Một Thế Giới Không Có Đàn Bà - Chương 6
CHƯƠNG 6 –
Tiếng chuông điện thoại réo inh ỏi làm Quang Việt phải bật dậy dù rất muốn ngủ vùi thêm 1 chút nữa.
– Alô…
– Việt hả, anh Thuận đây – Tiếng Trưởng ban kinh tế lo lắng – sáng nay mày đi làm đừng vào cơ quan bằng cửa chính nhé.
– Có chuyện gì mà nghiêm trọng vậy anh Thuận?
– Báo ra rồi, bài của mày ở trang tư. Cả thành phố như phát rồ lên. Hiện nay đám công nhân của công ty A&T đang kéo đến vây tòa soạn đòi kiện cáo ầm ĩ, có cả mấy thằng quá khích nào đó đang gào lên đòi mày ra giải thích, thanh toán gì đó. Anh Nguyên dặn tao nói với mày không tới cơ quan cũng được.
Q.Việt bỏ máy hấp tấp mặc quần áo vào và rồ xe chạy lại cơ quan. Đúng như trưởng ban của anh đã mô tả, từ xa anh đã thấy 1 đám đông công nhân vây quanh trụ sở của tòa báo Sức sống, trên tay người nào cũng cầm 1 tờ báo vung vẩy đầy vẻ phẫn nộ. Có lẽ cô thường trực của báo lần đầu tiên mới gặp tình trạng này nên hết sức sợ hãi trước đám đông đang gào thét kích động.
Tòa soạn báo bên trong đóng cửa im ỉm, 1 vài phóng viên của báo thập thò đầu nhìn ra tò mò. Cũng từ xa 1 số đồng nghiệp báo bạn nghe tin chạy xe lại, ánh đèn chớp nhoáng.
Q.Việt vội điện thoại vào cơ quan, gần như các bàn làm việc đều gác máy, cuối cùng anh chộp được máy của nhà in, và người nhấc máy lại là phóng viên Văn Nhân.
Văn Nhân la to trong máy:
– Anh Việt hả, anh đang ở đâu?
– Tao đang ở gần tòa soạn, trong đó thế nào rồi?
– Ban biên tập đang tiếp đại diện công nhân, anh đừng có xuất hiện lúc này, nguy hiểm lắm.
– Ừ, sao không báo công an?
– Báo rồi
Có tiếng còi xe xa xa như trả lời cho Việt và cả đám đông gào thét khi nghe tiếng xe công an thì nhớn nháo nhìn nhau, im bặt, vài kẻ đã nhanh chân len lén chuồn mất. Thật lạ, Q.Việt lấy làm khó hiểu, khi thấy xe công an lại làm việc thì gần như mất 1 nửa số công nhân biến mất như bốc hơi. Anh mừng rỡ khi gặp phóng viên Đình Quang, cây viết phóng sự điều tra nổi tiếng của 1 tờ báo bạn đang chạy xe đến.
Kéo Đình Quang vào trong quán cà phê, anh hỏi:
– Này ông có thấy gì bất thường không?
– Chúc mừng mày, bài viết đã quá, đánh thì phải như vậy mới bõ. Ông Nguyên Tổng biên tập mày có bản lĩnh thật, chứ cứ như Tổng biên tập tao nghe hơi hướng đâu đó xa xa là rụt lại ngay.
Đình Quang cười hăng hắc, nhe hàm răng ám khói xỉn vàng:
– Còn bất thường hả? mấy thằng gào trước cổng lúc nãy đâu có phải công nhân mẹ gì. Du đãng thì có, công nhân ít lắm. Có khả năng công ty A&T nó thuê người cũng nên, làm vậy là ngu, càng chết lẹ. Tao có chụp ảnh gửi bên công an làm bằng chứng.
Sau khi tiếp đại diện công nhân và công an đến làm việc, đám người quá khích tự tản mác ra về. Q.Việt vào cơ quan thì cũng đã hơn 10 giờ. Anh được mời vào phòng Tổng biên tập và thấy đã có đủ thành viên ban Biên tập đang ngồi chờ. Ông Minh Nguyên đứng lên đọc lá đơn khiếu nại của tập thể công nhân A&T gởi tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền khiếu nại về bài báo của phóng viên Quang Việt, báo Sức sống đã xúc phạm đến công ty và tập thể công nhân.
