Không thuộc về một con đường - Chương 4
DN.4
Hắn nằm một mình bên ngoài ghế, yên lặng và suy nghĩ. Hắn mới chợt thấy thằng bé không hoàn toàn như những gì hắn nghĩ, mặc dù hắn vẫn thấy cái giọng điệu gàn bướng của nó là không thể chấp nhận được. Nhưng mà hắn thấy thương nó kinh khủng. Lòng nhân đạo của hắn trỗi lên như một mũi tên bắn vào trúng tim. Tình thương của hắn cũng trào ra ngoài như thể máu nóng trong một trái tim đang đập bỗng vỡ tan.
Hắn đã làm một trận cãi nhau với nhà của thằng bé ấy, nhưng chẳng ích gì, họ cãi lấy cãi để cho cái lý lẽ của họ, rằng thằng bé là một thằng không ra gì, một đứa trẻ đã nhấn hết danh dự và nhân phẩm của nó vào những vũng bùn, tự vinh lên những thối nát của lề thói của nó, mà lại tự dìm chết chính nó khi bị bóc toàn bộ sự thực ra trước ánh sáng. Họ nguyền rủa nó như với một kẻ tội độ và khẳng định nó có sống hay chết, không liên quan gì đến họ. Hắn cần nó, hắn đi mà đem nó đi. Còn hễ nó còn ở trong cái nhà ấy, sống bằng tiền của gia đình nó, nó không được phép và cũng không thể chê trách những phụ bạc của họ.
Nhưng trên đời dù là một tử tội đau ốm cũng sẽ được chăm sóc, hắn thấy cho dù nó có thực sự đồi bại như những gì người nhà nó nói, thì nó cũng có quyền được hưởng sự chăm sóc, chứ không phải sự bỏ mặc mà hắn thấy. Một mình thằng bé nằm trên cái giường đơn trong góc căn phòng, không gối đệm, không ai buồn bén mảng tới thăm nom. Đừng nói đến lương tâm của một người bác sĩ, ngay cả khi chỉ là một con người, hắn cũng không thể nén nổi xót thương trước cái cảnh ấy. Căn phòng đóng kín, không quạt gió, cho dù nó nằm trên tầng thượng ngôi nhà, nóng như một cái lò nung khi không có quạt, bị cách ly hoàn toàn với cuộc sống của gia đình nó.
Cho dù thế nào, thì nó cũng không đáng phải chịu cảnh ấy. Giả như nó tự chăm sóc được cho nó, tự mưu cầu và thỏa mãn được mưu cầu, gia đình nó bỏ cũng được. Nhưng nó không ngồi dậy nổi, không làm được bất cứ điều gì ngoài để cái cẳng tay gầy trơ ấy lên che mắt ngủ, thì nó có đáng bị đối xử như thế không?
Hắn lại nhảy chồm lên giường, nằm lăn về một phía và nhìn chằm chằm vào thằng bé. Nó cũng nhìn hắn như thế, và nó rặn ra một cái cười khó coi.
– Cái gì?
– Chú mày đã gây ra việc gì?
– Nếu anh thấy khó xử với tôi, anh cứ trả lại tôi về. Anh hối hận rồi chứ gì? Không đâu lại vác một thằng què về nhà.
– Chú mày trả lời tao thật tình xem nào, cứ lảng đi chuyện khác là sao?
Nó nhắm nghiền mắt, lắc đầu. Gương mặt của nó nhợt nhạt hơn sau cả tuần liền sống trong sự phũ bạc ấy.
– Bình thường, chú mày ăn kiểu gì? Đừng bảo nhà chú mày cũng bỏ đói luôn đấy.
– Cũng gần như thế. Thằng Tường thường để cơm ở gần ngoài cửa, bảo tôi phải xin thì nó mới cho. Tôi thì chẳng bò ra đấy được, cũng chẳng muốn cầu xin nó. Và cũng chẳng đói.
Hắn bực mình gõ đầu cho nó một cái. Nhưng thằng bé chỉ quắc mắt nhìn hắn một cái, rồi lại nhắm tịt đôi mắt ấy lại. Hắn bỗng nhận ra gương mặt thằng bé có gì đó rất đặc biệt. Có lẽ nó giống một ai đó hắn từng gặp. Gương mặt những lúc nó không cáu kỉnh, không gàn bướng, lẩm bẩm chửi và làm loạn, hóa ra bình tâm và hết sức hiền lành. Đôi mắt nặng trĩu, ăn khớp với nét mặt thâm trầm của nó. Hắn dám đảm bảo là nếu thằng bé khỏe mạnh như một người bình thường, nó sẽ là một thằng nhỏ rất xinh trai. Nó có những nét mềm mại như một đứa con gái, không sắc cạnh như gương mặt một người đàn ông đúng chất. Nếu nó mập hơn, gương mặt nó sẽ có hình trái xoan, và nó lại để mái tóc dài dài, những nét mặt rất mềm, rất thanh. Hắn cứ nhìn như chết vào gương mặt hốc hác ấy mà mường tượng đến một người phụ nữ. Mà mãi hắn mới chợt vỗ tay bộp xuống giường.
