1941 - Chương 1
“Nhưng đằng nào thì cũng chết cả thôi Dmitri yêu dấu ạ, rồi cả hai chúng ta sẽ bỏ xương tàn lại nơi này, một nơi thăm thẳm dưới lòng đất không ai biết đến sẽ thành cái mộ chung của hai chúng ta! Tôi nhìn Dmitri, mỉm cười. Không hiểu sao, anh không còn đáng ghét chút nào nữa. Thậm chí là đáng yêu. Tại sao tới bây giờ, tôi mới nhận ra nét dễ thương của anh? Giá như anh là con gái thì nãy giờ tôi đã chẳng thiết gì tới ăn uống nữa.”
———————————-
Lời nói đầu
Chào các bạn độc giả!
Tôi là Dmitri Mikhailovich Stoyanovich, nhân vật chính của truyện mà các bạn sắp đọc đây. Được ra mắt độc giả, tôi mừng lắm!
Tôi được xây dựng nên với tư cách là một người lính Xô Viết. Tuy nhiên tác giả tạo ra tôi lại là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam và chưa một lần rời khỏi Việt Nam, nên dù đã điên cuồng tìm hiểu về lịch sử, hoàn cảnh, văn hóa, con người Liên Xô (đến nỗi chú ấy bị gọi là “lậm”) vẫn không thể nào chuyển tải được một cách hoàn chỉnh cái thời mà tôi sống, cho nên… chà, chỉ mong độc giả có những ý kiến phản hồi tích cực để chú nhà văn rởm này viết cho khá khẩm lên. À mà cũng cần chú ý: nhờ chú ấy hối lộ thế nào mà tôi mới trốn thoát khỏi quân ngũ, chứ trong thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi mà bị bắt thì chỉ có xử bắn!
Tuy tôi xưng nhân vật chính nhưng đảm nhận vai trò kể chuyện sẽ là đồng chí Yuri Sergeyev Vassilizukov. Anh ấy là người nghiêm túc, kỹ tính, ít nói, tính cách kiên định, chứ không nói nhiều, thất thường và nóng nảy như tôi. Và, uhm, tôi rất thương anh ấy. Đó gọi là gì, tình bạn, tình đồng đội? Các bạn cứ đọc xem.
Truyện này đặc biệt ở chỗ có hai kết thúc. Dĩ nhiên là bạn có thể đoán kết thúc nào đã thực sự xảy ra, vì tôi còn đang viết cơ mà! Nhưng dù bạn thích cái nào, cũng xin hãy đọc kỹ lưỡng tác phẩm này, để tôi có dịp vinh hạnh được giải trí cho các độc giả, và cũng vì chú tác giả đáng thương đã bỏ mấy tuần liền quên ăn quên ngủ để viết.
Thôi, tôi lén Yuri thức khuya nhiêu đấy là quá đủ. Đọc đi cho rồi, nhá!
————————————–
Một
Xin chào!
Tôi là Yuri Sergeyev Vassilizukov , một người lính bình thường trong Hồng Quân Liên Xô. (1)
Nói “bình thường” nghĩa là tôi không phải là một sỹ quan. Chỉ là một anh lính quèn mà thôi: tôi có chết, cũng chẳng ai chú ý. Cái chết của tôi thấm vào đâu so với quân số khổng lồ của Hồng Quân! Và nếu tôi có phải chết, chắc tôi sẽ không phải chết cô đơn: Từ ngày Ba Lan thất thủ đến ngày Nhật đầu hàng, đã có hơn 22 triệu đồng bào của tôi nhập cảnh Cộng Hòa Liên Bang Âm Phủ! Trải qua 6 năm chiến tranh thế giới thứ hai, tôi còn lạ gì cái cảnh chém giết điên cuồng, cả trong và sau trận đánh!
Ấy nhưng, tôi vẫn chiến đấu. Chiến đấu cho ai, chiến đấu vì cái gì? Tôi cũng không rõ. Cái radio duy nhất của tiểu đoàn vẫn hay gọi là “cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ dân tộc khỏi sự diệt chủng của quân phát xít Đức”. Tôi không rõ diệt chủng là cái quái gì. Nhưng nghe cái radio kể thì tôi căm thù bọn phát xít Đức ấy lắm. Chúng tràn vào thị trấn, cướp bóc hoa màu, gia súc, quần áo ấm, thẳng tay tiêu diệt những đảng viên Cộng sản (Tôi cũng nằm trong số đó! Người ta tuyển những đoàn viên Komsomol ưu tú mà), người Zigan, người Do Thái. Những kẻ thiếu may mắn bị bắt làm tù binh thì bị bắt lao động khổ sai, chết đến quá nửa. Nông dân vốn đã không đủ ăn, nay lại phải nộp hết lúa gạo của mình cho bọn xâm lăng đến nỗi phải chết đói.
