Không thuộc về một con đường - Chương 2
DN.2
Hắn đánh một giấc dài trước khi tỉnh dậy vào một buổi sáng hơi ướt sương những ngày cuối cùng của mùa xuân. Hắn hắt xì và cuống quít tìm một viên thuốc cảm. Ấy thật là đời. Bé đến giờ hắn chẳng mấy khi ốm, thế mà chỉ vì một tối đi mưa hắn đã hắt xì liên hồi. Bình thường hắn sẽ xin nghỉ ốm, như đúng y đức nghề nghiệp để tránh cho những bệnh nhân vốn đau yếu của hắn không lây thêm bệnh. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hắn thà phải đeo khẩu trang đến bệnh viện còn hơn để thằng nhóc ngỗ ngược kia cười khẩy cho rằng hắn không dám đối đầu với nó nữa. Dương vừa nghĩ đến thằng bé ấy là đã thấy cuồng tay cuồng chân đến độ lia ngay mấy tờ tạp chí y học xuống đất.
Thằng nhóc ấy tên Nguyên, 19 tuổi, đang đi học trong một trường cao đẳng. Quả thực Dương chẳng tin được một thằng như thế hóa ra lại được ăn học tử tế. Không giấu gì với lòng mình, nghe mấy câu chửi của nó hắn đã cho rằng nó nhất định là loại đầu đường xó chợ. Vậy mà chẳng những hắn đang đi học hẳn hoi, mà nghe mấy bà chị y tá đồn nhau thì người nhà của nó cũng có vẻ rất nghiêm nghị hiền hòa. Họ cũng nhiều lần kìm hắn bớt giận, nào là vì thằng nhóc ấy đang rất ốm yếu khó chịu trong người nên sinh cáu gắt, nào là nó bình thường cũng không phải bất trị lắm. Nhưng mặc kệ lý lẽ gì trên đời, hắn cứ phải nói cho nó câm miệng thì thôi. Mà nó có bao giờ chịu câm miệng đâu?
Hắn và nó lườm nhau, tất nhiên là nó buông lời mỉa mai hắn trước:
– Thánh thần làm sao. Bác sĩ mà cũng có lúc ốm cơ đấy.
– Nếu không phải vì thằng khốn nhà cậu giữ tôi lại cãi nhau thì tôi cũng chẳng đến nỗi đi mưa về nhà…
Hắn bỏ lừng câu và hắt hơi liền mấy nhát.
– Hôm qua mưa từ chiều cơ ông thánh ạ. Quên áo mưa thì nói m. nó là quên, còn cãi chày cãi cối.
– Tôi cũng được câu tôn làm thánh cơ đấy. Phúc thế.
Họ nhìn nhau bắn lửa, trước khi Nguyên vì phải đi tháo bột nên mới dứt ra. Một tháng rưỡi, người ta mới cho cái tay phải của nó được tại ngoại. Nhưng hai cái chân nó thì có thể phải thêm hơn tháng nữa mới được phóng thích, và suốt thời gian ấy, nó sẽ vẫn phải nằm im trên giường.
Dương gặp lại nó khi đã cắt xong, và nó đang gãi ầm ầm cái cánh tay trắng nhờ nhờ ấy.
– Điên à? Dương khích. Xước hết ra bây giờ. Da dẻ hơn tháng trời chưa ra nắng mà còn cào như cào cỏ thế kia?
– Tôi ngứa thì tôi gãi. Chả nhẽ anh cấm tôi được à? Tay tôi đã khỏe rồi. Nó vặn vai.
Dương vừa kịp hô lên “Cẩn thận” thì nó đã nằm sụp xuống giường, nhăn mặt lại vì cơn đau điếng người vừa xuyên vào vai.
– Sao anh nói chậm thế hả? Bác sĩ thế à?
– Tôi có nói kịp thì cậu nghe à? Bộ chưa gẫy tay gẫy chân lần nào hay sao à?
– Chưa đấy!
Hắn bực mình giương tay định tát cho cái mặt đang vênh lên kia một phát, nhưng hắn kiềm chế kịp thời và bắt đầu những trận cạnh khóe hàng ngày.
– Ngu sao mà ngu thế? 19 tuổi đầu rồi phạm vào mấy cái lặt vặt. Đau thì ngậm miệng lại đi.
– Tôi đ. ngậm lại đấy! Làm bác sĩ cái thứ như anh, có mà ngang với đẳng cấp đốc tờ Xuân! Cao ngần này này! Nó lờ lờ tay ngang giường.