– Mẹ chú mày!
– Biết chửi bậy rồi à?
Nó hé ra một con mắt và nhếch mép lên với hắn.
– Không phải! Mẹ của chú mày là một bác sĩ, đúng không?
– Ờ. Nó đáp nhẹ bỗng.
– Có phải hồi trước mẹ của chú mày từng lên Thái Nguyên làm một vài năm, đúng không?
– Không nhớ. Hồi ấy còn nhỏ lắm. Chẳng nhớ gì.
– Đúng rồi. Tao nhớ rõ cái mặt này mà. Xem nào, bà ấy tên là gì nhỉ?
– Mai Hương.
Hắn ngớ ra nhìn thằng bé. Đúng là bà ấy. Mẹ của hắn từng chụp với bà rất nhiều ảnh, còn nói họ là bạn thân của nhau từ thời học đại học rồi sang Nga. Hắn bỗng bật cười. Số phận trêu ngươi chăng? Tình cờ, hắn lại gặp đúng thằng bé, chứ không phải ai khác. Nhưng mà bà ấy, hắn nhớ, là một người phụ nữ tuy khá khó gần, nhưng rất hiền từ. Bà thường giữ một gương mặt lạnh tanh trước những người khác, kể cả với hắn và bố hắn. Bà chỉ cười với mẹ hắn, và họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ.
– Nhưng, tại sao?
– Tại sao?
– Chẳng lý nào bả ấy để chú mày như thế này. Mẹ nào mà chẳng thương con?
– Anh có biết mẹ tôi thật không đấy?
– Biết chứ sao không? Nhà anh đầy ảnh mẹ mày cơ mà. Bố mẹ anh thân với mẹ mày từ cái hồi mày chưa ra đời cơ nhóc ạ.
– Mẹ tôi mất lâu lắm rồi.
Câu nói ấy làm hắn chợt nhớ đến một mảnh kí ức mà hắn đã lãng quên, về một vài ngày bố mẹ hắn vắng nhà, gửi hắn cho ông bà nội trông nom. Mẹ hắn đã khóc rất nhiều kể cả khi bà đã về nhà. Nhưng hắn không tò mò chuyện ấy, hắn cũng còn quá trẻ con để hỏi vì sao. Và hắn chỉ biết từ đó về sau, mẹ hắn không bao giờ mở lại tập ảnh chụp với người bác sĩ kia ra nữa.
Hắn ngồi bên cạnh thằng bé, bắt đầu thấy hiểu một vài điều. Hắn nắm lấy cái cố tay nằm lọt thỏm trong bàn tay hắn, nhìn thằng bé chằm chằm và quát lên:
– Bố mẹ tao quen mẹ mày, rõ chưa?
– Rõ! Nó cũng quát lên. Thì sao hả!
– Thì chú mày cứ yên tâm mà ở với anh! Anh phải chăm sóc chú mày! Nếu bố mẹ anh là anh, bố mẹ anh cũng sẽ làm thế.
– Đừng có xưng anh với tôi! Cứ tao mày chả tốt hơn à!
– Cái thằng ngang bướng!
Thằng bé cười khẩy, rồi chống tay ngồi dậy, vặn vặn người rồi lại nằm xuống tiếp.
– Mỏi rồi chứ gì?
– Mỏi suốt. Anh có nhân đức tử tế thì bóp người cho tôi. Gớm cái lòng nhân đạo. Với chả từ bi.
Lúc ấy thì ý niệm đầu tiên của hắn là “Thách anh à”, sau mới tới tình thương với nó, nhưng dù sao thì hắn cũng đã xốc hẳn nó lên mà giúp nó cọ quạy cái thân thể gầy đau của nó. Lưng nó có nhiều chỗ đã loét bở ra. Hồi ở trong viện người ta chăm tử tế mà còn không tránh được đau ngứa, huống hồ về nhà nằm liệt trên cái giường cứng đơ ấy suốt bao lâu. Hắn chép miệng một cái, lại nhớ đến mấy câu khinh đời mạt hạ của nó, không kiềm chế được mà bẻ vai của nó ra sau khục lên một tiếng. Nó la lên oai oái, giẫy nảy lên. Nhưng hắn chỉ nhăn nhở cười:
– La lên! To vào! Ở đây chả có đâu chị y tá nào để giúp mày nữa đâu.