Nhiều đêm, tôi vẫn hay nhớ về quê nhà của tôi, thị trấn Mainchekoff. Đó là một thị trấn nhỏ, rất nhỏ, nằm ở phía tây thành phố Saknt Petersburg cổ kính, chỉ cách biên giới Phần Lan mười dặm. Aaaa… đó là thiên đường tuổi thơ của tôi. Tôi nhớ sao những buổi sáng tinh sương, tôi thức dậy thật sớm để ngắm bình minh lên, rồi tôi thích đi dạo trong vườn, hay ven bìa những cánh rừng taiga bạt ngàn ngăn cách đất Nam Karelia với phần còn lại của nước Nga, để cho tiếng chim réo rắt, hơi gió nồng nàn và khung cảnh dịu êm thấm đẫm tâm hồn thơ bé, để sau này chúng trở thành những kỷ niệm không thể nào quên. Tôi cũng nhớ những buổi trưa hè nắng ấm áp sau khi tan trường, bọn con trai chúng tôi đùa nghịch trên những quả đồi xanh mượt hiền lành như bà mẹ, hay tát nước vào mặt nhau trên con suối nhỏ dịu dàng trôi một cách chậm chạp và nhẫn nại như một người chị gái. Tôi cũng nhớ ánh trăng vằng vặc êm đềm rọi soi thị trấn Mainchekoff bé nhỏ trong những đêm trắng mùa hạ, lúc cả nhà ngồi quây quần bên nhau, trên sân thượng hay trước hiên nhà, anh cãi nhau với em trai, chị la rầy em gái, bố mẹ ngồi nhìn rồi cười mỉm thích thú. Chao, tôi nhớ cái gia đình của tôi, nhớ cái nơi chôn nhau cắt rốn của tôi quá.
Lúc tôi còn bé, gia đình tôi khá sung túc. Gia đình tôi đông anh chị em, mà tôi lại là đứa út cho nên từ bé tôi được cưng chiều, chẳng phải động móng tay đến bất cứ việc gì, tôi cứ lo học. Tôi học rất khá – mấy giải học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Pháp, tiếng Đức cấp hạt, cấp tỉnh, cấp Nga ở Saint Petersburg tôi đều giựt giải, thậm chí tôi còn được dự kỳ thi học sinh giỏi cấp Liên Bang ở Moskva (chỉ tiếc là giữa chừng bị bệnh…) Đến năm 19 tuổi, tôi đi lính để hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi vào đại học. Rồi chiến tranh Xô Đức bùng nổ. Tôi quyết định tại ngũ để cùng tham gia bảo vệ Tổ quốc Liên Xô… và bảo vệ ngôi làng nhỏ bé của tôi nữa. Tiếc thay… hồi Giáng sinh năm ngoái, tôi xin đồng chí tiểu đoàn trưởng về thăm quê. Anh ta nói thẳng thừng “Về quái gì mà về! Liên quân Đức-Phần Lan đốt sạch, giết sạch cái làng rách rưới đó rồi còn cái giống gì đâu mà về!”.
Từ đó, tay tôi siết cây súng chặt hơn.
Vào một chiều xuân 1941, có một người lính mới nhập ngũ được vào tiểu đoàn của tôi, lúc đó đóng ở cương giới thành phố Voronezh. Đó là một thanh niên xứ Ukraina, nói giọng Kiev (tiếng Nga anh ta cũng nói bằng giọng Kiev nốt), dáng người bé nhỏ, đôi môi luôn luôn mỉm cười, với đôi mắt như cực âm và cực dương của nguồn điện: chúng cứ chớp mãi không ngừng, phát ra những tia tinh nghịch, vui vẻ, đôi lúc ranh ma và bí ẩn. Tóc anh đen mượt – chắc anh thích lắm nên cứ vuốt mãi, gương mặt anh hài hòa và cân đối, với nước da trắng trẻo, rõ ràng anh là dân thành thị. Qua vài lời miêu tả sơ sài này, tôi hy vọng bạn có thể biết là anh rất đẹp trai: dưới ánh nắng buổi chiều vàng óng, anh trông như một thiên sứ vừa được Chúa trời đặc phái xuống. Sau khi làm những màn thủ tục rườm rà (Hừ, làm gì trước sau cả bọn chẳng ăn chung ngủ chung chết chung thôi!) anh đến ngay trước mặt tôi, chào tôi một cách thật dễ thương và bắt tay tôi thật chặt đến nỗi bàn tay tôi tấy đỏ khi anh buông ra:
“Đồng chí! Mình là Dmitri Mikhailovich Stoyanovich, sinh năm 1920! Rồi sẽ còn nhờ đến đồng chí nhiều! Hết!”