Q.Việt nhún vai khi nghe, bao giờ cũng vậy người ta luôn thích dùng từ đao to búa lớn như “tập thể công nhân”, “giai cấp công nhân”… trong trường hợp này để hù dọa. Chuyện này với báo Sức sống là bình thường trong những bài viết về chống tiêu cực, tuy nhiên việc công nhân kéo đến hò hét gây áp lực thì quả nhiên là lần đầu. Theo đề nghị của Tổng biên tập, Q.Việt đứng lên trình bày chi tiết việc anh thu thập lấy tin bài khi viết về công ty A&T, mỗi vụ việc anh đều kèm theo những bằng chứng xác thực để chứng minh. Nhìn chung toàn Ban biên tập không ai có ý kiến gì.
Tổng biên tập Minh Nguyên đứng lên kết luận:
– Bài báo của chúng ta trong số này quả nhiên rất gây tiếng vang. Từ sáng đến giờ văn phòng báo cáo tôi là đã nhận hơn 20 cú điện thoại gọi đến khen ngợi – Ông mỉm cười – riêng cá nhân tôi nhận được 5 cú từ máy di động, 3 cú của các vị lãnh đạo hỏi thăm, có gây sức ép, 1 khen ngợi và 1 chửi rủa. Nhưng như tôi đã khẳng định việc làm của chúng ta là đúng, chống tiêu cực thì bao giờ cũng vậy và đối với báo Sức sống đây không phải là lần đầu tiên nên chẳng có gì lạ. Bây giờ thế này, ban Kinh tế, trực tiếp là anh Thuận cùng phối họp với Q.Việt khai thác tiếp hồ sơ của chúng ta đang có để chuẩn bị bài cho số báo ngày thứ Năm, chúng ta phải làm dứt điểm vụ này. Ngoài ra văn phòng sẽ giúp tôi kiểm tra các tài liệu chúng ta hiện có để chuẩn bị sẵn hồ sơ giải trình với các cơ quan quản lý, cũng như lãnh đạo các cấp. Công ty A&T không phải bình thường đâu, nó sẽ “quậy” đấy, ban Chính trị xã hội cử người xác minh xem số công nhân đến thưa kiện hôm nay là những cá nhân nào và có đúng là công ty A&T thuê du đãng không, cần phải trị nó.
Phó Tổng biên tập như muốn nói 1 điều gì đó, nhưng trước khí thế hừng hực của các Trưởng ban nên ông ta đành im lặng, nhưng cọ quậy trên ghế như có vẻ bức rức rất khó chịu.
Mọi người tản mác ra, riêng Việt và trưởng ban của mình ngồi xem xét lại dữ kiện trong bài viết thứ 2 về công ty A&T cho số báo ra ngày thứ Năm.
Tiếng chuông réo như dế kêu, ông Minh Nguyên nhìn số máy lắc mái tóc bạc của mình “bắt đầu phải đi giải trình rồi”. Đang ngồi soạn tài liệu, Q.Việt ngước nhìn ông cám ơn.
Vị lãnh đạo sửa lại nếp nhăn trên cổ áo, dặn dò Phó tổng biên tập ở nhà duyệt nội dung các bài vở, và ông đi, nhưng không nói với ai là đi đâu.
Trời tối mịt, Việt mới chạy xe ra khỏi tòa soạn, bình thường những hôm như thế này anh cũng lạng đi đâu đó làm vài ly lai rai, nhất là những hôm sảng khoái có bài gây sự như thế này. Từ sáng đến giờ bạn bè điện thoại liên tục, nhưng Việt đều lắc đầu từ chối, lý do là Giáng Sương đã về trong chiều nay, anh không muốn nàng mất vui.
Khúc đường quanh vào nhà Việt chẳng hiểu sao mấy hôm nay đường điện bị hỏng, nên cả 1 quãng hẻm tối thui. Việt bực bội căng mắt nhìn ngay ngáy lỡ gặp anh cảnh sát giao thông nào thấy thì chết.
