Một Thế Giới Không Có Đàn Bà - Chương 4
CHƯƠNG 4 –
Do vị trí của gia đình nạn nhân Phạm Hồng Bàng là 1 gia đình cán bộ cao cấp, nên Thiếu tá Nguyễn Lân quyết định mình sẽ trực tiếp làm việc với mẹ của anh ta. Thiếu tá được biết bà và người con trai mới bay từ Hà Nội vào dự đám tang chiều nay.
Anh cùng với Trung cũng xuống đưa tang.
Không khí buồn bã và im lặng.
Mùi hương trầm nồng nặc, ánh nến chập chờn và trong ảnh, thạc sĩ Bàng mở to đôi mắt sau cặp kính trắng như đang chăm chú nhìn mọi người, xem có đến đông đủ hay không.
Các thủ tục nối tiếp nhau như trong 1 cuốn phim đang quay chầm chậm. Phân viện trưởng lên đọc bài điếu văn, có lẽ ông ta buồn thật lòng, nên giọng đọc đôi chỗ nghẹn ngào, đứt quãng. Đôi lúc ông lại lấy khăn tay ra hỉ mũi sụt sùi.
Chỉ có người khóc to và vật vã, đau đớn nhất chính là người phụ nữ vợ chưa cưới của thạc sĩ Bàng, cô lăn lộn rũ rượi bên quan tài của anh, miệng lảm nhảm kêu tên anh trong tiếng khóc khan cả giọng. Một thằng bé 4 tuổi, đầu quấn khăn tang trắng, đôi mắt tròn xoe ngây thơ, cặp má bầu bĩnh, nó nhơ ngác nhìn mọi người, rồi tiếp tục cúi đầu chơi với con chó nhựa. Đấy là con nuôi của anh ta. Nó còn quá nhỏ để biết đến đau khổ.
Thiếu úy Trung quan sát những người xung quanh. Phần lớn là số cán bộ công nhân viên của phân viện nghiên cứu đến chia buồn. Nhìn họ, Trung có thể đánh giá được mối quan hệ công tác và đời sống cá nhân của thạc sĩ Bàng trong thời gian công tác ở viện. Trừ vài người phụ nữ sụt sùi nhè nhẹ vì cảm động, còn lại hầu hết những khuôn mặt trơ ra không phản ứng gì. Có lẽ họ đến đây rất miễn cưỡng, vì lễ nghi là chính, không ai lộ vẻ đau buồn, dù trong diễn văn của ông phân viện trưởng đang đọc có nhấn mạnh đến “nổi tổn thất và đau buồn sâu sắc… ” Vài người đàn ông còn ghé tai nhau thì thầm to nhỏ. Có thể thạc sĩ Bàng có mối quan hệ với đồng sự không tốt lắm trong công việc ở cơ quan.
Mẹ của Bàng, 1 người đàn bà đẹp dù đã lớn tuổi. Vẻ quyền thế của bà lộ rõ qua thế đứng thẳng trịnh trọng và khuôn mặt lạnh lùng, cứng đơ, không cảm xúc, có cảm giác bà đến dự 1 buổI tiệc ngoại giao hơn là trong đám ma của con trai mình. Một thanh niên trẻ có khuôn mặt lấc cấc, lơ láo nhìn xung quanh và luôn tỏ vẻ sốt ruột qua việc dậm chân liên tục, nếu không có cái lừ mắt của bà mẹ có lẽ anh ta đã nhảy cẫng lên rồi. Đấy là em trai Bàng, 2 người họ vừa bay từ Hà Nội vào sáng nay.
Xe tang lặng lẽ đi và cô vợ chưa cưới của Bàng đã ngất xỉu phải đư a đi cấp cứu. Đoàn người gọi nhau í ới để leo lên xe.
Đài hỏa thiêu Thủ Đức khói bốc cao cuồn cuộn. Trong nhà chờ, mấy cỗ quan tài nghi ngút hương đang được sắp xếp chờ đến lượt. Nhưng đã có sự thương lượng từ trước, nên xe tang của thạc sĩ Bàng vừa đến là được ưu tiên vào ngay.
Có tiếng phản đối của thân nhân vài nơi đến trước, và Phân viện nghiên cứu đã phải cử cán bộ đến dàn xếp cho xong. Thật nực cười, khi đang sống có mấy ai nghĩ rằng có 1 ngày mình sẽ phải tranh giành nhau để được hỏa thiêu trước hay không?
Phân viện trưởng trịnh trọng cầm bó đuốc đến trước mẹ Bàng và đưa cho bà để châm lửa đốt vào ô lò thiêu.
Bà mẹ thảng thốt, thẩn thờ khi nhìn cây đuốc cháy khét lẹt trước mặt mình. Cánh tay bà cầm đuốc run lẩy bẩy mất mấy giây, đến bây giờ mọi người mới thấy sự xúc động hiện rõ trên khuôn mặt.
Không khóc, khuôn mặt bà đanh lại, khó ai biết lúc này bà đang thực sự nghĩ gì. Bà đang lầm bầm gì đó khá lâu rồi đột ngột quay lại đưa cây đuốc cho em trai Bàng. Nó cầm bó đuốc trong vẻ mặt ngênh ngênh, vênh váo, hớn hở khó hiểu và hùng hục đi tới dúi cây lửa vào trong lò thiêu. Có vài tiếng rú khe khẽ của mấy người phụ nữ cùng cơ quan với Bàng.
Lửa bắt đầu cháy rừng rực, bốc cao trong cuộn khói mịt mù, khét lèn lẹt.Có trong gió phảng phất mùi thịt cháy.
Ông Phân hiệu trưởng đứng thẫn thờ 1 mình nhìn cuộn khói, trong khi mọi người đã tản ra xung quanh, mái tóc bạc lơ thơ trên đầu ông rung rinh. Cuộc đời là vậy chăng? tranh đấu, giành giật, đấu đá, thủ đoạn… tất cả sẽ là gì dưới ngọn lửa vô tình đang réo lên rần rật ở đây. Tất cả sẽ trở thành vô nghĩa, khi 1 mai này tất cả bất cứ ai cũng phải đứng đối diện với cái chết. Vô nghĩa, ông nghẹn ngào gục đầu khóc không thành tiếng “Bàng ơi, chú đâu có ngờ, tại sao vậy hả cháu? Cháu còn hứa sẽ cùng đi với chú 1 chuyến công tác nữa cơ mà!”
Thiếu tá Nguyễn Lân bước lại bên mẹ của Bàng, anh tự giới thiệu mình, ngỏ lời chia buồn với bà và đề nghị bà có thể thu xếp cho anh được gặp mặt vào sáng mai vì anh biết trưa mai bà sẽ về Hà Nội.
Người đàn bà ngẩng mặt nhìn Lân bằng đôi mắt sắc lẻm và gật đầu. Bà ta uể oải bỏ ra xe du lịch về thành phố sau khi nói với Phân viện trưởng về hộp tro của Bàng hãy giao cho vợ chưa cưới của anh ta.