Khỏi nói cũng cần biết tôi ngượng đến cỡ nào. Cả người tôi nóng ran lên, chỉ ậm ừ được mấy tiếng trong cổ họng, gật đầu vài cái khô khan, rồi đợi anh ta đi khỏi, tôi lầu bầu dăm tiếng nguyền rủa độc địa nhất mà tôi có thể nghĩ ra.
Mấy ngày sau, anh ta bắt đầu làm quen với cuộc sống quân ngũ, và như để tìm một chỗ dựa, anh ta luôn bám lấy tôi. Hoặc là anh ta khùng, hoặc là anh ta quá thiếu tự tin, hoặc là anh ta có thủ đoạn ngầm nào đó mà tôi chưa biết được, anh ta coi tôi như thầy giáo và làm theo bất cứ những gì tôi làm, để rồi đưa ra mấy câu hỏi kì quái nhất mà hai mươi ba năm nay tôi chưa nghe lần nào.
“Yuri này, mình thấy ở Kiev người ta không ăn bốc như vầy. Kiểu quân đội à?”
“Yuri ơi, có bắt buộc phải mang giày thắt nút kiểu này không?”
“Yuri à, phải làm rớt súng như vậy mới được hả?”
Tôi gào lên:
“Mắc cái gì mà đồng chí nói nhiều vậy hả Stoyanovich? Tôi làm rơi cây súng mà cũng để ý là sao?”
Anh ta gãi đầu:
“Hì hì… thì mình tưởng…”
Tôi quắc mắc:
“Tưởng cái con khỉ khô.”
Mỗi lần như thế, Dmitri lại nhìn tôi theo kiểu “Ai biết đâu, làm gì dữ vậy?” rồi mỉm cười ranh ma.
Mùa xuân năm 1941 kết thúc cũng là lúc chúng tôi phải ra đi! Ừ, ra đi trên đường vệ quốc! Vào Mặt trận Tây Nam của quân đội Xô Viết, đóng tại Ukraina! Con đường từ thành phố Voronezh đến miền Tây Ukraina dài ơi là dài: có những chuyến hành quân giữa đêm khuya, đi dưới bầu trời đầy sao của đất Nga, tay vẫn phải cầm chắc khẩu súng mặc dù biết rằng quân địch còn cách xa hàng vạn dặm ; những chuyến tàu đêm với âm thanh của đoàn xe lửa làm tôi nhớ lại những bài hành khúc của Shostakovich mà ban quân nhạc hay diễn tập lúc mọi người đã ngủ, đi qua những cánh rừng bạch dương, lâu lâu lại thấy một chú gấu con còn sống sót trước sự bành trướng của con người. Tôi đã ở trong quân ngũ được ba, bốn năm, đã từng chu du đến những miền Siberia xa xôi cằn cỗi, từng đóng quân trên dãy Ural cao diệu vợi, từng khó ngủ trong những đêm trắng đất Arkangelsk, nên những cảnh này chẳng lấy gì làm lạ, nhưng Dmitri thì ngược lại: anh háo hức như một đứa trẻ trong chuyến đi chơi xa, gặp cái gì có vẻ là lạ thì “Yuri, lại đây mà coi nè!”. Anh ta nói, anh ta sinh sống ở Kiev từ bé, nên trừ chuyến tàu chở anh đến đơn vị của chúng tôi, anh chưa từng đi đâu xa cả.