Chát… ối. Đằng sau 1 vật gì đập sượt vào vai việt làm anh chúi người tới và thanh sắt nện đúng thành xe của anh. Chiếc xe loạng choạng, Việt té nhủi ra ngoài. Hai người đàn ông từ trong bóng tối xuất hiện nhảy vào đấm đá túi bụi. Việt ôm đầu chống đỡ. Một gã dùng sức dằng chiếc túi phóng viên của anh, nhưng Việt kéo lại làm miệng túi bật ra, giấy tờ tài liệu rơi tung tóe.
Có tiếng xe và ánh đèn từ xa. Việt la lên “cướp… cướp… cướp”
Hai gã hoảng hồn thụt lùi bỏ chạy khuất vào trong hẻm. Chiếc xe Honda của 1 cặp vợ chồng dừng lại, người phụ nữ đằng sau kêu lên:
– Ủa, ai như chú Việt? Bị sao vậy?
Họ nhảy xuống xe suýt xoa, Việt thở phào nhận ra vợ chồng người hàng xóm. Anh loạng choạng đứng dậy né đau, nhăn nho:
– Tôi gặp cướp
– Cái gì? thời buổi này sao lộng hành như vậy, hẻm mình xưa nay đâu có chuyện gì. Tụi này liều thật – Ông chồng kêu lên và phụ Việt dựng xe còn chị vợ vội vã nhặt những giấy tờ rơi trên mặt đất.
Khi cả 3 chạy xe về đế gần nhà Việt, anh bổng lạnh toát người khi thấy đèn nhà bật sáng trưng, bà con lối xóm bu quanh nhà rất đông và có cả công an phường. Giáng Hương hay thằng Hiên bị gì chăng? Việt suy đoán, có tiếng kêu lên mừng rỡ.
– Thím Việt, chú Việt về rồi nè!
Mọi người dãn ra và ngẩn ngơ khi thấy anh. Việt trông nhàu nát, mặt mày tím bầm. Đáp trả lời câu hỏi mọi người, Việt cười gượng:
– Không có gì, tôi bị cướp ngoài hẻm
Mọi người ồ lên kinh ngạc, lao xao hỏi nhau.
Giáng Sương từ trong nhà chạy ra, cô sững người khi nhìn thấy Việt, miệng lắp bắp:
– Anh, anh bị sao vậy?
– Không có gì, anh gặp cướp ngoài hẻm mà. Nhà mình bị sao vậy?
– Em cũng không biết nữa, em mới về đến nhà thấy cả nhà bị lục tung lên lộn xộn lắm. Hình như trộm vào nhà mình.
– Nè chú thím – bà Tư hàng xóm ghé vào nói – Hồi chiều có 2 thanh niên đi xe đến đây, họ nói là người ở trạm Điện lực đi kiểm tra đồng hồ điện. Tôi nói nhà đi làm hết, nhưng họ nói là có báo cho chú Việt biết rồi và chú đồng ý cho họ vào trong nhà kiểm tra. Họ lục cục gì trong đó lâu lắm, tôi cũng nghi nên ngồi ngoài này coi chừng, nếu họ có bưng bê cái gì ra thì cản. Nhưng không, họ ra cũng chỉ 2 người và cái túi đeo bên người. Đến lúc thím Việt về la hoảng thì tôi mới biết là trộm.
Mấy anh công an khu vực đang làm nhiệm vụ gật đầu chào Việt và họ cũng lập luôn biên bản về vụ cướp ngoài hẻm với anh. Hai vợ chồng anh đi vào trong nhà,
G.Sương cầm khăn bông áp nhẹ lên vết thương trên mặt và băng bó cho anh, miệng cô rên rỉ dau xót.
Quang Việt đứng im rất lâu trước phòng làm việc của riêng anh, tất cả như đảo lộn, giấy tờ vứt tung tóe, các dĩa mềm vi tính đều mất sạch, 1 số giấy tờ khác cũng bị lấy đi. Nhà vợ chồng anh không mất bất cứ đồ đạc quí giá gì, Việt hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra nhưng anh không muốn giải thích cho G.Sương biết vì sợ cô thêm lo. Anh thầm khâm phục ông Minh Nguyên, khi ông đột nhiên yêu cầu anh giao lại cho ông toàn bộ hồ sơ giấy tờ có liên quan đến vụ công ty A&T. Ông đã linh cảm thấy điều gì, nếu như để anh giữ tại nhà thì có lẽ đã bị mất sạch qua vụ trộm lạ lùng này.