Và hắn bẻ tiếp vai kia của thằng bé. Nó đau rên lên ư ử. Nhưng rõ ràng là đỡ mỏi, nên chỉ kêu một lúc rồi lại im re.
– Mai anh sẽ đưa lại chú mày lên viện.
– Vậy à? Cô chú tôi chả đã nói là không chi cho tôi một xu nào nữa đâu. Anh định để tôi thành con nợ của ngân khố quốc gia à?
– Nói thật, anh thấy tuy cô chú mày ác khẩu, nhưng chả đến nỗi bạc tình bạc nghĩa đến thế. Anh đến van nài vài câu là họ lại đồng ý luôn ấy mà.
– Dễ thế? Nếu họ nhân đức tử tế như thế tôi cũng chẳng phải nằm một mình ở đấy, ăn không được, ngủ không xong, đến như tè ra giường còn bị chửi là chó không được giáo dục. Tôi mà đi lại được, tôi thề không bao giờ thèm đến cái bố thí của mấy ông bà già ấy. Họ cứ nghĩ tôi dễ chịu lắm ấy. Họ cứ nghĩ tháng vứt cho tôi mấy chục triệu trả viện phí đã là cứu sinh tôi nhiều lắm ấy. Thà đêm ấy chẳng ai cứu tôi cho tôi lăn ra mà chết hẳn thì tôi cũng đã không đến nỗi thế này. Loanh quanh, cũng chỉ vì những thằng như anh, mà tôi sống không ra sống, chết chẳng ra chết.
– Lại quay ra chửi tao rồi đấy à?
– Chả chửi!
Hắn cười khì, rồi bật tivi. Bọn hắn cùng xem thời sự, cũng đàm đạo rất nhiều chuyện mà thường chỉ dẫn đến những câu chửi tục của thằng bé, và mấy cái tét chan chát của hắn. Nhưng lúc nghe đến mục những rừng thông trên Đà Lạt bị chặt phá, hắn thấy thằng bé nghe nghiêm túc đến bỏ quên luôn cả những câu châm biếm của hắn.
– Đà Lạt đẹp nhỉ. Nó nói.
– Cứ cái đà này, thì còn đẹp vào mắt.
– Ừa. Năm trước tôi vào nó còn xanh tươi lắm. Bọn tôi đi cùng nhau loanh quanh Đà Lạt. Sương sớm. Tôi thích mê đi được.
– Chú mày mà cũng có lúc lãng mạn thế à?
– Tôi lãng mạn lắm chứ. Tôi yêu đương sến chuối lắm. Nhưng tuy tôi có nói lời đẹp đến thế nào cũng chẳng ai buồn ở lại với tôi. Dẫu tôi có yêu thương họ đến thế nào, cũng chẳng ai muốn giây dưa với tôi. Tôi mới thấy tôi vô ích làm sao. Giá mà năm ấy không phải mẹ tôi mà là tôi chết thì cuộc đời chẳng phải tốt hơn sao.
– Chú mày thôi xem nào. Đang nói đến yêu đương tình tứ như thế mà đổi đề tài nhanh thật đấy. Phải rồi. Tao nghe nói hồi đầu chú mày có một thằng bạn thân lắm mà. Sao nó đi đâu rồi?
Nó không trả lời, mà gục đầu khóc. Ban đầu chỉ có những xúc động bất chợt trên gương mặt, rồi nó thẫn thờ ra, và khóc. Nó cứ cúi đầu mà khóc, khóc đến nghẹn lại.
Hắn chưa từng thấy nó khóc khổ đau đến thế. Cho dù hắn vẫn hay làm nó khóc ầm lên vì đau. Nhưng đấy là cái kiểu khóc vòi vĩnh, khóc đòi thương hại. Còn lúc này, nó thực sự đang khóc cho mình nó, và chỉ muốn mình nó biết. Nó không trả lời hắn thêm một câu nào nữa. Nó đã khóc như thế đến hết đêm.
Còn hắn, hắn cũng không ngủ được. Những tiếng khóc rên trong đêm làm hắn trằn trọc trên ghế, bên những quyển sách đã hết ý nghĩa từ khi hắn tốt nghiệp, bên cái điện thoại vang lên những tiếng nhạc chuông vui vẻ nhất mà hắn có thể moi ra. Hắn ngậm lòng mà suy nghĩ. Hình như, cuộc đời, muốn hắn đến với nó, không phải chỉ để cãi nhau.