Buồn thay! Hồng quân không đọ được với phát xít Đức đang sung mãn trong màn mở đầu của cuộc chiến tranh Xô Đức máu lửa không bút mực nào tả xiết. Quân Đức cứ tấn công, cứ tiến. Ta cứ đánh trả, ta cứ lùi! Lùi dần mãi cho đến Kiev! Khi tiểu đoàn chúng tôi về đến Kiev, quân Đức đã làm chủ một vùng rộng lớn của Liên Xô, tất cả các nước cộng hòa phía Tây (2) trừ phần Đông Ukraina đều đã bị Đức chiếm đóng. Hồng Quân bị thiệt hết một triệu người chỉ trong nửa tháng. Đi tới đâu, người dân Ukraina cũng nhìn chúng tôi với đôi mắt như đang nói “Cho đáng đời tụi Nga vô dụng!” Chắc họ đã có người thân chết trong nạn đói Holodomor khủng khiếp năm nào. (3)
Sau nhiều trận thua te tua như vậy, Hồng Quân quyết định bảo vệ thủ đô Kiev của Ukraina bằng mọi giá – nếu không toàn bộ Ukraina sẽ rơi vào tay giặc dễ dàng, tạo điều kiện cho quân phát xít tiến vào lãnh thổ Nga. Khỏi cần phải nói cũng biết anh chàng Dmitri hăng hái cỡ nào. Anh xung phong ra tuyến đầu, vừa bắn vừa lẩm bẩm một mình:
“Má… bây bắn dở như con khỉ múa lụa! Làng chàng lợn chợn kiểu này đòi đánh đấm gì ai hả?”
Và anh ta lại làm rớt cây súng xuống đất…
…Thực ra thì có đặt, không phải một mà là hàng chục triệu ngón chân kia. Quân Đức tràn vào Kiev, bắn, phá, phá, bắn! Bắn như những con quỷ điên cuồng, chỉ muốn thấy có kẻ phải chết để thỏa mãn nỗi khát máu. Thành phố Kiev cổ kính như vào mùa mưa – những cơn mưa lửa đạn khốc liệt dội uỳnh uỳnh như muốn xé mặt đất ra làm hai. Trước tình hình đó, tổng tư lệnh Zhukov ra lệnh cho Hồng quân phải rút về biên giới nước Nga. Dmitri đã gào lên khi nghe lệnh rút quân “Zhukov là cái gì mà bắt tôi phải rời Kiev?!” Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy nụ cười biến khỏi làn môi mỏng của anh. Tôi bèn đặt anh xuống ghế và thuyết giáo về chiến thuật:
“Đồng chí muốn chết hả? Không rút lui thì chỉ có chết!”
“Nhưng… mình không thể bỏ mặc mảnh đất này… nó là…”
“Đừng có nghĩ cho bản thân! Hãy nghĩ cho toàn bộ đất nước Xô Viết!”
Dmitri tròn mắt nhìn tôi. Tôi tiếp tục:
“Nếu bây giờ đồng chí cứ ở ngoan cố ở đây, khác nào đồng chí quẳng đi sinh mạng của mình! Đồng chí sẵn lòng vứt đi cuộc sống chỉ để đổi lấy một kết cục chắc chắn là Kiev sẽ bị xâm lăng sao? Sinh mạng của đồng chí không còn là của đồng chí nữa từ ngày đồng chí nhập ngũ: Nó là tài sản của của đất nước! Và tôi không cho phép đồng chí phá hoại tài sản đất nước.”
Tôi cay đắng nói thêm:
“Không phải là tôi không hiểu đồng chí đang nghĩ gì. Chính bản thân tôi đây cũng phải chứng kiến cảnh quê nhà bị tàn phá trong chiến tranh. Chắc đồng chí không biết cái làng nhỏ xíu tên Mainchekoff ở xứ Nam Karelia đâu nhỉ?”
Bỗng nhiên mặt Dmitri trắng bệch. Anh ngồi thừ người ra vài giây, rồi lặng lẽ lắc đầu. Cuối cùng anh nói: “Thôi được, Yuri, Yuri nói gì mình cũng nghe.”
Tiếc thay, không dễ dàng gì trốn cái chết như vậy. Sau khi Zhukov ra lệnh một ngày, lại có lệnh của thủ tướng Stalin (4) : Mặt trận Tây Nam phải tử thủ Ukraina! Đồng chí Stalin quả là một người có tài, chỉ phải cái tội cố chấp, chỉ cho mình là đúng! Rồi cuộc chiến này sẽ ra sao? Liên Bang Xô Viết yêu dấu rồi sẽ đi về đâu?