Tiếp Thiếu tá Nguyễn Lân trong phòng khách của 1 khách sạn sang trọng nhất nhì thành phố, mẹ Bàng, tha thướt trong bộ đồ xanh da trời, uyển chuyển từng bước từ trên lầu đi xuống. Trông bà ta rạng rỡ như đang đi dự đám cưới hơn là đang đến trình báo với cơ quan chức năng về cái chết của con trai mình.
Nguyễn Lân nói Trung ghi biên bản, còn anh sẽ nói chuyện với bà ta.
– Thưa Thiếu tá, chúng ta bắt đầu nói chuyện chứ? Tôi không có nhiều thời gian lắm, sau buổi nói chuyện này tôi bay ra Hà Nội ngay. Ông nhà có 1 vài cuộc họp quan trọng cần có tôi.
Một vẻ kiêu kỳ nếu không muốn nói là kiêu ngạo. Bà ta khiêu khích ngầm Nguyễn Lân dưới vẻ duyên dáng giả tạo của 1 con công già cố khoe mã, nhưng hết sắc nên đành phô bày quyền lực bằng những điệu bộ quan cách của mình.
Thiếu úy Trung ấm ức ra mặt, thế nhưng Nguyễn Lân vẫm mỉm cười và ngỏ ý cám ơn bà ta đã giành cho anh 1 ít thời gian quí báu. Chẳng biết Nguyễn Lân sợ gia thế của bà ta hay vì công việc.
– Vâng, xin được cám ơn bà. Chúng tôi chỉ đề nghị bà cho biết thêm 1 số thông tin về đời tư của anh Bàng.
– Ừ… Bà ta chớp mắt, hơi lúng túng – Bàng là 1 đứa con ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi. Bàng làm việc ở cơ quan được mọi người kính nể vì là 1 cán bộ đàng hoàng, đứng đắn, có năng lực…
Có vẻ như bà ta đang đọc lại diễn văn của vị Phân viện trưởng trong đám tang, Nguyễn Lân im lặng lắng nghe và cảm tưởng hình như bà ta chẳng biết gì đến sinh hoạt đời tư của thạc sĩ Bàng cả. Ngay từ khi dự đám tang, nhìn thái độ của 2 mẹ con bà ta, anh đã thấy mối quan hệ ruột thịt này không được tốt đẹp mấy. Nay thái độ lúng túng của bà càng khẳng định thêm nhận định của anh.
Thiếu úy Trung cắm cúi ghi và chán trong lòng, thấy thương cho nạn nhân Bàng có 1 bà mẹ như vậy.
Bà chớp mắt và hơi ngượng ngùng vì chính bà ta cũng nhận thấy sự sáo rỗng trong lời của mình.
– Thưa, bà có thấy thời gian gần đây Bàng có biểu hiện gì bất thường không?
– Bất thường… không, tôi không hiểu – Bà ta có vẻ bối rối khi nghe Nguyễn Lân hỏi và ấp úng – không, tôi nghĩ, Bàng nó bình thường, không có gì đâu, bình thường, không có gì.
Thái độ của bà ta cho thấy bà đang che dấu 1 điều gì đó, tất nhiên đôi mắt tinh tường của Lân thấy rõ, nhưng anh tảng lờ như không thấy gì và kiên nhẫn hỏi lại lần nữa.
– Điều chúng tôi muốn hỏi ở bà là ví dụ Bàng có nói cho bà biết về chuyện yêu đương của mình chẳng hạn, xích mích bạn bè, vay mượn tiền bạc, thù oán cá nhân….?
– Ra vậy – Bà ta lẩm bẩm, và thú thật – tuy mang tiếng là 2 mẹ con, nhưng chúng tôi ít ở gần nhau, và có thể nói là… Bà nhấn mạnh – chúng tôi không hợp nhau, cho nên những điều các anh hỏi tôi không thể trả lời được vì khi còn sống, chẳng khi nào Bàng nói với chúng tôi biết cả.
Buổi nói chuyện kết thúc nhanh hơn dự định và bà mẹ của thạc sĩ Bàng không cung cấp được những thông tin gì cần thiết phục vụ cho công tác điều tra.
Đi ra cửa thiếu úy Trung lẩm bẩm “chưa bao giờ có 1 người mẹ nào lại như bà này”, Lân phì cười vỗ vai Trung “Em phải kiên nhẫn, công việc là trên hết, dù có khó khăn hơn chúng ta vẫn phải làm. Thái độ lúc nãy của em đối với bà ta chưa hay lắm đâu, nên nhớ hã y vì công việc, rõ chưa?”, Trung đỏ mặt khi nghe lãnh đạo quở và lí nhí “Dạ rõ”, “Anh biết là em bất mãn với kiểu làm việc của bà ta, nhưng biết làm sao được, đấy là 1 thói quen cố hữu của quý bà, quý cô có quyền lực, nhưng anh không hề quan tâm đến. Điều duy nhất anh băn khoăn là rõ ràng bà ta còn đang dấu ` sự thật nào đó về thạc sĩ Bàng mà không muốn nói ra cho chúng ta biết. Vậy thì cái gì? Danh dự gia đình hay vì sợ hãi?… Rất tiếc bà ta đã phải bay đi Hà Nội rồi và trong 1 gia đình cán bộ cao cấp như thế này, rất khó cho chúng ta tiếp cận nếu như họ không muốn.
Cả hai không biết rằng, người đàn bà mẹ Bàng đang đứng trên lầu vén màn nhìn 2 người. Bà ta mím chặt môi vẽ ngang mặt như 1 sợi chỉ, vẻ căm tức hiện rõ trên khuôn mặt. Một sự xúc phạm chăng?
* * * * * * * * * * * *
Giọng nói du dương êm ái của Giáng Sương vang lên trong điện thoại cho biết, sau chuyến lưu diễn ở miền Trung về, lần này Đoàn sẽ về thành phố ở hơn 1 tuần nghỉ xả hơi và tập tuồng mới. Thế nhưng đối với nàng thì không cần nữa, vì vở tuồng sắp tới mà nàng sẽ tập suốt đời là được làm vợ. Quang Việt hôn gió trên điện thoại, âu yếm “Em có khỏe không?”. Tiêng cô cười khanh khách nghe như tiếng khánh bạc reo “khỏe, và nhớ anh”. “Anh yêu em”.
Dừng tay khỏi bàn phím vi tính, Quang Việt nhìn mơ màng ra bầu trời đầy sao, trong lòng phơi phới. Tình yêu có những kỷ niệm riêng khó nói. Tính đủ tuổi theo các cụ thì năm nay Quang Việt vừa tròn 43 tuổi. Cách đây mấy năm, mẹ anh còn nhắc nhở, thúc giục, nhưng đến nay bà không còn nhắc nữa vì quá chán nản. Cũng may tuy là con trai cả nhưng Việt có đến 3 cậu em trai và đều yên bề gia thất, sản sinh cho họ Nguyễn con cháu đầy đàn.