Ông Minh Nguyên đến ngay tức khắc sau khi nghe Việt điện thoại báo cho biết. Hai chú cháu kéo nhau ra ngoài sân ngồi uống trà. Tổng biên tập của Việt có vẻ rất yếu, khuôn mặt của ông ta tái nhợt và khi nghe Việt hỏi, ông ta đưa tay chặn ngực thở dài.
– Không hiểu sao vết thương trong ngực chú mấy hôm nay tái lại, nó hành chú quá. Cái vết này hồi chú đang làm ở ban Tuyên huấn Trung ương cục ở R bị trúng miểng bom, tưởng chết, chữa trị mấy tháng liền mới lại, nhưng từ đó cũng yếu hẳn. Sau giải phóng, mấy bạn chú nói nên mổ lại, nhưng chú cứ lần lựa chuyện này chuyện khác. Nay nó lại tái, không hiểu sao.
Ông hỏi Việt:
– Chuyện này G.Sương nó có biết không?
– Không chú ạ, cháu không muốn cho cô ấy biết, chỉ thêm lo chứ ích gì – Anh cười nhạt – Đã viết chống tiêu cực thì chuyện này chú còn lạ gì nữa, nó có khác gì cái hồi cháu làm điều tra băng buôn lậu ở Vũng Tàu hay cái vụ Cần Thơ.
– Nhưng cháu cũng đừng ỷ lại quá, cũng cần phải cẩn thận. Mai cháu cứ nghĩ ở nhà đi, bài viết cho số thứ Năm về công ty A&T, Thuận nó đã trình chú rồi, tốt lắm. Sau bài báo ra thứ Năm, ta chờ phản ứng như thế nào rồi cho đi bài cuối cùng vào số báo thứ Bảt. Còn chuyện của cháu, để tòa soạn làm cái đơn gởI công an thành phố báo cáo và nhờ họ giúp đỡ.
– Cháu có thằng bạn thân làm phó phòng hình sự bên đấy, có gì cháu điện thoại cho nó được mà. Nhưng chú này, cháu hỏi thật, có nhiều sức ép về vụ này lắm không?
– Chuyện đấy để chú lo – Ông Minh Nguyên cười – bản lĩnh của anh Tổng biên tập chính là lúc này đây. Chống tiêu cực bao giờ cũng phức tạp. Nhưng đây là nhiệm vụ và là mệnh lệnh của Đảng, của nhân dân đặt ra cho chúng ta. Không thể bẻ cong ngòi bút hay run sợ được. Tất nhiên có thể cấp trên chưa rõ thì chúng ta có trách nhiệm giải trình, bình thường thôi cháu ạ. Nhìn khuôn mặt bình thản của ông Minh Nguyên, Việt thấy dấy lên trong lòng mình 1 sự yêu quý, kính mến. Anh biết là ông nói vậy để anh an tâm chứ rõ ràng ông phải chịu đựng rất nhiều sức ép từ nhiều phía về vụ này, đặc biệt là cơ quan chủ quản của báo Sức sống. Quá trình lấy tư liệu anh đã hình dung được sự khó khăn như thế nào khi đăng bài này, bởi công ty A&T cũng như cá nhân D.K.Châu có những mối quan hệ lắt léo như những vòi bạch tuột bám vào các cơ quan công quyền Nhà nước. Cũng đã bao nhiêu báo có bài rồi nhưng đều không ăn thua, nay Sức sống có bài lên tiếng vào lúc nó đang được ca ngợi làm ăn thành công thì quả là nguy hiểm, nhất định công ty A&T sẽ phản đòn và người hứng chịu đầu tiên sẽ là Tổng biên tập báo, ông Minh Nguyên.
*****
Cũng biết sự phản ứng của tôi nhưng Phân viện trưởng vẫn phớt lờ đi, vì tình cảm của chúng tôi đã chuyểng sang sắc thái chú cháu, ông vẫn dúi vào tay tôi tờ quyết định nhận cán bộ do mình ký, nói:
– Đây là bộ đội xuất ngũ về, đã tốt nghiệp đại học Bách khoa, học tại chức ban đêm. Thôi cũng là diện chính sách, cháu nên nâng đỡ anh ta.