Và, vậy là trận đánh đã diễn ra. Chuyện Đức hành quân thế nào thì tôi không được rõ – dù sao, tôi cũng chỉ là một tên lính quèn, cấp trên ra lệnh thế nào thì đánh thế ấy thôi! Cho nên tôi đã chiến đấu hết sức, để bảo vệ Kiev và bảo vệ cả chính mình nữa! Ukraina lại sắp sửa chứng kiến hàng chục vạn người chết một cách vô ích, và tôi phải chiến đấu hết mình để tránh bị liệt vào danh sách đó!
Thành phố Kiev nhanh chóng bị vây khốn. Những công trình cổ kính đẹp nhất Ukraina đang bị những khẩu súng phun lửa liếm vào, chảy như cây kem trong tay những đứa trẻ háu đói. Trên đầu, không quân Đức bay mịt trời, điên cuồng ném bom. Ngồi trong chiến hào mà lòng tôi không yên: một nửa số quân Đức được đưa vào Liên Xô đang tấn công Kiev đấy! Màu xám của quân phục Đức lấn dần màu xanh của quân phục Hồng Quân, đệm thêm màu đỏ loang lổ. Cứ chừng chục giây lại thấy có một đồng chí ngã gục. Tiếng súng liên thanh bắn rào rào, tưởng chừng như có một trận mưa đá đang dội xuống những cánh đồng lúa mì khô khốc của xứ Ukraina. Cứ mỗi phát súng, tôi lại làm dấu thánh giá “Xin Đức Chúa hãy tha cho con, cho Kiev và cho cả số phận của Liên Bang Xô Viết!” Rồi tôi nhìn sang bên cạnh.
“Yuri, sao dừng lại vậy? Bắn tiếp đi chứ!” Dmitri nghiến răng, tay vẫn cầm chặt khẩu súng bazooka, phóng một phát đạn với tiếng réo kinh hồn về phía một chiếc xe tăng đang lăm lăm hướng tới.
“Stoyanovich, đồng chí đừng gắng sức quá, giãn cơ ra một chút. Đồng chí gồng như vậy sẽ không bắn được nhanh đâu.” tôi khuyên. Quả thật, Dmitri đang cố giơ khẩu súng lên cao, và vì vậy anh ta thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại, nhưng vẫn bắn không ngơi nghỉ lấy một giây.
“Cám ơn Yuri. Nhưng mình muốn bắn thật nhanh để quân Đức không kịp trở tay!” Dmitri vừa nói vừa giơ nòng khẩu súng lên trời. Anh lại định làm trò gì thế? Một chiếc trực thăng đang bay ngay trên đầu anh, với một khẩu súng chìa ra, chĩa thẳng vào tôi!
ĐÙNG! Cây súng bazooka, một loại súng chống tăng đã trở thành… ơ … pháo cao xạ? Chiếc trực thăng nổ tung trong vài giây.
“…Sto…Stoyanovich…”
“Một bài học cho Yuri vì lơ là trong chiến đấu! Thôi, bắn tiếp đi, kẻo mình không cứu được Yuri lần nữa đâu!”
Dám lắm.
Một quả bom bay vèo tới chúng tôi, nổ tung giữa không trung. Sức công phá của nó thật khủng khiếp. Tòa nhà ở gần chúng tôi nhất bị phá tan tành ngay khi chúng tôi vừa nằm mọp xuống để tránh thương vong. Đất dưới chân chúng tôi như rung chuyển dưới sức ép của thuốc súng. Và rồi nó rung chuyển thật: đất dưới chân tôi sập xuống! Có cái gì bay đến, chụp lấy tôi, tuy vậy chấn động vẫn quá mạnh, làm tôi bất tỉnh.
Lúc tôi mở mắt ra, cảnh vật xung quanh tối om. Tôi vẫn còn sống: ít ra thì cũng đáng mừng, và hơn nữa, hầu như không bị xây xát gì cả. Cái cảm giác duy nhất mà tôi nhận ra là mình đang bị ai đó ôm rất chặt.
Chắc chắn là Dmitri Stoyanovich rồi, anh ta thích trò ôm ấp lắm.
Tôi cố gỡ Dmitri ra, tìm trong túi và thấy một que diêm. Tôi bật lửa lên.