Lăn lộn theo đuổi nghề nghiệp, đôi lúc Quang Việt quên hẳn chuyện vợ con. Cũng có vài cuộc tình thoáng qua, nhưng đều vội vã, chớp nhoáng và chia tay nhanh chóng, không cho anh 1 dư âm luyến tiếc. Những năm trước, dưới ánh mắt van xin đòi hỏi của mẹ, cũng có lần Quang Việt tặc lưỡi, nhưng rồi anh tự hiểu hôn nhân không thể cưỡng ép được. Đôi lúc Việt tự hỏi tại sao mọi người quan trọng hóa việc hôn nhân của anh đến như vậy, tại sao không để cho anh yên. Hình như vì lòng quý mến hay là bổn phận và trách nhiệm, anh không rõ nữa, nhưng hầu như ai gặp anh là đều nhắc đến đến chuyện vợ con của anh. Họ chờ đón tin anh sẽ lấy vợ như chờ giải xố số độc đắc sẽ xổ chiều nay để vỗ tay vui mừng. Họ hồn nhiên làm anh khổ tâm, anh anh lúng túng vì như thấy mình đang mắc nợ mọi người. Nhiều lúc anh chỉ muốn quát to, hãy để cho tôi yên, nhưng rồi nhìn vẻ ân cần thực tâm của mọi người thì anh đành nín thinh. Ở Việt Nam, trong con mắt của mọi người, người đàn ông đàng hoàng tức phải là 1 người đã có vợ đẹp, con ngoan, gia đình êm ấm hạnh phúc. Đấy là tiêu chuẩn để đánh giá 1 người đàn ông. Thực ra, nhiều lúc ngồi 1 mình, Quang Việt cũng thấy dấy lên trong lòng ước muốn thèm có gia đình, nhưng đáng tiếc, đùa vui thì có, hình bóng những người đàn bà đã từng đi qua đời anh đều như gió thoảng, họ chẳng tạo cho anh 1 ấn tượng thương nhớ nào. Phải chăng anh quá kén chọn hay có vấn đề về tâm sinh lý, nhiều lúc anh bật cười lẩn thẩn tự hỏi mình như vậy.
Nhưng đấy là chuyện trước kia.
Quang Việt gặp nàng trong 1 dịp tình cờ khi anh nhận lời đi phỏng vấn 1 diễn viên cải lương khá nổi tiếng để kịp có bài gởi ra Bắc cho báo Sân khấu kỷ niệm số 100, do bạn anh làm Phó Tổng biên tập.
Nể bạn bè là chính, lĩnh vực sân khấu, Quang Việt không chuyên.
Một buổi sáng không hẹn trước, bất ngờ Quang Việt đột kích đến nơi ở tạm của đoàn cải lương Sao Mai.
Giáng Sương tiếp anh trong 1 căn phònh nhỏ của đoàn trên lầu 3, trong phòng bề bộn những quần áo, xiêm y, mũ mão vua chúa, vứt lung tung. Cô bất ngờ khi nghe anh giới thiệu mịuc đích của mình và lúng túng tìm chỗ để mời anh ngồi. Quang Việt không thể không tò mò ngắm nhìn cô diễn viên cải lương khá nổi tiếng này.
Cô đào thương nổi tiếng trên sân khấu, làm rơi lệ biết bao người qua những vai diễn của mình, nay không son phấn, hiện ra trước mắt Quang Việt 1 vẻ tàn tạ, mệt mỏi của 1 người đàn bà đang có dấu hiệu xế bóng về chiều. Tuổi, Việt đoán cô ta không thể dưới 30. Giáng Sương xin lỗi anh và vội vã bước vào phòng trong thay đổi quần áo. Thật đáng ngạc nhiên, chỉ sau 10 phút, như trên sân khấu, cô hiện ra trước mặt anh 1 con người hoàn toàn khác. Gọn ghẽ, tươi tắn, mỹ lệ, anh bị bất ngờ. Quang Việt lắc đầu thán phục, đúng là sân khấu có khác, thoắt đó đã thay đổi nhanh chóng đến không ngờ. Đâu giả, đâu thật, ai biết được. Sau này có lần nghe anh than vãn như vậy, Giáng Sương cười hinh hích. Giả với mọi người, nhưng thật với anh.
Sau buổi làm việc đó, bài viết của Quang Việt khá thành công và tạo thêm tiếng vang cho Giáng Sương, mặc dù hiện cô không còn là đào chính của đoàn nữa. Khi báo ra, Quang Việt cũng không để ý vì còn đang mải mê công việc khác, anh chỉ biết khi có điện thoại cám ơn của Giáng Sương, và cô muốn mời anh đi ăn cơm.
Họ ăn ở quán Thanh Thanh nằm trên đường Nguyễn thị Xinh. Quán nhỏ, yên tĩnh và ấm cúng. Trước sự ngạc nhiên của Quang Việt, chủ quán gặp Giáng Sương đã ôm chầm lấy cô tíu tít. Qua câu chuyện của họ, Việt hiểu rằng 2 người trước kia cùng đoàn, nay 1 người lớn tuổi rút lui mở quán này.
– Đời người nghệ sĩ như 1 con tằm rút ruột nhả tơ làm kén vậy anh. Khi hết tơ, lấy kén thì con tằm coi như cũng bỏ đi. Nghệ sĩ chúng em là vậy, trên sâu khấu, dưới ánh đèn màu ai cũng lộng lẫy cao sang, chứ có ai biết trong đời thường cũng tơi tả lắm. Mấy ai cũng được như Bạch Tuyết, Thanh Nga, Ngọc Giàu…
Giọng cô dịu nhẹ trầm bỗng khiến Quang Việt tự hỏi không hiểu có phải cô ta đang nhập vai hay không?
Qua buổi trò chuyện, Quang Việt phát hiện Giáng Sương là 1 con người nói chuyện rất thú vị, có duyên. Năm cô 11 tuổi, cô đã có những lần bỏ bê bế em để lén ra sân đình say sưa khóc cười với các nhân vật trên sân khấu mỗi khi có đoàn về, chấp nhận cho má đánh đòn. Đến năm 15 tuổi, đã từng lén trốn theo đoàn hát nhưng sau đó ông bầu trả về vì nghe nói gia đình cô đòi làm đơn thưa về tội quyến rũ trẻ vị thành niên. Năm 17 tuổI, gia đình ép lấy chồng và sau khi sinh đứa con đầu lòng thì cô phải bế con trốn về bên nhà mình, chồng cô là 1 gã nát rượu và rất vũ phu. Ở với chồng chưa đầy 1 năm mà cô bị đòn còn nhiều hơn ăn cơm. Giao con cho má, Nguyễn thị Lành bỏ lên Sài Gòn và xin vào đoàn Thần Chung với công việc phục vụ, tạp dịch. Đêm đêm cô vẫn lén nhìn các diễn viên diễn trên sân khấu và nhấp miệng hát theo cho đúng nhịp. Cho đến 1 ngày kia, nhân lúc ông bầu đi kiểm tra, cô đã giả bộ ngân nga vài câu 1 cách vô tình và quả nhiên ông ta chú ý. Sau đó ông bầu đồng ý thu nhận cô chính thức vào gánh hát của mình với số tiền rẻ mạt, nhưng cô không cần, vì đối với cô được hát là tốt rồi. Giáng Sương, cái tên mới có từ đó.