Diện chính sách? Học tại chức? Tôi nghe ngao ngán trong lòng. Không nói 1 lời, liếc sơ qua tờ quyết định, 1 cái tên Hải nào đó chẳng gợi cho tôi 1 ý niệm gì.
Tôi lẳng lặng rút lui.
Bà trưởng phòng tổ chức hành chính dẫn người cán bộ mới đến phòng tôi làm việc để trình diện. Lúc này tôi đang là quyền trưởng phòng, bình thường các công việc không liên quan đến chuyên môn, tôi hay giao cho cô phó phòng trực tiếp làm, nhưng hôm nay cô ấy nghỉ bệnh nên buộc tôi phải làm công việc đáng chán này, đó là phải tiếp người mới.
Anh ta bước vào và 2 chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Một thanh niên đen, chắc, dáng người xương xương, cao dong dỏng, có tướng người khắc khổ, anh ta lúng túng trong bộ quần áo là thẳng nếp còn nguyên vệt phấn may trên người, đứng trước mặt tôi. Đang mải suy nghĩ về tập tài liệu trên tay, nên tôi chỉ hờ hững mời anh ta ngồi chiếu lệ. Chợt:
– Bàng, mày không nhận ra tao à?
Như 1 cơn lốc, Hải ào tới ôm chầm lấy 2 vai tôi vỗ bồm bộp rồi lắc mạnh làm tôi chao người suýt ngã.
– Trời, bao nhiêu năm rồi nhỉ? Hơn 20 năm rồi đấy, tao đâu có nghĩ 1 ngày sẽ gặp mày ở đây.
Nó nói ào ào như sợ ai cướp lời rồi lại cười ha hả rất vô tư. Thú thật lúc đó tôi vẫn chưa nghĩ ra anh ta là ai, cũng nhiều năm rồi không gặp nhau từ khi tôi về Hà Nội rồi đi nước ngoài học, vào Nam công tác. Thỉnh thoảng cũng có lúc nhớ thằng bạn nghèo năm xưa, nhưng cũng chỉ thoáng qua và quên mất. Thật bất ngờ, tôi ngờ ngợ nhìn nó rồi cười cười như xin lỗi vì không nhận ra nó là ai.
– Mày thật tệ, từng ấy năm mày đi những đâu mà không thư từ gì cho tao biết, mặc dù năm nào tao cũng viết vài lá thư cho mày. Tại sao mày không trả lời?
– À… ừ… tôi… tôi… Tôi lúng túng
– Thôi khỏi phải nói, gặp nhau là tốt rồi. Tao được về viện này công tác – Nó khoe với tôi, khuôn mặt sáng bừng sung sướng – Vậy mày làm gì ở đây?
– Thạc sĩ Phạm Hồng Bàng, trưởng phòng 3 của Phân viện chúng ta và là thủ trưởng trực tiếp của anh.
Suốt nãy giờ bà trưởng phòng tổ chức nhìn Hải với vẻ khó chịu ra mặt, vẻ ồn ào của nó làm bà ta không thích, nên khi nó vừa hỏi là lập tức dội cho 1 gáo nước lạnh ngay. Quả vậy, Hải câm bặt, đờ người ra nhìn tôi với vẻ hốt hoảng. Đến bây giờ nó mới nhận ra sự quá lố “mày, tao” của mình. Bà trưởng phòng mỉm cười đắc thắng đầy khoái trá. Nhìn Hải sượng sùng cúi đầu, vai thõng xuống và 2 tay vê vê tà áo của mình, tôi thấy thật tội nghiệp, và tôi nhẹ nhàng bước tới kéo nó ngồi xuống ghế.
– Cám ơn chị Thư, thôi chị cứ để anh Hải ở đây với tôi được rồi.
Chỉ còn 2 người trong phòng làm việc riêng của tôi, tôi nhìn thằng bạn năm xưa cọ quậy trên ghế 1 cách khổ sở, bất chợt phá lên cười to.