Tôi nhận thấy chúng tôi đang ở trong một địa đạo. Trên vách có cả những bó đuốc, nhưng trông chúng cũ kỹ như thể đã bị bỏ phế mấy năm nay rồi. Có một đôi chỗ có khe nước rỉ ra, vài con dơi thỉnh thoảng lại bay ngang, vục đầu vào đó uống một cách thèm khát. Tôi châm que diêm vào một bó đuốc để cho mọi thứ sáng rõ hơn. Và cảnh tượng mới làm tôi kinh hoảng.
Người Dmitri đầm đìa máu, mặt anh trắng bệch.
Tôi vội vàng rút chiếc khăn mùi xoa ra lau máu cho anh. Tại sao ngực anh ta không phập phồng nhỉ? Anh ta ngủ ngáy như sấm mà? Lòng tôi chợt gợn lên nỗi bất an.
Tôi run rẩy đặt tay lên mũi anh.
Dmitri tắt thở rồi!!!
Tắt thở, nghĩa là chết đấy!!!
Có lẽ nào? Mới chỉ lúc nãy thôi, Dmitri còn bắn hạ một chiếc trực thăng để cứu mình…
Một cảm xúc kì lạ quấn lấy tôi. Bình thường, tôi rất ghét anh. Anh bám theo tôi, mọi lúc, mọi nơi, làm cho tôi chẳng còn lấy một phút riêng tư cho chính mình. Khó chịu đến mức có lần tôi đã rủa thầm tại sao anh không chết đi cho rảnh nợ. Nhưng bây giờ…
“Đồng chí Stoyanovich, sao đồng chí lại bỏ tôi sớm thế?”
Miệng tôi khô đắng, và cục yết hầu bỗng trở nên quá to làm tôi nghẹt thở.
Bỗng tai tôi nhận ra một tiếng rất quen thuộc, ngày xưa đi học thể dục tôi vẫn thường nghe.
Thình thịch.
Tiếng tim đập?
Tim Dmitri vẫn còn đập?
Vậy là anh ấy chưa chết?
Tôi cố gom hết kiến thức sơ cấp cứu mà mình đã học ở quân ngũ ra. A… nếu đã ngừng thở thì phải hà hơi thổi ngạt để tránh việc thiếu oxy làm chết não…
Mà hà hơi thổi ngạt thì phải thổi vào miệng, đúng không?
Ơ… thế là phải… Mà cả đời mình chưa làm thế với ai cả… Mình không muốn…
Mặc kệ, mạng sống con người quan trọng hơn.
Tôi cúi mặt xuống. Dù bằng bất cứ giá nào, cũng phải cứu Dmitri – anh ta đã trở nên vô cùng quan trọng đối với tôi từ khi nào không hay. Đúng vậy, không thể để mất anh ấy được… từ lúc mình vào quân đội, chưa ai quan tâm đến mình như anh ấy, chưa ai quấn quýt mình như anh ấy, chưa ai dám liều mạng cứu mình như anh ấy… Thôi thì chạm môi với một thằng con trai cũng chả sao. Khỉ thật!
Tôi hớp một hơi dài không khí, và thổi vào miệng Dmitri.
Tôi chưa từng thực hiện việc này trước đây. Nhưng tôi cũng cam đoan là một người ngừng thở không thể nào tỉnh dậy chỉ bằng một hơi thổi.
Nhưng Dmitri thì có. Anh ta mở mắt ra, và lập tức nhảy dựng, la lên bằng tất cả sức lực còn lại:
“Yuri!”
Rồi anh ta đỏ mặt, nói thều thào: “Làm gì… mình… vậy? Yuri đ…định…”
Mặt tôi cũng nóng ran “Thì… đồng chí bất tỉnh, tôi định làm hô hấp nhân tạo ấy mà…”
“Vậy à…” Dmitri vẫn ráng mỉm cười, trán nhíu lại, anh thở dốc. Dáng anh đứng không vững nữa. Chắc là chân anh ta bị thương rồi. Tôi vội vàng đỡ:
“Đồng chí đừng gắng sức nữa, để tôi cõng.”
Chúng tôi đi dọc địa đạo – đúng hơn là chỉ có tôi đi thôi, Dmitri đang bám vào vai tôi, chốc chốc khẽ rên, và bấu chặt hơn. Cứ chục bước, tôi lại tìm thấy một bó đuốc, và châm lửa vào: chắc chắn địa đạo này đã được bàn tay con người can thiệp. Càng đi, lối của địa đạo càng rộng ra. Tôi cảm thấy Dmitri sau lưng đang bẻ tôi đi về phía bên trái, và tôi đành làm theo ý anh ta.