– Cuộc đời em từ đó cứ trôi lênh đênh quanh năm suốt tháng. Có 1 thời em nổi tiếng lắm, hát ở đâu mà bảng hiệu có tên Giáng Sương là ông bầu cầm chắc doanh thu – Cô buồn rầu chống đũa, thở dài – Quay cuồng trong ánh đèn màu, em sống lang chạ với vài ba gã đàn ông khác, nhưng chỉ có tiền chứ không có tình. Chúng nó đến với em vì chủ yếu em đang nổi tiếng, trẻ, có tiền. Mà cũng may chẳng để lại đứa con nào. Ngoại trừ dành dụm được chút ít gởi về quê cho má em và thằng nhỏ, còn bao nhiêu tiêu xài hết. Bài bạc, ăn nhậu xả láng… cho nên đến gần 40 tuổI mà em vẫn là kẻ trắng tay. Được như chị chủ quán đây lại hay, bả hát trước em và tàn nhanh hơn em, nhưng cũng nhờ vậy mà rút lẹ ra khỏi sân khấu, nên còn một chút ít để làm cái quán này.
Quang Việt nhìn người phụ nữ trước mặt mình khâm phục. Cô ta dũng cảm nói thật với anh về những quanh co trong đời mình không chút giấu giếm. Đây là 1 điều tối kỵ đối với những nghệ sĩ khác, vì vậy anh cảm thấy mến cô.
– Giờ sân khấu cải lương đang hấp hối, nghệ sĩ chạy loăng quoăng khiếm tiền bằng nhiều cách như hát tân nhạc, tấu hài, hoặc làm quảng cáo… làm trăm thứ nghề không tên để kiếm sống. Ai tâm huyết với nghề đều đau lòng nhưng đành chịu, có lẽ là vào lúc nghề này đang mạt. Còn em giờ già rồi, sắc xuống, thanh xuống nên chấp nhận làm đào nhi va chuyên đóng vai mụ, cũng chỉ đi diễn ở tỉnh thôi chứ thành phố làm sao mà tranh nổi với mấy đứa nhỏ đang nổi lên.
Những giọt nước mắt chầm chậm lăn trên gò má Giáng Sương.
– Đáng lẽ rồi cuộc đời em cứ trôi đi và tàn tạ theo năm tháng nếu như không có 1 sự kiện xảy ra trong đời. Cách đây mấy năm, một hôm có 1 thiếu niên đến xin gặp em. Nó đường đột vào phòng em mà không xin phép rồi vòng tay thưa má. Em ngớ người, cả chục năm nay em không về quê nên cũng chẳng rõ con trai mình thế nào, nên khi nghe con gọi mình, em xúc động muốn khóc. Nó cho biết má em mất rồi, điện báo thì biết em đang ở tuốt ngoài Bắc. Nay nó lên tìm em để báo tin. Em hỏi thế sau này con đi đâu, nó nói thì về quê làm ruộng. Em không đồng ý và giữ con ở lại để muốn chuộc lỗi lầm bỏ bê con mười mấy năm qua. Em xin cho nó vào trường công nhân kỹ thuật Cao Thắng, năm nay ra trường. Nó ngoan lắm, có lẽ Tổ thương, sợ em về cuối đời sẽ khổ nên ban cho em đứa con vậy chăng?
Khuôn mặt người mẹ sáng bừng nụ cười hạnh phúc, nhìn nàng Quang Việt thấy vui lây.
Từ đó, sau mỗi chuyến đi tỉnh diễn về, Giáng Sương đều báo tin cho Quang Việt lại ghé thăm. Nếu trước kia bạn bè hay ai đó nói anh rồi sẽ yêu và sống với 1 diễn viên cải lương thì Quang Việt sẽ chết ngất vì cười, nhưng nay chắc không dám. Nhẹ nhàng, thoang thoảng và len lén, nhữnh tình cảm anh dành cho Giáng Sương cứ lớn lên trong lòng anh lúc nào chính anh cũng không r, cho đến 1 ngày kia anh nói thật với nàng. Giáng Sương khóc như mưa gió khi nghe anh nói, bởi nàng cũng yêu anh. Điều làm cho nàng khắc khoải lo lắng vì cảm thấy không xứng đáng với anh. Thân phận là 1 con đào hát trôi nổi, lang chạ, tuổi đã lớn lại có con rồi, bấu víu vào anh hóa ra để cho thiên hạ chê cười.
“Anh là trai tân, em là gái đã có chồng rồi, thiệt thòi cho anh quá”. Trai tân? ở tuổi 40, Quang Việt không còn ý nghĩ ngây thơ đó. Một thành kiến lâu đời ở người phụ nữ từng có chồng, có con. Trong tình yêu với 1 người đàn ông chưa vợ, thì luôn luôn sống trong trạng thái phập phồng. Không tin tưởng vào cuộc tình ấy, không tin tưởng vào bạn tình và chính mình. Nàng luôn mang tâm sự vu vơ và cảm thấy thiệt thòi cho người mình yêu, bởi vì nàng đã từng có chồng, con. Quang Việt nhận thấy, hình như chỉ có những người phụ nữ Việt Nam mới có những tâm trạng ấy. Nó biểu hiện 1 tình yêu tuyệt vời hiểu theo ý nghĩa rộng của sự hiến dâng trong trắng cho người mình yêu và cũng là những thành kiến hẹp hòi đối với chính người phụ nữ ấy. Họ thật đáng thương, và người đàn bà yêu anh cũng vậy.
Nghe nàng nói, Quang Việt thấy yêu nàng hơn. Đối với anh điều đó không quan trọng bởi vì anh yêu nàng là đủ. Từ đó họ sống với nhau.