Nếu không phải chị y tá cố gắng hạ hỏa cho hắn thì ắt hẳn lúc ấy hắn đã cho thằng nhóc một cái tát quay ngược đầu ra đằng sau. Thật quái lạ, từ bé đến giờ hắn chưa từng giận dữ đánh nhau với ai, nhưng bây giờ ước mơ khủng khiếp nhất đời hắn là được in cả bàn tay mình lên cái mặt kia, mà phải là một vết đỏ rực rỡ mấy ngày mới tan được. Chỉ nghĩ đến thế hắn đã thấy tâm tư bay lên hẳn tận mấy tầng mây.
– Ông được tháo bột rồi đấy à?
– Ừ. Trông kinh nhỉ.
– Độ tuần là nó hết thôi ấy mà. Chắc là ngứa lắm hả?
– Ngứa phát cuồng lên được.
Hắn nghe thấy giọng con gái trong phòng của Nguyên, rất lấy làm kinh ngạc. Hắn đẩy cửa và quả nhiên thấy một cô gái đang ngồi cạnh nó. Lúc ấy thì dẫu có tò mò đến mấy hắn cũng phải quay ra để tôn trọng người ta. Nhưng cô gái vừa rời khỏi phòng Dương đã lao tới hỏi.
– Cô là người nhà cậu ta à? Cô phải nói cậu ta đi chứ?
– Nguyên sao hả anh?
Hắn không thể dùng bất cứ thứ từ gì lịch sự để miêu tả về nó đành chỉ khua chân múa tay loạn xạ một hồi.
– Ui dào anh kệ cậu ấy đi. Hồi trước Nguyên không thế đâu. Mà giờ tự nhiên.
Cô gái chép miệng và thở dài. Hắn nhìn kĩ cô gái, thấy không giống Nguyên một điểm nào.
– Cô là bạn học của cậu ta à?
– Dạ. Em tên Nguyệt.
– Ồ. Hồi trước cậu ta thế nào? Ý tôi là tự nhiên mà ra như thế thì cũng khó hiểu thật.
– Trước khi bị tai nạn ấy ạ? Cậu ấy trầm lắm, cũng gọi là hiền. Ít nói, dễ tính, nói chung là chẳng sao cả. Rồi thì, thế. Cô gái nhún vai.
– Cậu ta tự tử à?
– Chắc vậy. Có người nhìn thấy cậu ấy nhảy từ tầng 4 xuống mà. Nhưng sau này em hỏi thì cứ có vẻ như không phải. Linh cảm thế thôi anh ạ. Em cũng không rõ. Có lẽ Nguyên tự tử thì đúng hơn. Vì cậu ấy gặp vài chuyện gia đình?
– Sao?
– Em nghe nói bố Nguyên đi bước nữa, với một phụ nữ trẻ lắm. Chắc vì chuyện ấy cậu ấy mới dại dột vậy.
Nghĩ ra, hắn chưa thấy gia đình Nguyên đến thăm nó một hôm nào, kể từ khi hắn biết nó. Ra là có chuyện như thế.
– Anh là bác sĩ của Nguyên phải không ạ?
– Ừ.
– Nhờ anh chăm sóc hộ cậu ấy. Có gì mong anh bỏ qua. Bản chất cậu ấy tốt lắm. Quả thực là trước em chẳng bao giờ thấy cậu ấy mở miệng chửi thề một câu nào. Thế mà bây giờ, hở ra là chửi. Chắc trong người mệt mỏi thì người ta thế, anh nhỉ.
Dương ừ đại khái với cô gái, thoáng thấy cô gái có gì đó rất buồn, một nỗi buồn không liên quan đến lòng thương người.
– À dạo trước Nguyên có một người bạn thân lắm. Mà sao bây giờ không thấy nữa.
Một chị y tá lên Lưu cũng nói như vậy với Dương.
– Hồi đầu, nó có một thằng bạn dễ thương lắm. Chị y tá tủm tỉm cười. Xinh xinh, nói giọng lơ lớ nửa Bắc nửa Nam. Cậu ta ở đây suốt mấy hôm, cứ ngủ ngoài hành lang. Sau tự nhiên một hôm không đến nữa.
Hắn thoạt nghĩ đến việc Nguyên dở tính không hẳn chỉ vì chuyện đau đớn trên người. Nếu thực sự như Nguyệt nói, thì từ một người như thế mà thành ra như bây giờ, thì chắc chắn phải trải qua một sự kiện rất lớn, và có lẽ không chỉ là một chuyện. Đột nhiên hắn cảm thông phần nào với nó và muốn tới bên vỗ vai động viên nó. Nhưng chỉ vừa bước vào phòng nó đã cười khẩy với hắn:
– Êu. Đốc tờ Xuân không đi theo bám váy quý bà Văn Minh đi còn ở đây làm gì?
Tiện tay hắn bạt tai cho nó một phát.