Cuối cùng, chúng tôi đặt chân vào một căn phòng. Thật sự là một căn phòng: nó đã được xây dựng hoàn chỉnh, quét vôi tường, có giường ngủ, tủ áo, bàn ghế, kệ sách, radio… như thể thật sự có người sống ở đây. Cho cái giả thuyết “có bàn tay con người can thiệp” điểm năm (5) nhé! Không gian có vẻ hơi bừa bộn: sách vở bị vứt lung tung, mạng nhện bủa giăng mọi ngóc ngách. Hẳn là căn phòng này cùng thời với những bó đuốc ngoài kia. Trên bàn còn có một tờ nhật báo, ghi ngày phát hành năm 1939, giật cái tít thật to “Quân Đức đã tấn công Ba Lan. Warsawa thất thủ!”
Dmitri khẽ kêu lên “A… đây… đây là…”
Tôi thả anh xuống giường, đặt một ngón tay lên môi anh ta, và nói khẽ:
“Đồng chí đang mệt. Cứ nằm đây nghỉ cho lại sức, tôi sẽ tìm trong đống đổ nát này xem có bông băng y tế hay cái gì tương tự không.”
Tôi dỡ từng chồng sách báo nằm la liệt dưới đất ra, và bắt gặp cả một ổ chuột đang chạy tán loạn. Tôi mở những cái tủ áo, chúng đều trống trơn cả. Chợt tôi thấy một cái hộp, bên trong có bông gòn, thuốc đỏ, cồn, băng cá nhân. Tất cả đều đúng những cái tôi cần! Và trong cái hộp còn có một cuốn sổ tay nho nhỏ màu nâu đỏ, trông kỳ quái, bìa có vẻ được may bằng một loại da thuộc sần sùi.
Tôi vứt cuốn sổ sang một bên, và được Dmitri đáp trả bằng một cái nhìn tóe lửa khó diễn tả bằng lời. Tôi vội vàng lượm nó lên, và xách đống đồ y tế đến chỗ anh chàng bệnh nhân vốn-dễ-nay-khó tánh.
Lấy bông gòn thấm máu xong, tôi bắt đầu sát trùng. May thay, mấy chai cồn này chưa hết hạn – coi bộ tốt như hàng Đức nhập lậu ấy. Tôi thấm một ít vào miếng bông gòn và chấm vào miệng vết thương, Dmitri gào lên. Tôi dỗ:
“Stoyanovich, ngoan nào, rồi sẽ ổn cả thôi…”
Anh ta nói giữa những hơi thở dồn dập:
“Phiền Yuri… đưa mình cuốn sổ… không… bỏ vào trong túi áo mình đi… cám ơn…”
Tôi nhìn Dmitri chòng chọc, và được anh ta đáp trả bằng một nụ cười mệt nhọc, như muốn nói “Cứ làm đi rồi mình thưởng, nhé?”
Một chốc sau, Dmitri đã ngủ. Những tiếng ngáy yếu ớt của anh làm căn phòng rung rung lên trong sự nhức nhối khó tả. Tôi cố dọn dẹp căn phòng một chút, và nhân đó thử đánh giá xem chủ căn phòng là người ra sao. Những cuốn sách vứt vãi đa phần là tiểu thuyết, truyện ngắn các loại, nhưng cũng có nhiều cuốn nói về chính trị: “Chủ nghĩa đế quốc – tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, “Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” v.v… Có cả một quyển Mein Kampf (6) – quyển sách “thánh” của chủ nghĩa phát xít đã bị cấm ở Liên Xô. Trong căn phòng có một ít đồ hộp, nhưng dĩ nhiên chúng đã quá đát từ lâu. Tuyệt nhiên không thấy một bộ quần áo nào – có lẽ chủ nhân của căn phòng này đã định bỏ đi khỏi đây và không bao giờ trở lại. Trong góc phòng có một cái túi, trông giống như giỏ rác. Tôi mở nó ra, định vứt mớ bông băng thấm đầy máu. Một vật gì trông như tấm thẻ đập vào mắt tôi. Tôi bèn lượm nó lên.
Nội dung của nó làm tôi kinh hoàng.
Thấy Dmitri đã ngủ, tôi len lén đi trên đầu ngón chân đến chỗ anh, khẽ rút cuốn sổ nhỏ ban nãy ra khỏi túi áo, và đọc thử.