Chuyện tình cảm của Quang Việt rồi cũng không qua khỏi tai mắt của gia đình, mấy đứa em dâu xì xào còn các cậu em trai của anh chỉ cười khi nghe chuyện. Má anh lặng thinh không phản ứng gì, nhưng Quang Việt rất bứt rứt và muốn tìm dịp thưa chuyện với bà. Nhân 1 bữa cơm hiếm hoi cả gia đình quây quần bên nhau, trong Tivi đang phát hình 1 vở cải lương. Cô em dâu thứ 3 xuýt xoa khen ngợi 1 diễn viên hát hay. Bất ngờ má anh buông thõng 1 câu “xướng ca vô loài”, lời nói của bà làm cho mọi người chới với nhìn nhau. Thừa biết không bao giờ má chấp nhận cuộc hôn nhân giữa mình và Giáng Sương nếu có xảy ra, và vì vậy chính Giáng Sương chủ động đề nghị 2 người chỉ nên sống chung với nhau. Nhưng Quang Việt cũng không ngờ má có phản ứng dữ dội vậy. Và anh cũng hiểu đây là dịp để nói thật với má. Quang Việt cưo8`i, nói: “Nếu con dâu má cũng làm nghề hát thì má tính sao?”. Bà thủng thẳng ăn cơm và không trả lời, cuối bữa bà đứng lên đi loẹt quoẹt vào trong nhà thắp nén nhang khấn khứa trên bàn thờ ba anh rồi đi ra nhìn Việt “Anh lớn rồi, má không phải lo cho anh nữa. Sống và làm gì tùy anh, nhưng cũng nên giữ mình chút, kẻo bà con họ chê cười là ba má anh không biết dạy dỗ con cái”. Quả là nặng nề, Quang Việt im lặng cúi đầu. Giáng Sương đã khóc rất nhiều khi nghe anh nói lại, nàng đòi bỏ anh và thực hiện lời nói bằng cách dọn đồ ra khỏi nhà khi anh đi làm vắng. Hai người xa nhau mấy tuần liền, cho đến 1 hôm khi đang làm việc tại Tòa soạn, Việt nghe nói có khách, đi ra anh ngỡ ngàng nhận ra đó là Hiên, con trai của Giáng Sương. Đã 20 tuổi rồi mà chàng thanh niên vẫn còn giữ được vẻ chân chất trong đôi mắt. Nó ngập ngừng nói:
– Từ hổm tới giờ, ngày nào má cũng uống rượu đến khuya rồi khóc, má đã nghỉ hát mấy tuần nay rồi vì bịnh. Chú có thể đến thăm má con một chút được không?
Khi 2 người đi, chàng trai thủ thỉ:
– Má thương chú lắm, hồi chưa gặp chú, mỗi khi đi hát về, má thường uống rượu 1 mình, con can hoài mà không được, con biết tại má buồn. Đến khi có chú, má yêu đời, tươi trẻ hẳn ra. Con cũng mừng, đâu dè….
Nàng thấy anh đến thì lật đật bỏ chạy vào trong buồng, đóng cửa khóc, mặc cho Quang Việt năn nỉ, nhưng khi anh vừa tính bỏ đi thì nàng lao ra ôm cấy cổ anh nghẹn ngào. Hội ngộ trùng phùng cả hai đều vui buồn lẫn lộn và ngạc nhiên nhìn nhau vì Hiên đang khóc rống lên, nó cầm tay Việt nói:
– Dượng ơi, dượng ở với má con suốt đời nghe!
Họ lại sống với nhau trong những tháng ngày thấp thỏm, và mọi chuyện chỉ được giải tỏa khi cách đây 3 tháng. Hôm ấy, 3 người đang ăn cơm trong nhà thì nghe tiếng xe và thằng em trai út của Việt ló đầu vào.
– Anh Hai, má tới thăm anh chị nè.
Quang Việt nhảy dựng lên vì bị bất ngờ, còn Giáng Sương chui tọt vào trong buồng.
Má Việt tay lần tràng hạt, miệng nhai trầu bỏm bẻm, từ bền ngoài lững thững đi vào. Vừa đi, bà vừa ngắm nghía căn nhà nhỏ 2 tầng, lợp ngói đỏ mới, đây là tổ ấm mà Quang Việt và Giáng Sương đành dụm tiền để mua ở. Hai người không muốn thuê mướn nhà nữa, và cũng muốn thằng Hiên có chỗ đi về chính thức, dù sao nó cũng lớn rồi, đã đi làm. Ngoài ra Giáng sương còn thỏ thẻ với anh:
– Em vẫn còn trẻ nên muốn sinh cho anh 1 đứa con. Cần cột chân những kẻ lãng tử như anh lại, kẻo không có ngày mất chồng.
Quang Việt bật cười và thấy bồi hồi khi nghe cô thông báo đã trễ kinh, thèm chua.
Quang Việt đỏ bừng mặt khi gặp má. Hơn 40 tuổi đầu, và đây là lần đầu tiên anh khổ sở vì thấy mình có lỗi với gia đình, với má.
Anh kéo ghế se sẽ.
– Con mời má ngồi
Thằng Hiên bê khay nước ra, nó nhìn bà và ngập ngừng.
– Con mời bà.
– Thưa má…
Giáng Sương từ trong nhà rón rén bước ra, bước chân nàng bước đi run run trông rất tội nghiệp. Nàng mặc 1 bộ đồ bà ba tím nhạt, điểm bông trắng nhỏ, nên trông khá trẻ trung, nhẹ nhõm, không 1 chút phấn son trên mặt.
Má Việt nghiêm khắc nhìn cả 3 người, họ cúi đầu chờ 1 lời quở phạt của bà. Nhưng không, bà vẫy tay hiệu cho Giáng Sương lại gần và lấy tay sờ nhẹ lên mái tóc nàng, hít hà.
– Các chị bây giờ tân tiến lắm, cái gì cũng xài hàng ngoại. Tóc dày như vầy mà cứ ba thứ xà bông quảng cáo trên tivi là hư hết. Phải như mấy bà Bắc kỳ, dùng bồ kết đi, không thì dùng chanh cũng được.
– Má
Giáng Sương nghẹn ngào quỳ sụp gục đầu vào lòng bà khóc rưng rức. Lời quở của bà làm sống lại trong lòng nàng những lời nói ấm áp, hiền từ của mẹ nàng năm nào. Quang Việt thấy cay cay trong mắt, anh ngượng ngùng lại gần và nhẹ nhẹ đấm lưng bà biết ơn. Thật lạ cho thằng Hiên, nó lại khóc rống lên.
Vậy là má Việt đã ban phước chấp nhận cho 2 người chính thức sống với nhau, bà nói “Má không nỡ lòng nào nhìn các con sống trong đau khổ, dằn vặt như vậy mãi. Dù gì cũng là con của má, thôi thì làm nghề gì cũng tốt”. Giáng Sương hứa với bà, xin cho cô đi hát đến cuối năm nay, thanh toán hết tiền mua căn nhà và chu cấp thêm 1 chút tiền cho thằng Hiên, rồi cô sẽ nghỉ để chuyển sang làm nghề may.
Bà đồng ý, về tiền mua nhà phần còn lại bà sẽ cho, còn nàng nghỉ đi hát càng sớm càng tốt, bà không trách gì nghề nghiệp của nàng, theo bà, Việt cần 1 người vợ ở nhà để chăm lo cho gia đình.
Đêm đó, nửa đêm Quang Việt thức giấc hoảng hốt khi nghe vợ khóc. Nàng nghẹn ngào “Em hạnh phúc quá, đến giờ em vẫn không tin đó là sự thật, chỉ sợ như 1 vở tuồng trên sân khấu. Màn hạ là hết tất cả”. Quang Việt nghe mà thấy thương cho nàng. Cả cuộc đời trải qua nhiều cay đắng, đến khi có hạnh phúc trong tay lại cứ sợ, vì ngỡ là mơ.
Có tiếng chuông điện thoại reo, cắt đứt suy nghĩ trong đầu. Quang Việt nhấc máy.
