôi chỉ muốn ôm Tuyền, ngửi mùi tóc, mùi da thịt nơi cổ cô ấy. Tôi thật sự cần ai đó, cái gì đó để bấu víu vào. Anh ta vẫn ngồi im lặng bên cạnh tôi.
Một lúc sau Tuyền đến, thở phào khi nhìn thấy tôi và hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy người ngồi cạnh. Cô ôm lấy cổ tôi, hôn nhẹ lên tóc rồi chào anh ta:
– Anh ra đây từ lúc nào thế ạ?
– Anh vừa đến thôi. Đến bảo anh chàng này vào bảo vệ người đẹp kẻo bỏ bông hoa giữa rừng gươm thế e không an toàn.
Tôi ngẩng lên hôn vào môi cô rồi hỏi:
– Sao? Lại có một lũ ruồi bu vào mật của anh à?
– Ruồi nào? Em sốt ruột chạy đi tìm anh khắp nơi. Anh không nghe máy làm em càng cuống.
– Xin lỗi mà. Thôi, mình về đi. Anh mệt quá.
– Em tưởng bố anh sẽ giới thiệu anh trước tất cả lúc tiệc kết thúc mà.
– Thôi rồi. Về cũng không sao.
Tôi đứng dậy, đẩy ghế ra và nhìn anh ta, lần đầu tiên vào mắt. Đôi mắt đẹp, dài và đen láy thật thông minh. Một người đàn ông trưởng thành thực thụ. Người đàn ông tiêu chuẩn mà tôi ao ước. Chẹp miệng tiếc nuối và ghen tị, tôi chào tạm biệt và cảm ơn vì tất cả, cả chuyện sái tay, trừ ngụm rượu vẫn lồng lộn trong ruột.
Chúc mừng sinh nhật bố.