…Thôi đúng rồi!!!
Một cảm giác ghê sợ lan chảy trong cơ thể tôi, như một liều thuốc độc theo mạch ngấm thẳng vào máu.
Cuốn sổ đó là nhật ký theo dõi của một điệp viên. Tấm thẻ nền đỏ, vẽ hình chữ thập ngoặc đen(7), gắn ảnh chụp một người thanh niên có gương mặt rất đỗi quen thuộc. Nó ghi một cái tên viết bằng tiếng Đức “Dmitri Mikhailovich Stoyanovich.”
———————————–
(1) Người Nga đặt tên trước (Yuri, Dmitri) chữ lót ở giữa (Sergeyev, Mikhailovich) và họ sau (Vassilizukov, Stoyanovich) trong đó cái tên nào cũng bắt buộc phải có chữ lót, và chữ lót thường là lấy tên của cha cộng thêm “in”, “yn”, “ov”, “ev”, “ovich” với nam hoặc “ina”, “yna”, “ova”, “eva”, “ovna” với nữ… Ngày nay, đa phần người Nga đều dùng “ovich” hoặc “ovna” cho chữ lót.
(2) Liên Bang Xô Viết có 15 nước cộng hòa, trong đó nước Nga là trung tâm và là nước cộng hòa lớn nhất. Phía Tây là 3 nước cộng hòa Baltic, Belarus và Ukraina. Phía Nam là Armenia, Arzecbaizan, Gruzia, Turkmenistan, Kyrgystan, Kazazhstan, tùm-lum-thứ-stan v.v…
(3) Holodomor là nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Ukraina, xảy ra vào những năm 32-33. Nguyên nhân chủ yếu do thiên tai kéo dài, chính sách tự cấp tự túc và chuyển đổi lao động cưỡng bức của chính quyền Xô Viết. Thiệt hại về nhân mạng lên đến gần 7 triệu người. Thực ra, đó là do Yuri còn chưa hiểu rõ được sự thống trị của người Nga đối với các dân tộc ở phía Tây hàng thế kỷ là như thế nào.
(4) Nhà độc tài Iosif Stalin, người Gruzia, một trong những nhà cách mạng hàng đầu của Liên Xô kể từ thời cách mạng tháng Mười Nga. Từ sau cái chết của Lenin năm 1924, Stalin là người nắm giữ quyền lực tối cao ở Liên Xô, một mình ông kiêm ba chức vụ tổng tư lệnh quân đội, thủ tướng chính phủ và tổng bí thư đảng Cộng Sản. Stalin cũng là người có công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Liên Xô trở thành siêu cường thứ hai của thế giới. Vì vậy nhân dân Liên Xô, kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ, đều tôn thờ ông. Ngoài ra, theo dư luận phương Tây, các chính sách của Stalin đã gây cái chết cho ít nhất 14 triệu người. Sử dụng từ “thủ tướng” ở đây là vì ông là nhân vật nắm quyền lực cao nhất trong lịch sử Liên Xô : Bí thư thứ nhất, Thủ Tướng, Tổng tư lệnh quân đội…
(5) Ở Liên Xô cũ, điểm năm là điểm tối đa (như điểm 10 ở Việt Nam).
(6) Mein Kampf (tiếng Đức của “Cuộc tranh đấu của tôi”) là tựa đề tiếng Đức của quyển sách do Adolf Hitler làm tác giả bắt đầu từ năm 1924, trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông về Đế chế Đức một khi ông ta lên nắm quyền. Tư tưởng cốt lõi của Hitler đã định hình từ thời tuổi trẻ của ông ta ở thủ đô Vienna nước Áo. Khi rời Vienna để đi đến Đức vào năm 1913 ở tuổi 24, đầu óc Hitler đã sục sôi đầy chủ nghĩa quốc gia Đức, ác cảm với nền dân chủ, chủ nghĩa Mác-xít cùng người Do Thái, và lòng tin rằng Ơn Trên đã chọn giống dân Aryan, đặc biệt là người Đức, là chủng tộc ưu việt.
(7) Chữ thập ngoặc (Swastika) là một biểu tượng trong các tôn giáo của người Aryan như Hindu, Phật Giáo… nhưng đã được Hitler khôn khéo sử dụng với tư cách biểu tượng của Đức Quốc Xã. Hiện nay ở phương Tây, chữ thập ngoặc chỉ biểu thị ý nghĩa này.