– Alô, tôi Quang Việt đây.
– Dạ thưa có phải anh Quang Việt, phóng viên báo Sức sống?
– Đúng rồi, tôi đây. Xin hỏi ai kiếm tôi vậy?
Đằng kia đầu máy im lặng khá lâu làm cho Quang Việt sốt ruột nhắc lại câu hỏi lần nữa, anh nghe có tiếng ngập ngừng.
– Tôi, tôi là Bách, trợ lý của giám đốc Diệp Kiến Châu, tôi muốn xin gặp anh được không?
– A… a, xin anh chờ máy 1 chút, tôi có khách. Tôi sẽ quay lại ngay.
Quang Việt đặt ống nghe xuống nhanh nhẹn nhảy tới bàn bên lôi chiếc máy ghi âm ra cắm vào 1 đầu của điện thoại, rồi cầm điện thoại lên.
– Vâng, thưa anh Bách, xin anh cho biết mục đích chúng ta gặp nhau để làm gì?
– Tôi xin nói trước, đó là chúng tôi có những thông tin về việc anh đang thu thập tài liệu viết về công ty chúng tôi. Chúng tôi muốn thương lượng.
– Thương lượng?
– Vâng, công ty chúng tôi là 1 công ty làm ăn đàng hoàng, chân chính. Thực ra cũng không có gì phải ngại về việc anh viết bài về công ty. Tuy nhiên, được biết anh có những thông tin bất lợi cho chúng tôi từ phía những đối thủ cạnh tranh đưa ra. Chúng tôi muốn gặp anh trao đổi và cung cấp cho anh những thông tin chính xác hơn. Vì rằng, nếu bài báo của anh được đăng, chúng tôi có cung cấp lại để cải chính thì uy tín của công ty cũng bị sứt mẻ. Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, uy tín rất là quan trọng, mong anh hiểu cho. Đây là ý kiến của giám đốc Châu và của Hội đồng Quản trị công ty.
Quang Việt nhếch mép cười.
– Vâng, tôi hiểu ý các anh. Có lẽ là thông tin tôi sai, ví dụ như vụ xin nhập máy cày để phục vụ sản xuất nhưng vào Việt Nam thì thành xe du lịch? Hay vụ mua cổ phần để tham gia vào Ngân hàng Cổ phần Nam Hoa?….
Im lặng, rất lâu.
Chỉ vài đòn nhỏ tung gió ra của Quang Việt, phía bên kia lập tức bối rối ngay. Quang Việt cười khẽ và hình dung ra cả 1 bộ sậu bu quanh bàn tán, tính toán.
Có tiếng thở dài nặng nề trên máy.
– Thôi anh Việt ạ, không cần nói nữa. Chúng ta hiểu nhau rất nhiều. Tôi xin được nói thẳng, chúng tôi xin mua lại các tài liệu mà anh đang có. Tôi nhấn mạnh, mua lại với giá rất cao.
– Bao nhiêu và các ông biết tôi có những gì mà đặt giá?
– Bao nhiêu chúng tôi cũng mua, giá nào cũng được.
– Tôi đang mua 1 căn nhà 50 cây, nhưng mới trả được một nửa.
– Tôi đề nghị chúng ta gặp nhau, bàn bạc cụ thể, chi tiết rồi sau đó sẽ định giá trị.
Tuy nhiên tôi muốn nói với anh rằng, cả căn nhà cũng được chứ không phải nửa căn.
Quang Việt phá lên cười rất to, anh gằn giọng quát vào trong điện thoại:
– Này ông bạn. Giỡn với nhau 1 chút là đủ rồi, tôi cho anh biết thằng Việt này không dễ dàng bán rẻ lương tâm mình như vậy đâu. Chào anh.
Quang Việt cúp máy nên không kịp nghe tiếng cười gằn tức tối phía bên kia và lời nói nửa chừng của hắn ta, rằng anh sẽ phải trả 1 giá rất đắt về việc này.
* * * * *
Tôi gặp lại Hải vào 1 ngày cuối mùa mưa tầm tã của Sài Gòn.
Hôm ấy, ông Phân viện trưởng cho gọi tôi lên và thông báo là phòng tôi sẽ có thêm 1 cán bộ mới. Được thôi, quyết định của cấp trên thì phải thi hành, tôi nhún vai không 1 lời phản ứng. Từ lâu, Phân viện nghiên cứu của chúng tôi đã là cái nôi để vài vị lãnh đạo phân viện làm tiền bằng nhiều cách. Và cách thông dụng nhất là lâu lâu lại xuất hiện 1 vài người Bắc, hoặc ngoài miền Trung chuyển vào. Hầu như không có bằng cấp gì, hoặc có nhưng rất trái với công việc nghiên cứu của phân viện. Thế nhưng mục đích của họ vào đây không phải làm công việc nghiên cứu, mà là chạy hộ khẩu ở thành phố, nhà cửa… và khi họ đạt được mục đích của mình thì lập tức bỏ việc ở Viện ngay, lại có người mới đến. Đấy là 1 cái vòng tròn mà các vị lãnh đạo Phân viện chúng tôi làm trong nhiều năm nay, được 1 số cán bộ trong Viện định nghĩa châm biếm “làm thêm” để phục vụ cho khoa học.
Viện nghiên cứu chúng tôi được hình thành từ việc sát nhập của 3 Trung tâm nghiên cứu, 1 trường chuyên đề của 3 Bộ nhập lại theo cơ chế cải cách hành chính của Nhà nước. Khi sát nhập, người ta lúng túng vì không biết giải quyết làm sao 1 đống cán bộ dư thừa, nhưng bằng cấp đầy đủ của mấy trung tâm này. Sau nhiều lần tính toán, các vị lãnh đạo quyết định, 1 Trường và 3 Trung tâm nghiên cứu, dĩ nhiên thừa khả năng thành lập Viện nghiên cứu. Và thế là họ trình cấp trên cho thành lập Viện, rồi dồn 1 đống cán bộ hổ lốn vào với nhau. Sau 1 thời gian dài tranh đấu nội tại giữa các vị lãnh đạo, bởi chẳng ai ưa ai và vì ai cũng cho mình là người có tài nhất. Rồi viện nghiên cứu của chúng tôi cũng từ từ đi vào hoạt động và phình ra thêm chi nhánh ở thành phố tức là phân viện của tôi bây giờ. Thế nhưng do quen cơ chế bao cấp cũ, nên viện lúng túng khi tham gia vào cơ chế thị trường. Các nhà khoa học của viện tôi trở nên kiêu kỳ 1 cách lạ thường, họ tự xây cho mình những tháp ngà kiên cố và rút mình trong đó, dùng kính hiển vi để ngắm nghía cuộc sống, để bĩu môi chê trách người đời. Cho nên, 1 số đề tài khoa học của viện đều không có tính khả thi trong thực tế, 1 số đề tài khác vẫn đang ở dạng tằm ăn rổi tiền của Nhà nước. Còn ở phân viện, các cán bộ hầu như đổ xô đi làm thêm các ngành nghề khác, đàng hoàng là dạy thêm, tinh ranh thì buôn bán và tráo trở thì làm tư vấn. Giá vàng, USD ngoài chợ nhích lên, tuột xuống được bàn tán rôm rả trong các buổi giao ban thường kỳ giữa các nhà khoa học chúng tôi. Dạo này đang có tin đồn phân viện sẽ lại được nâng lên thành viện theo chiều hướng tách ra, tách – nhập, nhập – tách. Công tác tổ chức của chúng ta bao giờ cũng tài tình như vậy, nhập hay tách, tách hay nhập, luôn luôn có những lý do rất đầy đủ, xác đáng và hình như đây là bài ca muôn thuở thì phải.