Nó lắp bắp:
– Thưa đồng chí trưởng phòng, xin tha lỗi, tôi không cố ý.
Nó càng tỏ vẻ nghiêm chỉnh, đứng đắn bao nhiêu thì trông càng lố bịch và tức cười bấy nhiêu. Tôi không nhịn được, ôm bụng cười lăn trên ghế. Giá như lúc này có nhân viên nào vào phòng làm việc của tôi chắc sẽ ngẩn người, họ không thể ngờ được vị trưởng phòng vốn nổi tiếng nghiêm khắc như tôi lại có lúc như thế này.
Hải nhe răng cười ngờ ngệch phụ họa. Rồi thấy tôi cứ cười mãi, nó phát cáu và quát lên với tôi:
– Này tôi nhận lỗi rồi, mày…a…a.. xin lỗi, đồng chí làm gì mà cười lắm thế?
Trời, nhìn cái khuôn mặt của nó và cách nó nói làm cho tôi thêm cười nôn ruột. Hải vặn vẹo người trên ghế rồi đột nhiên nó cũng bật cười theo tôi, cười rất to, cả 2 đứa ôm nhau cười lăn lộn trên thảm nhà.
May mà phòng máy lạnh không ai biết, nếu không chắc có người cho chúng tôi là bị bệnh thần kinh.
Đêm đó 2 đứa chúng tôi uống say bí tỉ. Cuộc đời của Hải dần dần hiện ra trước mắt tôi như 1 bức tranh ảm đạm. Sau khi tôi về Hà Nội, ở quê những năm ấy rất đói, chính sách kinh tế kém, lũ lụt liên miên, ruộng đồng xơ xác, HTX nông nghiệp phải giải tán, mọi người tha phương cầu thực và gia đình Hải phải chia làm 2 gánh ly tán. Cứ như trong truyện cổ Lạc Long Quân, 1 đàn theo cha lên mạn ngược làm thuê và mấy đứa con gái nhỏ theo mẹ xuống chợ để buôn bán. “Đói, khổ quá. Vừa đủ lớn là tao đã khai gian tuổi để vào bộ đội với mục đích trốn cái đói nghèo. Hết biên giới phía Bắc năm 1979, thì lại sang chiến trường Căm pu chia đến tận năm 1989 thì rút quân về, cũng may thần chết luôn chưa tao ra. Tao xin ra với quân hàm Đại úy và 2 bàn tay trắng. Dành dụm được ít tiền về quê cho ông bà già là tao vừa sạch túi. Không nghề ngổng, có mỗi cái sức khỏa tao biết làm gì? Sống mãi trong môi trường Quân đội đến khi về với đời thường tao như 1 kẻ lạc loài. Tao bỏ nhà lên Hà Nội sung vào đám quân cửu vạn ở bến tàu, làm bất cứ việc gì để kiếm sống, rồi cũng ngo ngoe kiếm vài chữ. Tốt nghiệp đại học bách khoa đối với tao là cả 1 sự cố gắng phi thường, nhưng tao chợt nhận ra rằng có mảnh bằng đại học nhưng xin việc cũng không phải là dễ. Lại thất nghiệp nữa, nghe mấy thằng bạn rủ rê, tao chuồn vào Sài Gòn. Gần 1 năm nay làm bảo vệ ở công ty Thiên Phong, sản xuất đồ nhôm, đầu năm công ty này bị thua lỗ phải phá sản và thế là tao lại thất nghiệp nữa. May quá có người giới thiệu tao đến xin việc ở viện nà, tao sợ lắm, kiến thức của tao cũng như mảnh vải rách, vào 1 viện nghiên cứu làm được gì. Nhưng đói thì phải liều, cũng có tốn kém chút ít nhưng vào được đây, lại được phân về chỗ mày. Thôi là bạn bè, có gì mày giúp tao”.
Cuộc đời tôi lúc lạ lùng như vậy đấy. Ông Phân viện trưởng nâng đỡ tôi vì cái nghĩa của ông nội tôi, còn tôi trở thành người nâng đỡ Hải chỉ vì nó là bạn tôi. Nếu cuộc đời này người ta cứ nâng đỡ nhau như vậy thì xã hội này sẽ ra sao?