Cơ quan phân viện của chúng tôi là 1 tòa nhà cao 3 tầng có hình vòng cung, nhìn xa trông như 1 cái miệng cá hố, đen ngòm, rệu rạo. Tòa nhà này được xây từ thời Pháp, là 1 trong những tư dinh của Phủ Thống đốc Nam kỳ. Sang thời Mỹ nó là 1 cái kho của quân đội. Và sau 30/4, khá nhiều cơ quan đến rồi đi. Mỗi cơ quan khi đến đều tận dụng đập phá, sửa chữa theo yêu cầu công việc của mình. Thế nên, khi nó được giao cho phân viện chúng tôi thì chỉ còn là 1 tòa nhà có hình thù rất kỳ quái, nơi này nhô ra, nơi kia hẹp vào và trông thật xơ xác với những cánh cửa sổ long ốc trong 1 màu vôi vàng ệch, bẩn thỉu. Nghe nói có vị cấp trên khi đến thăm, thấy chướng quá, ông ta vui vẻ hứa sẽ cho rót kinh phí sửa chữa. Đến nay vị cấp trên có lời hứa kia đã nghỉ hưu và thậm chí đã yên mồ mã đẹp ở nghĩa trang liệt sĩ. Hình như lời hứa đã theo ông ta về cõi mông lung, còn những người kế tiếp thì quên, họ đâu có hứa? Khoa học là vậy, phải nhẫn nại! Có vị lãnh đạo đã lý luận như vậy khi nghe chúng tôi xin sửa chữa. Khoa học là ở cái đầu chứ đâu phải cái nhà. Nghe cũng đúng, cũng xuôi, và thế là chúng tôi vẫn sống và làm việc bình thường. Chỉ có điều là những hành lang chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu, với ánh đèn tù mù trong tiếng quạt trần chạy lạch xạch. Những nhà khoa học chúng tôi vào mùa hè vẫn phải cởi trần vì nóng, quần xắn ngang đầu gối, chong mắt để tính toán, viết lách và thỉnh thoảng lại gãi sột soạt và vỗ đùi đen đét vì muỗi. Những căn phòng được chia thành từng ô nhỏ để làm việc, cũng là để kẻ bên này lỡ có ngủ quên, người bên kia còn gõ gõ vào vách nhắc nhở 1 cách tế nhị.
Nhìn vị Phó giáo sư, Phó tiến sĩ, Phó viện trưởng kiêm Phân viện trươ>ng khả kính của tôi thật đáng buồn. Một con người phì nộn với vẻ thỏa mãn no đủ trên khuôn mặt múp míp những thịt và 1 dáng đi bệ vệ, oai phong với vẻ mặt cau có khi tức giận với cấp dưới và giãn ra nhanh chóng biến thành nụ cười hoa khi gặp cấp trên. Ông ta có quá nhiều chức danh Phó của phó, và trên 1 tấm danh thiếp của ông ghi chi chít những chức vụ hữu danh vô thực mang tính hù dọa người khác, 1 biểu hiện thói hãnh tiến không nên có của 1 nhà khoa học đúng nghĩa. Trong các công trình nghiên cứu của các cán bộ phân viện bao giờ cũng phải ghi trang trọng ở trang 1 về công trình này được sự hướng dẫn của ông. Nếu không có sự bảo trợ này, thì việc điều chỉnh và rót tiền nghiên cứu sẽ rất khó, điều này ai cũng biết và đã trở thành thông lệ. Chúng tôi làm công tác nghiên cứu khoa học khổ như đi cày, vì hệ thống trình duyệt 1 đề tài từ dưới lên trên phải đi qua nhiều cửa ải quan trọng nhất là Ban thẩm định đề tài với những vị chức sắc mặt đen xì, ngơ ngẩn khi nghe thuyết trình và nhanh chạy thì thào đòi phần trăm ăn chia.
Trình độ của vị Phân viện trưởng chúng tôi rất đáng nghi ngờ. Từ lâu đã lào xào trong viện về việc bằng cấp của ông ta, mảnh bằng Phó tiến sĩ được bảo vệ tại 1 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nhiều người khẳng định với tôi rằng chạy chọt mãi ông ta mới được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Nhưng họ lại thấy ông xuất hiện ở các chợ trời buôn bán nhiều hơn là ở nơi học. Thế rồi vài chai rượu lúa mới, và các vị giáo sư Nga sẽ tặng ngay cho vị nghiên cứu sinh Việt Nam 1 tấm bằng mang nặng tình hữu nghị. Suy cho cùng họ chẳng mất mát gì cả, có mất là mất cho Việt Nam những Phó tiến sĩ như ông Phân viện trưởng của chúng tôi chẳng hạn. Tôi không du học ở Liên Xô nên không biết, nhưng các vị giáo sư ở CHLB Đức nơi dạy tôi, có lần cũng đã phàn nàn về việc này, lúc đó tôi không tin, nghĩ rằng giáo sư của tôi là tư bản nên nói xấu phe XHCN. Tôi không có ý nói xấu hay chê bai gì những vị Phó tiến sĩ đã tốt nghiệp bên Liên Xô hay Đông Âu cũ. Có những đồng nghiệp Phó tiến sĩ mà tôi thực sự kính trọng về trí tuệ uyên bác và lòng tận tụy với nghề nghiệp.
Họ xứng đáng là những đại biểu xuất sắc, là những tinh hoa của nền khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa. Vâng, thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người như vị Phân viện trưởng. Tuy biết rằng đây chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn và thất vọng. Sau này ngay bản thân tôi cũng có thể đánh giá được trình độ của ông qua 1 lần tiếp xúc đầu tiên khi tôi mới về phân viện công tác. Ông ấy mời trưởng phòng của tôi và tôi lên làm việc, ông ta khệnh khạng phê phán 1 công trình do phòng tôi đang phối họp với 1 số nơi làm. Tuy là nghiên cứu mới nhưng tôi hiểu, chủ yếu là vì tên của ông không được xuất hiện trong công trình, điều này là do bên đối tác nghiên cứu cương quyết từ chối, và họ chiếm đến 2/3 của công trình nên chúng tôi đành phải chịu. Đây cũng là 1 công trình được đầu tư khá nhiều tiền của Nhà nước, rót thẳng từ Hà Nội vào công trình nên ông ta không được chấm mút gì, vì vậy muốn làm khó chúng tôi. Ngồi nghe vị lãnh đạo chỉ bảo với những thuật ngữ khoa học chuyên ngành sai bét, tôi thầm nghi ngờ luôn cả tấm bằng đại học của ông và tự hỏi tại sao chúng ta sắp sang thế kỷ thứ 21 rồi mà vẫn còn tồn tại những nhà khoa học như ông ta? Ở ông ta, kỳ lạ, tôi luôn cảm nhận có 1 sự ranh mãnh kiểu con buôn hơn là tác phong của 1 vị lãnh đạo 1 viện nghiên cứu khoa học.
Thế nhưng Phân viện trưởng lại là người rất quý mến tôi, 1 sự quý mến không ai có thể hiểu nổi mà ngay bản thân tôi cũng ngơ ngác. Về công tác chưa được 1 năm, tôi được bổ nhiệm làm phó 1 phòng quan trọng nhất của phân viện và thậm chí tập sự làm công việc của 1 trưởng phòng vì vị trưởng phòng kia đau ốm suốt và đang xin nghỉ hưu. Việc bổ nhiệm này bùng lên không khí giận dữ chống đối của các cán bộ ở phân viện, vì đây là 1 tiền lệ chưa từng có. Nhưng với tài khéo léo của mình, thông qua bộ tứ gồm Đảng ủy, Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, phân viện trưởng của tôi đã dập tắt các ý kiến chống đối. Mọi người xì xào vì tôi là con ông cháu cha nên được nâng đỡ, điều này thì đúng, nhưng tôi biết họ lầm vì trong chuyện này bố mẹ tôi không hề can thiệp vào. Vậy thì cái gì mà ông ta quý mên tôi, tôi luôn mang mặc cảm mìng mang nặng 1 món nợ đối với ông ta mà không thể trả được, vì thật ra tôi không hề kính trọng phân viện trưởng của mình. Không phải tôi muốn mình là kẻ vô ơn mà vì tư cách đạo đức và chuyên môn của ông quá kém cỏi, buộc tôi phải nghĩ như vậy.
Công việc của tôi rồi cũng trôi chảy. Phòng tôi là 1 đơn vị được nhắc nhiều trong các đợt tổng kết, thi đua cuối năm, và dần dần mọi người cũng hiểu tôi. Một kẻ ngu ngơ tronh chính trị, cần cù trong chuyên môn và nhẫn nại với mọi lời khen chê. Có thể thấy ở phân viện này, tôi là 1 kẻ đứng bên lề cuộc sống của những thủ đoạn đấu đá chính trị trèo lên, tụt xuống. Của những xu nịnh, phe phái được che đậy dưới những mỹ từ cao cả, bóng bẩy. Để đạt đến 1 nấc thang danh vọng, 1 tiêu chuẩn đi học, 1 bực lương lên trước, 1 chức vị đội trưởng cỏn con… họ sẵn sàng nhảy bổ vào nhau cắn xé không thương tiếc bằng những thủ đoạn rất bài bản. Tất cả là 1 sự nhầy nhụa đó làm cho tôi kinh sợ và xa lánh, né tránh. Cũng vì vậy nhiều kẻ cho rằng tôi dựa vào thân thế, uy quyền của cha mẹ. Tôi là kẻ tự kiêu, cao ngạo… tôi chua xót và đau đớn, âm thầm chịu đựng trong lòng. Đành vậy, tôi là thế.
Phân viện trưởng tôi đã 70 tuổi rồi, nhưng chưa có dấu hiệu sẽ rút lui, làm khoa học đến chết cũng phải làm, đấy là lời tuyên bố của ông. Cuối cùng, những thắc mắc của tôi về sự ưu ái của ông giành cho mình mới được giải tỏa. Một ngày kia, đột ngột tôi thấy ông mời mình lại nhà chơi. Đây là điều đáng kinh ngạc, vì cơ quan tôi chưa có bất kỳ ai được vinh dự biết nhà ông.
Tôi đi chủ yếu vì tò mò.
Đến nhà ông tôi phát hiện nhà có đám giỗ, bởi mùi hương trầm thơm ngát. Một việc làm tôi choáng váng vì ngạc nhiên, trên bàn thờ nhà Phân viện trưởng có hình ảnh ông nội tôi và tôi chợt nhớ hôm nay là ngày giỗ ông nội.
– Một chữ Nhân của cụ, tôi mang ơn cả đời, và càng sống tôi càng hiểu. Sau này khi học bổ túc văn hóaxong tôi vẫn không muốn về gặp cụ vì vẫn nghĩ rằng mình vẫn chưa học hết chữ Nhân mà cụ dạy cho năm nào. Đến khi được đi nghiên cứu sinh lấy bằng Phó tiến sĩ về nước, tôi mới cảm thấy mình có thể gặp cụ, nhưng rất tiếc lúc ấy cụ đã qua đời ro6`i. Tôi ân hận mãi. Tôi đã tìm gặp cha mẹ anh để nói lời ơn nghĩa, nhưng mẹ anh không hiểu tôi vì chắc nghĩ rằng tôi có ý lợi dụng cầu thân. Tôi đành rút lui, và không hiểu sao có phải cụ linh thiêng chăng mà đột nhiên anh – cháu nội của cụ lại về viện công tác. Nhìn anh giống cụ lắm, lần đầu tôi cứ tưởng cụ đầu thai trở lại dương thế.
Ra vậy, tôi nhìn vị phân viện trưởng của mình cảm động, mọi thành kiến của tôi với ông ta bay biến hết.
– Cháu… Tôi ấp úng, ông xua tay.
– Anh đừng ngại ngùng gì cả. Tôi thương và quý anh như con cháu trong nhà. Cũng đừng nghĩ rằng tôi sẽ nhờ vả cha mẹ anh, để nâng đỡ anh trong việc bổ nhiệm anh vừa qua. Tôi làm điều đó vì tôi phát hiện ra anh là 1 cán bộ khoa học trẻ và có tài. Đến nay mọi người đều phải công nhận là tôi đúng, vậy thôi. Chứ còn…. Ông ta xoa đầu mình với vài cọng tóc bạc lơ thơ – Tôi già rồi, cũng chẳng còn ham hố chức quyền gì nữa đâu, anh hiểu không?
Một sự sùng kính mang đầy màu sắc tâm linh nhưng chân thành của ông làm tôi khâm phục và xấu hổ về những ý nghĩ không tốt của mình đối với ông. Giữa chúng tôi sau ngày đó trở nên thân ái, tôi không ngầm chống đối hay khinh ghét ông ta nữa và chúng tôi còn thường tìm đến nhau những lúc rảnh rỗi để nói chuyện, để nhắc về ông nội tôi. Tôi tự coi mình như con cháu của ông kể từ ngày đấy.
Nhân chi sơ tính bản thiện.
Có phải vậy không ông ơi?
Và tôi gặp lại Hải vào 1 ngày trời Sài Gòn cuối mùa mưa tầm tã.